Ngành Điện tử và chất bán dẫn tăng trưởng
Truyền thông - Ngày đăng : 15:53, 19/08/2024
Ngành Điện tử và chất bán dẫn tăng trưởng
Chất bán dẫn, những con chip nhỏ bé có trong điện thoại thông minh, máy tính xách tay, bộ định tuyến không dây và ô tô... được cho là đang định hình thế giới hiện đại hơn bất kỳ công nghệ nào khác.
Đầu tư FDI từ Đài Loan tăng nhanh
Việt Nam có tham vọng trở thành trung tâm chất sản xuất bán dẫn, trong khi Đài Loan nổi tiếng với ngành công nghiệp chất bán dẫn thành công. Ngày càng nhiều nhà sản xuất Đài Loan đã thiết lập chỗ đứng vững chắc tại Việt Nam với tầm nhìn đa dạng hóa chuỗi cung ứng và giảm thiểu rủi ro sản phẩm, trong đó có các tập đoàn điện tử lớn như Foxconn, Pegatron, Compal và Wistron.
Năm 2023, Việt Nam đã thành công thu hút 36,6 tỷ USD FDI, tăng hơn bốn lần so với năm 2022. Đài Loan là nhà đầu tư lớn thứ sáu với 2,88 tỷ USD, chiếm 8% tổng FDI đăng ký và tăng 13% so với năm 2022. Điện tử vẫn là ngành sản xuất lớn nhất từ Đài Loan vào năm 2023. Từ đầu năm 2024 đến nay, Việt Nam thu hút tổng cộng 15,18 tỷ USD FDI đăng ký, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất chiếm 70% với 10,68 tỷ USD đăng ký, tăng đáng kể 26% so với cùng kỳ. Trong đó, có 541 dự án sản xuất mới đăng ký 6,82 tỷ USD, 390 dự án sản xuất hiện có tăng vốn, và 190 dự án có vốn góp và mua cổ phần. Về tổng FDI đăng ký, Đài Loan (Trung Quốc) là nhà đầu tư lớn thứ sáu với 1,05 tỷ USD, chiếm 7% tổng vốn, với 88 dự án mới đăng ký 529,8 triệu USD, 46 dự án hiện có tăng vốn 392,9 triệu USD, và 93 dự án có vốn góp và mua cổ phần lên đến 129 triệu USD.
Đài Loan hiện có 39 dự án sản xuất đăng ký mới tại Việt Nam với tổng giá trị 513,37 triệu USD, chiếm 49% tổng FDI của Đài Loan trong giai đoạn này. Trong đó, 22 dự án nằm ở phía Bắc và 17 dự án ở phía Nam. FDI sản xuất của Đài Loan trong những năm gần đây, xu hướng đáng chú ý nhất là sự gia tăng mạnh mẽ trong giai đoạn 2022 đến năm 2023. Cụ thể, FDI sản xuất mới đăng ký của Đài Loan năm 2023 là 1,87 tỷ USD, gần gấp 8,7 lần so với năm 2022. Việt Nam đã thu hút hơn 513 triệu USD từ các khoản đầu tư sản xuất mới của Đài Loan, và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng.
Giải bài toán thiếu hụt nhân sự bán dẫn
Chất bán dẫn, những con chip nhỏ bé có trong điện thoại thông minh, máy tính xách tay, bộ định tuyến không dây và ô tô... được cho là đang định hình thế giới hiện đại. Đồng nghĩa các quốc gia sản xuất chúng đang nắm giữ một tài sản hùng mạnh. Theo dự báo từ Fortune Business Insights, ngành bán dẫn sẽ đạt giá trị 2 nghìn tỷ USD trên toàn cầu vào năm 2032.
Doanh nghiệp bán dẫn không chỉ sản xuất số lượng lớn nhất hoặc rẻ nhất, mà còn phải phát triển công nghệ tinh vi nhất. Các doanh nghiệp đang chạy đua để sản xuất những con chip ngày càng nhỏ hơn, hoạt động nhanh hơn và sử dụng ít năng lượng hơn. Tuy nhiên, một trong những trở ngại lớn nhất cản trở sự phát triển này là tình trạng thiếu nhân tài.
Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ (SIA) dự đoán lực lượng lao động trong ngành công nghiệp chip của Mỹ sẽ tăng 33% vào năm 2030 so với hiện tại, tương đương gần 115.000 việc làm. Tuy nhiên, có khoảng 67.000 việc làm có thể không được lấp đầy. Sự thiếu hụt cũng đến từ số lượng sinh viên mới tốt nghiệp không theo kịp cơ hội việc làm, từ đó dẫn tới việc ngành bán dẫn tại các nước đang phải đối mặt với nhu cầu ngày càng tăng về nhân tài.
Chính phủ các nước và ngành công nghiệp đang ngày càng nhận thấy tầm quan trọng của các trường đại học trong việc đào tạo và cung cấp nhân tài bán dẫn trong việc giúp họ đánh bại đối thủ, phát triển nền kinh tế và củng cố vị thế của mình trong trật tự quốc tế. Đài Loan là nơi sản xuất hơn 60% chất bán dẫn của thế giới. Chính phủ Đài Loan đã thực hiện việc củng cố nguồn nhân tài trong tương lai, trong đó gồm việc hợp tác với các trường đại học hàng đầu để thành lập 13 học viện đào tạo chất bán dẫn mới. Bài học thành công của Đài Loan trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn một phần là do sự hợp tác chặt chẽ của doanh nghiệp, giáo dục và chính phủ. Chính phủ Đài Loan đã và đang thúc đẩy đầu tư vào các nước Đông Nam Á, bao gồm chương trình tài năng mới nhắm vào Việt Nam, Indonesia và Philippines.
Nhận thức rõ những cơ hội và lợi thế hiện có của Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan để xây dựng Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Mục tiêu cụ thể của Đề án là đến năm 2030, Việt Nam đào tạo được 50.000 kỹ sư phục vụ ngành công nghiệp 3 bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị, trong đócó khoảng 15.000 kỹ sư thiết kế vi mạch, 35.000 kỹ sư trong lĩnh vực sản xuất, đóng gói, kiểm thử và các lĩnh vực khác.
Cơ hội dành cho các kỹ sư Việt Nam thế hệ hiện tại khi tham gia vào lĩnh vực vi mạch là rất lớn vì kiến thức chuyên môn, kỹ năng thiết kế và công nghệ hiện tại dễ tiếp thu hơn khi có các chuyên gia nhiều năm kinh nghiệm dẫn dắt. Trung bình các kỹ sư mới ra trường cần được thực hành và làm việc theo quy trình thiết kế và sản xuất công nghiệp khoảng 6 tháng đến 1 năm. Xu hướng hiện tại là rút ngắn dần việc đào tạo tại doanh nghiệp trong tương lai.
Năm 2024, nhiều tổ chức giáo dục, trường đại học thông báo mở ngành đào tạo vi mạch bán dẫn như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia, Đại học FPT… Sinh viên sau tốt nghiệp có thể đảm nhận các công việc trong ngành bán dẫn như thiết kế, mô phỏng, kiểm chứng mạch điện tương tự số... Theo Tập đoàn FPT, để đáp ứng được sự thiếu hụt nhân lực ngành bán dẫn trên toàn cầu FPT luôn kiên định với mục tiêu xây dựng 10.000 nhân sự về vi mạch bán dẫn vào năm 2030, sau đó có thể lên tới 20.000 - 30.000 người mỗi năm.