Hà Nội khẳng định vị thế dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục
Truyền thông - Ngày đăng : 10:12, 20/08/2024
Hà Nội khẳng định vị thế dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục
Năm học 2023-2024, Hà Nội tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục. Với những kết quả ấn tượng trên nhiều khía cạnh, ngành giáo dục Thủ đô hướng tới năm học mới với nhiều kỳ vọng lớn lao.
Ngành giáo dục Thủ đô phát triển toàn diện
Theo báo cáo từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, năm học 2023-2024, ngành giáo dục Thủ đô đạt được những kết quả toàn diện ở các cấp học, hoàn thành tốt các nội dung, nhiệm vụ trọng tâm. Toàn thành phố có 2.913 trường mầm non, phổ thông, với gần 2,3 triệu học sinh, gần 130.000 giáo viên.
Công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) được tăng cường, kiểm soát tốt. Công tác tham mưu về cơ chế chính sách được chủ động thực hiện.
Hà Nội đã tổ chức công khai, minh bạch kỳ tuyển dụng viên chức làm việc tại các trường, cơ sở giáo dục thuộc thành phố quản lý (tuyển dụng được 1.038 viên chức).
Bên cạnh đó, chất lượng giáo dục đại trà được quan tâm. Ngành GD&ĐT Thủ đô đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động, phong trào thiết thực, hiệu quả, tạo sự lan tỏa trong xã hội.
Kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông của học sinh thành phố năm học 2023-2024 tiếp tục có chuyển biến mạnh với 99,81% học sinh tốt nghiệp, tăng 0,25% và 5 bậc so với năm trước (từ vị trí thứ 16 vươn lên xếp vị trí thứ 11), trong đó, tỷ lệ tốt nghiệp của khối giáo dục thường xuyên đạt 99,12%, cao hơn 2,24% so với tỷ lệ tốt nghiệp của khối giáo dục thường xuyên cả nước, là kết quả cao nhất trong 5 năm qua. Ngoài ra, học sinh Thủ đô còn giành 339 huy chương, xếp thứ 2 toàn đoàn tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc năm 2024.
Học sinh Thủ đô đứng đầu cả nước với 184 học sinh đoạt giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia. Đặc biệt, Hà Nội có 2 học sinh đoạt Huy chương vàng Olympic ở các Sinh học và Hóa học năm 2024.
Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực GD&ĐT được quan tâm. Hà Nội là đơn vị dẫn đầu cả nước về kết quả triển khai học bạ số cấp Tiểu học với 97,6%. Đáng chú ý, năm học 2023-2024, các trường học trên địa bàn thành phố đã kết nạp Đảng cho 200 học sinh, cao hơn 2 lần so với năm học trước. Công tác đầu tư cơ sở vật chất tiếp tục được tăng cường. Toàn thành phố có gần 80% số trường công lập đạt chuẩn quốc gia. Với những kết quả toàn diện đã đạt được, sự nghiệp GD&ĐT Thủ đô được thành phố ghi nhận, bình chọn là 1 trong 10 sự kiện tiêu biểu của Thủ đô năm 2023.
Xứng đáng là cái nôi đào tạo nhân tài của cả nước
Ghi nhận những kết quả nổi bật của ngành giáo dục Hà Nội trong năm học 2023-2024, Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng cho rằng, kết quả có được nhờ sự nỗ lực cố gắng của đội ngũ cán bộ quản lý, sự tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ giáo viên, nhân viên, tinh thần hiếu học của học sinh, sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy chính quyền thành phố.
Trong đó, công tác chuyển đổi số có nhiều chuyển biến tích cực. Ngành GD&ĐT Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động, phong trào, sẻ chia cùng những đồng nghiệp giáo viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Thủ đô và cả nước với nhiều nghĩa cử cao đẹp.
Giáo viên Thủ đô nhiều người là cốt cán trong các buổi sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt chuyên môn, các buổi tập huấn do Bộ GD&ĐT tổ chức. Những ý kiến tham gia của Sở GD&ĐT Hà Nội với đội ngũ nhà giáo đông đảo, chất lượng cao, tâm huyết, đã giúp Bộ GD&ĐT có nhiều thông tin hữu ích để tham gia xây dựng cơ chế chính sách, chỉ đạo chuyên môn hiệu quả.
Năm học 2024-2025 là năm học quan trọng thực hiện đồng bộ và khép kín chương trình giáo dục phổ thông 2018, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị ngành GD&ĐT Hà Nội tiếp tục quan tâm một số nội dung như: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục, công tác chỉ đạo, đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá.
Hà Nội cần giải quyết một số vấn đề còn là điểm nghẽn như, hiện còn hơn 8.000 chỉ tiêu biên chế chưa được sử dụng, lớn nhất cả nước. Điều này sẽ gây khó khăn cho Bộ GD&ĐT tham mưu Bộ Nội vụ tiếp tục giao biên chế giáo viên.
Để triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong năm học tới, ngành GD&ĐT Thủ đô cần bám sát vào nội dung hướng dẫn nhiệm vụ năm học trong các văn bản chỉ đạo mà Bộ GD&ĐT đã ban hành với tinh thần chủ động sáng tạo, áp dụng phù hợp với điều kiện thực tiễn của Thủ đô. Với quy mô lớn, loại hình cơ sở giáo dục đa dạng, Hà Nội cần tăng cường chủ động trong công tác thanh tra, kiểm tra.
Thứ trưởng cũng đề nghị thành phố tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cả công lập và ngoài công lập; tăng cường giáo dục đạo đức lối sống trong học sinh, sinh viên; xây dựng các phong trào thi đua, để các phong trào này trở thành điểm sáng nhân rộng và là những mô hình học tập cho nhiều Sở GD&ĐT; có giải pháp cụ thể, xây dựng Thủ đô gia nhập vào mạng lưới “Thành phố học tập” của UNESCO.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, với tinh thần coi GD&ĐT là quốc sách hàng đầu, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố luôn xác định đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định sự phát triển bền vững của Thủ đô trong tương lai. Thành phố đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục… nhằm nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục của Thủ đô.