Nhanh chóng số hóa nền kinh tế phát triển theo hướng bền vững

Kinh tế - Ngày đăng : 10:54, 19/08/2024

Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của Internet và sự gia tăng nhanh chóng của người dùng thiết bị thông minh. Tỷ lệ người dùng Internet tại Việt Nam đã đạt hơn 79% dân số, tương đương khoảng 78,5 triệu người. Việt Nam đang chứng kiến một cuộc chuyển đổi mạnh mẽ từ thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toán không dùng tiền mặt.
Kinh tế

Nhanh chóng số hóa nền kinh tế phát triển theo hướng bền vững

Ngọc Dũng 19/08/2024 10:54

Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của Internet và sự gia tăng nhanh chóng của người dùng thiết bị thông minh. Tỷ lệ người dùng Internet tại Việt Nam đã đạt hơn 79% dân số, tương đương khoảng 78,5 triệu người. Việt Nam đang chứng kiến một cuộc chuyển đổi mạnh mẽ từ thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toán không dùng tiền mặt.

Thanh toán không dùng tiền mặt diễn ra nhanh chóng

Thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), là hình thức giao dịch thông qua các phương tiện kỹ thuật số như thẻ tín dụng, ngân hàng điện tử, thanh toán di động và ví điện tử. Thay vì sử dụng tiền mặt, người dùng chỉ cần thao tác đơn giản trên điện thoại hoặc thiết bị thông minh để thanh toán. Sự phát triển mạnh mẽ của Internet và gia tăng nhanh chóng của người dùng thiết bị thông minh. Việt Nam đang chứng kiến một cuộc chuyển đổi mạnh mẽ từ thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toán không dùng tiền mặt.

e5e0d_thanhtoankhongdungtienmat_650.jpg
Việt Nam đang chứng kiến một cuộc chuyển đổi mạnh mẽ từ thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến đầu năm 2024, tỷ lệ người dùng Internet tại Việt Nam đã đạt hơn 79% dân số, tương đương khoảng 78,5 triệu người. Sự gia tăng này tạo ra một nền tảng vững chắc cho sự phát triển của các dịch vụ tài chính kỹ thuật số và thanh toán điện tử.

Ngân hàng Nhà nước cũng thống kê từ đầu năm 2024, các kênh thanh toán điện tử đang dẫn đầu xu hướng TTKDTM, bao gồm: Ngân hàng Internet tăng 57,85% về số lượng và 32,43% về giá trị và ngân hàng di động tăng 68,54% về số lượng và 41,12% về giá trị. Thanh toán bằng mã QR: Bùng nổ với mức tăng trưởng 892,95% về số lượng và 1.062,01% về giá trị. Những con số này cho thấy sự chuyển đổi rõ rệt từ tiền mặt sang các phương thức thanh toán điện tử, đặc biệt là thanh toán bằng mã QR, hình thức này đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường nhờ vào sự tiện lợi an toàn và nhanh chóng, đặc biệt là trong giới trẻ.

Thời gian qua sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và hạ tầng Internet tại Việt Nam đã là đòn bẩy thúc đẩy xu hướng TTKDTM phát triển. Đây không chỉ là kết quả của những tiến bộ về mặt công nghệ, mà còn là sự chuyển dịch để mang đến sự minh bạch trong chi tiêu giao dịch, đáp ứng nhu cầu thanh toán hiệu quả cho các cá nhân tổ chức. Đồng thời cũng mở ra những cơ hội tiềm năng để cả thị trường tăng trưởng và phát triển nhiều dịch vụ mới trong một nền kinh tế số. Bên cạnh đó việc TTKDTM cũng là phương thức giúp nhà nước dễ dàng quản lý, giám sát, thúc đẩy đổi mới toàn bộ nền kinh tế, từ đó cho phép nỗ lực số hóa kinh tế của Việt Nam diễn ra nhanh chóng và bền vững hơn.

Động lực để thúc đẩy kinh tế nhờ vai trò của kỹ thuật số

Chia sẻ về vấn đề không dùng tiền mặt, tại Hội thảo “Nâng cao bảo mật, an toàn không dùng tiền mặt” tổ chức hồi tháng 6/2024 tại TP.HCM, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phước cho biết: Một thực tế trước đây Kho bạc Nhà nước đã đầu tư nhiều kho chứa và xe chở tiền để đảm bảo lưu thông tiền tệ phục vụ nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, với xu hướng TTKDTM hiện nay, các kho chứa trống và xe chở tiền không còn cần thiết đã phải thanh lý để tiết kiệm ngân sách quốc gia.

Theo đó Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết trong 4 tháng đầu năm 2024 TTKDTM đạt khoảng 4,9 tỉ giao dịch với tổng giá trị đạt hơn 87 triệu tỉ đồng. Trong đó, thanh toán qua kênh Internet đạt 916,7 triệu giao dịch với 22,5 triệu tỉ đồng; Qua kênh điện thoại di động 3,4 tỉ giao dịch với 22,4 triệu tỉ đồng; Qua phương thức QR code đạt 101,2 triệu giao dịch với 126,8 nghìn tỉ đồng.

Nhận thấy việc dùng tiền mặt giảm thiểu rõ qua khảo sát của Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) năm 2023, giao dịch trên ATM tiếp tục giảm 16,9% về số lượng và 19,5% về giá trị, khiến tỷ trọng giao dịch ATM chỉ còn chiếm 3,6% tổng giao dịch qua hệ thống. Nhận thấy thanh toán điện tử đang dẫn đầu xu hướng đến thời điểm này.

Theo Tập đoàn tư vấn Boston (BCG) ước tính rằng việc chuyển sang mô hình không dùng tiền mặt sẽ tăng thêm khoảng 1 điểm phần trăm vào GDP hàng năm của các nền kinh tế trưởng thành và hơn 3 điểm phần trăm đối với GDP của các nền kinh tế mới nổi. Thanh toán không dùng tiền mặt đang được xem là động lực để thúc đẩy kinh tế nhờ vai trò của kỹ thuật số trong việc đơn giản hóa quá trình gửi và nhận thanh toán. Trong số các nền kinh tế tiên tiến, Thụy Điển và Hàn Quốc là hai ví dụ điển hình. Ngay từ năm 2018, các giao dịch tiền mặt ở Thụy Điển đã chiếm ít hơn 2% giá trị thanh toán. Còn tại Hàn Quốc, tính đến năm 2021, chỉ có 14,6% giao dịch được thực hiện bằng tiền mặt, đưa Hàn Quốc trở thành một trong những quốc gia không dùng tiền mặt hàng đầu trên thế giới.

Tại Việt Nam ngay từ những năm 2021 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1813/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025. Đáng chú ý, về mục tiêu cụ thể, đến cuối năm 2025 giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 25 lần GDP; thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%; từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ thanh toán của người dân; tăng số lượng cơ sở chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt lên trên 450.000 điểm./.

Ngọc Dũng