Công nghệ AI giúp phục dựng ảnh liệt sỹ nhanh hơn nhiều lần
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 16:18, 30/08/2024
Công nghệ AI giúp phục dựng ảnh liệt sỹ nhanh hơn nhiều lần
Ngày 30/8, cùng với sự hỗ trợ của Qualcomm, Hyratek đã ký thỏa thuận hỗ trợ hạ tầng AI phục vụ dự án phục dựng ảnh liệt sỹ do Thành đoàn Hà Nội khởi xướng. Nhờ đó, quá trình phục dựng ảnh nhanh hơn rất nhiều lần, chỉ còn 2-3 giờ/bức hình.
Sự kết hợp giữa tương lai và lịch sử
Chia sẻ tại sự kiện về dự án “Phục dựng ảnh liệt sỹ”, ông Nguyễn Tiến Hưng, Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội cho biết, để có được cuộc sống bình yên như ngày nay thì đã phải có rất nhiều sự hi sinh của các anh hùng liệt sỹ. Tuy nhiên, những thứ liệt sỹ để lại nhiều khi chỉ là những bức ảnh rất nhỏ, thậm chí “nhuốm màu thời gian”. Do đó, với trách nhiệm của thế hệ trẻ, cùng với tinh thần của thanh niên là sáng tạo và nhiệt huyết, Thành đoàn Hà Nội đã tham gia dự án với mục tiêu phục dựng ảnh toàn bộ liệt sỹ trên địa bàn thủ đô.
Với sự hợp tác của Qualcomm, Hyratek thì việc ứng dụng công nghệ AI sẽ giúp quá trình phục dựng ảnh nhanh hơn rất nhiều lần và đáp ứng được sự mong mỏi của các gia đình, thân nhân liệt sỹ. “Đây là sự kết hợp giữa tương lai và lịch sử cho một công việc rất ý nghĩa, để cùng nhau chia sẻ tầm nhìn, lan tỏa điều ý nghĩa đến cộng đồng”, ông Hưng nhận định.
Chưa kể, công nghệ AI còn cho phép tạo ra những bức ảnh chân thực, gần gũi, rõ nét nhất những ký ức còn sót lại của thân nhân các liệt sỹ.
Mục tiêu của dự án mà Thành đoàn Hà Nội triển khai là đến khi “không còn gia đình nào trên địa bàn đăng ký phục dựng” thì mới thôi.
Sau 2 tháng, dự án đã phục dựng được khoảng 100 bức ảnh. Khi Thành đoàn đến trao tặng những bức ảnh đã phục dựng, người thân của các liệt sỹ khi nhìn thấy đã òa khóc vì “như được gặp lại họ một lần nữa”.
AI giúp quá trình phục dựng ảnh giảm xuống còn 2-3 giờ
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, CEO Công ty Hyratek, trước đây, việc phục dựng được thực hiện thủ công qua photoshop và một số công cụ khác, thường mất khoảng 2-3 ngày/bức hình. Nhưng hiện nay, phục dựng bán thủ công kết hợp AI sẽ giúp tự động vẽ da, tóc, quần áo, rút ngắn tổng thời gian làm 1 hình xuống còn 2-3 tiếng/bức hình.
Về chi phí thực hiện dự án, ông Tuấn cho biết, với việc sử dụng công nghệ điện toán biên cũng đã giảm thiểu, tối ưu về hạ tầng xử lý so với những công nghệ AI khác. “Hyratek sẵn sàng chung tay với Thành đoàn Hà Nội để thực hiện dự án Phục chế ảnh liệt sỹ cũng như các dự án cộng đồng khác”, ông Tuấn bày tỏ.
Ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan cho biết: " Với dự án phục dựng ảnh liệt sỹ do Thành Đoàn tổ chức, chúng tôi đánh giá đay là một dự án xã hội hết sức ý nghĩa, minh chứng cho việc ứng dụng AI và cuộc sống một cách thiết thực và chúng tôi sẵn sàng đồng hành hỗ trợ dự án. Chúng tôi tin rằng sự hợp tác này sẽ mang lại những kết quả tích cực cho cộng đồng, giúp tái hiện chân dung các anh hùng liệt sỹ một cách chân thực sống động".
Hợp tác này không chỉ đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc ứng dụng công nghệ và cơ sở hạ tầng AI vào các lĩnh vực thiết thực, mà còn thể hiện tinh thần trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp công nghệ. Hyratek và Qualcomm cùng các đối tác cam kết sẽ mang đến cộng đồng những giải pháp tối ưu, giá trị, và cùng Thành Đoàn Hà Nội cam kết hợp tác chặt chẽ để triển khai dự án thành công, mang lại những giá trị nhân văn sâu sắc cho cộng đồng.
Cũng tại sự kiện, Hyratek với dự án Salala ứng dụng mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực điện toán biên cho AI, đã công bố hợp tác chiến lược với Qualcomm nhằm cung cấp dịch vụ hạ tầng điện toán biên và phần cứng phục vụ cho thị trường AI trong nước và quốc tế./.