Phóng viên chuyên trách và những bài học làm báo từ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Truyền thông - Ngày đăng : 16:17, 22/08/2024

“Sau hơn 13 năm là phóng viên chuyên trách, tôi học được ở Tổng Bí thư cách làm báo hơn tất cả mọi điều học được ở trường và đồng nghiệp. Làm báo phải nhìn nhận vấn đề bằng cả sự tỉnh táo của lý trí, lật đi lật lại vấn đề, đồng thời phải có sự rung động của con tim...”.
Truyền thông

Phóng viên chuyên trách và những bài học làm báo từ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

TT {Ngày xuất bản}

“Sau hơn 13 năm là phóng viên chuyên trách, tôi học được ở Tổng Bí thư cách làm báo hơn tất cả mọi điều học được ở trường và đồng nghiệp. Làm báo phải nhìn nhận vấn đề bằng cả sự tỉnh táo của lý trí, lật đi lật lại vấn đề, đồng thời phải có sự rung động của con tim...”.

Đó là tâm sự của nhà báo Văn Bắc, phóng viên chuyên trách Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng của Báo Nhân Dân tại Lễ khai trương Trang thông tin đặc biệt “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo có tâm, có tầm của Đảng” do Báo Nhân Dân tổ chức mới đây.

tham-quan.jpg
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham quan triển lãm ảnh "Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng” tại trụ sở Báo Nhân Dân.

Kỷ niệm không thể quên

Nhà báo Văn Bắc chia sẻ, ông vô cùng may mắn được tập thể lãnh đạo Báo Nhân Dân giao làm phóng viên chuyên trách Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Hơn 13 năm làm nhiệm vụ này, ông học tập được ở nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc của Đảng rất nhiều điều bổ ích cho bản thân, từ những điều nhỏ nhất như cử chỉ trong sinh hoạt đời thường đến tác phong công tác và đặc biệt là cách nhìn nhận, phân tích, đánh giá vấn đề ở một nhà lý luận xuất sắc, có tầm tư duy vượt trội như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

“Ai cũng biết cố Tổng Bí thư từng là nhà báo, cho nên rất am hiểu và luôn sẵn sàng chia sẻ công việc, giúp chúng tôi nhiều kinh nghiệm trong tác nghiệp mà ít nhà báo có được. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ những tình cảm, việc làm mà Tổng Bí thư dành cho nhóm phóng viên chuyên trách”.

nb-van-bac.jpg
Nhà báo Văn Bắc, phóng viên chuyên trách Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ những kỷ niệm đáng nhớ với Tổng Bí thư.

Một kỷ niệm không thể quên, đó là chuyến thăm Vương quốc Anh tháng 1/2013 của Tổng Bí thư. Hôm đó, Đoàn đến tòa nhà New Zealand ở số 80, phố Hay Market, thủ đô London, nơi đúng 100 năm trước (1913), Chủ tịch Hồ Chí Minh trên hành trình tìm đường cứu nước đã làm phụ bếp tại đây.

Sau khi đặt hoa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đoàn xuống tầng hầm đi đến khu nấu ăn, nơi mà Người từng làm phụ bếp. Vì đường hầm chật hẹp, nên nhóm phóng viên đi sau; khi đến nơi thì cuộc nói chuyện giữa Tổng Bí thư và vị Chủ tịch Hội hữu nghị Anh - Việt đã diễn ra từ lâu. Chúng tôi ngơ ngác muốn tìm người hỏi nội dung về cuộc nói chuyện, phục vụ cho việc viết tin bài.

Chỉ có người từng làm báo mới biết được điều ấy, Tổng Bí thư lựa ý chủ nhà, rồi tóm tắt lại toàn bộ câu chuyện mà hai người đã nói trước đó. Thực chất là giúp chúng tôi nội dung thông tin cần thiết. Nhờ đó mà bài viết của phóng viên hấp dẫn hơn nhiều.

Khi đi các địa phương trong nước, hoạt động của Tổng Bí thư bao giờ cũng có đông phóng viên tác nghiệp, ngoài nhóm chuyên trách, còn có phóng viên các báo, đài địa phương, các ngành. Một lần đi công tác Hải Phòng, Tổng Bí thư đến thăm cơ sở sản xuất công nghiệp và nói chuyện với công nhân tại đây. Đó là dịp tốt nhất để phóng viên chụp ảnh, quay phim ghi lại hình ảnh người lãnh đạo cao nhất của Đảng và công nhân lao động.

Thấy một số anh em bảo vệ có ý can ngăn không cho phóng viên lại gần Tổng Bí thư, ông nhắc nhở: “Các cậu có nhiệm vụ của các cậu. Anh em báo chí cũng có nhiệm vụ của báo chí, để cho họ tác nghiệp chứ. Bảo vệ phải bảo đảm tuyệt đối an toàn là đúng rồi, nhưng cũng nên tạo điều kiện cho người khác làm việc theo chức năng nhiệm vụ của họ”.

“Thực ra, nhóm phóng viên chuyên trách không có nhiều dịp để gặp gỡ, hay nói chuyện với Tổng Bí thư. Nhưng mỗi lần được ông chia sẻ là mỗi lần chúng tôi có thêm nhiều kinh nghiệm trong tác nghiệp. Ông luôn nhắc chúng tôi chú ý quan sát, lắng nghe người dân họ nói; đến đâu phải biết rõ phong tục, tập quán nơi đó mà “nhập gia tùy tục”. Tôi để ý mỗi khi vào nhà dân, Tổng Bí thư thường tháo giày, dép để ngoài bậu cửa; khi nói chuyện với chủ nhà không bao giờ ngồi bắt chân chữ ngũ, cách nói chuyện rất chuẩn mực, khiêm nhường, nhất là khi chủ nhà lớn tuổi hơn, đúng với phong tục tập quán và nét đẹp văn hóa từng vùng”, nhà báo Văn Bắc tâm sự.

Một kỷ niệm khác, nhà báo Văn Bắc nhớ lại, đó là dịp đi công tác Yên Bái, lên thăm đồng bào vùng cao huyện Trạm Tấu. Bắt đầu buổi làm việc, lãnh đạo địa phương giới thiệu: “Đồng chí Tổng Bí thư rất vui mừng được lên thăm, làm việc và nói chuyện với đảng bộ và bà con chúng ta…”.

Sau đó, Tổng Bí thư đứng dậy, nói như tâm sự mà sâu sắc vô cùng: Các đồng chí nói tôi rất vui mừng được lên thăm bà con, thì chưa hoàn toàn đúng đâu. Quả là không mấy khi được đến với bà con nên tôi rất vui, nhưng chưa thể mừng được vì cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Các cấp, các ngành phải quan tâm, chăm lo giúp bà con xóa đói, giảm nghèo tiến lên làm giàu bằng chính sức lao động của mình, trên mảnh đất của mình. Được như thế thì lần sau tôi lên thăm sẽ rất vui mừng cùng bà con.

“Đây cũng là bài học với người cầm bút, có thói quen viết vui mừng được đến thăm, vui mừng báo cáo. Chính Tổng Bí thư cũng đã nhắc nhóm báo chí chúng tôi điều này khi sang thăm Trung Quốc lần đầu tiên trên cương vị Tổng Bí thư năm 2011...”.

Làm báo phải nhìn nhận vấn đề bằng cả sự tỉnh táo của lý trí và sự rung động của con tim

Nhà báo Văn Bắc chia sẻ: Sau hơn 13 năm là phóng viên chuyên trách, tôi học được ở Tổng Bí thư cách làm báo hơn tất cả mọi điều học được ở trường và đồng nghiệp. Đầu tiên là cách tiếp cận vấn đề. Trước mỗi sự việc, không vội vàng đưa ra ý kiến riêng mà phải tìm hiểu thật kỹ lưỡng, xem nguồn gốc của sự việc do đâu mà có; bản chất của vấn đề là gì; mối quan hệ của vấn đề này với các vấn đề khác theo thời gian, không gian ra sao.

Hơn thế nữa, làm báo phải nhìn nhận vấn đề bằng cả sự tỉnh táo của lý trí, lật đi lật lại vấn đề, đồng thời phải có sự rung động của con tim, có trách nhiệm với từng câu, từng chữ, viết sao cho đúng mức, đặc biệt là không áp đặt, mà phải có sự đồng cảm với nhân vật mình viết.

“Chúng tôi nhớ nhất lời căn dặn khi Tổng Bí thư khi đến thăm Báo Nhân Dân năm 2012, nhân dịp kỷ niệm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam. Tổng Bí thư cho rằng, tuyên truyền về chính trị phải có nghệ thuật, bằng những cảm xúc thật sự để nội dung đó đi vào lòng người một cách tự nhiên bằng tình cảm của người đọc. Nhưng không chạy theo thị hiếu tầm thường trái với tôn chỉ mục đích, chức năng và nhiệm vụ của báo Đảng. Do vậy, phải hiểu đúng về khái niệm thế nào là hấp dẫn, cái gì làm nên tính hấp dẫn của báo. Đó là nói đúng sự thật một cách truyền cảm; không phải nói ngược, nói trái, nói cái tiêu cực mới là hấp dẫn”, nhà báo Văn Bắc tâm sự./.

TT