Lừa đảo công nghệ cao: Thực trạng và giải pháp

Đời sống xã hội - Ngày đăng : 23:13, 22/08/2024

Theo thống kê của Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), năm 2023 có khoảng hơn 3.000 hồ sơ được lập tại cơ quan công an với số tiền hơn 2.300 tỷ đồng. Đây là con số dựa trên những sự việc người dân đến trình báo cơ quan công an.
Đời sống xã hội

Lừa đảo công nghệ cao: Thực trạng và giải pháp

Ngọc Dũng 22/08/2024 23:13

Theo thống kê của Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), năm 2023 có khoảng hơn 3.000 hồ sơ được lập tại cơ quan công an với số tiền hơn 2.300 tỷ đồng. Đây là con số dựa trên những sự việc người dân đến trình báo cơ quan công an.

Một nghìn lẻ một chiêu trò dẫn dụ

Thời gian gần đây phổ biến tình trạng lừa đảo qua mạng xã hội như Facebook, Zalo. Nạn nhân sẽ nhận được cuộc điện thoại của một người tự xưng là nhân viên sàn thương mại điện tử Shopee/ điện máy xanh/ Lazada.., thông báo rằng nạn nhân được tặng quà tri ân khách hàng; đề nghị nạn nhân kết bạn qua Zalo để hoàn tất thủ tục về việc nhận quà. Sau khi kết bạn, người này hướng dẫn nạn nhân truy cập vào một đường link để điền thông tin xác nhận. Bằng cách này, đối tượng chiếm quyền sử dụng tài khoản Zalo của nạn nhân rồi gửi tin nhắn cho bạn bè, người thân của nạn nhân đề nghị vay tiền, chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng hòng chiếm đoạt tiền. Qua Facebook, đối tượng lừa đảo chọn những tài khoản có nhiều bạn bè, sau đó tạo lập tài khoản Facebook giả mạo trùng tên với tài khoản Facebook thật, rồi dùng tài khoản này kết bạn với những người trong danh sách bạn bè của các tài khoản Facebook thật. Sau khi kết bạn thành công, các đối tượng gửi đường link bình chọn cuộc thi, giải trí… với các mục ghi thông tin gồm: số điện thoại đăng ký tài khoản Zalo, Facebook, mã OTP xác thực mật khẩu... để chủ tài khoản nhập thông tin. Các đối tượng chiếm quyền kiểm soát các tài khoản Zalo, Facebook, mạo danh chủ tài khoản nhắn tin mượn tiền, chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng do chúng cung cấp nhằm chiếm đoạt. Số tiền chuyển vào các tài khoản ngân hàng của nhóm đối tượng lừa đảo này lên đến hàng chục tỷ đồng.

anh-ct-09-22.8.jpg

Một hình thức khác là các đối tượng lập ra các trang web giả mạo các trang thương mại điện tử uy tín, bán các sản phẩm với giá rẻ hơn nhiều so với thị trường để thu hút khách hàng. Sau khi nhận được tiền, các đối tượng này không giao hàng hoặc giao các sản phẩm không đúng với quảng cáo, gây thiệt hại lớn cho người tiêu dùng. Thông qua các sàn giao dịch tiền ảo quốc tế giả, nhà đầu tư sẽ bị dẫn dụ tạo tài khoản trên các trang giao dịch tiền ảo và được hướng dẫn đầu tư, mua tiền ảo bằng cách chuyển tiền từ tài khoản thanh toán của mình đến 1 tài khoản thanh toán tại Việt Nam, lúc đầu chỉ vài triệu đồng. Khi có tiền ảo trong tài khoản, nhà đầu tư được hướng dẫn thực hiện giao dịch liên tục và có thể thu được lợi nhuận lên đến 10% trong một vài giao dịch đầu. Kết thúc giao dịch, nhà đầu tư được hoàn trả tiền từ tài khoản tiền ảo về tài khoản thanh toán với số tiền cả gốc và lãi với chiêu thức có 1 nhà đầu tư khác mua lại khoản tiền ảo đó, trả bằng tiền Việt Nam. Sau một vài lần lãi như vậy, nhà đầu tư sẽ tăng dần số tiền đầu tư và đến khi đầu tư một số tiền rất lớn, mạng sẽ bị lỗi và nhà đầu tư không thể rút tiền về tài khoản thanh toán của mình.

Tình trạng giả danh nhân viên ngân hàng/cán bộ công an gọi điện cho nạn nhân, thông báo rằng tài khoản của họ có vấn đề và yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP để "xác minh" hoặc phải chuyển khoản các khoản phí để thanh toán cho hồ sơ đang thiếu tại cơ quan công an cũng đang rất phổ biến và nhiều người sập bẫy với số tiền bị lừa lên đến hàng tỷ đồng.

Nâng cao hiệu quả lực lượng an ninh mạng

Tội phạm công nghệ cao không thực sự đáng sợ nếu phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, từ Trung ương đến địa phương, từ các cơ quan chức năng đến từng người dân, tạo nên một mặt trận đoàn kết, đồng lòng trong cuộc chiến chống tội phạm lừa đảo...

Trước ý kiến cho rằng cần tổ chức một lực lượng chống tội phạm trên không gian mạng bài bản hơn, đầy đủ hơn để đủ sức ngăn chặn tội phạm này, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng ngày 22/8, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, đây là thách thức an ninh phi truyền thống mà mọi quốc gia đang phải đối mặt, không chỉ riêng tại Việt Nam… Hiện nay, Liên Hợp Quốc đang đề xuất sẽ có Hiệp định về tội phạm mạng quốc tế, Bộ Công an sẽ tham gia ký kết Hiệp định tội phạm mạng thế giới trong thời gian tới. Bộ trưởng Bộ Công an nhận định, các đặc điểm của loại tội phạm này là hoạt động không biên giới, tính ẩn danh cao, trình độ công nghệ cao khiến việc phát hiện và xử lý trở nên rất khó khăn. Do vậy, giải pháp đấu tranh với loại tội phạm này cũng phải có tính đặc thù.

Liên quan đến giải pháp, tư lệnh ngành Công an cho biết, thời gian qua, Bộ Công an đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để đấu tranh với tội phạm mạng và tội phạm công nghệ cao. Cụ thể, đẩy mạnh ứng dụng tài khoản định danh điện tử của công dân để xác thực danh tính khi tham gia các hoạt động trên không gian mạng, hạn chế tình trạng lừa đảo; ứng dụng kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để kịp thời xác thực thông tin, làm sạch tài khoản ngân hàng và thuê bao di động, loại bỏ các tài khoản ảo và sim rác. Bộ Công an đang củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. “Lực lượng an ninh mạng là phòng, chống tội phạm công nghệ cao là một trong sáu lực lượng phải tiến thẳng lên hiện đại vào năm 2025. Do vậy, chúng tôi cũng rất cần sự ủng hộ vào cuộc, tăng cường tiềm lực của các địa phương và các nguồn lực xã hội khác", Bộ trưởng Lương Tam Quang nhấn mạnh. Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho rằng, việc giải quyết tội phạm mạng và tội phạm công nghệ cao là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành và địa phương. Nếu thực hiện tốt các giải pháp đột phá nêu trên có thể sẽ tạo được chuyển biến tích cực trong thời gian tới.

Bộ Công an cũng khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức tự quản, tự phòng, tự đề kháng để phòng ngừa tội phạm công nghệ cao, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, như: Cảnh giác khi nhận cuộc gọi lạ; kiểm tra và cập nhật tính năng bảo mật trên tài khoản mạng xã hội; không cung cấp thông tin cá nhân cho người chưa rõ nhân thân; thận trọng khi thực hiện giao dịch điện tử và trực tuyến và kịp thời thông báo cho cơ quan chức năng khi nghi ngờ về hoạt động tội phạm…

Ngọc Dũng