Xây dựng và phát triển văn hóa chính quyền số
Truyền thông - Ngày đăng : 14:44, 15/08/2024
Xây dựng và phát triển văn hóa chính quyền số
Xây dựng văn hóa chính quyền số là quá trình quan trọng trong việc thay đổi và tạo dựng một môi trường làm việc và quản lý công việc trong chính quyền sử dụng công nghệ số và các công cụ kỹ thuật số.
Các giá trị văn hóa theo mô hình quản lý công
Giá trị văn hóa là giữ vai trò quan trọng trong tổ chức, giữ vai trò định hướng hành vi của các thành viên trong tổ chức, là một hợp phần quyết định của văn hóa tổ chức. Giá trị là quan trọng nhất bởi đây là khía cạnh có ý nghĩa của văn hóa tổ chức. Có thể khẳng định rằng “không có chủ đề nào trong lĩnh vực hành chính công và chính sách công quan trọng hơn là các giá trị văn hóa”.
Các giá trị văn hóa nơi làm việc xác định một cách nhất quán hành vi và thái độ của mọi người trong một tổ chức. PGS. TS Ngô Thành Can cũng đồng tình khi cho rằng “giá trị được hiểu là những thuộc tính của sự vật, quá trình và hiện tượng tạo ra được sự hấp dẫn cảm hứng đối với đa số thành viên của nền hành chính trong khu vực công. Chúng trở thành những khuôn mẫu, tiêu chí chuẩn mực của hành vi”.
Giá trị văn hóa là những nguyên tắc và tiêu chuẩn cá nhân làm nền tảng cho những nhận định về cái tốt, cái phù hợp. Giá trị văn hóa được hình thành theo từng đặc điểm của cơ quan, tổ chức cũng như phụ thuộc vào hệ thống văn hóa quốc gia.
Theo Gado & Meri (2008) mô hình quản lý công nhấn mạnh đến bốn vấn đề quan trọng là trách nhiệm, minh bạch, cải tiến và hướng đến kết quả. Theo đó, bốn vấn đề này cũng là bốn giá trị ở cấp độ cá nhân trong tổ chức tương đương với những giá trị văn hóa công sở cần xây dựng trong mô hình quản lý công là giá trị về trách nhiệm, giá trị về minh bạch, giá trị về cải tiến và giá trị hướng đến kết quả.
Ở Việt Nam, một số tác giả đưa ra một số giá trị văn hóa như tính kỷ luật, sự phục tùng, tính quyền lực hay tính đoàn kết trong nội bộ, tính sáng tạo và tinh thần phục vụ. Tuy nhiên, xét theo đặc điểm của mô hình quản lý công, giá trị phục tùng và tính quyền lực không phải là những đặc trưng cơ bản, càng không phải là bản chất của công sở trong mô hình quản lý công, mà chính là giá trị phục vụ người dân, phục vụ khách hàng, phục vụ cho tổ chức.
Văn hoá số là khái niệm mới đặc trưng bởi sự áp dụng công nghệ vào trong tổ chức để tạo ra sự đổi mới, đột phá. Văn hóa (văn hóa kỹ thuật) số là khái niệm mô tả cách thức công nghệ và Internet đang định hình đến cách thức chúng ta tương tác với con người và tự nhiên. Đây là cách thức chúng ta hành xử, suy nghĩ và giao tiếp trong xã hội và với tự nhiên dưới sự phát triển của công nghệ số. Văn hóa số là sản phẩm của công nghệ và là kết quả của đổi mới sáng tạo công nghệ có tính đột phá. Được áp dụng cho nhiều chủ đề nhưng nó đi tới một chủ đề bao trùm; mối quan hệ giữa con người và công nghệ.
Văn hóa số đang góp phần thực hiện tốt các vai trò của thiết chế văn hóa, tham gia vào quá trình bảo vệ, gìn giữ di sản văn hóa, góp phần xây dựng và phát huy các giá trị văn hóa bền vững, đề cao bản sắc văn hóa từng tộc người, trao truyền cho các thế hệ sau. Việc xây dựng môi trường văn hóa số đã và đang là xu hướng có tính toàn cầu và ngày càng trở nên cấp thiết.
Mục tiêu của văn hóa chính quyền số là tạo ra lợi ích cho cộng đồng
Chuyển đổi số có tác động sâu rộng lên tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã hội, như góp phần tăng năng suất lao động, chuyển đổi mô hình hoạt động từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia. Chuyển đổi số (CĐS) là một trong những chủ trương quan trọng của Đảng và Nhà nước ta nhằm tận dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để phát triển.
Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định: Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.
Xây dựng văn hóa chính quyền số là quá trình quan trọng trong việc thay đổi và tạo dựng một môi trường làm việc và quản lý công việc trong chính quyền sử dụng công nghệ số và các công cụ kỹ thuật số. Mục tiêu của văn hóa chính quyền số là nâng cao hiệu quả và hiệu suất làm việc, cung cấp dịch vụ công trực tuyến tiện lợi và tạo ra lợi ích cho cộng đồng. Nói cách khác, mục tiêu của văn hóa chính quyền số là xây dựng một hệ thống hành vi, quan niệm, thái độ và giá trị mới tương thích với quá trình chuyển đổi số đang diễn tra trong giai đoạn hiện nay.
Việt Nam đã qua giai đoạn tin học hóa và số hóa. Đó là giai đoạn ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa các cơ sở dữ liệu, quy trình làm việc - với đối tượng phục vụ là chính các cơ quan nhà nước. Năm 2023 là giai đoạn chuyển đổi số đưa tất cả hoạt động của cơ quan nhà nước lên môi trường Internet với đối tượng phục vụ và thụ hưởng là người dân.
Để thực hiện mục tiêu chuyển đổi số lấy người dân làm trung tâm, ngoài hai thành phố lớn (Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh) thì các địa phương đã và đang gấp rút ban hành và triển khai kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2023-2025.
Là một trong những tỉnh tích cực thực hiện CĐS, những năm qua Ninh Bình đã ra sức thực hiện các chương trình hành động để thúc đẩy tiến trình CĐS. Gần đây, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Kế hoạch 95/KH-UBND với 5 mục tiêu cụ thể đến năm 2025 (Về hạ tầng số, dữ liệu số; Về chính quyền số; Về kinh tế số; Về xã hội số; Về an toàn thông tin mạng); Thanh Hóa cũng là một trong những tỉnh sớm ban hành Kế hoạch phát triển hạ tầng số giai đoạn 2023-2025. Cụ thể, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 225/KH-UBND; UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành Kế hoạch số 308/KH-UBND nhằm xây dựng mô hình tỉnh CĐS điển hình trong năm 2023...
Một số giải pháp để xây dựng văn hóa chính quyền số
Có thể thấy rằng, văn hóa chính quyền số quyết định thành công của CĐS. Cho nên việc xây dựng văn hóa số cần phải đi trước một bước để chuẩn bị “giá thể” thật sự phù hợp và tốt cho việc gieo hạt mầm CĐS, hạn chế cách làm “thử sai” vừa gây tốn kém nguồn lực vừa làm suy giảm niềm tin của người dân và công chức vào nhà nước. Theo đó cần lưu tâm một số nội dung sau:
Thứ nhất, cần đánh giá và xác định văn hóa hiện tại trong tổ chức. Văn hóa của tổ chức có bốn loại là văn hóa gia đình (Clan); văn hóa sáng tạo (adhocracy); văn hóa thứ bậc; văn hóa thị trường (Market). Mỗi loại văn hóa có tác động khác nhau đến lộ trình chuyển đổi văn hóa nói chung và chuyển đổi sang văn hóa số nói riêng. Cần sử dụng những lý thuyết về văn hóa trong tổ chức để xây dựng tiêu chí đánh giá văn hóa hiện tại của tổ chức, để nhận diện những rào cản mà văn hóa đó có thể tạo ra.
Thứ hai, cần xác định rõ nội hàm của văn hóa số. Nội hàm văn hóa số giúp cơ quan biết được những nội dung cụ thể để tiến hành xây dựng văn hóa số trong cơ quan. Cơ quan nhà nước có thể lựa chọn nội hàm văn hóa số theo đề xuất của World Economic Forum (Diễn đàn kinh tế quốc tế-WEF) gồm phối hợp (collaborative), dữ liệu là động cơ chính (data-driven), khách hàng trung tâm (customer-centric) và cải tiến (innovative).
Trụ cột phối hợp nhấn mạnh đến phối hợp xuyên suốt trong tổ chức và trong hệ sinh thái đối tác để tạo ra những giải pháp cải tiến. Trụ cột thứ hai về số liệu là động cơ chính là việc sử dụng số liệu để dẫn đường cho các quyết định và khai mở giá trị. Trụ cột khách hàng trung tâm là việc tạo ra những trải nghiệm tích cực cho khách hàng thông qua việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ và quá trình xây dựng các mối liên hệ.
Trụ cột cải tiến là khả năng thích ứng; cải thiện sản phẩm, dịch vụ và quy trình một cách liên tục cũng như chấp nhận rủi ro và thử những điều mới mẻ.
Thứ ba, trên cơ sở những nội dung về văn hóa số, cơ quan nhà nước có thể xem xét việc xây dựng kế hoạch hành động xây dựng văn hóa số theo ba giai đoạn:
Giai đoạn 1. Chính sách hóa vấn đề xây dựng văn hóa số. Việc xây dựng văn hóa số cần được xem là một vấn đề chính sách để đưa vào chương trình nghị sự để cơ quan nhà nước xem xét và ban hành chính sách về vấn đề này. Nói cách khác, nhà nước theo thẩm quyền của mình, cần ban hành chính sách xây dựng văn hóa số để làm cơ sở và nền tảng cho việc xây dựng văn hóa số trong các cơ quan nhà nước.
Giai đoạn 2. Thực hiện kế hoạch xây dựng văn hóa số trong từng cơ quan. Việc triển khai kế hoạch được tiến hành theo một lộ trình dài hạn, có trọng tâm và có sự cam kết từ phía lãnh đạo, đồng thời gắn với việc xác định những giá trị văn hóa số cần được đưa vào trong từng cơ quan. Giai đoạn này cần có biện pháp phù hợp để lan tỏa sâu, rộng những giá trị này tới toàn bộ cán bộ, công chức trong mỗi cơ quan.
Giai đoạn 3. Xây dựng kế hoạch để củng cố những giá trị phù hợp, “cấy ghép” những giá trị mới phù hợp với văn hóa số trong cơ quan. Định kỳ hàng năm đánh giá, khảo sát lại để giúp có biện pháp khen thưởng, xử lý kịp thời những cơ quan chậm trễ trong việc triển khai xây dựng văn hóa số. Phát huy vai trò của những cơ quan làm tốt, và đẩy mạnh hoạt động chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm tiêu biểu trong việc xây dựng văn hóa số trong các cơ quan./.