Nhân viên viễn thông lao vào mưa lũ, đảm bảo liên lạc sau bão Yagi
Chuyển động ICT - Ngày đăng : 21:53, 09/09/2024
Nhân viên viễn thông lao vào mưa lũ, đảm bảo liên lạc sau bão Yagi
Bằng sự nỗ lực không ngừng của các nhà mạng, tính đến hiện tại, phần lớn các trạm phát sóng bị ảnh hưởng trong bão đã được nhanh chóng khôi phục nhằm duy trì và hỗ trợ liên lạc cho các cấp chính quyền và người dân.
Xác định bão số 3 (Yagi) là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua, ảnh hưởng mạnh đến nhiều tỉnh/thành ở phía Bắc, ngay sau khi có thông tin, các nhà mạng viễn thông đã gấp rút lên các phương án, chủ động ứng phó với bão nhằm đảm bảo hệ thống thông tin liên lạc tại các địa phương luôn được thông suốt, hỗ trợ tối ưu người dân và chính quyền.
Từ ngày 7/9, Tập đoàn VNPT đã phối hợp và triển khai chia sẻ sóng với các nhà mạng khác tại các tỉnh ảnh hưởng cơn bão số 3 phục vụ công tác chỉ đạo khắc phục hậu quả bão cho các cấp chính quyền và đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ của người dân.
Hàng trăm nghìn thuê bao di động mạng khác đã sử dụng sóng VinaPhone để duy trì liên lạc trong các ngày qua. VNPT cũng đã nhanh chóng triển khai ứng cứu máy phát điện, khôi phục đường truyền để khắc phục sự cố tại trạm phát sóng bị mất liên lạc. Hàng trăm nhân lực kỹ thuật cũng đã được điều động từ các tỉnh thành khác, kèm theo trang thiết bị, máy móc đến hỗ trợ cho địa phương bị ảnh hưởng cơn bão số 3.
Trong suốt thời gian bão đổ bộ, tại các tỉnh/thành bị ảnh hưởng trực tiếp, VinaPhone cũng bố trí triển khai các điểm sạc pin tại các cửa hàng để phục vụ người dân đến 22h mỗi ngày.
Trong các ngày 8 - 9/9/2024, đông đảo người dân đã đến các điểm giao dịch của VinaPhone tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương... để lựa chọn hòa mạng nhằm duy trì liên lạc với người thân và gia đình, đảm bảo công việc được thông suốt.
Đặc biệt, để chia sẻ khó khăn với đồng bào vùng bão, VinaPhone đã triển khai ưu đãi hỗ trợ 100 phút gọi trong nước (nội/ngoại mạng), 15Gb Data cho các khách hàng trong vùng ảnh hưởng của bão số 3 ở 6 tỉnh/thành gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình, Hưng Yên, Hà Nội.
Sau khi bão Yagi quét qua các tỉnh miền Bắc, MobiFone cũng đã thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ người dân tại các khu vực đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bão.
Tại Quảng Ninh, xe phát sóng di động của MobiFone đã hoạt động hết công suất để cứu hộ những khu vực khó khăn trong địa bàn tỉnh. Đồng thời, nhiều cửa hàng MobiFone tại Hải Phòng (MobiFone 4T Trần Hưng Đạo, 380 Tô Hiệu,…), cửa hàng MobiFone tại Quảng Ninh (đường 25/4 phường Hồng Gai - thành phố Hạ Long,…) đã mở cửa suốt đêm hỗ trợ sạc điện, roaming sóng miễn phí, cung cấp cho người dân nước máy, WiFi, sạc điện miễn phí, tặng SIM điện thoại cho khách hàng, đảm bảo cho khách hàng liên lạc thông suốt, liên hệ với người thân dễ dàng hơn.
Trước thời điểm bão đổ bộ vào đất liền, MobiFone đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phòng, chống bão như kiểm tra, gia cố các vị trí xung yếu, kiểm tra cơ sở hạ tầng nhà trạm, đổ nhiên liệu máy phát điện, tổ chức trực giám sát 24/7 mạng lưới tại các tỉnh được xác định bão đổ bộ.
Tổng công ty Viễn thông MobiFone cũng đã huy động thêm nhiều đoàn cán bộ kỹ thuật tinh nhuệ nhất tỏa đi các điểm nóng để kịp thời ứng cứu thông tin, phục vụ khách hàng khắc phục hậu quả sau bão. Đến hết ngày 8/9, MobiFone đã cơ bản khôi phục mạng lưới, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt tại các tỉnh như Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên…
Tại TP. Hải Phòng, do có nhiều cây đổ, mất điện trên diện rộng và tình trạng ngập diễn ra tại nhiều nơi nên việc xử lý khôi phục thông tin liên lạc gặp nhiều khó khăn. Với việc huy động hàng trăm cán bộ công nhân viên từ trung tâm mạng lưới miền Bắc và các đơn vị lân cận tập trung xử lý sự cố, MobiFone dự kiến sẽ sớm khôi phục liên lạc trên địa bàn thành phố.
Trong khi đó, Viettel cũng đang dồn toàn bộ nguồn lực kỹ thuật tinh nhuệ nhất trên 63 tỉnh/thành phố để tập trung ứng cứu thông tin.
Thống kê đến ngày 8/9, đã có gần 500 đội ứng cứu thông tin được tăng cường cho các tỉnh, tập trung vào Quảng Ninh và Hải Dương; qua đó nâng quân số kỹ thuật ứng cứu thông tin cho bão Yagi lên gần 8.000 người. Con số này vẫn đang tiếp tục tăng lên nhằm khôi phục dịch vụ nhanh nhất cho khách hàng.
Trước đó, chi nhánh Viettel tại 16 tỉnh dự báo bị ảnh hưởng của bão cũng đã lập kế hoạch phòng chống bão và giao nhiệm vụ từng cá nhân/đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện phòng chống bão (gia cố biển bảng, nhà cửa và kê cao, che phủ chống dột, ngập…) để đảm bảo hoạt động của cửa hàng trước trong và sau bão phục vụ khách hàng và hỗ trợ người dân sạc pin điện thoại trong trường hợp mất điện trên diện rộng./.