Đề xuất bổ sung quy định quản lý DN bưu chính công nghệ, cung cấp dịch vụ bưu chính toàn trình trên nền tảng số

Diễn đàn - Ngày đăng : 17:42, 25/09/2024

Bộ TT&TT nghiên cứu bổ sung quy định để quản lý hoạt động đối với những doanh nghiệp bưu chính công nghệ, cung cấp dịch vụ bưu chính toàn trình trên nền tảng số, trong đó quy định rõ quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp là đơn vị quản lý, vận hành nền tảng số và đối tác, nhân viên giao hàng là người trực tiếp cung cấp dịch vụ.
Diễn đàn

Đề xuất bổ sung quy định quản lý DN bưu chính công nghệ, cung cấp dịch vụ bưu chính toàn trình trên nền tảng số

Hoàng Linh 25/09/2024 17:42

Bộ TT&TT nghiên cứu bổ sung quy định để quản lý hoạt động đối với những doanh nghiệp bưu chính công nghệ, cung cấp dịch vụ bưu chính toàn trình trên nền tảng số, trong đó quy định rõ quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp là đơn vị quản lý, vận hành nền tảng số và đối tác, nhân viên giao hàng là người trực tiếp cung cấp dịch vụ.

Đây là ý kiến của đại diện Sở TT&TT Hà Nội tại Hội nghị truyền thông, lấy ý kiến dự thảo luật Bưu chính (sửa đổi) được Bộ TT&TT tổ chức ngày 25/9/2024.

Luật Bưu chính được Quốc hội thông qua ngày 17/6/2010, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2011. Sau gần 14 năm áp dụng, Luật đang được đề nghị sửa đổi, bổ sung để đáp ứng sự phát triển nhanh, mới của lĩnh vực.

toan-canh-25092024_-.jpg
Toàn cảnh hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, ông Lã Hoàng Trung, Vụ trưởng Vụ Bưu chính cho biết cùng với Vụ Pháp chế, Vụ Bưu chính là đơn vị chủ trì sửa đổi Luật Bưu chính. Đây là một hội nghị trong chuỗi hội nghị được tổ chức để lấy ý kiến các bên khác nhau đóng góp cho việc xây dựng dự thảo luật. Hội nghị lần này tập trung vào các nội dung từ góc độ thực tiễn quản lý bưu chính tại địa phương và thực tiễn kinh doanh dịch vụ bưu chính của các doanh nghiệp (DN). Hội nghị lần này có sự tham dự của một số Sở TT&TT phía Bắc, các DN bưu chính, logistics, thương mại điện tử (TMĐT).

Bưu chính sẽ trở thành hạ tầng thiết yếu của nền kinh tế số quốc gia quốc gia

Cũng tại hội nghị, ông Lê Văn Chung, Vụ Bưu chính cho biết việc ban hành Luật Bưu chính năm 2010 đã góp phần hoàn thiện khung pháp lý, tạo môi trường bưu chính cạnh tranh bình đẳng, bưu chính công ích được cung cấp đến mọi người dân một cách phổ cập, rộng khắp. Sau khi Luật Bưu chính được ban hành, Chính phủ đã ban hành 4 nghị định, 5 quyết định và Bộ TT&TT đã ban hành 3 thông tư để triển khai thi hành luật.

ong-le-van-chung-1.jpg
Ông Lê Văn Chung: sửa đổi Luật Bưu chính để bảo đảm thực hiện các mục tiêu, chiến lược đã đề ra như tốc độ tăng trưởng dịch vụ bưu chính phục vụ TMĐT hơn 30%.

Qua gần 14 năm luật được thi hành, số lượng DN bưu chính tăng nhanh từ 40 DN năm 2010 lên hơn 700 DN năm 2023 (tăng 18 lần), doanh thu tăng từ 4000 tỷ đồng năm 2010 lên gần 59.000 tỷ đồng năm 2023 (tăng 14,7 lần), sản lượng bưu gửi tăng từ 330 triệu lên 2,45 tỷ bưu gửi (tăng 7,3 lần). Các điểm phục vụ bưu chính đã được phủ rộng khắp, đảm bảo hạ tầng trong việc cung cấp hàng hoá thiết yếu, phục vụ thị trường 100 triệu dân.

Ba vấn đề cấp thiết

Năm 2022, Bộ TT&TT đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 654/QĐ-TTg ngày 30/5/2022 phê duyệt Chiến lược phát triển bưu chính đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Chiến lược xác định tầm nhìn năm 2030 là: bưu chính trở thành hạ tầng thiết yếu của quốc gia và của nền kinh tế số, đặc biệt là của TMĐT; mở rộng hệ sinh thái dịch vụ, mở rộng không gian hoạt động mới; thúc đẩy phát triển Chính phủ số, xã hội số.

Triển khai Chiến lược này, Vụ Bưu chính thực hiện rà soát Luật Bưu chính và hệ thống văn bản pháp lý bưu chính. Trên cơ sở đó, Vụ Bưu chính đề xuất sửa đổi Luật Bưu chính để bảo đảm thực hiện các mục tiêu, chiến lược đã đề ra như tốc độ tăng trưởng dịch vụ bưu chính phục vụ TMĐT hơn 30%, xếp hạng quốc tế về bưu chính lọt top 40 trên thế giới. Hiện nay, bưu chính Việt Nam đang trong top 4 của khu vực Đông Nam Á.

Việc sửa đổi Luật Bưu chính nhằm đảm bảo các mục tiêu phát triển của lĩnh vực đáp ứng một số mục đích, yêu cầu như: thể chế hoá nghị quyết của Đảng, Chính phủ; rà soát các quy định bưu chính để đáp ứng tình hình phát triển mới, giải quyết các vướng mắc từ thực tiễn triển khai, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan như Luật DN, Luật Đầu tư, Luật Giao dịch điện tử, Luật Dân sự, Luật cạnh tranh, Luật an toàn thông tin… và các cam kết quốc tế như CPTPP, EVFTA.

Ông Lê Văn Chung cho biết đây là thời điểm chín muồi từ lý luận, thực tiễn để đề nghị sửa đổi Luật Bưu chính. Theo đó, trong thời gian qua, Vụ Bưu chính đã tổng hợp ý kiến của các Sở TT&TT về vướng mắc trong quá trình triển khai luật Bưu chính 2010. Đại diện Vụ Bưu chính nêu 3 vấn đề cần tập trung lấy ý kiến góp ý.

Đầu tiên là vấn đề giao thoa giữa hàng hoá bưu chính và hàng hoá vận tải. Theo quy định trong lĩnh vực vận tải hàng hóa, hàng hoá vận tải siêu trường, siêu trọng, nguy hiểm… thuộc diện cấp phép của Bộ Giao thông vận tải (GTVT). Riêng hàng hoá thông thường đang có sự giao thoa với bưu gửi (hàng hóa bưu chính). Ví dụ: khi một xe vận tải trên đường chở khách có nhận hàng hoá bất kỳ thì đó có phải là hàng hoá bưu chính (bưu gửi trong lĩnh vực bưu chính) hay hàng hoá vận tải?

Theo ông Chung, nếu không làm rõ hàng hoá bưu chính và hàng hoá vận tải sẽ dẫn đến một số bất cập như hàng hoá bị mất mát, hư hỏng, thất lạc trong quá trình vận chuyển thì người gửi không biết DN đó là DN bưu chính hay vận tải hoặc khi khiếu nại lên cơ quan quản lý nhà nước thì khiếu nại Bộ TT&TT hay Bộ GTVT.

Hàng hoá bưu chính luôn kèm theo các thông tin người gửi, người nhận, số điện thoại (nếu có). Hàng hoá vận tải thì có yếu tố động. Bưu gửi thì có yếu tố tĩnh (mang về kho chia chọn rồi mới vận chuyển). Cùng với đó, hàng hoá bưu chính còn có các quy định về chất lượng như: thời gian toàn trình, thời hạn giải quyết khiếu nại.

Thực tế hiện nay, có những DN vận tải hàng hoá chịu sự quản lý của 2 hệ thống pháp luật, pháp luật về vận tải hàng hóa và pháp luật về bưu chính. Việc này cần có sự thống nhất trong quản lý về nhà nước để đảm bảo chặt chẽ trong công tác thanh, kiểm tra, đồng thời đơn giản hóa thủ tục hành chính cho DN.

Thứ hai là phạm vi cấp phép bưu chính. Bộ TT&TT cấp giấy phép bưu chính cho việc cung ứng dịch vụ thư có địa chỉ nhận, có khối lượng đến 02 kg. Theo ý kiến của một số Sở TT&TT, sản lượng bưu gửi hiện nay tập trung chủ yếu là gói, kiện hàng hóa (chiếm trên 80%), vì vậy, cần xem xét việc cấp giấy phép bưu chính cho dịch vụ thư, trong khi, dịch vụ gói, kiện hàng hóa lại chỉ cần văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính.

Thứ ba là về mô hình kinh doanh mới - mô hình kinh doanh bưu chính công nghệ.

Theo Vụ Bưu chính, hiện nay, có rất ít DN tự thực hiện toàn bộ quy trình cung ứng dịch vụ bưu chính (bao gồm 04 công đoạn: chấp nhận, khai thác, vận chuyển, phát). Hầu hết DN chỉ thực hiện một hoặc một số công đoạn. Có DN không tự thực hiện công đoạn nào mà thuê/hợp tác với các DN khác để cung ứng tất cả các công đoạn.

Theo đó, Vụ Bưu chính nêu vấn đề: DN không tự thực hiện công đoạn nào nhưng vẫn chịu trách nhiệm toàn trình đối với dịch vụ bưu chính cung ứng cho khách hàng thì có nên xem xét coi là DN bưu chính hay không? Nếu có, thì có cần thêm điều kiện gì để quản lý loại hình DN này hay không?

Khó khăn trong thực thi giám sát hoạt động của DN cung cấp dịch vụ trên nền tảng số

Qua quá trình theo dõi, giám sát hoạt động của các DN cung cấp dịch vụ hoàn toàn trên nền tảng số, bà Vũ Thị Hồng Thắm, Sở TT&TT Hà Nội cho biết có một số khó khăn, vướng mắc trong công tác kiểm tra, giám sát việc cung ứng dịch vụ của DN theo các quy định của pháp luật hiện hành về bưu chính.

so-tt-tt-ha-noi-25092024.jpg
Bà Vũ Thị Hồng Thắm: Bộ TT&TT nghiên cứu bổ sung quy định để quản lý hoạt động đối với những DN hoàn toàn cung cấp dịch vụ qua nền tảng số.

Quy định của pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về gói, kiện hàng hóa trong lĩnh vực bưu chính nên ranh giới giữa DN bưu chính hay DN vận tải hàng hóa khó xác định. Các DN cung ứng dịch vụ hoàn toàn trên nền tảng số hiện nay tách riêng dịch vụ giao đồ ăn và dịch vụ giao hàng nhưng hiện nay không có quy định về trọng lượng gói, kiện hàng hóa hay quy định gói hàng hóa phải đóng kín hay để mở nên đối với dịch vụ giao đồ ăn, những túi, gói đồ ăn này liệu có phải là dịch vụ bưu chính không? Khi kiểm tra, giám sát, DN có kiểm tra, dịch vụ này không?

Mặt khác, do quy định của pháp luật chưa rõ ràng nên các DN tuy được Bộ TT&TT xác nhận thông báo hoạt động bưu chính nhưng chưa hiểu rõ loại dịch vụ DN được cung cấp để triển khai nên có trường hợp trường hợp DN chỉ được cung cấp dịch vụ gói, kiện nhưng trên phân loại hàng hóa vẫn để là tài liệu.

Về lưu trữ thông tin, do hoạt động của DN hoàn toàn trên môi trường số nên nếu không có quy định về lưu trữ thông tin về giá cước, chất lượng dịch vụ, Sở TT&TT không có căn cứ xác định DN có áp dụng giá cước, cung ứng dịch vụ đúng với giá cước, chất lượng dịch vụ đã thông báo hay không.

Theo đó, Sở TT&TT Hà Nội đề nghị Bộ TT&TT nghiên cứu bổ sung quy định để quản lý hoạt động đối với những DN hoàn toàn cung cấp dịch vụ qua nền tảng số, trong đó quy định rõ quyền và trách nhiệm của DN là đơn vị quản lý, vận hành nền tảng số và đối tác tài xế là người trực tiếp cung cấp dịch vụ. Hiện nay, những DN quản lý vận hành nền tảng số đồng thời là DN được cấp văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính, do đó các DN này là chủ dịch vụ bưu chính được cấp phép, có quyền và nghĩa vụ của DN cung ứng dịch vụ mặc dù không trực tiếp cung cấp dịch vụ tới khách hàng.

Tiếp theo, đại Sở TT&TT Hà Nội đề nghị bổ sung quy định hợp đồng điện tử, chứng từ điện tử xác nhận việc chấp nhận bưu gửi trong trường hợp khách hàng sử dụng dịch vụ trên nền tảng số (form điền thông tin khách hàng, nội dung gói hàng trên nền tảng số có được xác định là chứng từ điện tử xác nhận việc chấp nhận bưu gửi không khi giải quyết tranh chấp, khiếu nại).

Đại diện các Sở TT&TT Yên Bái, Điện Biên cũng nêu một số vấn đề liên quan đến đảm bảo an ninh, an toàn đối với lĩnh vực bưu chính và cao hơn là đảm bảo an ninh quốc gia. Hiện nay chỉ có vưu điện tỉnh có các công cụ soi chiếu chuyên nghiệp và các công cụ khác đủ đảm bảo việc gửi nhận hàng hoá an toàn, an ninh.

Đại diện Sở TT&TT Phú Thọ cho biết dự thảo luật cần đảm bảo để thúc đẩy các DN mới xin phép hoạt động bưu chính để cạnh tranh lành mạnh và tăng cường câu tác hậu kiểm để đảm bảo DN hoạt động đúng pháp luật Việt Nam, đảm bảo quyền lợi người sử dụng dịch vụ.

Góp phần phát triển lành mạnh lĩnh vực TMĐT

Quy định về điều kiện cấp phép kinh doanh dịch vụ bưu chính, đại diện Nhất Tín Logistics đề nghị Bộ TT&TT và các cơ quan chuyên môn xem xét sửa đổi, bổ sung một số nội dung, gồm: (1) Xem xét bãi bỏ nội dung điều kiện “Có khả năng tài chính, nhân sự phù hợp với phương án kinh doanh theo nội dung đề nghị được cấp giấy phép” tại điểm b, khoản 2 Điều 21 Luật Bưu chính; (2) Xem xét sửa đổi quy định tại điểm a, khoản 2 Điều 21 Luật Bưu chính để phù hợp với các quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh và đầu tư.

Về nội dung hồ sơ đề nghị cấp phép được quy định tại các văn bản hướng dẫn khi luật có hiệu lực, đại diện Nhất Tín Logistics đề nghị Bộ và các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, xem xét thay đổi quy định về bảng giá cước trong hồ sơ.

Đại diện Netco Post cho rằng sửa đổi luật bưu chính là cần thiết bởi đây là xu thế chuyển đổi số, phát triển mảng TMĐT, hạn chế các hành vi cạnh tranh không lành mạnh như sàn TMĐT không cho phép người bán, người mua lựa chọn đơn vị vận chuyển, chiếm thị phần…

Netco Post đề xuất đồng bộ khi cấp giấy phép bưu chính, theo đó, giấy phép bưu chính nên ghi nhận dịch vụ thư và gói, kiện; Cần có các tiêu chí phân biệt giữa sản lượng bưu chính và sản lượng vận tải dựa trên các tiêu chí phân loại loại hình bưu chính, chuyển phát, logistics hay vận tải tạo điều kiện cho DN được quyền cung cấp toàn bộ dịch vụ (bưu chính, logistics và vận tải) khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép hoạt động và tuân thủ các quy định pháp luật khi hoạt động.

Hài hoà quản lý nhà nước và DN

Trước các ý kiến của các Sở TT&TT, DN, bà Nguyễn Minh Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết dự thảo Luật Bưu chính được sửa đổi phải cập nhật, tuân thủ những quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến việc phát triển lĩnh vực bưu chính.

ba-nguyen-minh-hang.jpg
Bà Nguyễn Minh Hằng: Các đơn vị, DN có thể đóng góp ý kiến trên tinh thần không chỉ góp ý nêu vấn đề mà cần đưa ra các sở cứ từ thực tiễn.

Bộ TT&TT ghi nhận các ý kiến, một số ý kiến sẽ được điều chỉnh trong luật, trong các quy định liên quan và một số vấn đề cần có quan điểm rõ là thuộc lĩnh vực nào, phạm vi nào để người thực thi là các DN bưu chính cũng như cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương có cách hiểu thống nhất.

Bà Nguyễn Minh Hằng cũng nhấn mạnh hiện là thời điểm phù hợp để các cơ quan, DN đề xuất chính sách, quy định để hài hoà việc quản lý nhà nước với hoạt động kinh doanh thuận lợi của DN trên thực tế. Các đơn vị, DN có thể đóng góp ý kiến trên tinh thần không chỉ góp ý nêu vấn đề mà cần đưa ra các sở cứ từ thực tiễn hay từ mâu thuẫn các luật, quy định liên quan hay kinh nghiệm quốc tế để việc xây dựng luật, văn bản quy phạm pháp luật hiệu quả, khả thi./.

Hoàng Linh