"Nhân tài" là nền tảng của ngành công nghiệp bán dẫn
Kinh tế - Ngày đăng : 08:48, 15/08/2024
"Nhân tài" là nền tảng của ngành công nghiệp bán dẫn
"Chúng ta cần xác định chiến lược xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam, trong chiến lược phát triển công nghiệp trong đó có công nghiệp điện tử. Từ đó đặt hàng nhiệm vụ đào tạo nhân lực xu thế, dự báo chính xác thị trường" - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhận định tại cuộc làm việc về Đề án "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045".
Định hướng phát triển công nghiệp bán dẫn
Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đang được các bộ, ngành xây dựng xác định "nhân tài" là nền tảng của công nghiệp bán dẫn, lấy nhân lực là ưu tiên hàng đầu. Với định hướng và kế hoạch rõ ràng và chi tiết, Việt Nam hứa hẹn sẽ trở thành trung tâm về công nghiệp vi mạch bán dẫn với các hoạt động thiết kế, đóng gói và kiểm thử, trong tương lai.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, với sự tham gia của hàng loạt tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới. Dự báo đến cuối năm 2024, công nghiệp bán dẫn Việt Nam sẽ vượt giá trị 6,16 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất quan trọng của nhiều doanh nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết hiện nay nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin, công nghiệp số của Việt Nam khoảng 150.000 kỹ sư/năm, nhưng hiện mới đáp ứng được từ 40-50%, riêng nhu cầu nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn chỉ đáp ứng khoảng 20%. Đây cũng là thách thức với Việt Nam, khi đòi hỏi phải có nguồn nhân lực phù hợp để đáp ứng yêu cầu phát triển, thu hút đầu tư ngành công nghiệp bán dẫn.
Tại buổi làm việc về Đề án "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045", Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã nhấn mạnh về vai trò của nguồn nhân lực: "Chúng ta cần xác định chiến lược xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam, trong chiến lược phát triển công nghiệp, trong đó có công nghiệp điện tử, từ đó đặt hàng nhiệm vụ đào tạo nhân lực xu thế, dự báo chính xác thị trường", bên cạnh đó "cần lựa chọn khâu, công đoạn để tập trung làm chủ trong chuỗi giá trị sản phẩm bán dẫn".
Cũng theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đào tạo cho biết thị trường chip bán dẫn của thế giới có tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 14%/năm liên tục trong 20 năm vừa qua, dự kiến sẽ đạt doanh thu 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Từ nay đến năm 2030, thế giới cần khoảng 1 triệu lao động cho tất cả các khâu thiết kế, sản xuất, lắp ráp, đóng gói, kiểm thử chip. Trong đó nhiều doanh nghiệp bán dẫn lớn đang tìm cách đa dạng hoá chuỗi cung ứng, tận dụng nguồn nhân lực trẻ, có trình độ tại các nước châu Á trong đó có Việt Nam. Ước tính đến năm 2030 Việt Nam cần khoảng 15.000 kỹ sư thiết kế, 35.000 kỹ sư làm việc trong các nhà máy sản xuất chip bán dẫn; đồng thời sẽ tạo ra 154.000 việc làm gián tiếp, đóng góp 360.000 tỷ đồng vào GDP.
Giải pháp phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn
Từ kinh nghiệm triển khai công tác đào tạo vi mạch, bán dẫn đang triển khai, GS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học quốc gia TPHCM cho rằng, muốn phát triển nhanh thì phải có cơ chế đột phá về đào tạo giảng viên, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và các phòng thí nghiệm liên quan và thu hút các chuyên gia nước ngoài.
Trong đó một số nhóm giải pháp đáng chú ý được Đề án đặt ra là đào tạo chuyên sâu cho 1.300 giảng viên; mở rộng mạng lưới đào tạo, hỗ trợ đào tạo ngành công nghiệp bán dẫn và các ngành liên quan lên khoảng 200 cơ sở, đầu tư 4 trung tâm bán dẫn dùng chung, 20 trung tâm đào tạo bán dẫn tiêu chuẩn.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn đánh giá, với điều kiện hiện nay, hai khâu trong ngành công nghiệp bán dẫn mà Việt Nam có lợi thế là thiết kế, đóng gói, kiểm thử chip và các trường đang rất cần dự báo chính xác về nhu cầu nhân lực vi mạch bán dẫn để xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo hữu hiệu.
Một số ý kiến cũng cho rằng Đề án cần làm rõ cơ sở khoa học; dự báo xu thế trong nước, quốc tế; mối quan hệ với các chương trình, đề án về đào tạo nhân lực chất lượng cao; phân công nhiệm vụ cho các bộ, ngành; tăng cường vai trò của các cơ sở đào tạo, địa phương theo cơ chế "đặt hàng".
Đề cập đến "bẫy" đào tạo nhân lực thực hành, gia công trong công nghiệp vi mạch bán dẫn, Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ (KH&CN) Trần Hồng Thái đề nghị đầu tư mạnh cho hoạt động nghiên cứu, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ.
Trong đó có chính sách ưu tiên cụ thể cho các bên tham gia "hệ sinh thái" đào tạo nhân lực công nghiệp bán dẫn (Cơ sở đào tạo, nhà khoa học, doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước). "Bộ KH&CN sẽ tập trung ưu tiên triển khai một số chương trình KH&CN quốc gia để phục vụ cho ngành công nghiệp bán dẫn".
Về định hướng triển khai Đề án, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng cần có sự kết hợp giữa chương trình đào tạo chuyển đổi, cung cấp kiến thức cơ bản về ngành vi mạch, bán dẫn đến chương trình đào tạo chuyên sâu, nhân tài. Trong đó phải chuẩn bị kỹ lưỡng về đội ngũ giảng viên, xây dựng chương trình, giáo trình, phương thức giảng dạy. Bên cạnh đó "Đề án cần đưa ra những "gói" cơ chế, chính sách đột phá đặc thù để tháo gỡ vướng mắc về giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, đầu tư công, nghiên cứu và phát triển.
Để hiện thực hóa được Đề án "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045". Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, cùng với sự tham gia của doanh nghiệp, trong hình thành và bảo đảm các điều kiện cơ chế, chính sách, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hoạt động đào tạo nhân lực ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, với tiêu chí rõ ràng trên cơ sở kế thừa các trung tâm, cơ sở nghiên cứu hiện có.