Tăng trưởng xanh trở nên cấp bách trước khốc liệt của thiên tai

Kinh tế số - Ngày đăng : 12:01, 10/09/2024

Các doanh nghiệp (DN) đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình chuyển đổi xanh. Các dự án xanh còn dàn trải, phân mảnh, chủ yếu được tổ chức theo từng bộ ngành, lĩnh vực, thiếu cơ chế hỗ trợ xuyên suốt cho các công nghệ xanh mới và đột phá.
Kinh tế số

Tăng trưởng xanh trở nên cấp bách trước khốc liệt của thiên tai

Anh Minh {Ngày xuất bản}

Các doanh nghiệp (DN) đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình chuyển đổi xanh. Các dự án xanh còn dàn trải, phân mảnh, chủ yếu được tổ chức theo từng bộ ngành, lĩnh vực, thiếu cơ chế hỗ trợ xuyên suốt cho các công nghệ xanh mới và đột phá.

Theo đánh giá của Ủy ban châu Âu (EC), quy mô thị trường toàn cầu hiện nay cho các sản phẩm và dịch vụ xanh ước tính đạt hơn 5.000 tỷ USD và có tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều so với các thị trường truyền thống. Dự báo đến năm 2030, nền kinh tế xanh sẽ tạo ra khoảng 24 triệu việc làm mới trên toàn cầu.

Kinh tế xanh còn tạo cơ hội thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư vào nhiều lĩnh vực mới như: Năng lượng tái tạo, giao thông thông minh, nông nghiệp thông minh, đô thị - công trình xanh, tài chính xanh...

Việt Nam cần vốn đầu tư khoảng 370 tỷ USD để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng xanh

Việt Nam đang đặt ra những mục tiêu rất cao, đó là đến năm 2050 giảm phát thải ròng carbon bằng 0; quy mô nền kinh tế xanh từ 6,7 tỷ USD năm 2020 lên đến 300 tỷ USD trong tổng GDP quốc gia vào năm 2050. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Việt Nam cần nhiều bước đi đột phá, đặc biệt thu hút sự đồng hành của khu vực kinh tế tư nhân.

5257_z5814863116572_eb31fd021885.jpg
Diễn đàn “Hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh tại Việt Nam: Thúc đẩy dòng vốn xanh”

Xanh hóa nền kinh tế là chặng đường chuyển đổi tư duy và chính sách toàn diện, cần có lộ trình cụ thể và huy động đủ các nguồn lực. Theo ước tính của Ngân hàng thế giới (WB), từ nay đến năm 2040, Việt Nam cần khoản vốn đầu tư khoảng 370 tỷ USD để đáp ứng với yêu cầu tăng trưởng xanh, trong đó vai trò đóng góp của khu vực DN tư nhân là hết sức quan trọng.

Tại Diễn đàn “Hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh tại Việt Nam: Thúc đẩy dòng vốn xanh” diễn ra sáng 10/9, bà Đỗ Thị Phương Lan, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo, đã chia sẻ về cơn bão Yagi và nhấn mạnh, Yagi là điển hình cho diễn biến ngày càng thất thường và khắc nghiệt của biến đổi khí hậu, cũng cho thấy sự khốc liệt của thiên tai.

"Trong bối cảnh diễn biến thất thường của biến đổi khí hậu, việc chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh là hết sức cần thiết, cấp bách trong bối cảnh hiện nay", bà Lan nhấn mạnh.

Ông Lê Hoàng Lân, đại diện Vụ Tài chính, tiền tệ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho biết xu hướng tiêu dùng xanh ngày càng được người tiêu dùng tại nhiều quốc gia coi trọng, đòi hỏi các nhà sản xuất phải thay đổi chiến lược, đầu tư công nghệ để đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường.

“Để không bị loại ra trong chuỗi cung ứng toàn cầu, sản xuất xanh đang trở thành một trong những mô hình được nhiều DN Việt Nam hướng tới”, ông Lê Hoàng Lân nói.

Sản xuất xanh hiểu đơn giản là quy trình sản xuất giảm thiểu lượng phát thải carbon ra môi trường. Theo ông Lê Hoàng Lân, trong vòng 5 năm tới, Việt Nam đặt mục tiêu các nhà máy được đầu tư theo tiêu chuẩn cũ sẽ giảm thiểu được 30 - 50% lượng phát thải carbon ra môi trường. Các dự án mới sẽ ứng dụng những giải pháp xanh từ khâu nguyên liệu đến sản xuất và phân phối, như sử dụng nhiên liệu khí tự nhiên, điện mặt trời, xe nâng điện, đóng gói tự động…

Nhiều khó khăn đang làm chậm quá trình chuyển giao công nghệ của DN

Công nghệ đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi sang sản xuất xanh của các DN. Các đối tác nước ngoài sẵn sàng trả giá cao cho sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn xanh ở Việt Nam.

Tuy nhiên, các DN Việt đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình chuyển đổi xanh. Theo thông tin được các chuyên gia đưa ra tại Diễn đàn, các dự án xanh hiện tại còn dàn trải, phân mảnh, chủ yếu được tổ chức theo từng bộ ngành, lĩnh vực, thiếu cơ chế hỗ trợ xuyên suốt cho các công nghệ xanh mới và đột phá.

3551_z5814971806397_a06c0c8cd2a2.jpg
Ông Lê Hoàng Lân: các DN Việt đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình chuyển đổi xanh

Nguyên nhân chính là các DN đầu tư gặp khó khăn trong quá trình cập nhật thông tin phân tích thị trường, khó đưa ra lựa chọn dự án và địa điểm phù hợp, hạn chế trong việc hợp tác với cơ quan quản lý nhà nước nhà nước và các DN khác để phối hợp triển khai các dự án trọng điểm.

Những khó khăn trên đã làm chậm quá trình chuyển giao công nghệ, đặc biệt đối với các công nghệ và các lĩnh vực ưu tiên, làm giảm động lực của DN và những cá nhân muốn tham gia vào các sáng kiến xanh, từ đó chậm trễ trong việc hình thành một hệ sinh thái kinh tế xanh toàn diện.

Bên cạnh đó, DN còn khá khó khăn về vốn để có nguồn lực mở rộng sản xuất, từng bước trở thành DN xanh, hằng năm, mỗi DN yêu cầu quy mô vốn đầu tư cho máy móc, công nghệ, nhưng nguồn vốn vay từ ngân hàng với lãi suất ưu đãi, hay từ quỹ đầu tư đổi mới sáng tạo vẫn rất khiêm tốn với nhu cầu của DN.

Công nghệ được xem là một mấu chốt quan trọng trong công cuộc tăng trưởng xanh. Theo đó, DN cần áp dụng công nghệ trong quy trình tái chế trong sản xuất, bao gồm nguyên liệu, nhiên liệu và sản phẩm đầu ra có khả năng tái chế.

Các lĩnh vực ưu tiên đầu tư bao gồm: năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió, pin nhiên liệu, năng lượng địa nhiệt), giao thông vận tải xanh, logistic xanh, nhiên liệu sinh học và hydro sạch. Công nghệ lưu trữ carbon, nông nghiệp tuần hoàn, xử lý nước thải và rác thải, cũng như phát triển vật liệu và công trình xây dựng xanh sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giảm phát thải và chống chịu biến đổi khí hậu.

Theo các chuyên gia tại Diễn đàn, để thúc đẩy tăng trưởng xanh và huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân, Chính phủ Việt Nam cần tạo điều kiện thuận lợi về thể chế và pháp luật, khuyến khích đầu tư vào các ngành có mức phát thải cao như năng lượng, giao thông, nông nghiệp và sản xuất.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, Thành viên hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, cho biết theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) năm 2022, có 5 lĩnh vực và giải pháp ưu tiên trong phát triển bền vững. Trong đó, nông nghiệp xanh, sạch và ứng dụng công nghệ cao được coi là nền tảng cho sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp.

Ngoài ra, việc phát triển đô thị và phương thức vận tải bền vững là cần thiết khi đô thị hiện chiếm tới 78% mức tiêu thụ năng lượng và 60% lượng khí thải nhà kính toàn cầu. Chuyển đổi năng lượng sạch đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Việc áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn giúp cải thiện hiệu suất sản xuất và tiêu thụ, khi hiện nay 62% lượng khí thải nhà kính xuất phát từ hoạt động sản xuất, còn lại 38% đến từ phân phối và tiêu dùng; tuy nhiên, tỷ lệ này đang dần thay đổi. Việc gìn giữ đại dương sạch và hiệu quả cũng được nhấn mạnh, đặc biệt là đối với Việt Nam, nơi có 28 tỉnh và thành phố phụ thuộc vào kinh tế biển./.

Anh Minh