Chữ ký số cá nhân không còn xa vời
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 13:25, 28/09/2024
Chữ ký số cá nhân không còn xa vời
Từ năm 2020 đến nay, chữ ký số cá nhân đã có tốc độ tăng trưởng vượt trội và tiến tới phổ cập. Chữ ký số cá nhân không còn xa vời, giới hạn chỉ có doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp và kế toán sử dụng.
Bốn lĩnh vực đang ứng dụng chữ ký số cá nhân rộng rãi
Theo ông Đỗ Kế Công, Giám đốc Trung tâm kinh doanh dịch vụ chữ ký số (CKS) và hợp đồng điện tử (HĐĐT) thuộc VNPT CA - đơn vị cung cấp dịch vụ chứng thực CKS công cộng thuộc VNPT, đồng hành cùng cơ quan nhà nước, VNPT-CA và các CA khác của Việt Nam đang triển khai phổ cập CKS cá nhân, nhằm hướng tới mục tiêu phổ cập CKS cá nhân cho toàn bộ công dân Việt Nam vào năm 2025.
Hiện nay, CKS cá nhân đã được phổ cập mạnh mẽ, các giao dịch ký số không còn giới hạn ở bất kỳ lĩnh vực nào, trong đó 4 lĩnh vực chính CKS cá nhân đã được phổ cập rộng là: y tế, dịch vụ công (DVC), giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) và thương mại.
Trong lĩnh vực y tế, ông Đỗ Kế Công cho biết nhu cầu ký số là cực lớn khi các y bác sỹ sử dụng CKS cá nhân để ký số ngay tại phòng bệnh mà không phải về phòng làm việc hay mang giấy tờ bên người mới ký được. Nhu cầu cấp CKS cá nhân là rất lớn khi ngành y tế có khoảng 200.000 y bác sỹ, trong khi mới khoảng 40.000 y bác sỹ được cấp CKS.
Bên cạnh đó, nhiều bệnh viện đã triển khai số hóa hồ sơ bệnh án, đơn thuốc… và các giấy tờ này đều đã được ký số. Một số bệnh viện như Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn đã thí điểm việc bệnh nhân và người nhà bệnh nhân khi đến bệnh viện sẽ được cấp CKS miễn phí để ký số trên môi trường điện tử và thực hiện các thủ tục.
Ngoài việc hỗ trợ cho bệnh nhân, người nhà, bác sỹ, việc ký số toàn bộ dữ liệu trực tuyến cũng được liên thông với các cơ quan khác như bảo hiểm để xử lý các thủ tục hồ sơ bảo hiểm của bệnh nhân, người nhà cũng như các giao dịch của bệnh viện với các cơ quan khác.
Đối với lĩnh vực hành chính công, dịch vụ công (DVC), hiện nay, người dân đã có thể thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) công như khai sinh, chứng thực bản sao giấy khai sinh, đăng ký kết hôn, cấp đổi giấy phép lái xe (GPLX), hộ chiếu hoàn toàn trực tuyến nhờ có CKS cá nhân. Người dân không còn phải xếp hàng chờ đợi từ 5 - 6h sáng để đổi GPLX hay làm hộ chiếu. Với việc áp dụng CKS vào các giao dịch điện tử thực hiện TTHC công, thời gian đi lại, xếp hàng của người dân đã được giảm tới 90%.
Với CKS cá nhân, cơ quan quản lý cũng rút ngắn được thời gian giải quyết TTHC, đặc biệt là các hồ sơ được đảm bảo được tính chất quan trọng của tài liệu là tính toàn vẹn, tính xác thực cũng như tính chống chối bỏ trong các nội dung đã kê khai của người dân với chính quyền. “Đó là những lợi thế rõ rệt khi áp dụng CKS vào DVC”, ông Đỗ Kế Công khẳng định.
Đối với lĩnh vực GD&ĐT, cuối học kỳ 2 của năm học 2023 - 2024, ông Đỗ Kế Công cho biết Bộ GD&ĐT đã triển khai thí điểm học bạ số cho khối trường học. Theo đó, giáo viên không còn phải “kỳ cạch” bên tập hồ sơ, học bạ, tập sổ điểm của học sinh vào cuối kỳ bởi toàn bộ việc đó đều được ký và xác nhận nhanh chóng bằng CKS trên các phần mềm giải pháp dành cho khối giáo dục.
Khi được ký số, các dữ liệu được đảm bảo toàn vẹn, xác thực được liên thông với các Sở, Bộ GD&ĐT để có một cơ sở dữ liệu dùng chung. “Điều này cực kỳ hữu ích, đặc biệt cho việc tuyển sinh đầu cấp 2, 3 khi phụ huynh không phải mang hồ sơ giấy của con em mình từ trường này sang trường khác, rồi xếp hàng nộp hồ sơ chuyển cấp cho con. Đó là hiệu quả rõ ràng khi áp dụng CKS vào trường học”, ông Đỗ Kế Công cho hay.
Đối với các lĩnh vực kinh tế số, thương mại, ông Đỗ Kế Công cho biết trước đây một người đi vay muốn thực hiện một khoản vay thì phải mang rất nhiều giấy tờ đến ngân hàng thì nay đã đơn giản hơn nhờ giấy tờ được số hoá và ký số.
Tuy có nhiều lợi thế như vậy nhưng ông Đỗ Kế Công cho biết vẫn còn có một số vấn đề như nhiều nơi còn e ngại trong việc chấp nhận hồ sơ dạng ký số để thực hiện các thủ tục, cùng với đó là việc đảm bảo an toàn, bảo mật cho các tài liệu và việc thiết kế trải nghiệm, thời gian thao tác CKS phải thuận tiện, nhanh chóng.
Tích hợp CKS cá nhân vào các ứng dụng ngân hàng, cơ quan quản lý
Để phổ cập CKS cá nhân và bảo đảm xác thực, nhất là trong lĩnh vực ngân hàng, ông Đỗ Kế Công cho biết VNPT-CA cùng với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (TMĐT&KTS), Bộ Công Thương cùng triển khai các hình thức xác thực cho các hợp đồng để có thể khi HĐĐT được ký và được xác thực bởi cơ quan quản lý nhà nước là Cục TMĐT&KTS thì các đơn vị như các ngân hàng, kho bạc, cơ quan bảo hiểm hoàn toàn có thể chấp nhận HĐĐT đó.
Ông Đỗ Kế Công khẳng định lĩnh vực KTS là lĩnh vực mà VNPT-CA đang đồng hành cùng cơ quan quản lý Nhà nước thúc đẩy để đảm bảo tính pháp lý của giao dịch, tạo thuận tiện và nhanh chóng trong giao dịch, cũng như thiết kế luồng quy trình, nghiệp vụ tối ưu nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Cũng theo đại diện của VNPT-CA, các CA của Việt Nam cũng đang nghiên cứu tích hợp ứng dụng CKS lên ngay những ứng dụng sẵn có của ngân hàng, ứng dụng quản lý văn bản điều hành của cơ quan quản lý nhà nước hay ứng dụng HĐĐT để thực hiện giao dịch nhanh chóng, thuận tiện mà không phải cài đặt ứng dụng ký số riêng./.