Đề nghị Bộ TT&TT hỗ trợ công tác chuyển đổi số cho ngành Xây dựng

Diễn đàn - Ngày đăng : 07:07, 28/08/2024

Cảm ơn những kinh nghiệm, gợi ý của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị mong muốn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ Bộ TT&TT đối với công tác chuyển đổi số ngành xây dựng.
Diễn đàn

Đề nghị Bộ TT&TT hỗ trợ công tác chuyển đổi số cho ngành Xây dựng

Nhật Minh {Ngày xuất bản}

Cảm ơn những kinh nghiệm, gợi ý của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị mong muốn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ Bộ TT&TT đối với công tác chuyển đổi số ngành xây dựng.

Chiều ngày 27/8/2024, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội nghị chuyển đổi số (CĐS) ngành Xây dựng. Hội nghị được kết nối tới 63 điểm cầu trực tuyến tại UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên toàn quốc.

Đây là hội nghị toàn quốc về CĐS đầu tiên của ngành Xây dựng được tổ chức theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ủy ban Quốc gia về CĐS, phù hợp với chủ đề CĐS quốc gia năm 2024 là “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - động lực quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững”.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị - Trưởng Ban Chỉ đạo CĐS Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về CĐS đã tham dự hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có các lãnh đạo Bộ Xây dựng, đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương.

_l6a5410.jpg
Toàn cảnh Hội nghị.

CĐS ngành Xây dựng để phát triển bền vững

Tại hội nghị, Giám đốc Trung tâm Thông tin Bộ Xây dựng Nguyễn Ngọc Quang, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo CĐS Bộ Xây dựng cho biết, trong những năm qua, thực hiện các Nghị quyết của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ, cùng với nỗ lực của các đơn vị trực thuộc, công tác CĐS ngành Xây dựng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

_l6a5470.jpg
Ông Nguyễn Ngọc Quang: Công tác CĐS ngành Xây dựng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Cụ thể, ứng dụng CNTT, CĐS đã được áp dụng mạnh mẽ vào công tác chỉ đạo điều hành, hiện đại hóa hành chính, cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến (DVCTT) phục vụ người dân và doanh nghiệp (DN); chỉ số cải cách hành chính 2023 (Par Index 2023) của Bộ Xây dựng xếp hạng thứ 7/17 khối các Bộ và cơ quan ngang Bộ; trong năm 2023, Bộ Xây dựng xếp hạng thứ 6 về bộ chỉ số phục vụ người dân, DN trong thực hiện TTHC, cung cấp DVC trên Cổng DVC quốc gia.

Trên các lĩnh vực quản lý, công tác CĐS cũng đã được lồng ghép, đẩy mạnh triển khai như: hợp tác với Chính phủ Hàn Quốc xây dựng hệ thống thông tin (HTTT) quản lý quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam nhằm tăng cường năng lực quản lý phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu (CSDL) để quản lý về quy hoạch, kiến trúc, thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng đô thị thông minh (ĐTTM) như xây dựng bộ tiêu chí ĐTTM; tham gia các hoạt động Mạng lưới ĐTTM ASEAN (ASCN); hợp tác quốc tế để triển khai định hướng phát triển đô thị bền vững, tăng trưởng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu nhằm quản lý phát triển đô thị.

Bộ Xây dựng đang triển khai nâng cấp, hoàn thiện HTTT về nhà ở và thị trường bất động sản nhằm cung cấp các thông tin, số liệu thống kê về nhà ở, dự án bất động sản và tình hình giao dịch bất động sản phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành; xây dựng và vận hành CSDL về định mức xây dựng, giá xây dựng công trình và chỉ số giá xây dựng phục vụ công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng; xây dựng và vận hành CSDL về năng lực hoạt động xây dựng của các tổ chức và chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng của cá nhân.

Bộ cũng đang xây dựng và vận hành CSDL về tổ chức kiểm định, các thiết bị được kiểm định và kiểm định viên về kỹ thuật an toàn lao động sử dụng trong thi công xây dựng, quản lý hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động; xây dựng CSDL về các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, kho dữ liệu về khoáng sản làm vật liệu xây dựng…

Giám đốc Trung tâm Nguyễn Ngọc Quang nhấn mạnh: “CĐS ngành, lĩnh vực xây dựng ngày càng có những bước tiến mạnh để hòa nhập vào xu thế chung của CĐS quốc gia, từng bước hoàn thành các mục tiêu đề ra theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, góp phần hoàn thành mục tiêu về các chỉ số phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số tại Việt Nam”.

Bên cạnh những kết quả tích cực, công tác CĐS của ngành Xây dựng vẫn còn một số hạn chế và thách thức, đó là: nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có cả cấp lãnh đạo các cơ quan, đơn vị còn chưa thực sự đầy đủ, chưa sẵn sàng tiếp cận công nghệ số, kỹ năng sử dụng công nghệ số còn hạn chế; nhân lực có trình độ CNTT và an toàn thông tin trong các cơ quan đơn vị thuộc ngành Xây dựng còn thiếu; nguồn lực dành cho công tác CĐS còn hạn chế; việc số hóa dữ liệu, xây dựng các CSDL chuyên ngành còn chậm, thiếu nguồn lực đầu tư, dữ liệu không đầy đủ, việc kết nối, chia sẻ liên thông dữ liệu còn hạn chế; các nền tảng và công nghệ như AI, trợ lý ảo, BIM, GIS… phục vụ CĐS của ngành Xây dựng chậm được triển khai và đưa vào ứng dụng.

CĐS đồng bộ trên toàn bộ ngành Xây dựng

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ những kinh nghiệm về CĐS của các Bộ, ngành, địa phương trong nước cũng như của các quốc gia trên thế giới, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết nâng cao nhận thức về CĐS cho người đứng đầu các cấp, tiến tới số hóa toàn diện và vận hành tổ chức, cơ quan, đơn vị bằng công nghệ số.

bt-nguyen-manh-hung-27082024.jpg
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng: Bộ Xây dựng cần có kế hoạch tổng thể về CĐS.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã trao đổi về ứng dụng AI tại Việt Nam, tại Bộ TT&TT. Hiện nay, Bộ TT&TT đang tập trung vào dùng AI làm trợ lý, giúp việc cho cán bộ để từ đó công việc của cán bộ được làm tốt hơn, nhẹ tải đi.

Theo Bộ trưởng, hiệu quả của trợ lý ảo là mỗi cán bộ công chức sẽ có thêm một người giúp việc. Trợ lý ảo này đặc biệt thông thạo các văn bản quy phạm pháp luật, quy định, quy trình, cẩm nang, cách làm, vốn là cái mà cán bộ công chức đang gặp nhiều khó khăn. Hệ thống pháp luật hiện nay quá lớn, càng ngày càng lớn, khó ai có thể thông thạo được

Bộ TT&TT sẽ có hướng dẫn về phát triển trợ lý ảo trong quý III để các bộ ngành, địa phương tham khảo triển khai dựa trên thực tiễn đã triển khai tại Bộ TT&TT.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh đào tạo nhận thức CĐS cho người đứng đầu các cấp. “Người đứng đầu không trực tiếp vào cuộc, không trực tiếp làm, không trực tiếp dùng thì khó thành công. Vì người đứng đầu phải thay đổi một số quy định để thay đổi cách làm. Người đứng đầu phải thực sự muốn làm CĐS, trực tiếp làm CĐS, thành thạo sử dụng công nghệ số”.

Thăm 1 thành phố của Trung quốc khoảng 5 triệu dân, Bộ trưởng cho biết thành phố này chỉ có 2 máy bay không người lái (drone). Bất cứ dự án xây dựng nào, có thể kiểm tra tiến độ đến từng ngày. Đó là thay đổi cách làm, cách vận hành.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, qua 4 năm CĐS ở Việt Nam, công nghệ đã sẵn sàng và đã có những thành công đáng khích lệ. Bây giờ quyết định sự thành công của CĐS quốc gia, CĐS cấp Bộ ngành sẽ là người đứng đầu các cấp.

Bộ Xây dựng nên thông qua một chương trình đào tạo nhận thức về CĐS cho người đứng đầu, nhất là các Cục trưởng, Vụ trưởng, các Giám đốc Sở Xây dựng. Đồng thời, có kế hoạch tổng thể cấp Bộ Xây dựng, trong đó Bộ trưởng giao nhiệm vụ CĐS cụ thể cho từng đơn vị để CĐS được thực hiện đồng bộ trên cả ngành Xây dựng. Phải coi đây như là một nhiệm vụ, có thời gian hoàn thành.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ Xây dựng cần cần tăng cường hơn nữa hoạt động hợp tác với DN công nghệ số, tiến hành nghiên cứu, thực hiện thí điểm CĐS tại một đơn vị, một dự án… trên cơ sở đó tổng hợp thành mô hình hóa, quy trình hóa để tiến hành nhân rộng, để CĐS được diễn ra trên bình diện toàn ngành Xây dựng một cách nhanh chóng, hiệu quả nhất.

CĐS là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của ngành Xây dựng

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cảm ơn Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về CĐS, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã chia sẻ bài học thành công của các ngành, địa phương, quốc tế trong CĐS để giúp Bộ Xây dựng có thêm những kinh nghiệm cần thiết để đẩy mạnh CĐs trong thời gian tới.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh CĐS là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của ngành Xây dựng. Do đó, để công tác CĐS trở nên thực chất, khả thi, thiết thực hơn, các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc các địa phương cần tiếp tục quán triệt, phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm người đứng đầu trong việc triển khai, thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến CĐS; quan tâm hoàn thiện thể chế pháp luật phục vụ nhiệm vụ CĐS; chú trọng đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, trung tâm dữ liệu của Bộ Xây dựng đáp ứng yêu cầu đặt ra; tiếp tục quan tâm xây dựng, tạo lập, phát triển dữ liệu để đẩy mạnh số hóa được phân cấp theo quy định nhằm tạo nguồn dữ liệu có giá trị cho ngành Xây dựng.

hoi-nghi-csd-xay-dung-2.jpg
Bộ Xây dựng luôn mong muốn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ Bộ TT&TT đối với công tác CĐS.

Bên cạnh đó, cần sớm hoàn thiện, ban hành Đề án CĐS ngành Xây dựng giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến năm 2035; xây dựng nền tảng số dùng chung phục vụ DN và người dân được tốt hơn; tăng cường phối hợp với các tập đoàn, DN công nghệ số để triển khai các nền tảng số phục vụ công tác quản lý nhà nước; xây dựng mô hình trợ lý ảo phục vụ công tác quản lý nhà nước của Bộ; nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ làm công tác công nghệ thông tin; chú trọng rà soát, cắt giảm TTHC, số hóa các thủ tục, hồ sơ hành chính.

Các đơn vị thuộc Bộ, các địa phương coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để tập trung nguồn lực triển khai, thực hiện thành công các nhiệm vụ CĐS trong thời gian tới.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh, Bộ Xây dựng luôn mong muốn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương để công tác CĐS của ngành Xây dựng tiếp tục phát triển và đạt được nhiều kết quả tích cực hơn nữa./.

Nhật Minh