Công nghiệp công nghệ số Việt Nam có dấu hiệu tăng trưởng ngoạn mục

Kinh tế - Ngày đăng : 15:33, 11/08/2024

Sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghiệp công nghệ thông tin hay công nghiệp ICT được hiểu là công nghiệp công nghệ số. Trong đó phát triển và làm chủ được công nghệ số sẽ là yếu tố then chốt trong quyết định vị thế, sức mạnh của các quốc gia, dân tộc trên trường quốc tế trong mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội, chính trị và an ninh - quốc phòng.
Kinh tế

Công nghiệp công nghệ số Việt Nam có dấu hiệu tăng trưởng ngoạn mục

Phạm Lâm 11/08/2024 15:33

Sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghiệp công nghệ thông tin hay công nghiệp ICT được hiểu là công nghiệp công nghệ số. Trong đó phát triển và làm chủ được công nghệ số sẽ là yếu tố then chốt trong quyết định vị thế, sức mạnh của các quốc gia, dân tộc trên trường quốc tế trong mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội, chính trị và an ninh - quốc phòng.

Việt Nam từ đất nước đi lên sau chiến tranh, gỡ bỏ chế độ bao cấp, định hướng phát triển nền kinh tế thị trường đã nhanh chóng trở thành quốc gia mạnh về công nghệ thông tin (CNTT). Với số lượng người dùng Internet thuộc top cao nhất trên thế giới. Việt Nam triển khai mạnh mẽ ứng dụng CNTT trong các hoạt động đời sống và ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

nh___t_b___n_41c0c.jpg
Phát triển và làm chủ được công nghệ số sẽ là yếu tố then chốt trong quyết định vị thế, sức mạnh của các quốc gia.

Công nghệ thông tin ngày càng khẳng định vai trò là động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc biệt trong Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị (Khóa XII) đã chỉ rõ định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với quan điểm phát triển công nghiệp CNTT, công nghiệp điện tử là con đường chủ đạo; phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo là trung tâm; phát triển công nghiệp chế tạo thông minh là bước đột phá; chú trọng phát triển công nghiệp xanh. Chủ trương đến năm 2030, tập trung ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp: CNTT và viễn thông, công nghiệp điện tử ở trình độ tiên tiến của thế giới, đáp ứng được yêu cầu của cuộc CMCN 4.0 nhằm tạo ra nền tảng công nghệ số cho các ngành công nghiệp khác.

Đại hội XIII của Đảng cũng xác định, định hướng trong lĩnh vực chuyển đổi số: “Phát triển nhanh và bền vững, dựa chủ yếu vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Phải đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số và coi đây là nhân tố quyết định nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh”. Trong đó, công nghiệp CNTT (công nghiệp ICT, công nghiệp công nghệ số) được xác định là một phần quan trọng trong quá trình chuyển đổi số, nhằm cung cấp các công nghệ cơ bản, góp phần thay đổi toàn diện cả về tổ chức, quy trình kinh doanh, văn hóa, doanh nghiệp đến sự tham gia của con người trong quá trình thực hiện. Dưới sự điều hành linh hoạt của Chính phủ, ngành công nghiệp công nghệ số đã dần khẳng định được vai trò, vị trí là nền tảng, là hạ tầng thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác phát triển và sẽ tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt, tạo nền tảng phát triển nhanh và bền vững các ngành, lĩnh vực để phát triển kinh tế số, xã hội số.

Nổi bật trong báo Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, 6 tháng đầu năm 2024, ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam đã có sự tăng trưởng ngoạn mục. Trong đó doanh thu công nghiệp công nghệ số ước đạt hơn 1,858 triệu tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2023 và ước đạt 49% kế hoạch năm 2024. Với kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử ước đạt hơn 1,753 triệu tỷ đồng, tăng 28,1% so với cùng kỳ năm 2023 và ước đạt 49,53% kế hoạch năm 2024. Từ thực tế cho thấy số doanh nghiệp công nghệ số là 50.350 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2023 và ước đạt 106% kế hoạch năm 2024.

Trước đó, năm 2023, doanh thu của lĩnh vực công nghiệp ICT ước đạt ước đạt hơn 3,397 triệu tỷ đồng (tương đương 142 tỷ USD), tăng 1,4% so với năm 2022. Năm 2023, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế và xung đột Nga - Ukraine làm đứt gãy chuỗi cung ứng nên kim ngạch xuất khẩu của ngành công nghệ thông tin chỉ đạt 127 tỷ USD, giảm 4,9% so với năm 2022.

Ngành Thông tin và Truyền thông cho biết dự kiến năm 2024, mục tiêu doanh thu công nghiệp ICT sẽ đạt hơn 3,636 triệu tỷ đồng và năm 2025 lên mức hơn 3,828 triệu tỷ đồng. Nổi bật doanh thu toàn ngành trong 6 tháng đầu năm 2024 đã đạt được những tín hiệu tích cực trên nhiều mặt như: Doanh thu toàn ngành ước đạt 2.067.389 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2023 và ước đạt 50% kế hoạch năm 2024. Nộp ngân sách nhà nước ước đạt 59.847 tỷ đồng, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm trước và ước đạt 61% kế hoạch năm 2024. Đóng góp vào GDP của ngành ước đạt 476.933 tỷ đồng, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước và ước đạt 49% kế hoạch năm 2024. Tổng số lao động toàn ngành tính đến tháng 6/2024 ước khoảng 1.530.528 lao động, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Cũng theo Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Bộ đang xây dựng hoàn thiện hồ sơ và trình Quốc hội cho ý kiến về Luật Công nghiệp công nghệ số Xây dựng tại Kỳ họp thứ 8, dự kiến vào tháng 10/2024. Hoàn thiện hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Xây dựng thương hiệu ngành công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông Make in Viet Nam năm 2024. Cùng với đó thực hiện thỏa thuận hợp tác với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về hỗ trợ xúc tiến đầu tư thương mại và thương mại hóa sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam cho thị trường trong nước và thị trường nước ngoài giai đoạn 2024 - 2026; Tuyên truyền Chương trình sản phẩm, dịch vụ CNTT thương hiệu Việt; Sách Trắng về Công nghiệp Công nghệ thông tin Việt Nam năm 2024.

Đến nay các hoạt động của Chính phủ, người dân và doanh nghiệp đều sử dụng mạng Internet trên các nền tảng kết nối khác nhau, nhiều địa phương cũng ứng dụng công nghệ số vào hoạt động quản lý kinh tế xã hội. Điều đó khẳng định ngành công nghiệp công nghệ số là ngành công nghiệp chủ đạo của nền công nghiệp hiện đại đất nước, tạo bước phát triển đột phá về lực lượng sản xuất, nâng cao năng lực toàn diện về chuyển đổi số hình thành quốc gia số, đóng góp cao cho nền kinh tế đất nước. Góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Phạm Lâm