Việt Nam đang tham gia tích cực vào hệ sinh thái bán dẫn khu vực và toàn cầu
Truyền thông - Ngày đăng : 12:10, 17/08/2024
Việt Nam đang tham gia tích cực vào hệ sinh thái bán dẫn khu vực và toàn cầu
Với mục tiêu sẽ có 50.000 kỹ sư cho ngành công nghiệp bán dẫn vào năm 2030. Việt Nam đã và đang tham gia một cách mạnh mẽ hơn vào hệ sinh thái bán dẫn khu vực và toàn cầu. Trong bối cảnh công nghiệp bán dẫn đang là một trong những ngành công nghiệp chiến lược quan trọng, là xu hướng của thế giới.
Yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp bán dẫn
Ngành công nghiệp bán dẫn (CNBD) là một trong những ngành công nghiệp quan trọng có giá trị cao và đóng vai trò trung tâm trong cuộc cách mạng công nghệ hiện đại. Ngành CNBD sản xuất các thành phần điện tử dựa trên vật liệu bán dẫn. Các thành phần điện tử này bao gồm: Transistor, diode, vi mạch và nhiều loại linh kiện khác được tạo ra từ vật liệu bán dẫn như silic và các hợp chất bán dẫn khác. CNBD đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của ngành công nghiệp điện tử, viễn thông và là linh kiện thiết yếu cho các thiết bị thông minh của nhu cầu số hóa, điện toán đám mây, mini hóa chip điện tử.
Hiện tại, các trung tâm quan trọng của ngành CNBD toàn cầu được đặt tại Đài Loan, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc. Trong bối cảnh xu hướng của chuỗi giá trị bán dẫn đang dần dịch chuyển sang các nước Đông Nam Á. Việt Nam được đánh giá là có đầy đủ điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển CNBD. Từ hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi, nguồn nguyên liệu phong phú đến nguồn nhân lực trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ dồi dào và cơ sở hạ tầng số ngày một phát triển.
Để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào nguồn nhân lực. Theo xếp loại của World Economics năm 2022, Việt Nam luôn nằm trong danh sách 10 quốc gia có số lượng sinh viên tốt nghiệp kỹ sư cao nhất trên thế giới, với hơn 40% sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành khoa học và kỹ thuật là những lao động trẻ có kiến thức kỹ thuật cao gia nhập vào nguồn lao động khoa học, công nghệ.
Dự kiến đến năm 2030, theo chỉ đạo của Chính phủ đặt mục tiêu đào tạo thêm 50.000 kỹ sư bán dẫn. Do đó, có thể nói Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ phù hợp với ngành CNBD. Bên cạnh đó, Việt Nam hiện đang có những đơn vị nghiên cứu, đào tạo uy tín trong lĩnh vực bán dẫn như: Đại học Quốc gia Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Đại học Đà Nẵng, Đại học Bách khoa Hà Nội, các doanh nghiệp lớn có nguồn lực và sẵn sàng hợp tác phát triển ngành bán dẫn là Viettel, VNPT, FPT, CMC.
Theo Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường đại học FPT cho rằng, đào tạo nhân lực công nghệ bán dẫn có những thách thức đặc thù so với đào tạo các ngành khác như: Ðào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp công nghệ cao cho nên cần số lượng lớn; Thời gian đào tạo phải rất nhanh vì thời cơ chỉ trong vài năm; Nhân lực không đơn thuần phục vụ cho thị trường ở Việt Nam mà phải đào tạo theo chuẩn quốc tế để có thể làm việc tại nước ngoài.
Cũng theo Tiến sĩ Tùng năm 2024 tuyển 1.000 sinh viên đào tạo trình độ đại học, 1.000 sinh viên hệ ngắn hạn, cao đẳng, như vậy năm 2025 sẽ có lứa học viên đào tạo ngắn hạn đầu tiên ra trường. Trường đại học FPT sẽ hỗ trợ học phí cho người học khi học ở Việt Nam và đề nghị đối tác nước ngoài hỗ trợ học phí trong quá trình đào tạo ở nước ngoài để tạo sức hấp dẫn so với ngành khác.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Lê Trường Tùng đề nghị, để người học chọn ngành công nghệ vi mạch bán dẫn và chấp nhận bỏ ngành khác hấp dẫn không kém, bên cạnh chính sách ưu đãi của nhà trường thì nhà nước cần có thông tin đầu ra rõ ràng, chính sách định hướng phát triển rõ ràng.
Theo đó nhà nước đã có những chính sách đặc biệt cho ngành CNBD, đưa vào danh sách các ngành, lĩnh vực được hưởng các ưu đãi cao nhất theo pháp luật về đầu tư từ chính sách thuế đến các hỗ trợ đầu tư chuyên biệt, như: Vi mạch được xếp vào danh mục các sản phẩm công nghệ cao được ưu tiên khuyến khích phát triển theo Quyết định số 38/QĐ-TTg, ngày 30/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ; Phát triển vi mạch được nêu tại Quyết định số 127/QĐ-TTg, ngày 26/01/2021 về phát triển trí tuệ nhân tạo; Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 3/6/2020 về phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”… Ngoài ra, Chính phủ khuyến khích hợp tác và đầu tư từ các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực CNBD thông qua việc ký kết các thỏa thuận thương mại và hợp tác kỹ thuật, cũng như việc cung cấp hỗ trợ tài chính và hợp tác nghiên cứu. Điển hình là vào ngày 07/12/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo Hiệp hội CNBD Hoa Kỳ (U.S. Semiconductor Industry Association) đã có cam kết thúc đẩy hợp tác song phương nhằm nâng cao khả năng sản xuất và đào tạo lực lượng lao động trong lĩnh vực này. CEO của Nvidia cũng đã có những buổi tiếp xúc với lãnh đạo Chính phủ và tuyên bố Việt Nam là nơi an cư với việc củng cố kế hoạch phát triển một trung tâm sản xuất chip tại Việt Nam. Trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ vào tháng 9/2023, một khoản tài trợ lên đến 2 triệu USD được công bố để thúc đẩy lực lượng lao động bán dẫn của Việt Nam.
Hướng đi cho ngành công nghệ bán dẫn
Để tập trung vào việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn, thông qua các chương trình giáo dục, đào tạo chuyên sâu. Mới đây tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) vừa phối hợp Tổ chức Tresemi, Tập đoàn Cadence (Hoa Kỳ) và Tập đoàn FPT tổ chức tọa đàm Phát huy vai trò của doanh nghiệp Việt Nam trong phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn.
Sự kiện này là kết quả từ sự hợp tác chặt chẽ giữa 3 nhà: Nhà nước, nhà trường, nhà doanh nghiệp. Trong đó, nhà nước đóng vai trò kiến tạo, nhà trường đóng vai trò trung tâm, doanh nghiệp đóng vai trò đồng hành, hỗ trợ để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Nội dung tọa đàm tập trung vào việc làm thế nào để doanh nghiệp có thể đóng góp tích cực vào quá trình đào tạo và phát triển kỹ năng cho nguồn nhân lực. Từ việc đa dạng hóa các nguồn lực cho đào tạo, đẩy mạnh hợp tác công-tư, đa dạng hóa các loại hình đào tạo, các chương trình thực tập, hợp tác nghiên cứu phát triển, đến việc xây dựng môi trường làm việc và tạo điều kiện phát triển nghề nghiệp thuận lợi.
Thực tiễn tại các địa phương, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng đã nỗ lực kiến tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp tham gia vào phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn. Trong đó thành phố đã và đang triển khai nhiều giải pháp, nhiệm vụ tập trung vào 3 nhóm giải pháp: Xây dựng các cơ sở pháp lý, tạo chính sách thu hút đầu tư; Chuẩn bị quỹ đất, cơ sở hạ tầng; Liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp trong đào tạo, phát triển nhân lực và thu hút chuyên gia lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.
Đại diện cho các cơ sở đào tạo ông Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh nhận định, việc tham gia của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp trong quá trình đào tạo là rất cần thiết, giúp nâng cao chất lượng đào tạo, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho học viên sau khi tốt nghiệp và đáp ứng nhu cầu thị trường.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT cho rằng, yếu tố then chốt giúp tăng cường hợp tác giữa 3 nhà trong phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn là sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả giữa ba bên, đặc biệt cần có cơ chế rõ ràng để chia sẻ thông tin, nguồn lực và kinh nghiệm giữa các bên liên quan.
Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia cho biết, mô hình đào tạo kết hợp giữa 3 nhà, mỗi năm có thể đào tạo được khoảng 540 kỹ sư thiết kế vi mạch. Nếu nhân rộng mô hình này tại 10 cơ sở đào tạo và địa phương, mỗi năm có thể đào tạo được hơn 5.000 kỹ sư thiết kế vi mạch có chất lượng. Như vậy đến năm 2030 có thể đào tạo được ít nhất 25.000 kỹ sư thiết kế vi mạch. Điều này cho thấy mục tiêu đào tạo 15.000 kỹ sư thiết kế vi mạch trên tổng số 50.000 kỹ sư bán dẫn vào năm 2030 là hoàn toàn khả thi.
Cũng trong khuôn khổ sự kiện, diễn ra Lễ bế giảng chương trình Thiết kế Vật lý vi mạch tích hợp quy mô lớn (VLSI) cơ bản. Đây là khóa học chuyên sâu trong thời gian 3 tháng, do NIC phối hợp Tập đoàn FPT, Tổ chức Tresemi và Tập đoàn Cadence tổ chức với sự hỗ trợ của các trường Đại học trong lĩnh vực bán dẫn. Nhiều học viên cũng được nhận các chương trình học bổng để tiếp tục đào tạo tại nước ngoài sau đại học. Kết quả này cho thấy chất lượng của chương trình đào tạo được đánh giá cao và có thể nhân rộng trong thời gian tới.