Xây dựng nền tảng dữ liệu tập trung và hiệu quả để phát huy giá trị VHTT&DL

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 18:32, 01/10/2024

Xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu (CSDL) cho ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch không chỉ là một xu hướng mà còn là cần thiết để phát triển Ngành và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội.
Chuyển đổi số

Xây dựng nền tảng dữ liệu tập trung và hiệu quả để phát huy giá trị VHTT&DL

Trường Thanh 01/10/2024 18:32

Xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu (CSDL) cho ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch không chỉ là một xu hướng mà còn là cần thiết để phát triển Ngành và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội.

Ngày 1/10/2024, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tổ chức Hội thảo: "Định hướng phát triển cơ sở dữ liệu ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Gia đình".

Hội thảo được tổ chức nhằm hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số (CĐS) quốc gia (10/10). Đây là diễn đàn để các chuyên gia, nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp (DN) trao đổi, thảo luận về các vấn đề liên quan đến phát triển cơ sở dữ liệu (CSDL) ngành VHTT&DL và Gia đình.

Xây dựng một nền tảng dữ liệu ngành VHTT&DL tập trung và hiệu quả

Phát biểu tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (CNTT) kiêm Tổng Biên tập Báo điện tử Tổ Quốc, Phó trưởng ban Ban chỉ đạo CĐS Bộ VHTT&DL nhấn mạnh, chúng ta đang sống trong thời kỳ của cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, nơi mà CNTT và dữ liệu trở thành những yếu tố then chốt, quyết định sự phát triển bền vững của các ngành nghề.

ba-nguyen-thi-hoang-lan.jpg
Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan: Xây dựng một nền tảng dữ liệu ngành VHTT&DL tập trung và hiệu quả không chỉ giúp cải thiện trong công tác quản lý mà còn tạo điều kiện cho việc phát triển ngành.

Ngành VHTT&DL - một ngành mang tính đa dạng và có sức lan tỏa sâu rộng, đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ di sản văn hóa, phát triển du lịch, đồng thời nâng cao chất lượng đời sống thể chất và tinh thần của người dân - cũng không nằm ngoài dòng chảy của sự phát triển này.

Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, trên thực tế, công tác quản lý thông tin và dữ liệu trong ngành VHTT&DL hiện còn gặp nhiều khó khăn, từ việc lưu trữ dữ liệu phân tán, chưa đồng bộ, cho đến hạn chế trong việc khai thác và kết nối dữ liệu giữa các đơn vị.

“Do đó, xây dựng một nền tảng dữ liệu ngành VHTT&DL tập trung và hiệu quả không chỉ giúp cải thiện trong công tác quản lý mà còn tạo điều kiện cho việc phát triển các dịch vụ du lịch thông minh, bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa và nâng cao năng lực cạnh tranh của Ngành trên trường quốc tế”, bà Nguyễn Thị Hoàng Lan chia sẻ.

toan-canh-ht.jpg
Toàn cảnh sự kiện.

Phát triển và quy hoạch dữ liệu: yếu tố then chốt trong việc xây dựng xã hội số

Theo ông Lê Mạnh Hùng, Trung tâm CNTT, Bộ VHTT&DL, ngành VHTT&DL thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực như di sản, văn hóa nghệ thuật, thể thao, du lịch, bản quyền tác giả, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, văn hóa cơ sở và các hoạt động giải trí... Đây là một ngành mang tính đa dạng, bao quát, có sức lan tỏa rộng và ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác như kinh tế, xã hội, chính trị và môi trường.

Theo số liệu khảo sát năm 2023, trong 25 đơn vị khảo sát trực tiếp phần lớn các đơn vị vẫn chưa xây dựng CSDL mà chủ yếu dữ liệu lưu trữ dạng thô, vật lý như giấy, văn bản, tệp, ổ cứng, chưa được số hóa.

ths.-le-manh-hung.jpg
Ông Lê Mạnh Hùng: Xây dựng HTTT, CSDL, phát triển dữ liệu và quy hoạch dữ liệu ngành VHTT&DL không chỉ là một phần của CĐS mà còn là một yếu tố then chốt trong việc xây dựng xã hội số, công dân số và phát triển kinh tế số bền vững.

Trong 60 đơn vị được khảo sát gián tiếp, có 58 đơn vị đã ứng dụng phần mềm dùng chung của Bộ vào công việc quản lý, điều hành như quản lý thông tin công chức viên chức (CCVC), quản lý điều hành tác nghiệp gồm bộ hệ thống văn phòng điện tử - voffice và hệ thống email... Nhiều đơn vị lưu trữ dữ liệu dạng thô như tài liệu, văn bản, sách, báo, đĩa DVD, đĩa CD, đĩa cứng, USB và một số dữ liệu ở dạng số hóa...

“Từ những số liệu thống kê trên cho thấy công tác quản lý thông tin và dữ liệu trong ngành VHTTD&L vẫn còn nhiều hạn chế, do đó cần xây dựng CSDL tập trung để lưu trữ và sử dụng”.

Cũng theo ông Lê Mạnh Hùng, trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0, việc xây dựng HTTT và CSDL cho ngành VHTT&DL không chỉ là một xu hướng mà còn là cần thiết để phát triển Ngành. Việc quản lý thông tin và dữ liệu hiệu quả sẽ giúp ngành VHTTD&L tối ưu hóa hoạt động, nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút du khách và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội.

Để xây dựng HTTT và CSDL cho ngành VHTT&DL, cần có sự đồng thuận và hợp tác chặt chẽ từ các cơ quan, DN, tổ chức và cá nhân hoạt động trong Ngành. Việc triển khai CĐS trong công tác quản lý Ngành sẽ mang lại nhiều lợi ích và tạo tiềm năng phát triển lớn.

“Những định hướng xây dựng HTTT, CSDL, phát triển và quy hoạch dữ liệu ngành VHTT&DL không chỉ là một phần của CĐS mà còn là một yếu tố then chốt trong việc xây dựng xã hội số, công dân số và phát triển kinh tế số bền vững”, ông Lê Mạnh Hùng cho hay.

Công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc quản trị dữ liệu và bảo mật dữ liệu

Tông tin về công tác triển khai bảo đảm an toàn HTTT theo cấp độ đối với các hệ thống thuộc ngành VHTT&DL, ông Phạm Tuấn An, Cục An toàn thông tin (ATTT) - Bộ TT&TT cho biết, hiện nay một số sự cố ATTT mạng, đặc biệt là các sự cố tấn công mã độc mã hóa tống tiền (ransomware) đã gây thiệt hại và làm gián đoạn dịch vụ trực tuyến của các cơ quan, tổ chức, DN.

Ở Việt Nam, năm 2024, hàng loạt các vụ các vụ tấn công mã hóa dữ liệu đòi tiền chuộc như: VNDirect, PVOil, VietnamPost gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.

ths.-pham-tuan-an.jpg
Ông Phạm Tuấn An: Công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc quản trị dữ liệu và bảo mật dữ liệu, giúp các tổ chức quản lý và sử dụng dữ liệu hiệu quả và an toàn.

Ông Phạm Tuấn An cũng cho biết công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc quản trị dữ liệu và bảo mật dữ liệu, giúp các tổ chức quản lý và sử dụng dữ liệu hiệu quả và an toàn. Vai trò chính của công nghệ trong quản trị dữ liệu gồm: Tự động hóa quy trình; Bảo mật dữ liệu; Quản lý chất lượng dữ liệu; Phân tích dữ liệu; Tuân thủ quy định và tích hợp dữ liệu.

Để tăng cường hiệu quả công tác bảo đảm ATTT và phục hồi nhanh hoạt động sau sự cố, ông Phạm Tuấn An nhấn mạnh, bên cạnh việc triển khai đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn HTTT theo cấp độ, Bộ TT&TT đã ban hành công văn số 2516/BTTTT-CATTT ngày 27/6/2024 của Bộ TT&TT về hướng dẫn một số giải pháp tăng cường bảo đảm an toàn HTTT, hướng dẫn triển khai 6 giải pháp quan trọng gồm:

Thứ nhất, định kỳ thực hiện sao lưu dữ liệu ngoại tuyến (offline).

Thứ hai, triển khai giải pháp để sẵn sàng phục hồi nhanh hoạt động của HTTT khi gặp sự cố, đưa hoạt động của HTTT trở lại bình thường trong vòng 24 giờ hoặc theo yêu cầu nghiệp vụ.

Thứ ba, triển khai các giải pháp, đặc biệt là giải pháp giám sát ATTT, để ngăn ngừa, kịp thời phát hiện sớm nguy cơ tấn công mạng đối với cả 3 giai đoạn: xâm nhập vào hệ thống; nằm gián điệp trong hệ thống; khởi tạo quá trình phá hoại hệ thống.

Thứ tư, phân tách, kiểm soát truy cập giữa các vùng mạng và chuyển đổi, nâng cấp các ứng dụng, giao thức, kết nối lạc hậu, không còn được hỗ trợ kỹ thuật sang phương án sử dụng các nền tảng, ứng dụng để giảm thiểu nguy cơ tấn công mạng leo thang.

Thứ năm, tăng cường giám sát, quản lý các tài khoản quan trọng, tài khoản quản trị để phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại trong trường hợp kẻ tấn công có được tài khoản quản trị.

Thứ sáu, rà soát, khắc phục và không để xảy ra các lỗi cơ bản dẫn đến mất an toàn HTTT./.

Hội thảo "Định hướng phát triển cơ sở dữ liệu ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Gia đình", gồm 2 phiên:

Phiên thứ 1: Chuyên đề về dữ liệu số, hạ tầng và bảo đảm an toàn.

Phiên thứ 2: Định hướng, hướng dẫn từ cơ quan điều phối chung hoạt động Mạng lưới CĐS - Bộ TT&TT, từ cơ quan thường trực triển khai Đề án 06 - Bộ Công an; Kinh nghiệm xây dựng, triển khai các HTTT và CSDL tại các đơn vị trong Bộ VHTT&DL./.

Trường Thanh