Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Bốn đặc tính của người lãnh đạo thời chuyển đổi số

Diễn đàn - Ngày đăng : 15:27, 04/10/2024

Trong thời đại số, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, con người phải thay đổi. Trong đó, người lãnh đạo cần có 4 đặc tính: Khiêm tốn, học hỏi; thích ứng; có tầm nhìn xa và tương tác.
Diễn đàn

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Bốn đặc tính của người lãnh đạo thời chuyển đổi số

Hoàng Linh 04/10/2024 15:27

Trong thời đại số, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, con người phải thay đổi. Trong đó, người lãnh đạo cần có 4 đặc tính: Khiêm tốn, học hỏi; thích ứng; có tầm nhìn xa và tương tác.

Ngày 4/10/2024, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số (CĐS) đã có bài giảng chuyên đề bàn về lãnh đạo thời CĐS tại lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng cho 100 cán bộ là Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và cán bộ cấp trưởng (phụ trách) các ban, đơn vị thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Ba đặc trưng của thời CĐS đòi hỏi người lãnh đạo phải thay đổi

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, thời CĐS có 3 đặc trưng là: Môi trường mới, thay đổi mang tính phá huỷ (disruption) và tốc độ đổi mới nhanh.

_l6a0084.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Thời CĐS, người lãnh đạo cần có 4 đặc tính là: Khiêm tốn, học hỏi; thích ứng; có tầm nhìn xa và tương tác.

Bộ trưởng cho biết CĐS là di chuyển lên một không gian mới, không gian số. Không gian này do con người sinh ra, khác với các không gian truyền thống khác như đất đai, biển… do vũ trụ sinh ra. Không gian số do con người tạo ra nên con người di chuyển lên không gian này là cuộc di chuyển vĩ đại nhất, chưa từng có trong lịch sử loài người.

“Con người bị đẩy lên không gian số 100% nên người lãnh đạo ở vào một hoàn cảnh, một môi trường mới đòi hỏi phải có tố chất khác”, Bộ trưởng nói.

Không gian sống mới này đã ảnh hưởng đến đến mọi lĩnh vực, làm thay đổi rất căn bản cuộc sống của mỗi người. Giờ đây con người có thể ở nhà nhiều hơn mà vẫn có thể học tập, giao tiếp, mua sắm…. Việc dạy học giờ đây cũng đã thay đổi. Trẻ em vùng sâu xa có cơ hội được nghe giảng những giáo viên xuất sắc như trẻ em ở thành phố. Theo đó, giờ đây là thời điểm dạy người thay vì dạy chữ bởi chữ có thể để công nghệ dạy nhiều hơn.

Lên môi trường số, theo Bộ trưởng, công tác giám sát được thực hiện tốt hơn, nên mức độ tự chủ của các cấp sẽ nhiều hơn trước. Trước đây công tác phân cấp không được thực hiện nhiều vì không giám sát được còn bây giờ lên môi trường số có thể giám sát được toàn diện. Sự thay đổi này được gọi là mang tính phá huỷ, có nghĩa là cái mới thay đổi trọn vẹn cái cũ.

Đặc điểm thứ ba thời CĐS là tốc độ đổi mới nhanh. Theo Bộ trưởng, CĐS đã qua 4 năm, sự thay đổi diễn ra từng ngày. Việc này có thể chứng kiến qua đợt dịch COVID-19 khi việc tìm ra vaccines phải mất nhiều năm thì trong thời điểm COVID-19 việc tìm ra vaccines chỉ mất khoảng 1,5 năm nhờ công nghệ số.

_l6a0121.jpg
Toàn cảnh lớp bồi dưỡng.

Người lãnh đạo thời CĐS cần 4 đặc tính

Với ba đặc điểm thời đại số như đã phân tích, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng mỗi con người phải thay đổi. Ứng xử với việc này, người lãnh đạo cần có 4 đặc tính là: Khiêm tốn, học hỏi; thích ứng; có tầm nhìn xa và tương tác.

Theo Bộ trưởng, trong bối cảnh mới, việc khiêm tốn, học hỏi là quan trọng nhất. Khiêm tốn để học hỏi nhanh, ý thức đi học hỏi người khác.

Khiêm tốn học hỏi bắt nguồn từ ý thức. Khi mọi thứ thay đổi nhanh thì không ai có thể biết mọi thứ. Biết những cái mình không biết thì cũng quan trọng như biết những cái mình biết. Người lãnh đạo phải biết chấp nhận rằng những người khác biết nhiều hơn mình. Người lãnh đạo phải bỏ được cá tính mạnh mẽ của mình để tôn trọng, lắng nghe các ý tưởng, ý kiến khác. Người lãnh đạo phải có khả năng tiếp nhận ý kiến phản hồi và chuyển từ một nhà chuyên gia thành một người hỗ trợ.

Bộ trưởng cũng cho rằng thời CĐS hỏi là chính. Trước đây ít sách, ít có cái tra cứu. Hàng ngàn đời nay đi học mới có tri thức. Bây giờ có thể ngược lại, học là hỏi. Hỏi rồi mang ra đọc.

Điều quan trọng tiếp theo hiện nay là thích ứng, “vận” theo. Con người không thay đổi được môi trường, theo đó, cần thích ứng. Thích ứng thì tồn tại. Thích ứng là sức mạnh lớn nhất trong thời đại thay đổi.

Vậy thời đại thay đổi nhanh như thế thì cuộc đời còn ý nghĩa gì không? Trong bối cảnh đó, theo Bộ trưởng cho rằng cần phải có tầm nhìn, định hướng giống như là một “ngôi sao dẫn lối”. Tầm nhìn có thể hơi lớn nhưng hãy dựa vào cái cố định là mục tiêu, có thể là cái đích muốn đến như người lãnh đạo công đoàn muốn phát triển, bền vững là làm cho cuộc sống của người lao động hạnh phúc hơn.

Cũng theo Bộ trưởng, trong thời đại chuyển đổi nhanh cũng cần trao đổi, tương tác nhiều hơn. Hiện nay, người lãnh đạo làm việc này còn ít. Người lãnh đạo cần được giải phóng khỏi giấy tờ nhiều hơn khi đưa nhiều việc lên môi trường số, ký số và để dành thời gian cho cán bộ cấp dưới nhiều hơn vì không trao đổi, tương tác sẽ bị chậm trễ trong việc hiểu, nắm bắt thời cuộc.

Bộ trưởng cũng cho rằng CĐS là thay đổi rất căn bản vĩ đại nhưng dường như mọi người “sống” với điện thoại, dành cuộc sống trên mạng nhiều hơn và khả năng tập trung dường như ít hơn. Trong bối cảnh đó, người làm lãnh đạo thời nay cần biết ít nhưng phải sâu.

“Việc biết ít, trung bình đã hết thời khi giờ đây công nghệ AI đã phổ cập, ChatGPT khá giỏi. Trước đây biết nhiều thông tin là giá trị nhưng giờ biết nhiều thông tin không giá trị bằng phải biết sâu”, Bộ trưởng chia sẻ.

Nhạy cảm với xu thế mới

Bộ trưởng cũng chia sẻ hiện nay công nghệ thay đổi tất cả các ngành, bởi vậy nhà lãnh đạo không chỉ quan sát các đối thủ cạnh tranh mà cả các đối tượng khác. Chỉ có người nhạy cảm thì mới theo kịp được sự thay đổi nhanh.

Nhà lãnh đạo thì không phải hiểu sâu về công nghệ, nhưng phải theo dõi các xu thế công nghệ, biết được các thành tựu mới của công nghệ liên quan đến lĩnh vực của mình, có tư duy mở để sẵn sàng ứng dụng.

Bộ trưởng cũng khuyến nghị người lãnh đạo sử dụng dữ liệu và thông tin để ra quyết định. Sử dụng công nghệ số để thu thập và phân tích dữ liệu. Luôn tìm kiếm theo các nguồn dữ liệu công khai từ mạng xã hội, điện thoại di động, báo chí… bởi nhiều dữ liệu làm quá trình ra quyết định nhanh hơn nhiều lần và sử dụng các mô phỏng để ra quyết định. Khả năng sử dụng, phân tích dữ liệu cũng quan trọng không kém gì việc có nhiều dữ liệu.

Một năng lực nữa mà người lãnh đạo cần có là thực thi nhanh bởi sẽ mang lại nhiều giá trị hơn sự hoàn hảo.

Bộ trưởng nhấn mạnh 3 điểm đối với người lãnh đạo khi hình dung người lãnh đạo giống như người lái xe với khả năng lái chậm, lái ẩu và lái sai hướng.

_l6a0329-1-.jpg

Theo Bộ trưởng, nếu nắm bắt được bối cảnh, biết được cơ hội và rủi ro, biết ra các quyết định ngắn hạn dựa trên dữ liệu nhưng hành động chậm thì cũng không đến đích trước người khác được. Nó giống như lái xe đi vào làn tốc độ chậm.

Nếu nắm bắt được xu thế, có tầm nhìn xa nhưng lại ra quyết định không dựa trên dữ liệu, thông tin thì sẽ nhanh chóng bị tai nạn và vì thế cũng không đến đích. Đó là lái xe ẩu.

Ra quyết định ngắn hạn tốt, thực thi nhanh nhưng tầm nhìn dài hạn sai thì cũng không đi đến đích. Đó là lái xe sai hướng. Đó là do không nắm bắt được các xu thế do công nghệ mới và mô hình mới tạo ra.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng thông tin đến lãnh đạo Công đoàn các cấp việc Uỷ ban Quốc gia về CĐS tổng kết mô hình thành công cung cấp dịch vụ công trực tuyến - cốt lõi của chính phủ điện tử và chia sẻ kinh nghiệm với các địa phương. CĐS ngành Toà án Nhân dân là mô hình CĐS bộ, ngành thành công cũng đã được tổng kết và giới thiệu cho các bộ, ngành. Tiếp theo, việc triển khai mô hình thành phố thông minh cũng sẽ được tổng kết để nhân rộng.

_l6a0305-1-.jpg
Các đại biểu trao đổi, đặt câu hỏi với Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng.

Bộ trưởng Bộ TT&TT chia sẻ về đất nước Phần Lan khi vừa qua Bộ trưởng có chuyến công tác tại quốc gia này. Phần Lan có công ty công nghệ Nokia nổi tiếng, là niềm tự hào của quốc gia Bắc Âu này. Nhiều người xuất sắc của Phần Lan làm việc cho Nokia và đến năm 2010 Nokia gặp khủng hoảng. Đây là nỗi buồn lớn của Phần Lan nhưng từ khủng hoảng Phần Lan đã rút ra được những bài học là không phụ thuộc vào một công ty, chuyển hướng phân tán lớn hơn và những người giỏi nhất làm việc cho Nokia đã rời Nokia để khởi nghiệp và lập nên 12 kỳ lân (unicorn).

Bộ trưởng chia sẻ bài học rút ra từ sự đổ vỡ của Nokia, Phần Lan đã biết cách tiếp cận, cách làm lại để dựng nên một hệ thống doanh nghiệp đổi mới sáng tạo mới và là điểm đến của những thử nghiệm công nghệ. “Cách nhìn khác thì thất bại sẽ không còn thất bại nữa”./.

Hoàng Linh