Nhà báo sử dụng AI và tương lai của báo chí

Truyền thông - Ngày đăng : 14:00, 07/10/2024

Nghiên cứu sơ bộ cho thấy AI đã và đang tạo nên những thay đổi sâu sắc và rộng trong báo chí, từ các hoạt động tác nghiệp báo chí như thu thập tin tức, trình bày thông tin, tốc độ truyền dẫn thông tin đến cả những quy chuẩn đạo đức nghề.
Truyền thông

Nhà báo sử dụng AI và tương lai của báo chí

TS. Trần Thị Hoà - SV. Trần Thị Diễm My, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng 07/10/2024 14:00

Nghiên cứu sơ bộ cho thấy AI đã và đang tạo nên những thay đổi sâu sắc và rộng trong báo chí, từ các hoạt động tác nghiệp báo chí như thu thập tin tức, trình bày thông tin, tốc độ truyền dẫn thông tin đến cả những quy chuẩn đạo đức nghề.

Tóm tắt:

- AI và tác động của AI đối với báo chí:

+ AI đã và đang thay đổi nhiều khía cạnh của báo chí, từ thu thập tin tức, trình bày thông tin, tốc độ truyền dẫn thông tin, đến các quy chuẩn đạo đức nghề nghiệp

+ Báo chí robot đang phát triển mạnh mẽ tại nhiều quốc gia và có thể trở nên phổ biến trong tương lai; có khả năng tăng tốc độ sản xuất tin tức và thay đổi cách thức làm báo.

- Ưu điểm và nhược điểm của báo chí robot:

+ Báo chí robot giúp sản xuất tin tức nhanh hơn, giảm nguy hiểm cho nhà báo, và nâng cao chất lượng thông tin.

+ Tuy nhiên, báo chí robot không thể thay thế vai trò của nhà báo trong việc truyền tải cảm xúc, lý tưởng và bản sắc cá nhân.

+ Báo chí robot thiếu sự độc đáo, linh động và dấu ấn tâm hồn
của nhà báo con người.

+ Báo chí robot có thể tạo ra nhiều thông tin nhanh chóng nhưng cần xem xét tính chất và chất lượng của thông tin.

- Khả năng định hướng dư luận của AI:

+ AI có khả năng tạo ra và phát tán một lượng lớn thông tin trong thời gian ngắn, có thể định hướng suy nghĩ và nhận thức của công chúng.

+ Việc định hướng này phụ thuộc vào ý chí và mong muốn của
người điều khiển AI.

- Nhà báo nên sử dụng AI như thế nào:

+ AI nên được sử dụng như công cụ hỗ trợ nhà báo, nâng cao chất lượng báo chí.

+ Nhà báo cần nâng cao năng lực nghiệp vụ, không ngừng đổi
mới, sáng tạo trong nghề nghiệp, và không nên để robot chi phối hoạt động của mình.

+ Nhà báo cần kiểm soát báo chí robot để đảm bảo thông tin
chính xác.

+ Nhà báo cần tập trung vào những kỹ năng nâng cao như kiểm
chứng thông tin, đảm bảo tính chân thực của thông tin.

Sự tự động hóa báo chí hay “báo chí robot”/robot journalism có khả năng rất lớn trong việc thúc đẩy tăng tốc thông tin và làm thay đổi cách thức làm báo theo chiều hướng hiện đại hơn, dẫn đến khả năng đưa nhiệm vụ kiểm chứng thông tin, chống tin giả, quản trị và kiểm soát hệ thống báo chí robot trở thành một nội dung chủ chốt, cốt yếu của hoạt động báo chí thời AI.

Tuy nhiên, báo chí robot vẫn thiếu đi sự độc đáo, sự linh động và dấu ấn tâm hồn của nhà báo con người. Do đó, AI chỉ nên được sử dụng như là công cụ hỗ trợ cho nhà báo, góp phần nâng cao chất lượng báo chí, buộc nhà báo phải nâng cao năng lực nghiệp vụ, không ngừng đổi mới, sáng tạo trong nghề nghiệp, song người làm báo không nên để robot chi phối hoạt động của mình hay quá dựa dẫm vào AI. Cái “Tâm” và “Tài”, bản lĩnh và lý tưởng cống hiến, góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội của nhà báo vẫn là điều mà AI chưa thể thay thế được con người trong lĩnh vực báo chí hiện nay và có thể là cả trong tương lai.

Bên cạnh đó, người làm báo hiện nay không chỉ nên quan tâm đến việc sử dụng báo chí robot mà còn cần chú ý đến việc kiểm soát báo chí robot để đảm bảo báo chí phục vụ tốt cho công chúng và không gây nên các vấn đề tiêu cực xã hội.

Trí tuệ nhân tạo (AI - Artificial Intelligence) không phải là điều quá mới mẻ hiện nay. Từ thế kỉ 20 đã có những cuộc thảo luận về AI trên thế giới. Hiện nay, AI đã xuất hiện trong nhiều lĩnh vực của đời sống, như giao thông (xe tự lái), sản xuất, kinh doanh, truyền thông…

Đối với lĩnh vực báo chí vốn lấy thông tin làm trọng tâm và hoạt động báo chí được thực hiện dựa một phần quan trọng vào các năng lực trí tuệ của con người, thì những chương trình máy tính do chính con người tạo ra và có một số khả năng trí tuệ gần giống như con người lẽ đương nhiên sẽ nhiều cơ hội được đưa vào áp dụng.

Machine learning (học máy), deep learning (học sâu) đã và đang được giới báo chí sử dụng để hỗ trợ các công việc hàng ngày của nhà báo như thu thập dữ liệu, xử lý dữ liệu, viết báo… Một số chương trình máy tính được giới làm báo, viết báo sử dụng trong sản xuất báo chí hiện nay như Chat GPT, Wordsmith… là những ví dụ cho việc ứng dụng AI trong báo chí.

Hiện đã có nhiều bài viết, công trình nghiên cứu bàn về AI và ứng dụng của AI trong báo chí, trong phạm vi bài viết này, các tác giả chỉ xin đi sâu vào thảo luận vấn đề tác động của AI đến báo chí, đặt ra một số câu hỏi về tương lai của báo chí khi AI bùng nổ để người đọc tham khảo và suy nghĩ.

Những câu hỏi này chỉ mang tính khơi mở một cuộc thảo luận có thể là lâu dài về tương lai của báo chí trong thời kì mà AI đã xâm nhập vào nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội và gây những tác động không nhỏ, trong đó không thể không tính đến lĩnh vực báo chí trong hiện tại và cả tương lai.

artificial_intelligence_11.png
(Hình minh họa)

Phát triển một loại hình báo chí mới: Báo chí robot/báo chí tự động

Khi AI ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong công việc của người làm báo, nó cũng tương đồng với sự phát triển của một loại hình báo chí mới: báo chí robot, hay còn gọi là báo chí tự động. Những biểu hiện của báo chí robot hiện đã có thể quan sát được: ví dụ các tin tức thời sự xuất hiện trên các trang cá nhân trên mạng xã hội (MXH), trang tin tổng hợp tự động hiển thị trên máy tính…

Tại nhiều nước hiện nay như Anh, Trung Quốc, Thụy Điển… “báo chí robot” (1) đã và đang phát triển, và trong tương lai, loại hình báo chí này có thể trở nên ngày càng phổ biến.

Một trong những đặc trưng của báo chí tự động là AI giúp cho tin tức được sản xuất nhiều hơn, nhanh hơn, dễ dàng hơn. Trong một số trường hợp khi nhà báo không tiếp cận được hiện trường, robot có thể làm thay công việc thu thập thông tin của nhà báo, giảm bớt nguy hiểm cho người phóng viên. Robot cũng giúp việc xử lý dữ liệu nhanh chóng, khoa học, chính xác hơn, từ đó có thể cho ra những sản phẩm báo chí truyền thông với chất lượng thông tin được nâng cao. Với sự hỗ trợ của các chương trình như Chat GPT, việc viết báo có thể được thực hiện nhanh hơn, tiết kiệm sức lực và thời gian, qua đó hỗ trợ rất nhiều cho người làm báo.

Báo chí robot cũng có ưu điểm là có thể “chạy” liên tục, cung cấp thông tin không ngừng nghỉ, không vướng phải một số vấn đề của con người như sức khỏe nên khả năng phục vụ nhu cầu thông tin của báo chí robot là rất cao, đồng thời đảm bảo đáp ứng yêu cầu về tính thời sự, tăng khả năng cạnh tranh của báo chí.

Nhìn từ lịch sử báo chí thế giới, sự ra đời và phát triển của báo chí robot chính là một bước phát triển mới của báo chí nói chung. Theo các giai đoạn phát triển của các phương tiện truyền thông, loài người đã dần phát triển nhiều loại hình báo chí đa dạng.

Nếu giai đoạn đầu, báo in là chủ đạo, thì đến thế kỉ 20, phát thanh rồi đến truyền hình ra đời làm cho các loại hình báo chí phong phú hơn. Đến đầu thế kỷ 21, báo mạng điện tử lên ngôi trước khi MXH chiếm ngôi vương và lôi cuốn sự chú ý của công chúng trên toàn thế giới. Gần đây, sự bùng nổ của AI kéo theo sự phát triển của báo chí robot. Tự động hóa báo chí là xu hướng tất yếu của báo chí trong hiện tại và tương lai.

hinh-1.jpg
Hình 1. Sự phát triển của các loại hình báo chí chuyên nghiệp từ báo in thế kỉ 16 đến báo robot của thế kỉ 21.

Sự phát triển của báo chí robot càng làm phong phú hơn lĩnh vực hoạt động báo chí của xã hội loài người, là phản ánh sự hiện đại, tiên tiến của công nghệ thời công nghiệp 4.0. Hệ quả của sự phát triển loại hình “báo chí robot” này có thể là sự định nghĩa lại hoặc thay đổi một phần khái niệm phóng viên, biên tập viên, nhà báo.

Liệu có thể trong tương lai có những “nhà báo robot” khi những robot thông minh như Sophia tiếp tục được cải tiến, nâng cấp? Ở một mức độ khác, các nhà báo, phóng viên sẽ buộc phải thay đổi: họ cần phải nâng cao, điều chỉnh đáng kể nghiệp vụ; họ cần có kiến thức và kĩ năng sử dụng AI để hỗ trợ cho công việc của họ.

Trong tương lai, những phần công việc chuyên môn của báo chí như nghiên cứu, thu thập dữ liệu, biên tập, trình bày sản phẩm báo chí… có thể do robot đảm nhận một phần. Robot đã, đang và sẽ giúp công việc sản xuất tin bài nhanh hơn. Với báo chí điều tra, sử dụng AI, robot có thể giúp nhà báo giảm bớt gánh nặng, công sức phải dành cho việc điều tra, nghiên cứu hoặc bớt đi những mối nguy hiểm của việc thâm nhập trực tiếp vào hiện trường, đặc biệt là những nơi nguy hiểm như môi trường có hóa chất, môi trường bị thảm họa thiên nhiên…

Nếu được hỗ trợ những công việc này, các nhà báo tương lai có khả năng cần phải tập trung vào những kĩ năng nâng cao của báo chí, hoặc phát triển báo chí đi theo một đường hướng mới. Ví dụ: nhà báo thêm màu sắc cảm xúc, những nét độc đáo vào những tác phẩm báo chí robot vô hồn.

Hoặc, một phần quan trọng trong công việc của nhà báo tương lai có thể là đảm bảo tính chân thực của thông tin do “báo chí robot” tạo ra, tức là quản lý, kiểm soát báo chí robot. Tin giả là một trong những nguy cơ lớn từ báo chí robot. Tin sai sự thật hủy hoại báo chí, gây tổn hại rất lớn cho xã hội.

Nhà báo cần phải là người kiểm chứng những thông tin này, xác minh thông tin, đảm bảo những thông tin đưa đến cho công chúng là đúng sự thật. Nói cách khác, nhà báo cần giải quyết vấn đề đạo đức nghề báo đang đặt ra rất lớn khi báo chí robot dựa trên AI đang phát triển.

Một số tác động của AI đối với báo chí

- Tác động về mặt nghiệp vụ

Như chúng ta đã biết, ngôn ngữ là một trong những công cụ chính của báo chí. AI có thể hỗ trợ xử lý ngôn ngữ, như làm công tác dịch thuật, biên tập. Với sự hỗ trợ của AI, rào cản ngôn ngữ sẽ được giảm đi đáng kể, giúp cho việc sản xuất, biên tập các bản tin quốc tế có yêu cầu về đa ngôn ngữ nhanh hơn, dễ dàng hơn.

AI đã, đang và sẽ đảm nhiệm việc quét dữ liệu, biên tập, xây dựng những bản tin đơn giản. Như vậy, công việc làm tin, biên tập tin tức... của nhà báo sẽ thay đổi rất nhiều. Thay vì cần người làm, giờ đây chỉ cần AI là có thể đã có những bản tin phục vụ công chúng. Điều này tác động đến tổ chức tòa soạn, đến phương pháp làm tin, đến nhân sự của các tòa báo và yêu cầu nghiệp vụ đối với các biên tập viên, phóng viên.

Như vậy, trọng tâm công việc của người làm báo chí trong tương lai có thể sẽ bao gồm những nội dung như: thu thập thông tin, kiểm chứng thông tin, trình bày thông tin – trong đó có việc làm “mềm hóa” những sản phẩm báo chí truyền thông do báo chí robot tạo ra.

Thực vậy, “báo chí robot” khó mà có dấu ấn phong cách cá nhân độc đáo của từng nhà báo, càng không mang dấu ấn tâm hồn của các nhà báo. Do vậy, AI chỉ nên là công cụ cho các nhà báo. Nhà báo cần phấn đấu, nỗ lực để làm chủ công nghệ AI, nắm vững vai trò chủ đạo trong sáng tạo và chuyển tải thông tin đến với xã hội.

Chúng tôi – những tác giả của bài viết này - không tin rằng AI hiện nay có thể làm thay vai trò của Thép Mới để viết nên một tác phẩm để đời về cây tre Việt Nam, bởi trong tác phẩm của Thép Mới không chỉ có thông tin mà còn có tình yêu nước, lòng tự hào dân tộc và mong muốn lan tỏa những điều đó đến với công chúng.

- Tác động về khả năng định hướng dư luận, thực hiện chức năng tư tưởng của báo chí

Những người làm báo chí chuyên nghiệp có thể hiểu rõ về chức năng tư tưởng của báo chí. Thực vậy, dưới ánh sáng của lý thuyết truyền thông (2), chúng ta có thể thấy đưa tin (reporting) là một chức năng quan trọng của báo chí, nhưng đó mới chỉ là tầng thứ nhất, tầng thứ 2 và quan trọng hơn chính là chức năng tư tưởng, định hướng dư luận bằng những thông tin đó. Từ những thông tin đưa ra sẽ có những hàm nghĩa đi sau đó, và những hàm nghĩa này có tác dụng như những bài học, những lời cảnh báo... tác động đến nhận thức và hành vi của con người.

Mỗi thông tin bài báo đưa ra đều có ý nghĩa và khả năng tác động đến công chúng. AI có khả năng tạo ra một số lượng bài báo rất lớn trong thời gian ngắn, và khả năng cá nhân hóa – phục vụ nhu cầu tiêu thụ thông tin báo chí của từng cá nhân công chúng. AI còn giới thiệu nhiều nội dung cho người xem thông qua nhiều kênh, trong đó có cả kênh mạng xã hội – tiếp cận nhiều người trong thời gian rất ngắn. Bằng cách này, AI có khả năng định hướng suy nghĩ, nhận thức, đường hướng nội dung thông tin cho người xem/công chúng trên phạm vi rộng.

Trên thực tế, báo chí truyền thống có khả năng thiết lập chương trình nghị sự để hướng suy nghĩ và sự quan tâm của công chúng vào những vấn đề cụ thể theo mong muốn của người làm báo/ban biên tập, nhưng nay với sự hỗ trợ của AI có khả năng xử lý thông tin và phát tán thông tin siêu tốc thì khả năng định hướng dư luận của báo chí sẽ được nhân lên nhiều lần.

Điều quan trọng là sự định hướng này sẽ đi theo hướng nào – tích cực hay tiêu cực – hiện đang phụ thuộc vào ý chí, mong muốn của người điều khiển AI. Nếu sự định hướng là tích cực thì sẽ có khả năng tạo tác động tốt cho công chúng và xã hội, nhưng nếu sự định hướng là tiêu cực thì mức độ tác hại sẽ đến như thế nào là điều mà chúng ta cần quan tâm.

Chương trình AI sẽ mang dấu ấn của người xây dựng nên nó ban đầu – tức người lập nên các tập luật của chương trình AI đó. Như vậy, báo chí tự động vẫn sẽ mang hơi hướng, dấu ấn, ý đồ của người lập nên chương trình máy tính thực hiện báo chí robot. Điều quan trọng ở đây là ý đồ đó tích cực hay tiêu cực, và phong cách báo chí đó là phong cách nào, liệu có phù hợp với phong cách làm báo cụ thể của tòa soạn hay không.

Theo quy luật Lượng – Chất đã được triết học Mác – Lê nin chỉ ra (3), lượng đổi thì chất đổi. Báo chí robot phát triển sẽ tạo ra một lượng thông tin rất lớn và được truyền phát đi đến công chúng với tốc độ cực nhanh. Việc làm báo cũng có thể trở nên đơn giản, thậm chí dễ dàng hơn xưa với sự tham gia của AI. Thay vì phải điều phóng viên đến tận nơi, rất có thể tòa soạn chỉ cần sử dụng AI cũng có nhiều bài báo hơn hẳn phóng viên trực tiếp làm việc tại hiện trường. Liệu chúng ta có nghĩ đến khả năng một ngày “người người làm báo, nhà nhà làm báo”, ai có trong tay công cụ AI đều có thể làm báo? Và điều đó ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng báo chí? Công thức của báo chí robot có thể là: Báo chí robot = thông tin tự động + nhiều + nhanh + dễ.

Nếu trước đây chụp ảnh khó, thì ngày nay trẻ em với điện thoại thông minh cũng có thể chụp ảnh, nhưng chất lượng bức ảnh trẻ em chụp bằng điện thoại thông minh khó có thể so sánh với bức ảnh của một phóng viên ảnh chuyên nghiệp về mặt chất lượng, càng không thể bàn về vấn đề hàm ý và chiều sâu tư tưởng của bức ảnh. Câu hỏi đặt ra là tính chất của báo chí sẽ thay đổi như thế nào khi báo chí robot bùng nổ, chất lượng của báo chí thật ra sẽ được nâng lên hay đi xuống, và liệu báo chí còn duy trì được giá trị của mình không?

Báo chí robot có góp phần vào nâng cao dân trí, thúc đẩy tiến bộ xã hội, giúp giải quyết những vấn đề bức xúc toàn cầu như: thảm họa thiên tai, biến đổi khí hậu, nạn ô nhiễm môi trường, chiến tranh/xung đột, kì thị sắc tộc, bệnh nan y, nạn buôn bán người, nạn nghèo đói ở một số nơi… Nếu thông tin nhiều nhưng chỉ thuần túy là thông tin “để cho biết mà thôi”, thì báo chí robot thực sự có giá trị cao hay không?

Một điểm nữa đáng suy nghĩ là trong nghề báo, sự điều tiết thông tin rất quan trọng, liệu việc cung cấp quá nhiều thông tin đến công chúng có thực sự là điều tốt, liệu công chúng có thể xử lý tốt một lượng thông tin quá lớn không, hay sẽ xảy ra tình trạng “ngập lụt”, “ngộ độc” thông tin? Sự chọn lọc, điều tiết thông tin vẫn rất quan trọng, và điều này vẫn phải do con người, chứ không phải AI, nắm vai trò quyết định chính, mặc dù con người có thể dựa trên thông tin, dữ liệu do AI cung cấp để làm cơ sở nghiên cứu, tham khảo trước khi đi đến một quyết định chính thức.

Kết luận

Hiện nay, AI đang phát triển rất nhanh, năng lực hoạt động ngày càng mạnh, song con người khi xây dựng AI cần có cơ chế để kiểm soát, khống chế AI, cần có các ràng buộc, xem xét về đạo đức để ngăn chặn nguy cơ AI gây hại cho con người. Riêng trong lĩnh vực báo chí, trước mắt, AI có thể làm biến đổi và đảm nhận thay người làm báo trong một số hoạt động nghề thông thường. AI tạo điều kiện cho sự ra đời và phát triển của báo chí robot như một loại hình báo chí mới.

Trong bối cảnh phát triển báo chí tự động, người làm báo truyền thống vốn đã có những kĩ năng phổ biến như thu thập thông tin, phỏng vấn, viết tin bài..., thì nay cần phát triển thêm các năng lực mới như kĩ năng sử dụng AI trong báo chí, kiểm soát AI, quản lý hệ thống báo chí robot... Hệ thống tự động có thể đưa những tin bài đậm chất thông tin, đơn giản trong các lĩnh vực như thể thao, thời tiết.

Tuy nhiên, với vấn đề phức tạp hơn như là chính trị thì khó có thể giao phó hoàn toàn toàn việc viết tin, bài bình luận cho robot, mà vẫn rất cần bàn tay và khối óc cũng như tâm huyết, tầm nhìn, lý tưởng, quyết định chuyên môn của những phóng viên, nhà báo chuyên nghiệp. Dấu ấn, bản sắc cá nhân, thậm chí là sự duyên dáng và tình cảm của các nhà báo được thể hiện trong những cuộc phỏng vấn là điều không chỉ đem lại thông tin, kiến thức mà còn cả sự thú vị, niềm vui, sự hứng thú cho công chúng – đây là những điều mà cho đến hiện nay, báo chí robot chưa thể nào hoàn toàn thay thế được các nhà báo con người.

Tóm lại, AI có thể tạo nên những thay đổi rất lớn trong nghề báo, trong hoạt động báo chí, trong cách thức sản xuất, trình bày và thể hiện tác phẩm báo chí, mà rõ nhất là sự phát triển của báo chí robot như một loại báo chí mới. Nhưng nhà báo cần giữ vững vai trò chủ đạo của mình trên mặt trận thông tin.

Nhà báo sử dụng AI để nâng cao chất lượng sản phẩm báo chí, tăng tốc độ sản xuất và phát hành báo chí để kịp thời phục vụ nhu cầu thông tin của công chúng trong bối cảnh xã hội công nghiệp 4.0, nhưng nhà báo không nên để AI ngự trị công việc của người làm báo và quá dựa dẫm vào AI, bởi báo chí robot/báo chí AI tuy mạnh về tốc độ và dung lượng thông tin song vẫn còn thiếu đi màu sắc của cảm xúc, của phong cách cá nhân độc đáo và tâm huyết, định hướng, lý tưởng nghề nghiệp của nhà báo.

Các giọng đọc máy nhan nhản trên mạng xã hội hiện nay có thể đem lại thông tin cấp thời và nhanh chóng cho công chúng, nhưng giọng đọc của những phát thanh viên như Hanoi Hannah (bà phát thanh viên Trịnh Thị Ngọ của Đài Tiếng nói Việt Nam trong thời kì kháng chiến chống Mỹ cứu nước) có khả năng đi thẳng vào trái tim, tâm hồn của người nghe và để lại ấn tượng vô cùng sâu sắc. Đây là điều mà cho đến nay giọng đọc của AI vẫn chưa thể sánh được, bởi chất “người” và chữ “tâm” luôn luôn cần và luôn chi phối hoạt động báo chí dù ở thời đại nào - đây là những yếu tố quyết định thành công của hầu hết các hoạt động quan trọng trong xã hội loài người./.

(1). Hoài Phương 2022, “Robot phóng viên trong tương lai của
báo chí”, Thanh tra, Robot phóng viên trong tương lai của báo chí (thanhtra.com.vn), xem 16/6/2024; Tuyên giáo 2017, “Báo chí robot sẽ tiếp tục tăng trưởng ở các tòa soạn”, Tuyên giáo, Báo chí robot sẽ tiếp tục tăng trưởng ở các tòa soạn - Tạp chí Tuyên giáo (tuyengiao.vn) xem 16/6/2024; Hiền Anh 2017,
“Robot viết báo trong tích tắc, khiến phóng viên lo ngại”, VnExpress, Robot viết báo trong tích tắc, khiến phóng viên lo ngại - Báo VnExpress, xem 16/6/2024.

(2). Tham khảo mô hình cấu trúc thông điệp, Trần Thị Hòa (2021), trang 40-41.

(3). Xem Trần Đăng Sinh, Vũ Thị Kim Dung và các tác giả (2015), trang 199

Tài liệu tham khảo:

1. Hiền Anh (2017), “Robot viết báo trong tích tắc, khiến phóng viên lo ngại”, VnExpress, https://vnexpress.net/robot-viet-bao-trong-tich-tac-khien-phong-vien-lo-ngai-3532872.html, xem ngày 15/6/2024.

2. Hoài Phương (2022), “Robot phóng viên trong tương lai của
báo chí”, Thanh Tra https://thanhtra.com.vn/quoc-te/robot-phong-vien-trong-tuong-lai-cua-bao-chi-198340.html, xem ngày 15/6/2024. Nhân dân (2023), “Những cột mốc đánh dấu sự hình thành và phát triển của trí tuệ nhân tạo”, https://nhandan.vn/nhung-cot-moc-danh-dau-su-hinh-thanh-va-phat-trien-cua-tri-tue-nhan-tao-post742632.html,
xem ngày 15/6/2024.

3. Lê Quốc Minh (2023), “Chat GPT Trí tuệ nhân tạo và báo chí: Lợi ích, rủi ro cùng những vấn đề về pháp lý và đạo đức”, Nhân dân, https://special.nhandan.vn/ChatGPT-trituenhantao-va-baochi/index.html, xem ngày 14/6/2024.

4. Nhân dân, “Những cột mốc đánh dấu sự hình thành và phát
triển của trí tuệ nhân tạo”, https://nhandan.vn/nhung-cot-moc-danh-dau-su-hinh-thanh-va-phat-trien-cua-tri-tue-nhan-tao-post742632.html, xem ngày 14/6/2024.

5. Song Anh 2023, “Lo ngại gì khi sử dụng AI trong tác nghiệp?”,
Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam, https://dangcongsan.vn/cung-ban-luan/lo-ngai-gi-khi-su-dung-ai-trong-tac-nghiep-bao-chi-647422.html, xem ngày 15/6/2024

6. Trần Đắc Hiến (2022), “Hiện trạng và xu hướng phát triển
trí tuệ nhân tạo trên thế giới”, Cục thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

7. Trần Đăng Sinh (chủ biên), Vũ Thị Kim Dung và các tác giả (2015), Lịch sử triết học, NXB Đại học Sư phạm.

8. Trần Thị Hòa (2021), Lý thuyết truyền thông, NXB Đà Nẵng.

9. Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Trung tâm tin học, Trí tuệ nhân tạo (AI) là gì? http://prokids.csc.edu.vn/tin-tuc/Tri-tue-nhan-tao-AI-la-gi-1013, xem ngày 14/6/2024.

10. Tuyên Giáo (2017), “Báo chí robot sẽ tiếp tục tăng trưởng
ở các tòa soạn”, https://tuyengiao.vn/bao-chi-robot-se-tiep-tuc-tang-truong-o-cac-toa-soan-95926, xem ngày 15/6/2024.

11. VOV Báo Tiếng nói Việt Nam 2019, Báo in thế giới: từ chuyện của những tờ báo đầu tiên, http://baotnvn.vn/tin-tuc/Ho-so-tu-lieu/3346/Bao-in-the-gioi-Tu-chuyen-cua-nhung-to-bao-dau-tien%E2%80%A6, xem ngày 7/7/20240

(Bài viết đăng báo in Tạp chí TT&TT số 8 tháng 8/2024)

TS. Trần Thị Hoà - SV. Trần Thị Diễm My, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng