Sinh viên các nước ASEAN ứng phó với biến đổi khí hậu
Đời sống xã hội - Ngày đăng : 07:51, 19/07/2024
Sinh viên các nước ASEAN ứng phó với biến đổi khí hậu
Trại hè sinh viên AUN Summer Program, lần đầu được Mạng lưới các đại học ASEAN (AUN) tổ chức với 68 sinh viên từ 23 trường đại học trong và ngoài nước tham gia.
Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (ASEAN University Network–AUN) được thành lập vào năm 1995 theo sáng kiến của Hội đồng Bộ trưởng giáo dục các nước ASEAN. Các thành viên đầu tiên của Mạng lưới do Bộ trưởng Bộ Giáo dục các nước đề cử, trong đó Việt Nam có hai đại học quốc gia. Từ năm 2008, AUN trở thành cơ quan chuyên ngành cấp Bộ trưởng của ASEAN (ASEAN Sectoral Ministerial Body), đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy hợp tác khu vực trong lĩnh vực giáo dục đại học (GDĐH). Tính đến tháng 12/2015, mạng lưới này gồm có 30 thành viên chính thức và 27 thành viên liên kết (Associate Member); trong đó Việt Nam có 3 thành viên chính thức và 9 thành viên liên kết.
Kể từ khi thành lập, AUN không ngừng lớn mạnh với nhiều hoạt động đa dạng, hướng đến mục tiêu hài hòa hóa GDĐH khu vực, góp phần xây dựng cộng đồng ASEAN. Đến nay AUN đã triển khai hơn 30 chương trình, tập trung vào các lĩnh vực như: Hợp tác học thuật; Thúc đẩy trao đổi và giao lưu sinh viên; Tập huấn, nâng cao năng lực; Hội thảo & Hợp tác nghiên cứu; Hệ thống, cơ chế giáo dục đại học; Diễn đàn xây dựng chính sách khu vực và toàn cầu; Các mạng lưới chuyên trách (Thematic Networks).
Đặc biệt AUN xem chất lượng là một mục tiêu quan trọng. Chủ trương thành lập mạng lưới chuyên trách về ĐBCL của AUN (gọi là AUN-QA) đã được Hội đồng Quản trị AUN thông qua từ năm 1998 nhằm nâng cao chất lượng GDĐH khu vực để đạt được sự công nhận từ cộng đồng quốc tế và thúc đẩy hội nhập trong khu vực ở các lĩnh vực. Dạy và học, nghiên cứu, chia sẻ và chuyển giao tri thức thông qua việc tạo điều kiện liên thông và công nhận lẫn nhau giữa các trường trong khối ASEAN và với quốc tế.
Đến với trại hè, sinh viên sẽ được tìm hiểu về các tác động sâu rộng của biến đổi khí hậu đối với cả môi trường và xã hội, được giới thiệu lý thuyết và ứng dụng của nguyên tắc kinh tế tuần hoàn, các mô hình phát triển xanh với sự dẫn dắt và chia sẻ của các chuyên gia lĩnh vực môi trường, biến đổi khí hậu, kinh doanh của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và một số tổ chức giáo dục trong và ngoài nước.
Các chủ đề sinh viên đã được học trong Chương trình UN-VUNHCM Summer Program 2024: Tổng quan về biến đổi khí hậu, khoa học về biến đổi khí hậu; Tác động và triển vọng của biến đổi khí hậu ở Đông Nam Á; Biến đổi khí hậu tác động đến tài nguyên nước; Biến đổi khí hậu tương tác với chất lượng không khí; Biến đổi khí hậu và giải pháp dựa vào thiên nhiên: Giống lúa biến đổi khí hậu, lúa mùa nổi; Kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn: Giải pháp giảm nhẹ biến đổi khí hậu.
Bạn Ivy Niera Rubillar sinh viên Trường University of the Immaculate Conception (Philippines) sau gần 20 ngày tại Việt Nam tham gia trải nghiệm sự kiện cho biết chương trình mang đến cho các bạn nhiều kiến thức mới về biến đổi khí hậu, kinh tế tuần hoàn, các mô hình phát triển xanh. "Mình nhớ nhất là 2 chuyến đi đến Cần Giờ và Mỹ Hòa Hưng (An Giang), nơi mình thấy rõ những biến đổi và những cách người dân Việt Nam đang thích nghi từng ngày", Ivy Niera Rubillar nói.
Đặc biệt nhiều sinh viên trong nước và các nước bạn khá bất ngờ với những dự án thích nghi với biến đổi khí hậu của Việt Nam, như cách Cần Giờ xây dựng "phòng tuyến" rừng ngập mặn, cách một số tỉnh Đông Bằng Sông Cửu Long phát triển giống lúa chịu mặn.
Cũng theo Thảo Nguyên sinh viên Trường đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP.HCM) chia sẻ ngoài những kiến thức, kinh nghiệm về biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, một trong những điều quan trọng bạn thu nhận được sau trại hè là cách làm việc, cộng tác trong môi trường đa văn hóa.
Được biết nhóm của Thảo Nguyên có 6 thành viên, từ Việt Nam, Lào, Thái Lan, Campuchia, Myanmar, mỗi người có một chuyên môn và xuất thân từ nền văn hóa khác nhau.
"Tuy nhiên, chúng mình học cách cộng tác và cùng nhau triển khai những dự án về biến đổi khí hậu trong chương trình. Đây cũng là những kinh nghiệm cho chúng mình có thể làm việc trong môi trường đa quốc gia sau này", Thảo Nguyên nói.
Phát biểu tại lễ bế mạc PGS.TS Vũ Hải Quân, giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM chia sẻ: Biến đổi khí hậu là một thách thức toàn cầu tất cả chúng ta phải đối mặt. Ông kỳ vọng với những kiến thức từ các lớp học và trải nghiệm từ những chuyến đi thực tế trong AUN Summer Program, các sinh viên quốc tế sẽ có thêm nhiều ý tưởng và kinh nghiệm cho những dự án về phát triển bền vững trong tương lai.
Trại hè sinh viên AUN Summer Program được khởi xướng bởi Đại học Quốc gia Singapore, chương trình AUN Summer Program đã được AUN phát triển thành chương trình giao lưu sinh viên quốc tế đầu tiên có quy mô tổ chức trên toàn mạng lưới AUN từ năm 2024.
Năm nay, AUN Summer Program được 11 trường đại học tổ chức đồng thời tại 7 quốc gia trong hai tháng 6 và 7-2024. Tổng cộng có hơn 2.000 sinh viên quốc tế tham gia toàn chuỗi chương trình AUN Summer Program năm nay.
Chương trình được thiết kế với mục tiêu tăng cường trải nghiệm quốc tế và nâng cao nhận thức của sinh viên các trường thành viên AUN về các vấn đề cấp bách chung của khu vực. Đồng thời, thúc đẩy tinh thần hữu nghị, hợp tác giữa sinh viên trong cộng đồng ASEAN. Chương trình dự kiến được tổ chức thường niên kể từ năm 2024.
Kết thúc khóa học này, sinh viên sẽ hiểu biết toàn diện về các khía cạnh nhiều mặt của biến đổi khí hậu, bao gồm tác động của nó đối với môi trường, đời sống con người. Các giải pháp tiềm năng, nguyên tắc phát triển xanh và kinh tế tuần hoàn, cũng như tầm quan trọng của việc hợp tác khu vực và toàn cầu và vai trò then chốt của thanh niên trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.