Estonia "tỏa sáng" trong báo cáo Chính phủ điện tử toàn cầu năm 2024

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 08:11, 01/10/2024

Báo cáo khảo sát Chính phủ điện tử (E-Government Development Index - EGDI) năm 2024 của Liên hợp quốc nêu bật quá trình chuyển đổi số đang diễn ra nhanh chóng, định hình các dịch vụ công trên toàn thế giới. Trong đó, Estonia được đánh giá là một trong những quốc gia đi đầu với 99% dịch vụ công được cung cấp trực tuyến 24/7.
Chuyển đổi số

Estonia "tỏa sáng" trong báo cáo Chính phủ điện tử toàn cầu năm 2024

Ngọc Diệp {Ngày xuất bản}

Báo cáo khảo sát Chính phủ điện tử (E-Government Development Index - EGDI) năm 2024 của Liên hợp quốc nêu bật quá trình chuyển đổi số đang diễn ra nhanh chóng, định hình các dịch vụ công trên toàn thế giới. Trong đó, Estonia được đánh giá là một trong những quốc gia đi đầu với 99% dịch vụ công được cung cấp trực tuyến 24/7.

un-tallinn-digital.jpg

Xu hướng toàn cầu về phát triển chính phủ điện tử

Chủ đề của báo cáo năm nay là "Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số cho phát triển bền vững (Accelerating Digital Transformation for Sustainable Development)" để nhấn mạnh vai trò ngày càng quan trọng của chuyển đổi số (CĐS), chính phủ số để các quốc gia trên thế giới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDG).

Báo cáo EGDI 2024 cho thấy sự phát triển chính phủ số trên toàn thế giới, việc ứng dụng công nghệ số để nâng cao chất lượng dịch vụ công (DVC) và tăng cường sự tham gia của người dân trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, đặc biệt trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Theo báo cáo EGDI 2024, nhờ những cải thiện trong việc cung cấp dịch vụ và phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông, điểm trung bình EGDI toàn cầu đã tăng lên đáng kể.

Cụ thể, tỷ lệ dân số toàn cầu tụt hậu trong phát triển chính phủ số đã giảm từ 45% vào năm 2022 xuống còn 22,4% vào năm 2024. Điều này phản ánh những bước tiến đáng kể trong quản trị số, được thúc đẩy bởi việc đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng và các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây,… từ đó thúc đẩy CĐS và thực hiện các dịch vụ công hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, báo cáo cũng nhấn mạnh đến sự chênh lệch kỹ thuật số kéo dài. Các khu vực như châu Phi, các nước kém phát triển nhất (LDC) và các quốc gia đảo nhỏ đang phát triển (SIDS) đều có mức EGDI thấp hơn mức trung bình toàn cầu.

Cụ thể, châu Âu tiếp tục dẫn đầu về phát triển chính phủ điện tử (CPĐT), với giá trị EGDI trung bình cao nhất (0,8493 điểm), tiếp theo là châu Á (0,6990 điểm), châu Mỹ (0,6701 điểm), đứng sau cùng là châu Đại Dương (0,5289 điểm) và châu Phi (0,4247 điểm).

Sự chênh lệch đáng kể giữa các khu vực làm nổi bật nhu cầu về các nỗ lực có mục tiêu nhằm thu hẹp khoảng cách hiện tại, đảm bảo tất cả các quốc gia đều được hưởng lợi từ quá trình CĐS của chính phủ.

Các quốc gia dẫn đầu về phát triển chính phủ điện tử

Đan Mạch đứng đầu bảng xếp hạng CPĐT năm 2024 của Liên hợp quốc với giá trị EGDI là 0,9847, tiếp theo là Estonia với 0,9727. Tiếp đó là đến các quốc gia Singapore, Hàn Quốc, Iceland, Ả Rập Xê Út, Vương quốc Anh, Úc, Phần Lan và Hà Lan.

Mặc dù xếp thứ hai nhưng Estonia đặc biệt gây chú ý vì từ lâu quốc gia này đã tiên phong trong quản trị số. Chiến lược số toàn diện, cơ sở hạ tầng mạnh mẽ và cam kết về bao trùm kỹ thuật số là những yếu tố chính đằng sau sự thành công liên tục của quốc gia này.

Việc Estonia triển khai mô hình X-Road, một nền tảng trao đổi dữ liệu an toàn cho công dân, các cơ quan chính phủ và các doanh nghiệp tư nhân, minh họa cho vị thế dẫn đầu của quốc gia này trong quản trị số an toàn.

Hệ thống này cho phép công dân Estonia làm mọi việc với chiếc thẻ công dân điện tử (e-ID), từ đóng thuế, xem hồ sơ sức khỏe đến bỏ phiếu.

X-Road không chỉ tạo ra một hệ sinh thái các dịch vụ mới và cải tiến cho người dân mà còn giúp việc cung cấp dịch vụ trở nên hiệu quả hơn và tiết kiệm chi phí hơn. Dịch vụ có hệ thống sao lưu trên máy chủ tại Luxembourg nhằm đảm bảo mọi chức năng đều hoạt động an toàn, tin cậy.

x-road.jpg
Mô hình X-Road trong CPĐT tại Estonia.

Cách tiếp cận sáng tạo của Estonia đối với quản trị số an toàn còn chứng minh cách các quốc gia có thể điều chỉnh các chiến lược số với các SDG của Liên hợp quốc.

Vai trò của trí tuệ nhân tạo trong Chính phủ số

Báo cáo EGDI 2024 cũng cung cấp thông tin về vai trò của AI đối với quản trị của khu vực công. Công nghệ AI ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong khu vực công nhờ tiềm năng nâng cao năng suất và hiệu quả công việc.

Các chính phủ trên thế giới sử dụng AI để cải thiện các DVC, bao gồm phát hiện lỗi, phân loại dữ liệu và tự động hóa các quy trình ra quyết định. Đại dịch COVID-19 càng làm nổi bật tiềm năng của AI, khi nhiều chính phủ dựa vào các hệ thống AI để quản lý khủng hoảng và đảm bảo cung cấp dịch vụ công liên tục, không gián đoạn.

Tuy nhiên, báo cáo cũng nhấn mạnh rằng việc ứng dụng AI trong khu vực công phải được quản lý, giám sát chặt chẽ. Theo Vincenzo Aquaro, người đứng đầu bộ phận CPĐT thuộc Cục các vấn đề Kinh tế và Xã hội của Liên hợp quốc, dù AI có thể tự động hóa các quy trình, nâng cao hiệu quả và cải thiện việc ra quyết định, sự phát triển nhanh chóng của nó đã vượt xa các khung pháp lý.

Những tiến bộ của AI đang gây khó khăn cho chính phủ các nước khi họ đang nỗ lực đưa ra các chính sách và quy định pháp luật nhằm theo kịp sự phát triển của công nghệ này.

Báo cáo của Liên hợp quốc cho thấy 63% các quốc gia được khảo sát có các quy định quản lý các công nghệ mới nổi như AI, robot, chuỗi khối và Internet vạn vật (IoT). Ngoài ra, gần một nửa số quốc gia cho biết đã thông qua các quy định về việc sử dụng AI một cách có đạo đức và có trách nhiệm trong khu vực công.

Điều đó nhấn mạnh sự cần thiết phải đồng bộ nỗ lực giữa các quy định AI và khung CPĐT hiện hành, cũng như cần thiết phải đưa AI vào các chiến lược CPĐT nói chung để bảo đảm thực thi hiệu quả, tránh xung đột về quản trị.

Thách thức và khuyến nghị

Mặc dù báo cáo EGDI 2024 nêu bật những tiến bộ đáng kể về phát triển chính số trên thế giới, nhưng cũng xác định một số thách thức đối với sự phát triển của chính phủ số, bao gồm: Khoảng cách số kéo dài trong và giữa các quốc gia, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng số, vấn đề an ninh mạng và bảo vệ quyền riêng tư, thách thức trong việc điều chỉnh các chiến lược số với việc triển khai hiệu quả...

Để giải quyết những thách thức này, Liên hợp quốc đã đưa ra một số khuyến nghị trong báo cáo năm 2024, đó là: Tích hợp quản trị AI vào các khung chính phủ số; số hóa hoàn toàn các DVC và cải thiện hạ tầng viễn thông; cải thiện môi trường pháp lý cho việc phát triển kỹ thuật số, đặc biệt với các công nghệ tiên phong như AI, đám mây,…; thúc đẩy và tạo điều kiện để công chúng tham gia vào việc ban hành chính sách, ra quyết định,…

Sự mở rộng nhanh chóng của các dịch vụ chính phủ số đặt ra những vấn đề lớn về an ninh mạng, quản trị thông tin và khám phá điện tử (eDiscovery). Khi chính phủ ngày càng áp dụng nhiều các công cụ số tiên tiến, bao gồm AI và nền tảng đám mây, khối lượng dữ liệu nhạy cảm được tạo ra và chia sẻ sẽ tăng lên. Việc quản lý hiệu quả dữ liệu này sẽ ngày càng trở nên quan trọng khi các chính phủ tiếp tục số hóa các dịch vụ công.

Nền tảng X-Road của Estonia minh họa cách trao đổi dữ liệu an toàn có thể được xây dựng trong cơ sở hạ tầng số của một quốc gia. Các quốc gia khác có thể học hỏi từ cách tiếp cận này của Estonia, ưu tiên bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư ngay từ đầu.

Khi các quốc gia tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng và dịch vụ số, việc xây dựng các hệ thống an toàn, toàn diện và có khả năng mở rộng sẽ rất cần thiết để đảm bảo quá trình CĐS mang lại lợi ích cho tất cả công dân và hỗ trợ phát triển bền vững./.

Ngọc Diệp