Đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách cho xuất bản điện tử

Truyền thông - Ngày đăng : 08:54, 20/08/2024

Giám đốc NXB TT&TT đề nghị cơ quan quản lý cần nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện pháp luật liên quan các quy định nói chung cùng những cơ chế, chính sách cho xuất bản điện tử và chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản.
Truyền thông

Đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách cho xuất bản điện tử

PV 20/08/2024 08:54

Giám đốc NXB TT&TT đề nghị cơ quan quản lý cần nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện pháp luật liên quan các quy định nói chung cùng những cơ chế, chính sách cho xuất bản điện tử và chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản.

Ngày 19/8/2024, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học "Hoàn thiện cơ chế chính sách, hỗ trợ hoạt động xuất bản và lấy ý kiến về sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản”.

Hội thảo tập trung vào hai nội dung lớn: Hoàn thiện cơ chế chính sách sau 20 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư “Về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản”; Trao đổi, lấy ý kiến của các đơn vị để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật xuất bản trong thời gian tới nhằm thúc đẩy lĩnh vực xuất bản phát triển.

Hoàn thiện thể chế pháp luật, nâng cao chất lượng hoạt động xuất bản

Tại Hội thảo, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy khẳng định, Hội thảo là một trong chuỗi các hoạt động có ý nghĩa rất quan trọng, thiết thực để góp phần tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư.

z5746025832263_03347d37b114a673680f2e32857a9b47.jpg
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy phát biểu tại Hội thảo.

Những vấn đề đặt ra tại Hội thảo ngày hôm nay là cơ sở vô cùng quan trọng, cần thiết để Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT, Hội Xuất bản Việt Nam lắng nghe, ghi nhận những đề xuất đầy trăn trở, tâm huyết của các NXB, đơn vị in, phát hành; cùng nhau nghiên cứu, phối hợp, đề xuất các giải pháp căn cơ trong quá trình tiến hành tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW. Theo đó, kịp thời tham mưu Ban Bí thư chủ trương, đường lối mới, hoàn thiện thể chế pháp luật nhằm nâng cao chất lượng hoạt động xuất bản, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới”, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh.

Xây dựng chiến lược phát triển tổng thể ngành xuất bản lâu dài, bền vững

Cũng tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm đã khái quát những vấn đề còn vướng mắc trong hoạt động xuất bản thời gian qua và đề nghị các đơn vị trong ngành xuất bản đóng góp ý kiến, đề xuất kiến nghị.

Trên cơ sở đó, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện các điều Luật Xuất bản.

z5744520978884_8e9fd8a7c71067fb8b1ff6f79e27b926.jpg
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm khái quát những vấn đề còn vướng mắc trong hoạt động xuất bản thời gian qua.

Khái quát kết quả nổi bật của ngành xuất bản 20 năm qua, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (XBI&PH) Nguyễn Nguyên cho biết trong 20 năm qua, nhịp độ tăng trưởng của Ngành tương đối ổn định.

Năm 2023, lĩnh vực xuất bản đạt khoảng 5,3 bản/người/năm. Lĩnh vực in cũng phát triển mạnh, cả ngành có trên 2/100 cơ sở in với doanh thu cao. Lĩnh vực phát hành có hơn 2.000 đơn vị, sách điện tử phát triển rầm rộ.

z5744520992441_6ad5813e64c9d377b148b5039921750c.jpg
Ông Nguyễn Nguyên phát biểu tại Hội thảo.

Một số tồn tại chính của lĩnh vực đã được nhận định, như: Tổng quy mô cả ba lĩnh vực còn hạn chế, chỉ đạt khoảng 102.000 tỷ đồng năm 2023. Lĩnh vực xuất bản doanh thu vượt 100 tỷ đồng/năm còn thấp. Quy mô của lĩnh vực in còn nhỏ lẻ, năng lực công nghệ còn hạn chế, thiết bị lạc hậu. Hệ thống phát hành phát triển không đều, nhiều yếu tố bất cập. Việc đưa sách về các địa phương vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn.

Nhiều vấn đề bất cập mới nảy sinh đòi hỏi phải sớm có biện pháp khắc phục như các quy định về: chính sách; mô hình; xuất bản điện tử, việc thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC)... Cùng với đó là các hạn chế như việc thể chế hóa các nội dung, định hướng, chỉ đạo của Chỉ thị 42-CT/TW còn chậm, thiếu quan tâm bố trí nguồn lực; nhận thức trách nhiệm của các cơ quan chưa đầy đủ; hạn chế, yếu kém của một bộ phận lãnh đạo.

z5744520976499_4dbbca7f8308d28f5efe8fad76419cb9.jpg
Toàn cảnh Hội thảo.

Hoàn thiện pháp luật, cơ chế cho xuất bản điện tử

Ông Trần Chí Đạt, Giám đốc NXB TT&TT đã nhận định: Trong nhiều năm qua, các cơ quan lãnh đạo, quản lý nhà nước (QLNN) về xuất bản đã ban hành nhiều văn bản quan trọng nhằm tăng cường quản lý và thúc đẩy hoạt động xuất bản (HĐXB), trong đó, quan trọng nhất là Chỉ thị số 42-CT/TW.

Mặc dù đã có những cơ sở pháp lý nhưng ông Trần Chí Đạt cho rằng hệ thống quản lý hoạt động xuất bản sách điện tử (HĐXBSĐT) còn có những hạn chế nhất định nên HĐXBSĐT diễn ra chậm chạp, manh mún và để lại một số hệ lụy như: xuất bản không có giấy phép, nạn vi phạm bản quyền, phát tán sách điện tử tràn lan trên mạng Internet, sao chép lậu...

Đối với công tác quản lý HĐXB và phát hành xuất bản phẩm điện tử (XBPĐT) thì các văn bản pháp luật vẫn chưa thực sự đáp ứng được thực tế yêu cầu. Nhiều điều, khoản về xuất bản và phát hành XBPĐT còn chưa rõ ràng, mang tính chất bao trùm hoặc chung chung, chưa giải quyết được thấu đáo những vấn đề thực tiễn gây những khó khăn nhất định cho cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia xuất bản và phát hành sách điện tử.

Để Luật và các văn bản dưới luật ngày càng đi vào cuộc sống hơn, đồng thời tháo gỡ được khó khăn cho các NXB và các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động XBĐT, Giám đốc NXB TT&TT đề nghị cơ quan QLNN cần nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện pháp luật liên quan các quy định nói chung cùng những cơ chế, chính sách cho xuất bản điện tử và chuyển đổi số (CĐS) trong hoạt động xuất bản với một số nội dung cụ thể như: việc liên kết xuất bản và phát hành XBPĐT; việc cấp mã ISBN; thời hạn xác nhận đăng ký xuất bản; nộp lưu chiểu XBPĐT; chính sách thuế…

Đại diện NXB Thế giới đề xuất, kiến nghị gấp rút xây dựng một chiến lược phát triển tổng thể ngành xuất bản lâu dài, bền vững, vừa bảo đảm tính chất đặc thù của hoạt động xuất bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, vừa thích ứng với quy luật phát triển của khu vực và thế giới.

6b8027d07a9f93c1ca8e.jpg
Đại diện NXB Thế giới phát biểu tại Hội thảo.

Các cơ quan hữu quan cần gấp rút xây dựng một chiến lược, một lộ trình áp dụng thế mạnh của công cuộc CĐS vào hoạt động xuất bản ở cả ba công đoạn: xuất bản, in, phát hành. Đặc biệt là khả năng kết nối trong việc khai thác nguồn dữ liệu, tìm hiểu, khai thác nhu cầu thị trường, thị hiếu người đọc”, đại diện NXB Thế giới đề nghị.

NXB Trẻ đã nêu một số đề xuất cải cách thủ TTHC phù hợp yêu cầu CĐS và hội nhập quốc tế đã đưa ra các giải pháp chính: Đẩy nhanh hơn nữa việc giải quyết TTHC trực tuyến; hoàn thiện bộ TTHC về XBI&PH; nghiên cứu, ứng dụng nền tảng số để góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng vi phạm bản quyền, sách lậu, sách giả; nâng cao vai trò lãnh đạo, quản lý của cục XBIPH trong công tác cải cách TTHC.

Cải cách thể chế tạo điều kiện cho ngành công nghiệp in phát triển bền vững

Trao đổi về lĩnh vực in, Chủ tịch Hiệp hội in Việt Nam Nguyễn Văn Dòng cho biết Luật Đầu tư thông thoáng, chính sách mở cửa, hội nhập của Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi để ngành công nghiệp in phát triển nhanh chóng, thực sự trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật, một ngành công nghiệp phụ trợ quan trọng, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xuất bản, báo chí và phát triển kinh tế của đất nước, trong đó có sự đóng góp tích cực của khối doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài.

Những mặt hạn chế, yếu kém của các DN in trong nước cần có các giải pháp khắc phục để sự phát triển của ngành công nghiệp in được hài hòa, trong đó cần sự nỗ lực của chính các DN in và sự cải cách, sửa đổi, bổ sung về mặt thể chế tạo điều kiện cho ngành công nghiệp in phát triển vững chắc và hài hòa hơn”, ông Nguyễn Văn Dòng chia sẻ.

Công ty TNHH một thành viên in Tiến Bộ kiến nghị về cơ chế chính sách, trong đó nhấn mạnh giải pháp ưu tiên ứng dụng công nghệ số. Đối với Chính phủ và các cơ quan chức năng cần sớm hoàn thiện việc rà soát sửa đổi bổ sung một số điều của Luật xuất bản cho phù hợp với tình hình thực tiễn hoạt động XBI&PH hiện nay tại Việt Nam và xu thế phát triển của khu vực và thế giới. Đối với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần xem xét bố trí quỹ đất để thành lập khu công nghiệp dành riêng cho hoạt động in. Đối với các cơ sở đào tạo và Hiệp hội in Việt Nam cần đào tạo và bổ sung nguồn nhân lực hằng năm để sát với nhu cầu thực tế.

Đại diện Công ty CP In Công đoàn Việt Nam cũng kiến nghị: Bộ TT&TT cần đẩy mạnh nghiên cứu xu hướng phát triển trong tương lai của ngành công nghiệp in để xây dựng chiến lược, định hướng cho ngành công nghiệp in Việt Nam, phù hợp với tình hình kinh tế nước nhà. Đồng thời, nghiên cứu triển khai thí điểm phát triển mô hình nhà máy in thông minh, từng bước hướng đến xây dựng 4 tiêu chuẩn ứng dụng công nghiệp in bao gồm: (1) Tiêu chuẩn chung cơ bản, (2) Thiết bị in thông minh, (3) Nhà máy in thông minh và (4) Dịch vụ in thông minh.

Cần cơ chế kiểm soát chất lượng, giá sách trên các kênh kinh doanh online

Công ty CP Phát hành Sách TP. Hồ Chí Minh (Fahasa) kiến nghị cần có những giải pháp quyết liệt hơn trong việc phòng chống sách giả; Cần có những đề tài nghiên cứu khoa học, học tập mô hình các nước tiên tiến để thực hiện việc phát triển văn hóa đọc trong nước; Nhà nước cần có cơ chế kiểm soát chất lượng, kiểm soát giá trên các kênh kinh doanh online, chống tình trạng bán sách lậu, sách kém chất lượng và tình trạng bán phá giá; Nhà nước cần có chính sách ưu đãi tốt hơn cho các đơn vị uy tín trong ngành về giá thuê mặt bằng để mở các Nhà sách lớn xứng tầm với các nước trong khu vực.

Bà Trần Thị Bạch Dương, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Xuất Nhập khẩu Phát triển Văn hóa (CDIMEX) kiến nghị: Cần phải cải cách thể chế quản lý, cơ chế vận hành và cơ chế sử dụng nguồn tài nguyên xuất bản phẩm. Việc hoàn thiện cơ chế chính sách và hỗ trợ ngành xuất bản, phát hành tại Việt Nam cần một chiến lược toàn diện, bao gồm cập nhật hệ thống pháp lý, tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cải cách Luật xuất bản phải đồng bộ với Luật thư viện.

Công tác sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản phải đồng bộ với công tác sửa đổi, bổ sung Luật Thư viện, đặc biệt về XBPĐT, tránh tình trạng quản lý chặt chẽ bản in nhưng buông lỏng quản lý bản điện tử.

Đồng thời, việc nâng cao nhận thức cộng đồng và đào tạo các bên liên quan đặc biệt là hệ thống thư viện đang đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và phát triển ngành xuất bản, phát hành bền vững”, bà Trần Thị Bạch Dương bày tỏ./.

PV