Quảng Bình: Phổ cập hạ tầng số, thúc đẩy kinh tế số
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 14:17, 30/09/2024
Quảng Bình: Phổ cập hạ tầng số, thúc đẩy kinh tế số
Chuyển đổi số tỉnh Quảng Bình năm 2024 sẽ có chủ đề “Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”. Vì vậy, Quảng Bình đang tích cực triển khai các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của chuyển đổi số.
Quảng Bình sẽ tổ chức ngày “Dịch vụ công trực tuyến”
Việc tổ chức Ngày Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) là một trong những hoạt động trọng tâm nhằm hướng tới mục tiêu thúc đẩy chuyển đổi số tại Quảng Bình. Theo đó, tỉnh sẽ tổ chức ngày “DVCTT” vào 1/10/2024, nhằm mục đích hướng dẫn công dân nộp hồ sơ trực tuyến, thanh toán trực tuyến tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. 100% hồ sơ trong ngày được nộp và thanh toán trực tuyến. Ngày “DVCTT” cũng nhằm nắm bắt khó khăn, vướng mắc của người dân khi tham gia nộp hồ sơ trực tuyến; giúp các tổ chức, công dân hiểu được những lợi ích khi tham gia nộp hồ sơ và thanh toán trực tuyến.
Sự kiện ngày “DVCTT” sẽ đồng hành cùng cán bộ trong công tác số hóa hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC). Theo đó, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai các giải pháp phù hợp hỗ trợ cán bộ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả công tác số hóa hồ sơ để lưu vào Kho dữ liệu cá nhân, doanh nghiệp. Mục tiêu là 100% hồ sơ TTHC được số hóa và lưu trữ vào Kho dữ liệu cá nhân, doanh nghiệp.
Một trong những hoạt động của ngày “DVCTT” còn là thực hành ký số kết quả TTHC. Lãnh đạo các đơn vị, địa phương thực hiện ký số kết quả TTHC trả trong ngày, trong thời điểm diễn ra hoạt động.
Quảng Bình đã đạt được những thành tựu đáng kể trong quá trình chuyển đổi số. Theo Báo cáo kết quả triển khai chuyển đổi số Quý III và đề xuất nhiệm vụ trọng tâm Quý IV năm 2024, hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh duy trì kết nối và cung cấp tiện ích “Tra cứu thông tin công dân từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”; công khai cung cấp 964 DVCTT, trong đó có 837 DVCTT toàn trình và 205 DVCTT một phần.
Trong quý II, tỉnh đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ do Trung ương chỉ đạo, yêu cầu thực hiện như: kết nối, chia sẻ dữ liệu Phần mềm dịch vụ công liên thông do Bộ Công an quản lý; hoàn thiện chức năng kết nối, tích hợp dữ liệu đánh giá Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh theo Quyết định số 766/QĐ-TTg; bổ sung chức năng chứng thực điện tử...
9 tháng đầu năm, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến trên Cổng dịch vụ công tỉnh đạt 76,15% (cấp tỉnh 68,19%, cấp huyện 81,95%, cấp xã 91,42%). Tỷ lệ TTHC có yêu cầu nghĩa vụ tài chính có phát sinh giao dịch thanh toán trực tuyến đạt 87,94%; tỷ lệ thanh toán trực tuyến đạt 50,48%.
Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế
Mới đây, đánh giá kết quả triển khai hoạt động chuyển đổi số và Đề án 06, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Tân đã đưa ra những yêu cầu cụ thể nhằm đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số tại Quảng Bình. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các sở, ban, ngành và địa phương cần bám sát các chỉ tiêu đã đề ra và thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ được giao trong Đề án 06.
Đặc biệt, Sở Thông tin và Truyền thông, với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh, cần khẩn trương hoàn thiện báo cáo sơ kết về việc thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy, đồng thời chủ động tham mưu cho UBND tỉnh trong việc triển khai các kế hoạch và đẩy mạnh kinh tế số, xã hội số. Qua đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã khẳng định quyết tâm của tỉnh trong việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và cải thiện đời sống người dân thông qua chuyển đổi số.
Tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch số 1740/KH-UBND về tổ chức Ngày Chuyển đổi số tỉnh Quảng Bình năm 2024, trong đó nêu rõ ngày Chuyển đổi số (10/10 hằng năm) là sự kiện giúp nâng cao nhận thức của toàn dân về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số với cuộc sống nói riêng của mỗi con người và sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nói chung của tỉnh, của quốc gia.
Chủ đề của Ngày Chuyển đổi số quốc gia và Ngày Chuyển đổi số tỉnh Quảng Bình năm 2024 là “Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”.
Kế hoạch tổ chức Ngày Chuyển đổi số tỉnh Quảng Bình năm 2024 nêu rõ mục đích, yêu cầu là xây dựng và phổ biến Thông điệp Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024 “Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động” nhằm tuyên truyền đến toàn dân về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với cuộc sống nói riêng của mỗi người và sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nói chung của đất nước, của tỉnh. Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình cũng yêu cầu tổ chức thực hiện bảo đảm tính thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả, đồng bộ với kế hoạch triển khai Ngày Chuyển đổi số quốc gia do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành, phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của tỉnh Quảng Bình.
Các Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh sẽ đồng loạt triển khai chiến dịch ra quân “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người dân sử dụng dịch vụ, ứng dụng để phát triển kinh tế số” trong 10 ngày, từ ngày 1/10 - 10/10, với các nội dung hướng dẫn sử dụng DVCTT; Hướng dẫn thanh toán không dùng tiền mặt; Hướng dẫn mua bán trên sàn thương mại điện tử Việt Nam; Hướng dẫn bảo vệ bản thân và gia đình trên môi trường mạng; Hướng dẫn tìm kiếm thông tin hiệu quả trên internet; Hướng dẫn, hỗ trợ cài đặt phần mềm VNeID và kích hoạt tài khoản định danh điện tử...
Quảng Bình đã có những bước tiến đáng kể trong việc triển khai chuyển đổi số năm 2024. Tỉnh đã ban hành hàng loạt văn bản quan trọng, thể hiện quyết tâm cao trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào mọi lĩnh vực. Cụ thể, tỉnh đã có kế hoạch chi tiết về cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến trên ứng dụng VNeID, triển khai đánh giá cấp độ an toàn hệ thống thông tin, đồng thời tổ chức các đoàn kiểm tra để giám sát quá trình chuyển đổi số tại các cơ quan, đơn vị.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành trên 14 văn bản để chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện chuyển đổi số. Đã có 21/21 sở, ban, ngành cấp tính và 08/08 UBND cấp huyện đã ban hành, triển khai Kế hoạch chuyển đổi số năm 2024, trong đó xác định cụ thể các mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp chuyển đổi số theo chức năng, phạm vi quản lý.