Triển khai Nghị định mới về đầu tư ứng dụng CNTT theo tinh thần "cầm tay chỉ việc"
Diễn đàn - Ngày đăng : 16:54, 15/08/2024
Triển khai Nghị định mới về đầu tư ứng dụng CNTT theo tinh thần "cầm tay chỉ việc"
Tại Hội nghị triển khai Nghị định số 82/2024/NĐ-CP, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long chỉ đạo Cục Chuyển đổi (CĐS) Quốc gia phải giải đáp ngay thắc mắc của đơn vị, địa phương để việc triển khai Nghị định này được xuyên suốt như tinh thần CĐS phải thông suốt.
Kịp thời ban hành thể chế thúc đẩy đầu tư cho ứng dụng CNTT sử dụng NSNN
Ngày 10/7/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 quy định quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước (NSNN) (gọi tắt là Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 73/2019/NĐ-CP). Nghị định 82/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký (10/7/2024).
Theo Bộ TT&TT, việc đầu tiên, cần thiết làm ngay sau khi chính sách mới được ban hành là cần phải phổ biến cho các đối tượng liên quan biết, hiểu rồi áp dụng. Trên tinh thần đó, ngày 15/8/2024, Bộ TT&TT tổ chức Hội nghị trực tuyến phổ biến Nghị định số 82/NĐ-CP.
Hội nghị có sự tham dự của các cán bộ chuyên trách CNTT các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các đơn vị của Bộ TT&TT, đại diện các Sở TT&TT và một số Sở, ban, ngành, quận, huyện liên quan với mục tiêu vừa là để truyền đạt về những quy định mới, thay đổi, bổ sung về quản lý, đầu tư CNTT, chuyển đổi số (CĐS), vừa là toạ đàm, trao đổi, hỏi đáp để các đơn vị nêu vấn đề, câu hỏi.
Chủ trì hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long cho biết việc xây dựng Nghị định số 82/2024/NĐ-CP là một công việc đòi hỏi công sức lớn của các đơn vị tham gia xây dựng vì đây là một nghị định khó. Trong quá trình xây dựng đã có nhiều ý kiến của các Bộ, ngành và địa phương đóng góp.
Theo Thứ trưởng, đầu tư cho ứng dụng CNTT sử dụng NSNN hiện nay đang có sự tăng trưởng đột biến. Do vậy, Nghị định số 82/2024/NĐ-CP đã được sửa đổi ban hành kịp thời, được kỳ vọng thúc đẩy đầu tư cho ứng dụng CNTT sử dụng NSNN.
Theo đó, Thứ trưởng yêu cầu Cục CĐS Quốc gia - Bộ TT&TT phổ biến những điểm mới để các cơ quan chuyên trách CNTT các Bộ, ngành, Sở TT&TT trên cả nước nắm rõ để từ đó trao đổi những điểm còn vướng mắc để triển khai Nghị định 82/2024/NĐ-CP đi vào thực tiễn. “Cục CĐS Quốc gia phải cầm tay chỉ việc cho các cơ quan chuyên trách CNTT Bộ ngành, địa phương khi cần thiết trong triển khai Nghị định 82/2024/NĐ-CP”.
Những điểm mới của Nghị định 82/2024/NĐ-CP
Tại Hội nghị, bà Trần Thị Quốc Hiền, Phó Cục trưởng Cục CĐS Quốc gia cho biết pháp lý cao nhất quản lý đầu tư ứng dụng CNTT là Luật CNTT năm 2006, đã dành 1 mục và 4 điều để quy định về đầu tư CNTT, trong đó Luật đã giao cho Chính phủ ban hành quy chế quản lý về đầu tư CNTT sử dụng vốn có nguồn gốc từ NSNN.
Thực hiện quy định của Luật giao, Chính phủ cũng đã lần đầu tiên ban hành Nghị định quy định về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn NSNN là Nghị định số 102/2009/NĐ-CP ngày 6/11/2009. Cuối năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 80/2014/QĐ-TTg quy định thí điểm về thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan nhà nước CQNN. Đây được xem là một dấu mốc quan trọng trong xây dựng thể chế, là bước đột phá cho đầu tư ứng dụng CNTT với sự ra đời của chính sách thuê dịch vụ CNTT.
“Thuê dịch vụ cũng đã mở ra thêm cho chúng ta một lối đi, một cách thức để thực hiện mới cho hoạt động đầu tư CNTT sử dụng NSNN. Kể từ đó ngoài việc mua đứt bán đoạn các sản phẩm CNTT, các CQNN lại có thêm hình thức nữa là thuê dịch vụ CNTT”, bà Trần Thị Quốc Hiền cho biết.
Năm 2019, sau 10 năm áp dụng Nghị định số 102/2009/NĐ-CP và Quyết định số 80/2014/QĐ-TTg, Nghị định số 73/2019/NĐ-CP được xây dựng, ban hành và áp dụng từ 1/1/2020. Đến năm 2024, Nghị định số 82/2024/NĐ-CP được ban hành, sửa đổi, bổ sung Nghị định 73/2019/NĐ-CP.
Nghị định 82/2024/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung với những nội dung chính: (1) Sửa đổi, bổ sung những quy định chung; (2) Sửa đổi, bổ sung quy định về dự án đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng kinh phí chi đầu tư phát triển và kinh phí chi thường xuyên nguồn vốn NSNN; (3) Sửa đổi, bổ sung quy định về hoạt động thuê dịch vụ CNTT.
Bà Trần Thị Quốc Hiền cho biết, Nghị định số 82/2024/NĐ-CP đáp ứng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho CQNN từ Trung ương đến địa phương về đầu tư ứng dụng CNTT; đáp ứng yêu cầu đồng bộ và không mâu thuẫn với các luật, nghị định, nghị quyết có liên quan như Luật Giao dịch điện tử 2023…
Cụ thể, Nghị định 82/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung những quy định chung tại Nghị định số 73/2019/NĐ-CP, gồm 6 điểm: (1) Quản lý phần mềm phổ biến; (2) Quy định về trang thiết bị CNTT; (3) Sửa đổi bỏ quy định công khai về giá đối với phần mềm thương mại, dịch vụ CNTT sẵn có trên thị trường; (4) Quản lý dự án hỗn hợp, dự án nhiều thành phần; (5) Quy trình thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ CNTT; (6) Quy định về phê duyệt cấp độ an toàn thông tin.
Nghị định 82/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung những quy định đối với dự án đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng kinh phí chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên nguồn vốn NSNN tại Nghị định số 73/2019/NĐ-CP, gồm: (1) Quy định về phương án thiết kế; (2) Quy định về xác định dự toán đối với phần mềm được phát triển trên các phần mềm thương mai, nguồn mở, AI...; (3) Quy định về thẩm tra BCNCKT/BCKT-KT; (4) Quy định về yêu cầu đối với thiết kế chi tiết; (5) Cập nhật thuật ngữ theo quy định của Luật Giao dịch điện tử 2023; (6) Quy định về quản trị, vận hành và bảo trì sản phẩm của dự án.
Nghị định 82/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung những quy định về hoạt động thuê dịch vụ CNTT tại Nghị định số 73/2019/NĐ-CP, gồm: (1) Quy định thuyết minh lựa chọn hình thức thuê dịch vụ CNTT; (2) Điều chỉnh thời gian thuê, điều chỉnh kế hoạch thuê.
Tại Hội nghị, Cục CĐS Quốc gia đã trao đổi những vấn đề mới, tình huống các bộ ngành địa phương đang vướng mắc như về công bố phần mềm phổ biến và nếu chưa công bố thì thực hiện như thế nào.
Theo Cục CĐS Quốc gia, Nghị định 82/2024/NĐ-CP đã lường được việc này và quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3, theo đó, khi nào công bố thì mới áp dụng quy định này. Chưa công bố phần mềm phổ biến thì chưa áp dụng quy định này.
Cũng theo Cục CĐS Quốc gia, để thúc đẩy quy định mới nhanh chóng đi vào thực tiễn, ngày 17/6/2024, Bộ TT&TT đã ban hành văn bản số 2369 gửi các Bộ, cơ quan Trung ương về xây dựng và công bố danh mục các phần mềm phổ biến. Hiện nay, Bộ TT&TT đang tiếp tục đôn đốc công bố phần mềm phổ biến.
Đối với phần mềm phổ biến quốc gia sẽ được Bộ TT&TT dự kiến công bố trong Quý 3 năm 2024 gồm: Cổng TTĐT quản lý văn bản điều hành, hệ thống thông tin nguồn, dịch vụ công trực tuyến quản lý tài liệu, hệ thống thông tin báo cáo, nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu các Bộ, tỉnh, hệ thống học trực tuyến và hiện có thể được cập nhật thêm.
Đối với vấn đề nếu doanh nghiệp CNTT chưa, không công bố giá phần mềm phổ biến, Cục CĐS quốc gia cho biết việc quy định về trách nhiệm doanh nghiệp (DN) phải công bố thông tin về phần mềm và giá cung cấp sẽ không làm ảnh hưởng đến quy trình đầu tư mua sắm, thuê dịch vụ CNTT đối với phần mềm phổ biến.
“Các đơn vị lưu ý việc này bởi đây chỉ là 1 kênh tham khảo về giá cũng như xác định được mức đố sẵn sàng của DN trên thị trường cung cấp các dịch vụ phần mềm phổ biến sẵn có”.
Ban hành thêm 2 thông tư để thực hiện Nghị định 82/2024/NĐ-CP
Qua lắng nghe các trao đổi của các đại biểu tham dự Hội nghị và Cục CĐS Quốc gia, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết đây là vấn đề khó bởi chỉ khi sửa Luật CNTT thì mới tạo ra hành lang pháp lý thông thoáng hơn.
Theo Thứ trưởng, Hội nghị được tổ chức với tinh thần cầu thị để “gỡ khó” cho các đơn vị. Căn cứ vào Nghị định 82/2024/NĐ-CP, Bộ TT&TT sẽ ban hành 2 thông tư để thực hiện Nghị định.
Theo đó, các cơ quan chuyên trách CNTT, các Sở TT&TT xem xét đề xuất bổ sung nội dung phù hợp, Bộ TT&TT sẽ lắng nghe, giải quyết và hỗ trợ cho các Bộ ngành, địa phương về hành lang pháp lý thuận lợi để thực hiện.
Thứ trưởng đề nghị các cơ quan chuyên trách CNTT các Bộ, ngành, Sở TT&TT tiếp tục có ý kiến về những vấn đề còn băn khoăn, chưa rõ gửi về Cục CĐS Quốc gia để tổng hợp và Thứ trưởng sẽ phê duyệt nội dung trả lời các ý kiến. “Các địa phương có câu hỏi sẽ được trả lời, giải quyết thấu đáo nhưng không vượt quá khuôn khổ các quy định pháp luật”, Thứ trưởng Phạm Đức Long chỉ đạo.
"Các vướng mắc của các cơ quan chuyên trách CNTT các Bộ, ngành, Sở TT&TT, Cục CĐS Quốc gia phải trao đổi ngay để việc triển khai Nghị định 82/2024/NĐ-CP được xuyên suốt như tinh thần CĐS thì phải thông suốt".
Theo Cục CĐS Quốc gia, để đi sâu sát hơn, sau hội nghị hôm nay, Cục sẽ tổ chức hội nghị phổ biến Nghị định số 82/2024/NĐ tại 3 khu vực Bắc, Trung, Nam để nhiều đối tượng trên địa bàn các tỉnh làm công tác quản lý đầu tư, tài chính được tham dự.
Đồng thời, Cục CĐS Quốc gia cũng sẽ sắp xếp làm việc trực tuyến hoặc trực tiếp đến từng đơn vị, địa phương nếu cần./.