Trong 1 tháng, giảm 5,3 triệu thuê bao 2G
Diễn đàn - Ngày đăng : 17:38, 13/09/2024
Trong 1 tháng, giảm 5,3 triệu thuê bao 2G
Đây là số liệu được lãnh đạo Cục Viễn thông, Bộ TT&TT thông tin tại họp báo thường kỳ tháng 9 của Bộ TT&TT chiều ngày 13/9/2024.
Trao đổi một số nội dung liên quan đến tắt sóng 2G của PV Tạp chí TT&TT, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ TT&TT cho biết hiện nay, các nhà mạng di động đã hết sức nỗ lực để chuyển đổi thuê bao 2G Only. Đến ngày 8/9/2024, số thuê bao của các nhà mạng còn khoảng 3,4 triệu thuê bao 2G Only. So với tháng 7/2024, trong vòng hơn 1 tháng, số thuê bao 2G Only giảm hơn 5,3 triệu thuê bao.
Ông Nguyễn Phong Nhã khẳng định: “Đây là một kết quả rất đáng ghi nhận, thể hiện sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ TT&TT và sự nghiêm túc của các doanh nghiệp di động để thực hiện kế hoạch dừng công nghệ 2G theo các Thông tư số 03/2024/TT-BTTTT, Thông tư 04/2024/TT-BTTT về quy hoạch các băng tần số”.
Hiện nay, trong giai đoạn "nước rút", Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết các nhà mạng đã và đang triển khai các giải pháp nhằm chuyển đổi các thuê bao 2G Only còn lại trên mạng như thực hiện hỗ trợ kinh phí máy điện thoại 4G only kết hợp các gói cước chuyển đổi, đồng thời hỗ trợ lên tới 100% kinh phí máy điện thoại 4G phím bấm.
Các nhà mạng đều chuẩn bị 1 số lượng máy điện thoại 4G để hỗ trợ bù máy (100% kinh phí) cho các thuê bao 2G Only của mình.
Bên cạnh việc truyền thông trên các phương tiện truyền thông đại chúng, các nhà mạng đẩy mạnh thực hiện truyền thông trực tiếp tới khách hàng, đồng thời tăng tần suất truyền thông, thông qua các hình thức: gọi điện, nhắn tin SMS, thông báo nhà chờ cuộc gọi, phát IVR kèm cuộc gọi, Call Bot về các chương trình hỗ trợ chuyển đổi của doanh nghiệp và hướng dẫn khách hàng đổi máy.
Các nhà mạng thực hiện truyền thông thông qua hệ thống truyền thông cơ sở (loa truyền thanh xã, phường) để cung cấp thông tin đến từng khách hàng.
Để triển khai hiệu quả đến người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, một số doanh nghiệp (DN) di động còn thực hiện chiến dịch chuyển đổi tại tất cả các xã/phường, huy động toàn bộ lực lượng nhân viên tại tỉnh/thành phố tiếp xúc với khách hàng 2G đến từng nhà của thuê bao.
Ông Nguyễn Phong Nhã cũng cho biết bản chất dừng công nghệ 2G không giống như dừng sóng analog truyền hình trước đây. Sóng 2G vẫn được phát trong 2 năm để đảm bảo các thiết bị, dịch vụ dùng công nghệ 2G như dịch vụ IoT, đo công tơ điện, nước, các thiết bị CN dùng 2G tiếp tục sử dụng Thông tư 03, 04. Mạng 2G cũng còn phục vụ thuê bao 4G chưa có tính năng VoLTE để duy trì dịch vụ thoại, nhắn tin trong một thời gian nữa.
Lãnh đạo Cục Viễn thông cũng nêu một số khó khăn trong thực hiện như mặc dù cơ quan quản lý nhà nước, DN triển khai các chính dịch truyền thông rộng khắp trên các phương tiện truyền thông đại chúng, các DN truyền thông trực tiếp đến khách hàng, nhưng theo phản ánh của DN di động vẫn còn một bộ phận người sử dụng còn tâm lý chưa vội chuyển đổi thiết bị đầu cuối, gây khó khăn cho các nhà mạng trong việc tổ chức hỗ trợ chuyển đổi để bảo đảm quyền lợi của người sử dụng.
Đối với các thuê bao này cần tiếp tăng cường truyền thông trực tiếp để thực hiện chuyển đổi sang máy điện thoại 4G để đảm bảo tiếp tục sử dụng dịch vụ sau ngày 16/9/2024.
Xem xét khả năng kéo dài thời hạn thực hiện ngừng cung cấp dịch vụ cho thuê bao 2G Only
Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cũng cho biết trong thời gian vừa qua, bão Yagi đã đổ bộ vào Việt Nam, trực tiếp ảnh hưởng đến nhiều tỉnh phía Bắc. Bão số 3 đã và đang gây những hậu quả và thiệt hại nặng nề chưa từng có cho toàn bộ người dân, làm hư hại nghiêm trọng các công trình hạ tầng kỹ thuật trong đó có công trình viễn thông tại nhiều địa phương miền Bắc.
Tình trạng sạt lở, ngập lụt sau bão vẫn tiếp tục đang hoành hành, không những làm đảo lộn, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân mà còn gây khó khăn cho việc di chuyển, giao thông. Trong thời gian này, DN di động cũng dành nguồn lực khắc phục hậu quả thiên tai, khôi phục hệ thống viễn thông để đảm bảo thông tin liên lạc của người dân.
Ngoài ra, trong số thuê bao 2G Only chưa kịp chuyển đổi bao gồm những đối tượng yếu thế, các thuê bao thuộc hộ gia đình khó khăn, các thuê bao tại địa bàn khó tiếp cận như vùng sâu, vùng xa, miền núi và một tỷ lệ tương đối lớn thuê bao 2G Only nằm trong khu vực bị ảnh hưởng của bão, lụt, gây khó khăn cho việc liên lạc, tiếp xúc trực tiếp với khách hàng để thực hiện chuyển đổi.
Ngày 10/9/2024, Bộ TT&TT đã họp với các DN viễn thông để nắm bắt các khó khăn của DN trong việc triển khai hỗ trợ chuyển đổi thuê bao 2G Only.
Căn cứ vào các đề xuất của DN, Bộ TT&TT đang thẩm định, xem xét kéo dài thời hạn thực hiện việc ngừng cung cấp dịch vụ cho thuê bao 2G Only theo lộ trình dừng công nghệ tại Thông tư số 03, Thông tư số 04 về quy hoạch các băng tần nghiệp có thêm thời gian vừa dành nguồn lực để khắc phục hậu quả cơn bão số 3 và tình hình lũ lụt sau bão, vừa hỗ trợ chuyển đổi máy điện thoại 4G cho các thuê bao 2G Only, đặc biệt là thuê bao ở vùng sâu, vùng xa và các tỉnh, thành phố ảnh hưởng bởi bão, lụt, nhằm đảm bảo thông tin liên lạc của người sử dụng.
32 triệu tin nhắn được gửi đến các thuê bao ở các địa phương gặp bão số 3
Cũng tại họp báo, ông Nguyễn Phong Nhã đã thông tin một số tình hình về ứng phó khắc phục bão số 3 của ngành TT&TT.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Công điện ứng phó với bão số 3, Bộ TT&TT đã ban hành Công điện số 05/CĐ-BTTTT ngày 5/9/2024 chỉ đạo các đơn vị tập trung ứng phó với bão ở mức độ cao nhất. Các đơn vị, DN cũng đã ban hành các công điện nội bộ chỉ đạo các đơn vị, chi nhánh triển khai thực hiện công tác ứng phó.
Trước thời điểm bão số 3 đổ bộ, ông Nguyễn Phong Nhã cho biết, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các DN viễn thông nhắn tin tới hơn 32 triệu thuê bao trong vùng bị ảnh hưởng ứng phó với bão. Đây là một sự nỗ lực rất lớn của các nhà mạng.
Bộ TT&TT và các DN viễn thông đã điều động lực lượng từ các tỉnh không gặp bão tạo thành các nhóm công tác để ưu tiên khắc phục sự cố của mạng di động. Cơ bản các tỉnh gặp bão hiện nay đã khôi phục thông tin liên lạc (TTLL) hoàn toàn. Hiện chỉ còn 8% các trạm phát sóng ở các tỉnh đang được khắc phục. Các tỉnh cố gắng trong hôm nay và ngày mai sẽ khôi phục hoạt động các trạm BTS hoàn toàn, đảm bảo TTLL để người dân khôi phục sản xuất kinh doanh và các hoạt động cứu trợ vùng lũ. Việc này được Cục Viễn thông đánh giá là các nhà mạng đã làm tốt.
Các DN viễn thông đã điều các xe di động, tìm kiếm cứu nạn, xe chuyên dùng có trang bị bộ đàm, vệ tinh phục vụ kịp thời sự chỉ đạo điều hành của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước khi đi kiểm tra phòng chống lụt bão và sẵn sàng phục vụ những khu vực mất TTLL và tìm kiếm cứu nạn.
Tại giao ban quản lý nhà nước của Bộ TT&TT ngày 12/9 với các Sở TT&TT, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh sau bão số 3 cần rút ra các bài học, kinh nghiệm để ứng phó thảm hoạ thiên tai tương tự. Bộ TT&TT rà soát các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với các trạm BTS và hướng xây dựng các trạm BTS kiên cố tới cấp huyện, xã.
Sau bão số 3 có thể thấy, các DN viễn thông đã xây dựng được một số trạm chịu được rủi ro cấp độ 4 và có thể hoạt động trong vòng 7 ngày. Người dân đã được thông báo đến các trạm kiên cố này để sạc pin điện thoại. Các trạm này cũng lắp đặt truyền thanh không dây để truyền thông các thông tin về bão lũ.
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện cũng cho biết, đơn vị này trong những ngày qua đã tập trung kiểm soát tốt tần số cho các đài bờ, đài biển, các đài phát thanh truyền hình, đài không dây… để chống can nhiễu, phục vụ công tác thông tin tuyên truyền, chỉ đạo điều hành thông suốt để phòng chống bão lụt và tìm kiếm cứu nạn./.