Phát triển kinh tế số là thời cơ vàng cho Việt Nam

Truyền thông - Ngày đăng : 16:19, 19/08/2024

Việt Nam với quy mô dân số lớn và sự thích ứng nhanh chóng của người dân với công nghệ mới là cơ hội thúc đẩy kinh tế số và xã hội số theo lộ trình của chiến lược quốc gia. Điều này đóng góp tích cực vào việc thực hiện mục tiêu đề ra tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Truyền thông

Phát triển kinh tế số là thời cơ vàng cho Việt Nam

Hoàng Anh 19/08/2024 16:19

Việt Nam với quy mô dân số lớn và sự thích ứng nhanh chóng của người dân với công nghệ mới là cơ hội thúc đẩy kinh tế số và xã hội số theo lộ trình của chiến lược quốc gia. Điều này đóng góp tích cực vào việc thực hiện mục tiêu đề ra tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Bứt phá năm 2024

Theo Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, năm 2024 là năm “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”. Chỉ tiêu được đặt ra trong lĩnh vực kinh tế số năm 2024 với tổng doanh thu lĩnh vực kinh tế số nền tảng đạt 40 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng kinh tế số nền tảng từ 20-25%. Tỷ lệ đóng góp của tổng các cấu phần kinh tế số vào GDP đạt từ 19%-20%. Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt 7,5%. Định hướng đến năm 2025, kinh tế số chiếm trên 20% GDP cả nước, tăng trưởng từ 20% - 25%/năm, gấp 3 lần tăng trưởng GDP. Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%.

anh-tt-8.jpg
Ảnh minh họa

Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số của Việt Nam đã chính thức đặt ra những mục tiêu quan trọng nhằm thúc đẩy sự chuyển đổi số trong xã hội và kinh tế, đồng thời tạo ra cơ hội và thách thức mới. Chiến lược này đã xác định rõ những mục tiêu cụ thể đến năm 2024: Xây dựng Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về người dân, doanh nghiệp, và đất đai, đạt 100% đối với mỗi lĩnh vực; Đạt tỷ lệ 70% dân số sở hữu danh tính số, với mỗi danh tính phát sinh trung bình 100 lượt sử dụng mỗi năm; Tỷ lệ người dân có tài khoản thanh toán điện tử đạt 80%, với 50% thanh toán thương mại điện tử không sử dụng tiền mặt. Tỷ lệ thanh toán hóa đơn điện, nước không sử dụng tiền mặt đạt 75%; Đào tạo kỹ năng số cho 70% công nhân tuyển dụng mới và đào tạo lại. Tỷ lệ nông dân được đào tạo về kỹ năng số cơ bản đạt tối thiểu 50%. 100% học sinh phổ thông và sinh viên được đào tạo kỹ năng số; Tỷ lệ học sinh phổ thông tiếp cận STEM/STEAM đạt 70%. Đưa vào hoạt động 5 đại học số thí điểm. Tổng số nhân lực công nghệ số Việt Nam đạt 1,5 triệu người.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố kết quả chuyển đổi số quốc gia với 62 mục tiêu đề ra năm 2023. Theo đó, 18 mục tiêu đã được hoàn thành, chiếm 29%, 27 mục tiêu có khả năng hoàn thành cao (43,5%), và 17 mục tiêu còn lại đang đòi hỏi nỗ lực tập trung để hoàn thành đúng hạn (27,5%). Kế hoạch năm 2023 đặt ra 126 nhiệm vụ, trong đó đã hoàn thành 102 nhiệm vụ, đạt tỷ lệ 81%. Trong lĩnh vực sáng tạo và chuyển đổi số, Việt Nam tiếp tục đứng trong nhóm 50 nước dẫn đầu với thứ hạng 46 trong Chỉ số Đổi mới Sáng tạo của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới năm 2023, tăng 2 bậc so với năm 2022.

Thương mại điện tử đã đem lại sự phát triển vượt trội

Tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Phát triển thương mại điện tử - Cơ hội, động lực và thách thức” mới đây do Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ tổ chức, Tiến sĩ Võ Trí Thành cho rằng kinh tế số, thương mại điện tử có nhiều câu chuyện, có thể mang tính chuyên môn, học thuật nhưng điều rõ nhất là chưa bao giờ nền kinh tế số, tức là hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng công nghệ số cộng với thương mại điện tử, lại len lỏi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống, từ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng như hiện nay.

Theo Tiến sĩ Võ Trí Thành, quy mô kinh tế số Việt Nam đạt khoảng 13-14% GDP, trong khi mục tiêu của chúng ta là chiếm 20% GDP vào năm 2025 và 30% GDP vào năm 2030. Điều đó cho thấy tốc độ của đóng góp của nền kinh tế số xét về giá trị gia tăng cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng trung bình của GDP của Việt Nam.

Chuyển đổi số, phát triển kinh tế số là thời cơ vàng cho Việt Nam có thể bắt kịp, đi cùng với thời đại, với các nước. Thương mại điện tử là bộ phận cấu thành rất quan trọng của nền kinh tế số. Kinh tế số chính là để cho GDP phát triển. Đóng góp cho ngân sách từ kinh tế số cũng ngày càng cao. Riêng năm 2023, doanh thu của thương mại điện tử là 3,5 triệu tỉ đồng, thu ngân sách từ đó là khoảng 100.000 tỉ đồng và những con số này chắc chắn trên thực tế còn cao hơn.

Việt Nam có số lượng dân số trẻ cao, tiêu dùng mạnh mẽ, thích giao dịch online gắn với gen Z, thương mại điện tử tạo ra sự phát triển đồng đều hơn, giảm bớt khoảng cách về thu nhập. Thương mại điện tử phát triển ở khu vực nông thôn cũng rất mạnh mẽ, gần tiệm cận với thành phố. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển của thương mại điện tử thì khu vực thương mại truyền thống, khu vực bán lẻ bị thu hẹp dần. Điều này là tất yếu nhưng cũng tạo ra những tác động không mong muốn. Các vấn đề về thể chế, về xử lý tranh chấp, bảo vệ người tiêu dùng cũng đang là một bài toán khó.

Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, kinh tế số Việt Nam có thể đạt mục tiêu 20% GDP vào năm 2025. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, cần có sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan, doanh nghiệp, người dân trong việc đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội của đất nước.

Hoàng Anh