Phát triển kinh tế số: Mục tiêu hàng đầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội

Truyền thông - Ngày đăng : 13:55, 20/09/2024

Với mục tiêu trở thành quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, chuyển đổi số kinh tế được coi là đòn bẩy chiến lược và điều kiện tiên quyết thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội đột phá.
Truyền thông

Phát triển kinh tế số: Mục tiêu hàng đầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội

Quỳnh Trang 20/09/2024 13:55

Với mục tiêu trở thành quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, chuyển đổi số kinh tế được coi là đòn bẩy chiến lược và điều kiện tiên quyết thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội đột phá.

Kinh tế số - một trong trong 3 trụ cột phát triển nòng cốt của chương trình chuyển đổi số quốc gia

Kinh tế số, dựa trên công nghệ và nền tảng số, đang phát triển mạnh mẽ và trở thành xu hướng toàn cầu. Tại Việt Nam, kinh tế số được xem là động lực tăng trưởng chủ đạo trong những thập niên tới, mở ra cơ hội để đất nước đạt mục tiêu trở thành nền kinh tế thu nhập cao vào năm 2045. Cụ thể, đến năm 2025, kinh tế số dự kiến chiếm 20% GDP và tăng lên khoảng 30% vào năm 2030.

Kinh tế số là nền kinh tế dựa trên thông tin số, tri thức số, công nghệ số và dữ liệu số làm yếu tố sản xuất chính, sử dụng mạng Internet và hạ tầng công nghệ thông tin làm không gian hoạt động. Công nghệ số và các nền tảng số được áp dụng nhằm tăng năng suất lao động và tối ưu hóa nền kinh tế. Theo Oxford, kinh tế số là “nền kinh tế chủ yếu vận hành dựa trên công nghệ số”, đặc biệt thông qua các giao dịch điện tử trên Internet.

Kinh tế số hiện diện trong mọi lĩnh vực, từ công nghiệp, nông nghiệp đến dịch vụ, bao gồm sản xuất, phân phối, lưu thông hàng hóa, tài chính và ngân hàng. Về bản chất, đây là sự chuyển đổi các mô hình tổ chức và phương thức hoạt động dựa trên công nghệ số.

Kinh tế số bao gồm 3 cấu phần: Kinh tế số ICT viễn thông (Kinh tế số ICT); Kinh tế số Internet/nền tảng (Kinh tế số Internet); và Kinh tế số ngành/lĩnh vực (Kinh tế số ngành).

Chuyển đổi số nền kinh tế nói chung và chuyển đổi số các doanh nghiệp nói riêng, đã trở thành xu hướng phát triển tất yếu trên toàn cầu. Quá trình này tạo ra những thay đổi mang tính đột phá, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh không chỉ giữa các doanh nghiệp mà còn giữa các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Do đó, phát triển kinh tế số đang được xem là mục tiêu hàng đầu trong quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng và hội nhập quốc tế.

Phát triển kinh tế số được xem là mục tiêu hàng đầu giúp thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam.

Chuyển đổi số đã "đến từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người"

Chính phủ đã ban hành một nghị định về khu công nghệ cao và đang tích cực xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn các luật quan trọng như Luật Viễn thông, Luật Giao dịch điện tử, Luật Căn cước, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Đất đai, và Luật Nhà ở. Đến nay, 56/ 63 tỉnh, thành phố đã triển khai chính sách miễn, giảm phí và lệ phí liên quan đến việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

100% xã, phường, thị trấn đã có kết nối Internet băng thông rộng và liên kết với mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Nhà nước. Hơn 80% hộ gia đình hiện đang sử dụng cáp quang Internet băng rộng. Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) đã kết nối với 388 hệ thống và cơ sở dữ liệu của 95 cơ quan, đơn vị, với khoảng 2,8 triệu giao dịch được thực hiện mỗi ngày.

Nhiều trung tâm dữ liệu lớn và hiện đại, như của Viettel, VNPT, CMC… đã được khánh thành và đưa vào hoạt động trong năm 2023-2024 và Trung tâm Dữ liệu quốc gia đang được triển khai tích cực. Đồng thời, việc đấu giá băng tần 5G đã hoàn tất và doanh nghiệp như VNPT và Viettel đã được cấp phép để kinh doanh dịch vụ 5G.

Kinh tế số và xã hội số đang có sự phát triển tích cực. Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong Quý I/2024, doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin đạt gần 36,3 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ, trong khi xuất khẩu sản phẩm công nghệ thông tin đạt 31 tỷ USD, tăng 17%. Số lượng khách hàng sử dụng Mobile Money đã đạt 8,2 triệu, gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2023, trong đó hơn 5,8 triệu khách hàng đến từ vùng nông thôn và miền núi. Tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh hiện đều có dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; 77% người trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng, và hơn 1 triệu đối tượng chính sách đã nhận trợ cấp an sinh xã hội qua tài khoản.

Năm 2024 đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ trong việc phổ cập hạ tầng số, các thành tố của chuyển đổi số, và phát triển các ứng dụng số, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng suất lao động. Hạ tầng số của Việt Nam bao gồm hạ tầng viễn thông, hạ tầng IoT (Internet vạn vật), hạ tầng tính toán, hạ tầng dữ liệu, và hạ tầng cung cấp công nghệ số như dịch vụ và các nền tảng số có tính hạ tầng. Không gian mới là kinh tế số, lực lượng sản xuất mới là công nghệ số; nguồn lực sản xuất mới là nhân lực số; yếu tố sản xuất mới là dữ liệu số; quan hệ sản xuất mới là quản trị số và động lực mới là đổi mới sáng tạo số.

Chỉ tiêu trong lĩnh vực kinh tế số (KTS) năm 2024 đặt ra sẽ có tổng doanh thu đạt 40 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng KTS nền tảng từ 20-25%. Tỷ lệ đóng góp của tổng các cấu phần KTS vào GDP dự kiến đạt từ 19-20%, và tỷ trọng KTS trong từng ngành, lĩnh vực đạt 7,5%. Định hướng đến năm 2025, KTS sẽ chiếm trên 20% GDP cả nước, với tốc độ tăng trưởng từ 20-25% mỗi năm, gấp ba lần tăng trưởng GDP. Tỷ trọng KTS trong từng ngành, lĩnh vực dự kiến đạt tối thiểu 10%.

Kinh tế số là cơ hội, thời cơ để kinh tế Việt Nam chuyển mình. Ảnh minh họa

Tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế số

Về quan điểm phát triển kinh tế số, trong phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, với trọng tâm thảo luận về kinh tế số, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ cần phải bám sát tình hình thực tế, quán triệt và hiện thực hóa chủ trương, đường lối của Đảng cũng như pháp luật của Nhà nước để thúc đẩy chuyển số quốc gia nói chung, phát triển kinh tế số nói riêng thực chất, hiệu quả. Huy động sự vào cuộc, tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Phát triển kinh tế số là đòi hỏi khách quan và là yêu cầu bắt buộc trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, phù hợp với xu thế hiện nay. Phát triển kinh tế số phải gắn liền với kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức và kinh tế chia sẻ. Hỗ trợ xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, đồng thời gắn với hội nhập quốc tế một cách sâu rộng, thực chất và hiệu quả.

Phát triển kinh tế số là một quá trình liên tục và bền bỉ, không có điểm dừng. Chúng ta cần đổi mới tư duy, có tầm nhìn chiến lược, duy trì tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn và hành động quyết liệt. Đồng thời, cần huy động hiệu quả mọi nguồn lực và đẩy mạnh hợp tác công tư để bắt cùng, tiến kịp và vượt qua các khu vực và quốc gia trên thế giới.

Phát triển kinh tế số cần ứng dụng mạnh mẽ các khoa học công nghệ hiện đại, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, nhằm nâng cao năng lực sản xuất, cải thiện năng suất lao động, tăng cường năng lực cạnh tranh, và tạo việc làm cũng như sinh kế cho người dân. Phát triển kinh tế số một cách tổng thể và toàn diện, ưu tiên chất lượng hơn số lượng. Phải kết hợp đồng bộ, hiệu quả phát triển hạ tầng số, dịch vụ số, dữ liệu số, kỹ năng số, thể chế số, đồng thời bảo đảm an ninh mạng và an toàn thông tin./.

Quỳnh Trang