Hoạt động TMĐT sẽ dần đi vào nền nếp

Kinh tế số - Ngày đăng : 15:15, 26/09/2024

Với quyết tâm và sự vào cuộc rất quyết liệt của Chính phủ, của các bộ, ban, ngành có liên quan, sự vào cuộc của chính quyền các địa phương thì hoạt động thương mại điện tử sẽ dần đi vào nền nếp, việc thu thuế cũng như tính toán doanh thu và các vấn đề có liên quan đến lĩnh vực thương mại điện tử sẽ ngày một hoàn thiện tốt hơn.
Kinh tế số

Hoạt động TMĐT sẽ dần đi vào nền nếp

TT {Ngày xuất bản}

Với quyết tâm và sự vào cuộc rất quyết liệt của Chính phủ, của các bộ, ban, ngành có liên quan, sự vào cuộc của chính quyền các địa phương thì hoạt động thương mại điện tử sẽ dần đi vào nền nếp, việc thu thuế cũng như tính toán doanh thu và các vấn đề có liên quan đến lĩnh vực thương mại điện tử sẽ ngày một hoàn thiện tốt hơn.

Đây là chia sẻ của PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, nguyên Trưởng Khoa Tài chính Quốc tế, Học viện Tài chính tại Tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Tăng cường hiệu quả quản lý thuế đối với thương mại điện tử (TMĐT)" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 23/9.

Nỗ lực của các cơ quan, ban ngành trong hoạt động kinh tế số

Theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, TMĐT là hình thức kinh doanh mới trên thế giới, là hình thức thay đổi rất nhanh chóng, trong khoảng thời gian ngắn đã có nhiều hình thức kinh doanh mới ra đời. Chính vì lẽ đó, việc quản lý TMĐT cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Việc làm sao thu đúng thu đủ, thu chính xác đối với hoạt động TMĐT trở thành khó khăn chung với hầu hết cơ quan thuế trên thế giới, kể cả những cơ quan thuế rất phát triển như Mỹ hay Liên minh Châu Âu…

Ở Việt Nam, trước đây, cũng chỉ thu một vài nghìn tỷ đồng từ TMĐT. Chỉ từ khi có eTax Mobile, triển khai các hệ thống hóa đơn điện tử (HĐĐT), có các công cụ hỗ trợ người nộp thuế kê khai bằng phương thức điện tử như hệ thống kê khai điện tử, cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài... Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế trong việc thực thi pháp luật thuế, lúc đó mới có được lượng thu tương đối lớn, đạt 90.000 tỷ đồng trong năm 2023. Đến năm 2024, mới có khả năng thu được trên 100.000 tỷ đồng”.

pgs.ts-dinh-trong-thinh.jpg
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Hoạt động TMĐT sẽ dần đi vào nền nếp, việc thu thuế cũng như tính toán doanh thu và các vấn đề có liên quan đến lĩnh vực TMĐT sẽ ngày một hoàn thiện tốt hơn.

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh, có được kết quả nay là sự cố gắng, nỗ lực của Tổng Cục thuế, cũng như các cơ quan ban ngành có liên quan như Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước, UBND các tỉnh, thành phố, chính quyền các địa phương trong việc kết hợp để quản lý các đối tượng khác nhau trên địa bàn.

Đặc biệt, trong thời gian gần đây, khi có VneID của Bộ Công an thì việc tích hợp các dữ liệu của rất nhiều cơ quan đang tạo điều kiện thuận lợi cho không chỉ Tổng Cục thuế quản lý TMĐT mà còn là điều kiện để quản lý tốt hơn các lĩnh vực khác liên quan đến cả kinh tế và xã hội.

“Đây là những nỗ lực chung của các cơ quan, ban ngành trong hoạt động kinh tế số, để chúng ta sớm quản lý được một lĩnh vực rất đa dạng và phong phú, khi chúng ta có quyết tâm xây dựng nền kinh tế số sớm hơn và tốt hơn”.

Hoàn chỉnh các cơ chế chính sách là việc cần làm ngay

Chia sẻ về giải pháp để tăng nguồn thu đối với "ông lớn" như: Google, Facebook, YouTube… khi số thu thuế nhà thầu thông qua các tổ chức tại Việt Nam khai thay, nộp thay chỉ quanh ngưỡng 1.000 tỷ đồng trong khi doanh thu của những doanh nghiệp (DN) này là hàng tỷ USD mỗi năm, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết: Trong thực tế, khi bắt đầu tăng cường quản lý kỹ hơn, ngay trong năm 2022 lượng thu thuế TMĐT tăng lên một cách vượt bậc. Đặc biệt, những ông lớn như Google, Amazon,... lượng nộp thuế của họ từ chỗ rất nhỏ đến lúc có hàng ngàn tỷ đồng như hiện nay cũng đã là một bước tiến vượt bậc.

Tuy nhiên, doanh thu từ những ông lớn này ở trên thị trường Việt Nam là rất lớn, nhưng lượng thuế họ nộp chưa tương xứng. Vì vậy, cần phải có cơ sở thống kê dữ liệu, các kho dữ liệu lớn và các phương pháp quản lý để từ đó có bằng chứng giúp có thể thu đúng, thu đủ từ các “ông lớn” này.

Như Bộ TT&TT cho biết, hàng hóa nhỏ di chuyển qua biên giới theo thống kê từ tháng 1 - 6/2024, mỗi tháng có từ khoảng 1,3 tỷ - 1,9 tỷ USD hàng hóa nhỏ qua biên giới không phải đóng thuế.

“Những hàng hóa này khi đóng thuế đã là một con số rất lớn. Bình quân một ngày khoảng 50 triệu USD vào, ra thị trường Việt Nam, nhưng chúng ta hoàn toàn miễn. Như vậy cơ chế chính sách còn chưa phù hợp. Vì thế, hoàn chỉnh các cơ chế chính sách là việc cần làm ngay. Cơ chế chính sách phải phù hợp với từng điều kiện và theo đúng thông lệ”.

Đồng thời, phải xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) lớn, kho dữ liệu. Kho dữ liệu này không chỉ phục vụ cho cơ quan thuế để thu đúng, thu đủ, mà còn phục vụ cho việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như việc bảo vệ an sinh xã hội. Việc xây dựng CSDL, xây dựng kho dữ liệu về TMĐT là việc làm cần thiết và cấp bách.

Cùng với đó là việc ứng dụng công nghệ để quản lý hoạt động TMĐT. Có ứng dụng công nghệ mới giúp quản lý TMĐT phù hợp và chặt chẽ.

Bên cạnh đó, là việc tuyên truyền để người kinh doanh chủ động nộp thuế đúng, đủ cho Nhà nước.

“Việc kết hợp giữa các bộ, ban, ngành, kết hợp giữa tuyên truyền, quảng cáo và ý thức của người dân đối với hoạt động quản lý và thu thuế từ TMĐT sẽ là cơ sở chúng ta có thể quản lý TMĐT một cách phù hợp và sâu sát hơn”.

Hoạt động TMĐT sẽ dần đi vào nền nếp

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cũng cho biết các cơ quan chức năng, đã có sự thay đổi cũng như đã có sự tích hợp, kết hợp với nhau, tuy nhiên, việc này phải làm dần dần để hoàn thiện, bởi bản chất vấn đề là phải xây dựng được CSDL và sự kết nối giữa các bộ, ban, ngành một cách tốt nhất.

Bên cạnh đó, việc xuất HĐĐT có ý nghĩa rất quan trọng, vừa bảo đảm tính công bằng, bình đẳng giữa các chủ thể tham gia kể cả trên hoạt động TMĐT lẫn trong hoạt động truyền thống, đồng thời cũng bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng khi có hoá đơn để có thể khiếu tố, phản hồi, từ đó bảo đảm cho hoạt động TMĐT tốt nhất.

Hơn thế nữa, quản lý TMĐT là quản lý số, vì vậy phải số hoá ở mức hiện đại nhất để quản lý hoạt động TMĐT, từ đó mới đem lại hiệu quả.

“Với quyết tâm và sự vào cuộc rất quyết liệt của Chính phủ, của các bộ, ban, ngành có liên quan, sự vào cuộc của chính quyền các địa phương thì hoạt động TMĐT sẽ dần đi vào nền nếp, việc thu thuế cũng như tính toán doanh thu và các vấn đề có liên quan đến lĩnh vực TMĐT sẽ ngày một hoàn thiện tốt hơn”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh khẳng định.

VNPAY cung cấp các nền tảng thanh toán số đa dạng cho người dùng

Theo TS. Trần Mạnh Nam, Giám đốc Khối DN VNPAY, việc phát triển thanh toán điện tử cũng đi song hành với phát triển TMĐT. Trong 5 năm gần đây, thanh toán điện tử phát triển vượt bậc với rất nhiều các phương thức thanh toán. Người dân có thể sử dụng thanh toán điện tử trong hầu hết các nhu cầu thanh toán của họ. Đơn vị thụ hưởng quá trình thanh toán điện tử trong TMĐT là những người bán hàng, từ đó có thể xác minh được doanh thu của người bán hàng, cơ quan thuế có thể từ doanh thu đó hình thành nên nghĩa vụ thuế của người bán hàng.

ts.-tran-manh-nam.jpg
TS. Trần Mạnh Nam: Trong thanh toán nói chung và TMĐT nói riêng, việc đưa ra các giải pháp thanh toán đảm bảo an toàn về an ninh thông tin của người sử dụng là yếu tố quan trọng.

“Trong thanh toán nói chung và TMĐT nói riêng, việc đưa ra các giải pháp thanh toán đảm bảo an toàn về an ninh thông tin của người sử dụng là yếu tố quan trọng. Vì thế ngoài việc thường xuyên cập nhật tất cả các chứng chỉ liên quan đến thanh toán điện tử, chúng tôi cũng thường xuyên thuê các đơn vị có thể tư vấn điện tử, đánh giá hệ thống thông tin của VNPAY”.

TS. Trần Mạnh Nam cũng cho biết: Triển khai Nghị định 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ cũng như Thông tư 78/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc triển khai HĐĐT, VNPAY đã nỗ lực triển khai và thấy rằng đây là cải cách rất lớn của ngành thuế.

“Đối với DN, đây là động lực thúc đẩy chuyển đổi số trong DN. Sau quá trình làm, chúng tôi nhận ra rằng việc khai báo, cung cấp hoá đơn bán hàng của DN được triển khai nhanh chóng, chính xác và từ đó tối ưu về nguồn lực và nhân sự cho vấn đề liên quan đến kê khai thuế”.

Việc khuyến khích xuất HĐĐT tại đúng thời điểm bán hàng hoặc xuất hoá đơn trong ngày cần phải được khuyến khích, vì sẽ giúp cho cơ quan thuế nắm được tình hình giao dịch của các DN bán hàng, từ đó đưa ra các phương án hỗ trợ cho DN cũng như có phương án quản lý thuế phù hợp.

Bên cạnh đó, TS. Trần Mạnh Nam cho rằng, việc xây dựng hệ thống CSDL lớn rất cần thiết. Tuy nhiên, cần nhìn nhận rằng đó là một hệ thống phức tạp. Mỗi một bộ, ngành đều có những nghiệp vụ chi tiết riêng. Thế nên, yêu cầu hệ thống ngay từ đầu có thể đáp ứng được toàn bộ và tối ưu là một điều rất khó khăn.

“Là một đơn vị làm về công nghệ, tôi nghĩ rằng chúng ta có thể chia thành các giai đoạn khác nhau. Trong giai đoạn đầu tiên, chúng ta có thể lựa chọn những thông tin cơ bản, thông tin đơn giản để có thể hình thành thông tin của một DN. Ví dụ như mã số thuế, tài khoản thụ hưởng, các thông tin liên quan,... Chúng ta sẽ dựa vào đó để có các căn cứ cho cơ quan quản lý thuế có thể quản lý, nắm bắt được thông tin”, TS. Trần Mạnh Nam cho hay./.

TT