Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thăm và làm việc tại tỉnh Thái Nguyên
Diễn đàn - Ngày đăng : 08:30, 07/09/2024
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thăm và làm việc tại tỉnh Thái Nguyên
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, việc kinh doanh, bán hàng trên các nền tảng online vừa giúp hợp tác xã chè Hảo Đạt quảng bá được sản phẩm, vừa mang đến cho người sử dụng những sản phẩm chất lượng tốt một cách nhanh chóng, tiết kiệm được thời gian và chi phí.
Chiều ngày 6/9/2024, Đoàn công tác của Bộ TT&TT do Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng làm Trưởng đoàn đã tới thăm và làm việc với Hợp tác xã (HTX) chè Hảo Đạt và Viettel Thái Nguyên.
Cùng dự có Thứ trưởng Phan Tâm, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm và đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ TT&T.
HTX chè Hảo Đạt cần đẩy mạnh bán hàng trực tuyến và thanh toán điện tử
Chia sẻ với Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, bà Đào Thanh Hảo - Giám đốc HTX chè Hảo Đạt cho biết, hiện mỗi ngày HTX chè Hảo Đạt chế biến được từ 4 đến 4,5 tấn chè búp tươi; bình quân mỗi năm HTX chế biến được từ 1.350 đến 1.500 tấn chè búp tươi, cung cấp ra thị trường mỗi năm từ 250 đến 300 tấn chè búp khô.
Tuy sản lượng không quá cao, doanh thu trung bình của HTX vẫn đạt hơn chục tỷ đồng/năm. Đồng thời, HTX cũng tạo việc làm thường xuyên cho 30 - 40 lao động với mức thu nhập bình quân từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng và khoảng 30 lao động thời vụ với mức lương thỏa thuận.
Bà Hảo cũng cho biết, nhận thức được vai trò và lợi ích của chuyển đổi số nên HTX chè Hảo Đạt đã thực hiện chuyển đổi số một cách linh hoạt, phù hợp, đạt hiệu quả cao, tiết giảm chi phí, tối ưu nguồn nhân lực. Đồng thời góp phần thay đổi phương thức sản xuất, giải phóng tối đa sức lao động, gia tăng giá trị sản phẩm và tiếp cận nhanh với thị trường và gắn với chuỗi giá trị.
Ngoài việc trưng bày giới thiệu sản phẩm, bán sản phẩm ngay tại nơi sản xuất, HTX còn giới thiệu, quảng bá trên các trang website, tham gia các chương trình trưng bày sản phẩm tại các trung tâm thương mại, hội chợ và các tỉnh trên cả nước. Tất cả các sản phẩm của HTX đều được dán mã QR để quản lý chất lượng sản phẩm chè.
Trước khi chuyển đổi số sản phẩm đơn điệu, chưa bắt mắt về hình thức, sản lượng bán ra hàng tháng chưa được cao. Từ khi thực hiện chuyển đổi số, sản phẩm của HTX được bán ra thị trường tăng lên rõ rệt. Sản phẩm được thiết kế bao bì, đóng gói bắt mắt, không những đáp ứng nhu cầu sử dụng, mà còn trở thành món quà tặng, mang lại trải nghiệm mới cho người dân cả trong và ngoài nước, bà Hảo cho biết.
Bên cạnh đó, HTX cũng đã ứng dụng các phần mềm quản lý văn bản và theo dõi công văn, sử dụng phần mềm hệ thống quản lý bán hàng KiotViet, giúp quản lý đơn hàng một cách dễ dàng và giảm được một phần công sức khi làm việc.
Trao đổi với Giám đốc HTX chè Hảo Đạt, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá cao mô hình và kết quả sản xuất kinh doanh của HTX này.
Với mô hình sản xuất VietGap, hữu cơ, diện tích chè đồi chè lên tới 10ha, nhiều sản phẩm Chè Hảo Đạt đã đạt chuẩn OCOP 5 sao, đây chính là mô hình phát triển kinh tế phù hợp, hiệu quả, phát huy được thế mạnh và đặc sản của địa phương.
Để đẩy mạnh việc chuyển đổi số, tăng doanh thu, Bộ trưởng cho rằng, HTX chè Hảo Đạt cần tăng cường đẩy mạnh ứng dụng bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, ứng dụng thanh toán điện tử.
Việc kinh doanh, bán hàng trên các nền tảng online vừa giúp HTX quảng bá được sản phẩm, vừa mang đến cho người sử dụng những sản phẩm chất lượng tốt một cách nhanh chóng, tiết kiệm được thời gian và chi phí.
Viettel Thái Nguyên cần triển khai hạ tầng dữ liệu để đẩy nhanh chuyển đổi số
Cùng ngày, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã đến thăm và chúc mừng Viettel Thái Nguyên nhân kỷ niệm 20 năm thành lập, đồng thời lắng nghe và giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuyển đổi số của đơn vị.
Bộ trưởng cho rằng, Viettel Thái Nguyên cần tiếp tục nỗ lực và tập trung triển khai các giải pháp công nghệ hiện đại, trong đó trọng tâm là xây dựng trung tâm hạ tầng dữ liệu, mở rộng hạ tầng viễn thông và Internet, đồng thời phát triển công nghệ vạn vật kết nối (IoT) nhằm tạo nền tảng vững chắc cho việc thúc đẩy chuyển đổi số.
Bộ trưởng cũng lưu ý rằng việc triển khai các tiện ích hỗ trợ như chữ ký số, tài khoản số sẽ giúp quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng và thuận tiện hơn, không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho người dân.
Với vai trò trung tâm, Viettel Thái Nguyên cần tăng cường hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và hợp tác xã (HTX) trên địa bàn ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Viettel Thái Nguyên không chỉ là đơn vị tiên phong trong chuyển đổi số mà còn phải dẫn dắt, hỗ trợ các doanh nghiệp và HTX, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số toàn diện trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Những nỗ lực này sẽ không chỉ giúp các doanh nghiệp và HTX nâng cao hiệu quả hoạt động, gia tăng doanh thu mà còn tạo động lực phát triển kinh tế địa phương, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh trong giai đoạn chuyển đổi số./.