Bộ TT&TT khẩn trương hoàn thiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam

Chuyển động ICT - Ngày đăng : 22:45, 23/08/2024

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) khẩn trương hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, định hướng tới năm 2050.
Chuyển động ICT

Bộ TT&TT khẩn trương hoàn thiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam

AD 23/08/2024 22:45

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) khẩn trương hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, định hướng tới năm 2050.

Đây là một trong những yêu cầu được nêu trong Công điện số 83/CĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ngày 23/8/2024 về việc tăng cường đào tạo nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán đám mây (ĐTĐM)

ky-su-vi-mach.jpeg
(Ảnh minh họa: ĐH Bách Khoa TP.HCM)

Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh, biểu dương các cơ sở giáo dục đại học và các tập đoàn, doanh nghiệp (DN) trong thời gian qua đã chủ động, tích cực tham gia đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực công nghệ cao như: chế biến, chế tạo vi mạch bán dẫn, sinh học, vật liệu mới…

Tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, nhằm tạo đột phá trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển đất nước trong bối cảnh phát triển nhanh, mạnh mẽ của khoa học công nghệ và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

Nghiên cứu thành lập các đơn vị chuyên môn chuyên biệt đào tạo và nghiên cứu về vi mạch bán dẫn, AI, ĐTĐM

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) công lập và ngoài công lập (gọi chung là cơ sở giáo dục ĐH) nghiên cứu thành lập các đơn vị chuyên môn chuyên biệt (trường, khoa, bộ môn...) để ưu tiên tập trung đào tạo và nghiên cứu về vi mạch bán dẫn, AI, ĐTĐM.

Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục ĐH rà soát, đổi mới chương trình đào tạo; xây dựng kế hoạch, tổ chức đào tạo đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên, sinh viên các chuyên ngành trong các lĩnh vực vi mạch bán dẫn, AI, ĐTĐM…; Tăng cường ứng dụng công nghệ nhất là ứng dụng AI trong dạy và học; đẩy mạnh hợp tác với DN, các cơ sở giáo dục ĐH, các cơ quan nghiên cứu có uy tín trong và ngoài nước để đào tạo, nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, nhất là các lĩnh vực vi mạch bán dẫn, AI, ĐTĐM…

Bộ GD&ĐT khẩn trương hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển những ngành công nghệ cao, công nghiệp nền tảng; xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo, định hướng, thúc đẩy đào tạo nhân lực cho các ngành vi mạch bán dẫn, AI, ĐTĐM…

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) khẩn trương hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050"; trong đó có nội hàm về AI, ĐTĐM; Thúc đẩy việc hình thành, phát triển hệ sinh thái, các trung tâm đổi mới sáng tạo (ĐMST), ươm tạo, mạng lưới ĐMST các lĩnh vực vi mạch bán dẫn, AI, ĐTĐM…

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) chủ động rà soát, ưu tiên các chương trình nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực vi mạch bán dẫn, AI, ĐTĐM… gắn với đào tạo tài năng, đào tạo các chuyên gia, nhà khoa học lớn tại các cơ sở giáo dục ĐH; Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút nhân tài KH&CN từ nước ngoài và từ khu vực công nghiệp về công tác, giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đại học, nhất là các bộ môn bán dẫn, AI, ĐTĐM…

vimach_6530a0577459b.jpeg
(Ảnh minh họa)

Khẩn trương hoàn thiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ TT&TT khẩn trương hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, định hướng tới năm 2050; Chủ động xây dựng kế hoạch triển khai Chiến lược trong đó ưu tiên phát triển các trung tâm tính toán dữ liệu lớn để hỗ trợ các cơ sở giáo dục ĐH trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực vi mạch bán dẫn, AI, ĐTĐM…

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trực tiếp quản lý các cơ sở giáo dục ĐH chỉ đạo, hỗ trợ các cơ sở giáo dục ĐH phát triển đào tạo nhân lực chất lượng cao các lĩnh vực công nghệ cao, nhất là vi mạch bán dẫn, AI, ĐTĐM…

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động, tích cực thu hút đầu tư để phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, AI, ĐTĐM… Chủ động tham gia và tăng cường hợp tác chặt chẽ trong mối quan hệ giữa Nhà nước, nhà trường, nhà DN nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo, phát triển nguồn nhân lực các lĩnh vực vi mạch bán dẫn, AI, ĐTĐM…

Đồng thời, chỉ đạo, hỗ trợ các cơ sở giáo dục ĐH trực thuộc phát triển đào tạo nhân lực chất lượng cao các ngành công nghệ cao, nhất là vi mạch bán dẫn, AI, ĐTĐM.

Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, tổ chức thực hiện các nội dung Công điện này.

Văn phòng Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao đôn đốc việc thực hiện Công điện này; chủ động nắm tình hình triển khai thực hiện Công điện để kịp thời đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Việt Nam hiện đang thu hút ngày càng nhiều tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và đặc biệt là các tập đoàn của Hoa Kỳ như Intel, Amkor trong mảng đóng gói, kiểm thử; Marvell, Qorvo, Qualcomm trong mảng thiết kế; Synopsys, Cadence trong việc cung cấp công cụ thiết kế chip bán dẫn...

Với tiềm năng đó, đào tạo nguồn nhân lực được coi là bước chuẩn bị quan trọng cho sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn.

Theo dự thảo Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050” do Bộ KH&ĐT chủ trì, mục tiêu đến năm 2030: Đào tạo được 50.000 kỹ sư ngành công nghiệp bán dẫn có trình độ từ đại học trở lên với cơ cấu như sau: Theo trình độ chuyên môn: 500 tiến sĩ, 7.500 thạc sĩ và 42.000 kỹ sư. Theo các công đoạn: 15.000 kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn và 35.000 kỹ sư trong công đoạn sản xuất, đóng gói, kiểm thử vi mạch bán dẫn và các công đoạn khác của ngành công nghiệp bán dẫn.

Theo lĩnh vực chuyên sâu, có ít nhất 5.000 nhân sự có trình độ kỹ sư trở lên có chuyên môn sâu về AI phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn; Đào tạo chuyên sâu cho 1.300 giảng viên giảng dạy tại các viện nghiên cứu, trường ĐH, cơ sở đào tạo và DN; mở rộng mạng lưới đào tạo, hỗ trợ đào tạo ngành công nghiệp bán dẫn và các ngành liên quan tại các viện nghiên cứu, trường ĐH, cơ sở đào tạo, cơ sở hỗ trợ đào tạo và DN./.

AD