Động lực để phát triển hệ sinh thái AI bền vững

Kinh tế - Ngày đăng : 12:05, 24/08/2024

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 với mục tiêu đưa trí tuệ nhân tạo trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam. Với mong muốn đến năm 2030, Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khu vực ASEAN.
Kinh tế

Động lực để phát triển hệ sinh thái AI bền vững

Đoàn Dũng 24/08/2024 12:05

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 với mục tiêu đưa trí tuệ nhân tạo trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam. Với mong muốn đến năm 2030, Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khu vực ASEAN.

AI phải được phổ cập như dịch vụ

Khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường Công nghệ Gartner (Mỹ) cho biết về thị trường phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ đạt 135 tỷ USD năm 2025, tốc độ tăng trưởng kép từ 14,4% năm 2021 lên 31,1% năm 2025, vượt qua mức tăng trưởng chung của toàn ngành phần mềm.

Trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo đã có sự phát triển vượt bậc và trở thành một trong những công nghệ then chốt góp phần thay đổi và thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia, nhiều quốc gia đã có chiến lược AI quốc gia, đồng thời, có những bước đi mạnh mẽ trong việc tham gia thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng và phát triển nguồn nhân lực AI.

software-engineering.jpg
Trí tuệ nhân tạo đã có sự phát triển vượt bậc và trở thành một trong những công nghệ then chốt

Việt Nam đã có những bước đi mạnh mẽ trong việc tham gia thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng và phát triển nguồn nhân lực AI. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 127/QĐ-TTg về Chiến lược quốc gia, nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030. Chiến lược đưa ra mục tiêu “đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, đưa trí tuệ nhân tạo trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”. Từ đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội và từng bước đưa Việt Nam trở thành điểm sáng về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khu vực và trên thế giới.

Những năm gần đây Việt Nam đã có các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp ICT, thực hiện nhiều nghiên cứu và ứng dụng AI trong thực tế như nhận dạng hình ảnh (camera giao thông, an ninh), xử lý ngôn ngữ tiếng Việt, lọc tin nhắn rác, đảm bảo an toàn thông tin. Các trung tâm nghiên cứu cũng được thành lập nghiên cứu sâu về AI, thiết lập AI platform với những mô-đun chuẩn sẵn có để hình thành hệ sinh thái AI cho các bên tham gia cùng phát triển. Nhiều công ty startup về AI mới hình thành có những sản phẩm hứa hẹn, không thua kém các sản phẩm quốc tế, đặc biệt có sự tham gia của những nhân tài AI người Việt được đào tạo bài bản ở các nước mạnh về AI.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã từng nhận định: AI là công nghệ chính và quan trọng nhất của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nó sẽ giống động cơ hơi nước, điện, máy tính của cuộc cách mạng công nghệ trước đây. Tức là loại công nghệ có tính phổ cập rộng rãi trong mọi ngành, mọi lĩnh vực đến với mọi người. Chẳng hạn như trước đây, máy móc thay công cụ lao động của con người thì nay AI là trợ lý cho con người, thay trí tuệ con người. AI phải được phổ cập như dịch vụ và trách nhiệm thuộc về các công ty công nghệ số.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho biết: Năm 2024 là năm phát triển AI nhất là AI diện hẹp, phát triển cho từng lĩnh vực, từng ngành công nghiệp và cung cấp phục vụ tới mọi doanh nghiệp, người dân. AI diện hẹp là AI chuyên biệt, tập trung và do người dùng tạo ra, huấn luyện cho nhiệm vụ cụ thể, cho nhiệm vụ, chức năng định trước. AI diện hẹp giúp mỗi người Việt Nam có một trợ lý ảo.

Cũng theo báo cáo "Chỉ số sẵn sàng AI của chính phủ" (Government AI Readiness Index) do Oxford Insights (Vương quốc Anh) thực hiện, năm 2023, Việt Nam xếp thứ 5 trong ASEAN về chỉ số sẵn sàng AI toàn cầu.

Được biết trong năm 2023, nhiều mô hình AI do Việt Nam phát triển như Phở GPT, VinAi, LovinBot hay FPT AI Mentor. Dự kiến đưa ra năm 2030, việc phát triển AI tạo sinh sẽ đóng góp cho nền kinh tế số tới 14.000 tỉ đồng vào năm 2030. Tuy nhiên, để mục tiêu thành hiện thực có nhiều thách thức.

Nhận thức được tầm quan trọng của AI

Với mong muốn đến năm 2030, Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khu vực ASEAN. Tại Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam (AI4VN) 2024 do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức ngày 23/8 vừa qua, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của AI: Từ nhận thức được tầm quan trọng của trí tuệ nhân tạo, thời gian qua, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn rất quan tâm, đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, định hướng cụ thể nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo.

Theo đó sau 3 năm triển khai Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, Việt Nam đã đạt một số kết quả bước đầu đáng được khích lệ. Công nghệ trí tuệ nhân tạo đang góp phần nâng cao rõ rệt năng suất lao động và cải thiện chất lượng cuộc sống của con người. Trên thực tế, ngày càng nhiều lĩnh vực kinh tế được hưởng lợi từ AI.

Theo đó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo cũng đặt ra nhiều thách thức trong quản lý, quản trị không chỉ tại Việt Nam mà tất cả quốc gia trên thế giới. Việt Nam luôn khẳng định, việc phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo phải lấy lợi ích quốc gia, lợi ích của xã hội và người dân làm trung tâm, không được lạm dụng công nghệ để xâm phạm các quyền, lợi ích hợp pháp này.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng đề nghị tất cả cùng hợp tác, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, các sáng kiến, giải pháp về xây dựng chính sách và quản lý, các kinh nghiệm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng về trí tuệ nhân tạo, kinh nghiệm trong việc hình thành và phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao để góp phần thúc đẩy việc phát triển hệ sinh thái AI bền vững tại Việt Nam.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Thủ tướng Chính phủ cũng đánh giá cao nỗ lực xây dựng hơn 10 chương trình đào tạo chuyên biệt về trí tuệ nhân tạo và hoan nghênh một số tổ chức, doanh nghiệp đã chủ động đầu tư nghiên cứu phát triển một số sản phẩm trí tuệ nhân tạo phục vụ cho cuộc sống, đặc biệt là các sản phẩm dựa trên nguồn dữ liệu và tri thức đặc thù của Việt Nam. Đồng thời đề nghị, các doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, đào tạo, đầu tư, phát triển, cung cấp sản phẩm trí tuệ nhân tạo để phục vụ đời sống của mọi người.

Được biết thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành liên quan đã nỗ lực trong hoàn thiện hành lang pháp lý, triển khai các cơ chế, chính sách nhằm tạo thuận lợi cho phát triển trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam. Tuy nhiên, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo không chỉ mở ra cơ hội mới mà còn đặt ra nhiều thách thức trong quản lý, quản trị trí tuệ nhân tạo. Vấn đề về đạo đức trí tuệ nhân tạo, phát triển trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm đang được các quốc gia, các tổ chức quốc tế quan tâm và thảo luận sôi nổi.

Đoàn Dũng