Nhiều địa phương đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 10:51, 03/09/2024

Việc đo lường, giám sát, đánh giá hiệu quả, mức độ sử dụng dịch vụ công trực tuyến thực tế của các bộ, ngành, địa phương hàng tháng đã được thực hiện thông qua Hệ thống EMC do Bộ TT&TT thiết lập.
Chuyển đổi số

Nhiều địa phương đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình

Nhật Minh {Ngày xuất bản}

Việc đo lường, giám sát, đánh giá hiệu quả, mức độ sử dụng dịch vụ công trực tuyến thực tế của các bộ, ngành, địa phương hàng tháng đã được thực hiện thông qua Hệ thống EMC do Bộ TT&TT thiết lập.

Và kết quả đạt được cho nhiệm vụ này, tính đến cuối tháng 8/2024, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình của cả nước đạt 43%, tăng gấp 2,5 lần so với cuối năm 2023. Đáng mừng, đã có một số địa phương đạt tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) toàn trình cao như TP. Đà Nẵng đạt 95,56%; Cà Mau đạt 91,99%; Tây Ninh: 91,98%...

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều địa phương đạt tỷ lệ thấp dưới 5% (trung bình khối địa phương mới chỉ đạt 17,9%), do đó, cần nhiều hơn nữa những nỗ lực trong thời gian tời.

Kết quả nổi bật của các địa phương

Nói về kết quả tích cực đạt được đối với nhiệm vụ này, TP. Đà Nẵng là một điển hình khi triển khai DVCTT toàn trình với tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình cao đạt 65% tổng hồ sơ; triển khai 95,56% thủ tục hành chính (TTHC) dưới dạng DVCTT toàn trình.

Để góp phần đạt được kết quả này, Đà Nẵng triển khai Kho dữ liệu điện tử của cá nhân, tổ chức trên nền tảng Công dân số, cho phép mỗi người dân có thể chủ động đưa các giấy tờ đã được số hoá của mình lên Kho dữ liệu điện tử. Đặc biệt, khi sử dụng DVCTT, người dân không phải khai báo lại, không nộp thêm giấy tờ nếu đã có trên Kho dữ liệu điện tử.

images1735669_1.gif
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Báo Đà Nẵng)

Đặc biệt, người dân có thể chia sẻ giấy tờ từ Kho dữ liệu cho các bên mà vẫn được chấp nhận khi nộp hồ sơ xử lý các thủ tục. Hơn nữa, để triển khai hiệu quả, 12.000 thành viên của 2,4 nghìn Tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để hỗ trợ người dân đăng ký, sử dụng các DVCTT các cấp chính quyền cung cấp.

Cũng đạt được những kết quả như Đà Nẵng, Tây Ninh cũng là tỉnh cung cấp DVCTT phổ biến, rộng rãi đến gần người dân thông qua ứng dụng di động và mạng xã hội. Theo đó, địa phương này được coi là tỉnh đầu tiên trên cả nước ra mắt mini app Tây Ninh Smart trên Zalo vào tháng 3/2023 để phục vụ người dân sử dụng DVCTT đơn giản, thuận tiện.

Đến nay, phiên bản ứng dụng Tây Ninh Smart chạy trực tiếp trên nền tảng mini app của Zalo (gọi tắt là mini app Tây Ninh Smart) hiện cung cấp các tiện ích như nộp hồ sơ trực tuyến, phản ánh hiện trường, hỏi đáp trực tuyến, đăng ký cửa hàng 4.0, thanh toán học phí trực tuyến, xem truyền hình, radio trực tuyến, cập nhật các tin tức tuyên truyền từ chính quyền địa phương...

Ưu điểm của mini app này là cơ quan nhà nước cung cấp DVCTT không phải lo nhiều đến chi phí kỹ thuật, đến việc duy trì, vận hành app. Đối với người dân, không cần phải tải app về cài đặt, đăng ký tài khoản ứng dụng như thông thường. Thay vào đó, chỉ cần quét mã QR hoặc tìm kiếm tên ứng dụng trên Zalo là có thể bắt đầu sử dụng các tiện ích được cung cấp.

Và để tạo hiệu quả khi sử dụng app Zalo, địa phương này tập trung vào nhu cầu của người dùng và phát triển ứng dụng trên nền tảng phổ biến (không cần phải cài đặt hoặc yêu cầu phải tải ứng dụng).

Cần huy động các nguồn lực xã hội hóa

Cũng đạt được những điểm tích cực trên, Bình Phước đẩy mạnh việc triển khai việc sử dụng DVCTT và đến nay tỷ lệ DVCTT phát sinh hồ sơ đạt 80%, tỷ lệ hồ sơ TTHC xử lý trực tuyến đạt 50%.

Và để triển khai thực hiện kế hoạch trên, tỉnh Bình Phước đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Tổ CNSCĐ (111/111 tổ cấp xã, 843/843 tổ cấp thôn ấp, với 7.642 thành viên đồng loạt tham gia chiến dịch). Hơn nữa, các thành viên Tổ CNSCĐ thực hiện "đi từng ngõ, gõ từng nhà” để hướng dẫn từng người dân sử DVCTT và các ứng dụng khác như VneID của Đề án 06, Binh Phuoc Today, VssID, Sổ sức khỏe điện tử...

Đến nay kết quả đạt được là tỷ lệ DVCTT phát sinh hồ sơ và tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến cấp tỉnh (các sở, ban, ngành) đạt 99,48% (vượt 49,48% so với mục tiêu); bộ phận một cửa cấp huyện đạt 99,85% (vượt 49,85% so với mục tiêu); văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện đạt 95,68% (vượt 4,8% so với mục tiêu); bộ phận một cửa cấp xã trước đạt 87%, sau đạt 97,26% (vượt 47,26% so với mục tiêu)...

Và để có được kết quả này, Bình Phước đã: Tập trung triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số (CĐS) nói chung, DVCTT nói riêng cần có sự đồng thuận, hiệp lực “trên dưới một lòng” từ tỉnh đến cơ sở; có sự quyết liệt, gương mẫu, sáng tạo, đi đầu của người đứng đầu các cấp; cần phát huy sự trợ giúp tích cực của các Tổ CNSCĐ; huy động các nguồn lực xã hội hóa; thường xuyên mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng (cả hình thức tập trung và trực tuyến) cho các thành viên Tổ CNSCĐ để họ nâng cao kiến thức, kĩ năng, nghiệp vụ hướng dẫn, tuyên truyền...

Không chỉ có các đơn vị trên đạt kết quả tích cực, các tỉnh, thành phố khác như Hà Nội, Vĩnh Long, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Nam... đã đẩy mạnh việc thực hiện sử dụng rộng rãi các DVCTT cho người dân thông qua việc ban hành chính sách miễn phí, lệ phí cho người dân sử dụng DVCTT.

Theo đó, Hà Nội là địa phương đầu tiên ban hành Nghị quyết của HĐND Thành phố về chính sách áp dụng mức thu phí, lệ phí bằng 0 khi tổ chức, cá nhân thực hiện nộp hồ sơ theo hình thức trực tuyến đối với 82 TTHC thuộc thẩm quyền của HĐND Thành phố.

Hơn nữa, Hà Nội đã vận hành Ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHaNoi) để tạo lập kênh kết nối số nhanh chóng và thuận tiện giữa Chính quyền với người dân, doanh nghiệp của Thủ đô.

cach-su-dung-ung-dung-ihanoi.jpg
Thành phố Hà Nội triển khai cung cấp 478 DVCTT toàn trình trên ứng dụng iHaNoi. (Ảnh: Internet)

Qua ứng dụng iHanoi, với 4 nhóm chức năng lớn gồm: Phản ánh, kiến nghị; Tiện ích đô thị thông minh; Truyền thông, tin tức; Sáng kiến, góp ý. Hiện tại, thành phố Hà Nội triển khai cung cấp 478 DVCTT toàn trình trên ứng dụng iHaNoi và kết nối, khai thác dữ liệu của người dân từ Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư để tự động điền vào biểu mẫu điện tử tương tác của từng DVCTT, người dân không phải khai báo lại.

Cũng như Hà Nội, Vĩnh Long, địa phương cũng đã tích cực sớm ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh về chính sách miễn lệ phí cho tổ chức, cá nhân sử dụng 2 nhóm dịch vụ công trực tuyến Cấp phép xây dựng và Đăng ký kinh doanh.

Trong khi đó, TP. Hồ Chí Minh và Quảng Nam cũng là hai địa phương tiêu biểu khi: Tháng 5/2024, TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Nghị quyết của HĐND thành phố về chính sách mức thu lệ phí bằng 0 đồng đối với 5 nhóm DVCTT gồm: (1) Hộ tịch; (2) Cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; (3) Đăng ký kinh doanh; (4) Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, tài sản gắn liền với đất; (5) Cấp giấy phép xây dựng.

Tháng 7/2024, HĐND tỉnh Quảng Nam cũng đã ban hành Nghị quyết quy định mức thu phí, lệ phí 0 đồng đối với 8 khoản phí và 5 khoản lệ phí khi tổ chức, cá nhân sử dụng DVCTT để giải quyết TTHC.

Như vậy, có thể nói với những kết quả tích cực ban đầu được tạo ra, các địa phương đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ trên nghiêm túc, và khi làm tốt nhiệm vụ này sẽ góp phần đưa mọi hoạt động, dịch vụ công lên môi trường mạng.

Và khi làm tốt, hiệu quả, các cơ quan nhà nước sẽ có đầy đủ dữ liệu số để chỉ đạo, điều hành trực tuyến, từ đó nhanh chóng sớm hoàn thành nhiệm vụ phát triển chính phủ điện tử, chuyển sang phát triển chính phủ số toàn diện./.

Nhật Minh