Phát triển công nghiệp công nghệ số chìa khóa để Việt Nam bứt phá
Truyền thông - Ngày đăng : 07:48, 09/08/2024
Phát triển công nghiệp công nghệ số chìa khóa để Việt Nam bứt phá
Phát triển và làm chủ được công nghệ số sẽ đóng vai trò then chốt trong quyết định vị thế, sức mạnh của các quốc gia, dân tộc trên trường quốc tế trong mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội, chính trị và an ninh, quốc phòng. Nhiệm vụ trước mắt chúng ta phải hoàn thiện các chính sách để bảo đảm phát triển công nghiệp công nghệ số ổn định và bền vững.
Cần thiết để bứt phá công nghiệp công nghệ số
Theo báo cáo của tổ chức The Global Market Model công bố ngày 11/5/2023, công nghiệp công nghệ số toàn cầu năm 2022 có giá trị thị trường khoảng 7.989,7 tỷ USD, trong đó phân khúc lớn nhất của thị trường là dịch vụ công nghệ thông tin chiếm 40,5%. Tốc độ tăng trưởng kép hàng năm dự kiến (CAGR) trong giai đoạn 2022–2032 là 8,4%.
Cũng trong báo cáo công nghiệp hóa trong kỷ nguyên số của UNIDO, Việt Nam được xếp trong nhóm các nền kinh tế tiêu dùng công nghệ số, trong số 40 nền kinh tế chủ động theo đuổi Công nghiệp 4.0. Nhập khẩu thiết bị, công nghệ số của Việt Nam đứng thứ 15, xuất khẩu công nghệ đứng thứ 46 và hoạt động sáng chế đứng thứ 48 trong số 150 nền kinh tế.
Mặc dù được nhìn nhận đang có nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp công nghệ số nhưng theo các chuyên gia, lĩnh vực này của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế và cần đưa ra các cơ chế hành lang pháp lý cụ thể.
Để giải quyết các bài toán phát triển của Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số với mục tiêu thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển công nghiệp ICT, công nghiệp công nghệ số; tạo môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp này; đóng góp vào chuyển đổi số, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; khai thác hiệu quả, làm chủ các công nghệ chủ chốt của cách mạng.
Tầm quan trọng của Luật Công nghiệp công nghệ số
Trong đó dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số nêu rõ Nhà nước thực hiện các chính sách sau đây nhằm bảo đảm phát triển công nghiệp công nghệ số:
Ưu đãi về đất đai, thuế, tài chính, đầu tư và các cơ chế ưu đãi khác để phát triển ngành công nghiệp công nghệ số nhằm phát huy vai trò nền tảng cho phát triển các ngành công nghiệp khác, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tập trung chú trọng và có chính sách ưu đãi đặc biệt để thu hút đầu tư phát triển công nghệ số mới như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, internet vạn vật, chuỗi khối, thực tại ảo/thực tại tăng cường và các công nghệ số mới khác.
Khuyến khích phát triển công nghiệp công nghệ số theo hướng bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn, giảm tiêu hao năng lượng, giảm phát thải, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường, sản xuất sản phẩm, dịch vụ công nghệ số thân thiện với môi trường, hài hòa với tiêu chuẩn của các nước có nền công nghiệp tiên tiến, phát triển trên thế giới.
Huy động các nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu, thiết kế và làm chủ công nghệ trong ngành công nghiệp công nghệ số; nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp công nghệ số, tham gia vào những khâu có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu. Tập trung nguồn lực để phát triển một số sản phẩm công nghệ số trọng điểm, trọng yếu.
Tập trung đầu tư phát triển nguồn nhân lực công nghiệp công nghệ số; áp dụng cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt để đào tạo, thu hút, sử dụng có hiệu quả nhân lực công nghiệp công nghệ số; tăng cường chính sách đặt hàng đào tạo và thực hiện hỗ trợ tài chính của Nhà nước đối với cơ sở đào tạo và người học. Tạo điều kiện phát triển thị trường công nghiệp công nghệ số. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về công nghiệp công nghệ số.
Bện cạnh đó còn có các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động công nghiệp công nghệ số như: Lợi dụng hoạt động công nghiệp công nghệ số để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân gây thiệt hại đến tài nguyên, môi trường, sức khỏe con người. Làm trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc quan hệ đối ngoại của Việt Nam.
Sản xuất, truyền đưa, thu thập, xử lý, lưu trữ, cung cấp, trao đổi và chia sẻ dữ liệu công nghiệp công nghệ số trái với quy định của pháp luật.
Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ chiếm đoạt, chuyển nhượng, chuyển giao bất hợp pháp kết quả nghiên cứu, phát triển sản phẩm, dịch vụ công nghệ số.
Cản trở việc huy động nguồn lực công nghiệp công nghệ số phục vụ các hoạt động bảo đảm quốc phòng, an ninh, cơ yếu, khẩn cấp, phòng chống thiên tai của cơ quan Nhà nước hoặc người có thẩm quyền; cản trở hoạt động công nghiệp công nghệ số hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Về đảo đảm an toàn, an ninh trong hoạt động công nghiệp công nghệ số: Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng, pháp luật về an ninh mạng và quy định khác của pháp luật có liên quan trong hoạt động công nghiệp công nghệ số.
Dữ liệu phục vụ sản xuất sản phẩm, cung cấp dịch vụ công nghiệp công nghệ số thuộc phạm vi bí mật Nhà nước phải tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước, pháp luật về cơ yếu và pháp luật có liên quan.
Luật ban hành nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế đóng góp lớn vào kinh tế đất nước. Việt Nam trở thành môi trường thuận lợi nhất để nuôi dưỡng và phát triển doanh nghiệp công nghệ số. Phát triển trọng tâm là các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang sáng tạo, thiết kế, sản xuất tại Việt Nam. Từ đó góp phần xây dựng chính phủ số, động lực phát triển kinh tế số, xã hội số. Đồng thời, khẳng định giá trị pháp lý của công nghiệp công nghệ số; hình thành các quy định, chính sách để thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số. Thúc đẩy thông minh hóa các ngành công nghiệp qua việc đưa công nghệ số thâm nhập, hội tụ vào các ngành, lĩnh vực thay đổi phương thức làm việc, mang lại các giá trị mới, tạo ra cuộc cách mạng về thông minh hoá.