Chuyển đổi số trong bồi dưỡng lý luận chính trị

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 15:00, 17/09/2024

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị là đơn vị đầu tiên thực hiện chuyển đổi số trong bồi dưỡng lý luận chính trị, cập nhật kiến thức cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở qua internet. Kết quả bước đầu gợi mở hướng đi hiệu quả, tăng số lượng học viên và nâng cao chất lượng bồi dưỡng lý luận chính trị, khắc phục khó khăn về khoảng cách địa lý và kinh phí của các địa phương.
Chuyển đổi số

Chuyển đổi số trong bồi dưỡng lý luận chính trị

Bài, ảnh: THU HÀ, CHÂU MINH và VĂN TOÁN 17/09/2024 15:00

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị là đơn vị đầu tiên thực hiện chuyển đổi số trong bồi dưỡng lý luận chính trị, cập nhật kiến thức cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở qua internet. Kết quả bước đầu gợi mở hướng đi hiệu quả, tăng số lượng học viên và nâng cao chất lượng bồi dưỡng lý luận chính trị, khắc phục khó khăn về khoảng cách địa lý và kinh phí của các địa phương.

a1.png
Các học viên làm bài kiểm tra đánh giá kết quả bồi dưỡng lý luận chính trị.

Trong ba năm đầu nhiệm kỳ (2020-2023) các đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức được bảy lớp trực tiếp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở (đối tượng 5), với hơn 1.200 học viên. Tháng 6/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thí điểm mở lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị qua internet cho 250 cán bộ, đảng viên thuộc Đảng bộ khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh.

Từ kết quả lớp thí điểm này, trong tháng 9, đơn vị đã tổ chức lớp thứ hai cho 900 cán bộ, đảng viên đến từ các tổ chức cơ sở đảng của các huyện ủy, thị ủy, thành ủy trên địa bàn.

Yêu cầu từ thực tiễn

Những năm qua, Quảng Trị chịu không ít tác động tiêu cực từ các luồng thông tin xấu độc, tán phát trên internet, mạng xã hội. Các cơ quan chức năng đã vào cuộc phát hiện xử lý, tham mưu xử lý nhiều trường hợp. Các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu chú trọng việc đối thoại với nhân dân, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để giải quyết những vấn đề nổi cộm, bức xúc.

Việc đấu tranh phản bác các quan điểm thù địch, sai trái cùng thông tin xấu, độc đã được tỉnh triển khai mạnh mẽ thông qua gần 2.000 nhóm cộng đồng chung sở thích/fanpage trên mạng xã hội. Tuy vậy, về lâu dài, tỉnh mong muốn xây dựng cơ chế gạn lọc thông tin để từng đảng viên và và mỗi người dân chủ động đấu tranh, phản bác các thông tin xấu, độc.

Đây cũng là yêu cầu đối với công tác bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên, phải làm sao thật thường xuyên cập nhật kiến thức mới, với số lượng đông và chất lượng bảo đảm.

Đảng bộ tỉnh Quảng Trị hiện nay có 49.820 đảng viên, trong đó, số lượng cán bộ, đảng viên ở cơ sở (đối tượng 5) có hơn 40.500 đồng chí. Nhiệm kỳ 2015-2020, có hơn 7.000 cán bộ, đảng viên ở cơ sở được bồi dưỡng lý luận chính trị, cập nhật kiến thức mới (đạt tỷ lệ 18%). Phân tích cho thấy nguyên nhân tỷ lệ cán bộ, đảng viên ở cơ sở được bồi dưỡng lý luận chính trị đạt thấp là do việc mở các lớp học trực tiếp, học viên phải học tập trung, ảnh hưởng đến công việc chuyên môn.

Địa bàn công tác xa, phải mất chi phí đi lại, sinh hoạt cũng là khó khăn đối với học viên. Mặt khác, tỉnh cũng thiếu hụt nguồn kinh phí tổ chức các lớp học… Xuất phát từ khó khăn, hạn chế này, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy quyết tâm tạo đột phá trong công tác bồi dưỡng lý luận chính trị, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, công tác tại cơ sở.

Trên cơ sở hệ thống phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên trên internet của Ban Tuyên giáo Trung ương. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị mạnh dạn đề xuất được thí điểm tổ chức lớp bồi dưỡng lý luận, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên đối tượng 5 trên internet. Có một điểm thuận lợi, đó là kết quả hoạt động chuyển đổi số trong hoạt động Đảng bộ tỉnh.

Trong đó, "hệ sinh thái số" của ngành tuyên giáo được xây dựng dựa trên ba trụ cột là trang bị kỹ năng số, phương tiện số và văn hóa số. Các hoạt động chuyên môn đã được số hóa. Hệ thống nghị quyết, văn bản của Đảng và ấn phẩm lịch sử Đảng đã được tải lên hạ tầng kỹ thuật số. Quảng Trị cũng là địa phương có kinh nghiệm định hướng tuyên truyền quốc tế, cụ thể là phối hợp các cơ quan tuyên truyền của nước bạn Lào thông qua nền tảng kỹ thuật số.

Được sự ủng hộ, hỗ trợ và tư vấn về nghiệp vụ từ Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị "phác thảo" mô hình thí điểm tổ chức lớp bồi dưỡng lý luận chính trị, cập nhật kiến thức mới dành cho đối tượng 5 trên mạng internet. Có năm tổ chức cơ sở đảng đã thảo luận, đăng ký tham gia lớp học thí điểm, đồng thời thống nhất chủ trương, nội dung trong việc tổ chức lớp học, hình thức kiểm tra và đánh giá, chấm điểm học viên.

Tháng 6/2024, bộ tài liệu chuẩn phục vụ lớp học có tên miền http://quangtri.lyluanchinhtri.dcs.vn đi vào hoạt động. Trang web được thiết kế có tính tương thích cao với các loại máy tính và điện thoại thông minh. Hệ thống bao gồm các modules chính: Trang chủ, kiến thức-nghiệp vụ, tư liệu-bài giảng, kiểm tra, nghiên cứu-trao đổi.

Trang web có ngân hàng câu hỏi, ngân hàng đề thi đáp ứng việc học tập, ôn tập, kiểm tra của học viên và giúp ban tổ chức lớp học theo dõi tiến độ học tập, ôn tập, kiểm tra của từng học viên. Nội dung chương trình có 9 chuyên đề, 150 câu hỏi trắc nghiệm được các cơ quan chuyên môn của Ban Tuyên giáo Trung ương thẩm định.

Khảo sát một số đề thi, chúng tôi nhận thấy nội dung của các chuyên đề đều đề cập những vấn đề trọng tâm, được dư luận quan tâm. Thí dụ như các câu hỏi mang tính lý luận về bản chất cách mạng và khoa học Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng giai cấp, giải phóng con người… hay nội dung rất "sát sườn" với cuộc sống và thời sự như các thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường; bản chất của nền văn hóa mà chúng ta xây dựng; phương thức lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam…

Vụ trưởng Vụ Lý luận chính trị (Ban Tuyên giáo Trung ương) Đoàn Văn Báu thông tin thêm: Trong quá trình Tỉnh ủy Quảng Trị xây dựng mô hình này, các ban chuyên môn của Ban Tuyên giáo Trung ương đã phối hợp chặt chẽ, bảo đảm nội dung các chuyên đề bám sát những vấn đề về lý luận và thực tiễn.

a2.png
Các học viên làm bài kiểm tra đánh giá kết quả bồi dưỡng lý luận chính trị.

Hiệu quả từ những đột phá

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị đã tổng hợp, nghiên cứu những phản hồi từ các tổ chức cơ sở đảng tiếp nhận mô hình thí điểm và các học viên. Hầu hết các ý kiến phản hồi tích cực. Bí thư Đảng bộ Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Đỗ Thị Lý cho biết: Từ đầu nhiệm kỳ (2020-2025) tới nay, dù đã rất cố gắng, Đảng ủy Khối mới tổ chức được ba lớp cho 728 đồng chí trên tổng số 2.687 cán bộ, đảng viên thuộc đối tượng 5 của Đảng bộ.

Với hình thức học và kiểm tra trực tuyến, Đảng bộ sẽ hoàn thành việc bồi dưỡng lý luận, cập nhật kiến thức cho toàn bộ 1.959 cán bộ, đảng viên thuộc đối tượng 5 ngay trong năm nay và tiết kiệm được rất nhiều kinh phí.

Ban Tổ chức lớp học đã lấy ý kiến nhận xét của 50 học viên từ năm đảng bộ cơ sở tham gia lớp học thí điểm. Tất cả học viên đều nhận xét đây là hình thức học và kiểm tra tạo ra hứng thú tiếp nhận kiến thức và thu nhận được nhiều thông tin so với hình thức học tập lý luận chính trị trước đây.

Học viên Nguyễn Minh Quỳnh, Đảng bộ Viễn thông Quảng Trị chia sẻ: "Tôi thấy nội dung các bài giảng đều có tính hệ thống, khoa học và gần gũi với thực tiễn. Ngôn ngữ súc tích, dễ hiểu giúp học viên dễ dàng tiếp thu. Các chuyên đề mới đều có thông tin dự báo sát với tình hình thời sự nên khá hấp dẫn".

Các học viên khác đều đánh giá cao hình thức học trực tuyến trên internet vì tiện lợi cho học viên, có thể tranh thủ học mọi lúc, mọi nơi, rất hiệu quả. Nhiều học viên đã thành lập nhóm zalo để trao đổi, thảo luận trong quá trình tự nghiên cứu tạo không khí học tập sôi nổi. Các học viên được bổ sung nhiều kiến thức, thông tin bổ ích đáp ứng yêu cầu công việc. Các đơn vị có học viên ở xa thuận lợi trong tổ chức lớp học, giảm kinh phí và không bị mất nhân lực lao động.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hồng Phương thông tin: Đảng bộ có 44 học viên hiện đang công tác ở các huyện, thị xã, 5 học viên ở địa bàn miền núi huyện Đakrông. Mặc dù ở khá xa thành phố nhưng tất cả học viên đều làm bài thi thuận lợi. Việc học và thi qua internet giúp tiết kiệm kinh phí, tổ chức lớp và nhân lực lao động.

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hồ Đại Nam khẳng định, ưu điểm nổi bật của mô hình là giúp học viên có nhiều thời gian nghiên cứu sâu nội dung các chuyên đề, lượng kiến thức thu nhận cao và toàn diện hơn các lớp học tập trung. Kết quả kiểm tra, đánh giá khách quan và công bằng, thực chất. Việc tiết kiệm chi phí tổ chức lớp học đem lại lợi ích cho cả người học và ban tổ chức.

Mô hình này cũng không hạn chế số lượng học viên tham gia. Với giải pháp mang tính đột phá này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị sẽ đạt mục tiêu đề ra là trong nhiệm kỳ, tất cả cán bộ, đảng viên đều được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị ít nhất một lần.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định: Lãnh đạo Ban rất quan tâm, ủng hộ mô hình bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên trên internet của Tỉnh ủy Quảng Trị. Thời gian tới, Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ chỉ đạo các địa phương, đơn vị nhân rộng mô hình này.

Bài, ảnh: THU HÀ, CHÂU MINH và VĂN TOÁN