6 bài toán cần "lời giải" để phát triển kinh tế số nông nghiệp Khánh Hoà

Kinh tế số - Ngày đăng : 16:55, 03/10/2024

Các doanh nghiệp công nghệ số có vai trò then chốt trong việc cung cấp và triển khai các giải pháp số, nhằm giải quyết những bài toán về kinh tế số của ngành nông nghiệp tỉnh Khánh Hòa.
Kinh tế số

6 bài toán cần "lời giải" để phát triển kinh tế số nông nghiệp Khánh Hoà

BM 03/10/2024 16:55

Các doanh nghiệp công nghệ số có vai trò then chốt trong việc cung cấp và triển khai các giải pháp số, nhằm giải quyết những bài toán về kinh tế số của ngành nông nghiệp tỉnh Khánh Hòa.

Thực trạng ứng dụng công nghệ số trong phát triển nông nghiệp tại Khánh Hoà

Trong kỷ nguyên công nghệ số phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu, định hướng của Chính phủ Việt Nam trong xây dựng xã hội số (XHS), quốc gia số thì kinh tế số (KTS) là một phần tất yếu không thể tách rời và có tính chất quyết định sự thành công của tiến trình phát triển đất nước.

Phát triển KTS trong nông nghiệp cũng là tiền đề để nâng cao ý thức người nông dân chú trọng mở rộng quy mô sản xuất, gắn nhãn sản phẩm, đảm bảo các quy trình sản xuất an toàn, gia tăng cơ hội tiếp cận các thị trường mới cũng như nâng cao giá trị nông sản, đặc sản Việt Nam trên môi trường số.

Việt Nam là quốc gia sản xuất nông nghiệp (SXNN) chiếm tỷ trọng cao. Theo đó, tỷ trọng nông nghiệp trong GDP của Việt Nam hiện nay là 11,9%, cao hơn mức trung bình của thế giới là 4,3%. Tăng trưởng nông nghiệp trung bình hàng năm là 3,5%, cũng cao hơn mức trung bình của châu Á và khu vực Đông Nam Á.

Nhưng tỷ trọng số hoá trong nông nghiệp theo ước tính của Bộ TT&TT thì mới đạt 2,1%, tức là mức thấp so với thế giới. Do đó, chúng ta còn nhiều dư địa, cơ hội để làm, để thay đổi và phát triển. Nhưng đây cũng là một thách thức lớn vì mục tiêu mà Chính phủ đặt ra cho ngành nông nghiệp trong Chiến lược quốc gia phát triển KTS và XHS là đến năm 2025 ngành nông nghiệp phải đạt tỷ trọng KTS là 10%.

005df1dde89c51c2088d.jpg
Ông Lê Nam Trung, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT và Truyền thông: Yêu cầu đặt ra đối với các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số cho nông nghiệp Việt Nam là phải phù hợp với các bài toán nông nghiệp của Việt Nam, nhu cầu thực tế của người nông dân Việt Nam.

Phát biểu khai mạc hội thảo "Sáng tạo ứng dụng số trong nông nghiệp" do Cục Công nghiệp CNTT và Truyền thông (Bộ TT&TT) phối hợp với Sở TT&TT, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Khánh Hòa tổ chức chiều 3/10, ông Lê Nam Trung, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT và Truyền thông cho biết: "Nghiên cứu quốc tế cho thấy chuyển đổi số (CĐS) ngành nông nghiệp sẽ cho phép lao động nông nghiệp giảm được tới 23% chi phí. Quản lý đất đai nông nghiệp bằng công nghệ số (CNS) giảm được chi phí tới 14%. Dùng CNS để bón phân tuỳ biến theo từng loại cây trồng thì tiết kiệm được tới 12%. Lái xe tự động trong nông nghiệp cũng giúp giảm tới 13% chi phí".

"Như vậy, CNS, CĐS, tự động hoá sẽ giúp ngành nông nghiệp giảm được rất nhiều chi phí. Chi phí cho CNS, CĐS sẽ nhỏ hơn rất nhiều so với phần chi phí tiết kiệm được", ông Lê Nam Trung nhấn mạnh.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành “Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, trong đó có giải pháp “Thúc đẩy CĐS trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn” với một số nội dung như phát triển và hướng đến đồng bộ các công cụ phục vụ CĐS trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn; phát triển các mô hình nông nghiệp thông minh ứng dụng CNS trong nông nghiệp nông thôn; phát triển quản lý chuỗi cung ứng nông sản theo ứng dụng blockchain, quản lý nông sản từ quá trình sản xuất, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ sản phẩm tạo sự minh bạch thông tin, đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm; xây dựng và nhân rộng các mô hình làng thông minh, làng nông thuận thiên ứng dụng CNS,...

"Để đem lại những giải pháp công nghệ ứng dụng hiệu quả, giải quyết được các bài toán đặc thù trong các lĩnh vực nông nghiệp thì vai trò của các doanh nghiệp (DN) CNS tại Việt Nam cũng hết sức quan trọng. Yêu cầu đặt ra đối với các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số cho nông nghiệp Việt Nam là phải phù hợp với các bài toán nông nghiệp của Việt Nam, nhu cầu thực tế của người nông dân Việt Nam", ông Lê Nam Trung cho biết.

dai-bieu-hoi-thao-03102024.jpg
Các đại biểu tham dự hội thảo

Theo đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hoà, địa phương này có nhiều thế mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là về nông sản và thủy sản. Trong đó, các sản phẩm nông sản chủ lực gồm: Sầu riêng Khánh Sơn (với diện tích trồng khoảng 1.650 ha); xoài Cam Lâm, Cam Ranh, Ninh Hòa (8.194 ha), bưởi da xanh Khánh Vĩnh (1.571 ha). Về thủy sản, Khánh Hòa nổi tiếng với nuôi tôm hùm, đặc biệt là tại các vùng biển hở và ven bờ và ốc hương, tôm nước lợ, các loại cá biển. Các sản phẩm thủy sản này cũng đóng góp lớn vào kinh tế của tỉnh.

Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong SXNN. Cụ thể, tỉnh đang đẩy mạnh triển khai xây dựng đề án nuôi biển công nghệ cao (ứng dụng công nghệ sinh học, CNS và công nghệ vật liệu vào nuôi biển). Khánh Hoà cũng ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt (nhà lồng), sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc cũng như khoanh vùng cháy rừng trong lâm nghiệp,...

Cuối năm 2023, Khánh Hòa đã triển khai lắp camera giám sát tại 8 hồ chứa nước nhằm theo dõi mức nước và xả lũ để chủ động trong ứng phó mưa lũ. Tỉnh cũng triển khai hệ thống cho ăn tự động lồng nuôi cá. Ngoài ra, hiện nay Khánh Hoà đang sử dụng hệ thống phần mềm điện tử eCDT phục vụ truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác (chống khai thác IUU).

Theo Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT và Truyền thông, để tiếp tục thúc đẩy phát triển nông nghiệp tỉnh Khánh Hòa, một trong những yếu tố quan trọng đó là cần đẩy mạnh việc ứng dụng số, ứng dụng những sản phẩm CNS của các DN CNS Việt Nam ở tất cả các công đoạn từ sản xuất nguyên liệu, sơ chế, chế biến, quy cách sản phẩm, tiêu chuẩn chất lượng, đặc biệt sự thông tuệ, hiểu biết của người nông dân để vận hành các nền tảng số, ứng dụng công nghệ trong sản xuất, tiêu dùng và thương mại các sản phẩm nông nghiệp phục vụ phát triển KTS, trong đó tập trung ứng dụng số phát triển những nông sản có lợi thế của địa phương như: Yến sào, tôm hùm, ốc hương, sầu riêng, tỏi sẻ...

nuoi-bien-khanh-hoa-1062.jpeg
Mô hình phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hoà (Nguồn: vietnamnet.vn).

6 bài toán cần "giải" để thúc đẩy phát triển KTS nông nghiệp tại tỉnh Khánh Hoà

Đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hoà cho biết các DN CNS có vai trò then chốt trong việc cung cấp và triển khai các giải pháp số nhằm giải quyết những bài toán về KTS của ngành nông nghiệp tỉnh Khánh Hòa. Các DN CNS đóng vai trò như một cầu nối giữa nông nghiệp truyền thống và sự hiện đại hóa, thông qua việc cung cấp các giải pháp công nghệ tiên tiến.

hoi-thao-khanh-hoa-03102024.jpg
Toàn cảnh hội thảo

Theo đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hoà, có 6 bài toán cần sự vào cuộc của DN công nghệ số để thúc đẩy KTS nông nghiệp tại địa phương này.

Một là bài toán về hạ tầng số, bao gồm: hạ tầng viễn thông phục vụ truyền dẫn thông tin, hạ tầng trung tâm dữ liệu (TTDL) để vận hành các hệ thống và hạ tầng thiết bị IoT (Internet of Things).

Trước khi CĐS đòi hỏi các công ty, DN cần xây dựng hạ tầng số. Đây được coi là nhiệm vụ hàng đầu trong CĐS thành công. Đầu tư vào hạ tầng cũng mang yếu tố tất yếu của CĐS.

Việc đầu tư nâng cấp hạ tầng viễn thông giúp kết nối người nông dân với các công nghệ số, trong đó việc phát triển công nghệ 5G trong thời gian tương lai sẽ tăng cường khả năng trao đổi dữ liệu.

Hiện tại, tỉnh Khánh Hòa mới có TTDL của tỉnh do Sở TT&TT chủ yếu phục vụ cho việc phát triển chính quyền số của tỉnh, ngoài ra một số TTDL mang tính nhỏ lẻ. Tỉnh Khánh Hòa cần được đầu tư phát triển TTDL vùng nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng để đặt nền móng vững chắc vận hành các hệ thống đảm bảo an toàn và thông suốt.

Về việc ứng dụng IoT trong nông nghiệp, đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hoà cho biết hiện tại DN phát triển IoT còn tương đối ít và riêng về nông nghiệp lại càng hiếm hơn. Trong đó, tỉnh Khánh Hòa với các tiềm năng lớn về thủy sản, nông sản cần được đầu tư phục vụ việc quản lý.

Hai là bài toán CĐS trong quản lý chuỗi cung ứng nông sản, nhằm xây dựng nền tảng quản lý chuỗi cung ứng từ khâu sản xuất đến phân phối một cách minh bạch, nhanh chóng, và hiệu quả.

Hiện tại, một số giải pháp truy xuất nguồn gốc đã được triển khai trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên, các giải pháp này chỉ dừng ở mức độ xác thực về thông tin sản phẩm (Quét mã QR để lấy các thông tin của sản phẩm).

Nhìn chung, trong chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp mục tiêu để truy xuất nguồn gốc, xác thực thông tin từng quy trình đảm bảo sự minh bạch. Chuỗi quản lý thực hiện quy trình khép kín truy xuất nguồn gốc từ giai đoạn sản xuất (có thể là giai đoạn quy trình mua giống, vật tư) đến giai đoạn quản lý chăm sóc cây trồng rồi đến đơn vị cung ứng sản phẩm nông sản.

Ba là bài toán nền tảng TMĐT nông sản, nhằm giúp nông dân dễ dàng tiếp cận với thị trường tiêu thụ, tránh bị phụ thuộc vào thương lái trung gian, nâng cao giá trị sản phẩm.

Thực tế xảy ra thường xuyên nhất hiện nay là sản phẩm nông sản bị thương lái ép giá, dẫn tới giá trị tại nhà vườn bán ra với giá rất thấp và giá đến tay người tiêu dung lại quá cao. Trong khi các sản phẩm nông nghiệp có những tính đặc thù riêng như thời gian bảo quản, mặt hàng hóa khó định lượng về khối lượng (rất khó bán cho khách hàng theo định lượng yêu cầu). Do đó cần sự chung tay của các sàn TMĐT để kết nối người nông dân với khách hàng, DN trong và ngoài tỉnh.

Bốn là bài toán hệ thống đào tạo và tư vấn trực tuyến cho nông dân.

Cùng với sự bùng nổ của CNS, các mô hình tư vấn, đào tạo theo hình thức trực tuyến đang được phát triển rất mạnh, đa số người nông dân đều đã sử dụng thành thạo smartphone liên lạc, giải trí bằng các ứng dụng Zalo, Facebook. Đây sẽ là một thế mạnh để thúc đẩy việc tư vấn, đào tạo nông nghiệp.

Theo đó, việc xây dựng nền tảng đào tạo và tư vấn trực tuyến cho nông dân sẽ giúp người nông dân nhận được sự hỗ trợ trực tuyến ngay tại vườn của chính mình với các kỹ sư, chuyên gia về nông nghiệp, đồng thời thúc đẩy phát triển xã hội số.

Năm là bài toán tài chính số cho nông nghiệp, nhằm cung cấp giải pháp tài chính nhanh chóng, minh bạch cho người nông dân tiếp cận vốn để đầu tư vào sản xuất và mở rộng mô hình kinh doanh.

Việc phát triển các ứng dụng tài chính số hoặc nền tảng ngân hàng số sẽ giúp nông dân dễ dàng tiếp cận các khoản vay, dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp. Hoặc cần có chính sách hợp tác công tư giữa nhà sản xuất công nghệ và nhà nông dân để thúc đẩy việc sử dụng các CNS.

Sáu là bài toán về dữ liệu lớn ngành nông nghiệp.

Trong các ngành, dữ liệu ngành nông nghiệp được xem là đa dạng và có khối lượng rất lớn. Trong đó, các thông tin dữ liệu về giá cả, thị trường dịch bệnh chưa có một nền tảng giúp thu thập phân tích, cảnh báo đến người nông dân.

Do đó, cần xây dựng các cơ sở dữ liệu cho từng lĩnh vực (trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, lâm nghiệp,...) và các hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) dựa trên dữ liệu để đưa ra các phân tích về dịch bệnh, thị trường, xu hướng tiêu dùng để đưa ra các dự báo chính xác, hỗ trợ quyết định sản xuất và kinh doanh,.../.

BM