Những bước tiến tích cực trong cung cấp dịch vụ chính phủ số tại nhiều nước

Chính phủ số - Ngày đăng : 09:47, 05/10/2024

Theo báo cáo của Liên hợp quốc, chính phủ số đã có những bước tiến lớn trên toàn thế giới trong hai năm qua.
Chính phủ số

Những bước tiến tích cực trong cung cấp dịch vụ chính phủ số tại nhiều nước

Hạnh Tâm 05/10/2024 09:47

Theo báo cáo của Liên hợp quốc, chính phủ số đã có những bước tiến lớn trên toàn thế giới trong hai năm qua.

Báo cáo Khảo sát Chính phủ điện tử (E-Government Development Index – EGDI) năm 2024 của Liên hợp quốc cho thấy tỷ lệ dân số toàn cầu bị tụt hậu trong quá trình phát triển chính phủ số đã giảm một nửa, từ 45% năm 2022 xuống còn 22,4%.

Theo báo cáo năm nay, lần đầu tiên, tỷ lệ các quốc gia thành viên có giá trị chỉ số EGDI “rất cao” chiếm đa số, chiếm tới 39% tổng số quốc gia được đánh giá. Nhìn chung, 71,5% quốc gia thành viên hiện đang đạt mức EGDI cao hoặc rất cao.

Đan Mạch, Estonia và Singapore là những quốc gia dẫn đầu thế giới về phát triển chính phủ điện tử. Sáng kiến ​​X-Road và nhận dạng số của Estonia được xác định là mô hình kiểu mẫu để các chính phủ trên toàn thế giới học hỏi.

Tương tự như vậy, hệ thống ID số quốc gia của Singapore đã được các chính phủ ở Nhật Bản và nhiều quốc gia khác đánh giá như một ví dụ điển hình.

a1.jpg

Indonesia có kế hoạch hợp nhất các dịch vụ công kỹ thuật số

Hệ thống chính phủ số SBPE mà Indonesia đang xây dựng đã góp phần làm tăng đáng kể thứ hạng EDGI của quốc gia này, từ vị trí 106 trong bảng xếp hạng EDGI năm 2008 lên vị trí 64 trong bảng xếp hạng năm nay.

Theo nhật báo Jakarta Globe, các cơ quan của chính phủ Indonesia đã phát triển khoảng 27.000 ứng dụng. Đặc biệt, nền tảng INA Digital được chính phủ Indonesia ra mắt vào tháng 5 vừa qua, cho phép người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục, phúc lợi xã hội và nhiều dịch vụ khác thông qua ID kỹ thuật số. Dự án này có ngân sách đầu tư lên tới 6,2 nghìn tỷ rupiah Indonesia (khoảng 386,3 triệu USD).

Theo Bộ trưởng Bộ Cải cách hành chính Indonesia Abdullah Azwar Anas, INA Digital không phải là một nền tảng hay ứng dụng mới, mà là việc triển khai một hệ thống dịch vụ công kỹ thuật số tích hợp hướng tới cung cấp một hệ thống duy nhất cho phép người dân Indonesia dễ dàng sử dụng các ứng dụng của Chính phủ.

Người dân có thể truy cập các dịch vụ công thông qua cổng thông tin INAku, các thủ tục hành chính của chính phủ thông qua cổng thông tin INAgov, mỗi quy trình đều sử dụng ID số INApas.

Theo báo cáo của Antara, khoảng 480 chính quyền địa phương ở Indonesia, chiếm gần 88%, đã thực hiện các giao dịch số.

Đan Mạch liên tục đứng đầu thế giới về chính phủ số

Đan Mạch một lần nữa đứng đầu khảo sát EDGI 2024. Quốc gia này liên tục giữ top 1 trong các bảng xếp hạng năm 2018, 2020 và 2022. Đây còn là nước có số lượng người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến đông đảo nhất Liên minh châu Âu (EU), chiếm 93% người dùng Internet trong nước.

Đan Mạch được đánh giá cao vì cách tiếp cận chủ động trong việc thúc đẩy chiến lược chính phủ số của mình, tập trung vào việc tạo ra các cổng thông tin số toàn diện cho công dân, doanh nghiệp và các dịch vụ y tế cũng như các sáng kiến ​​tương tác với công dân như borgerforslag.dk,... cho phép mọi người tạo, xem và đưa ra các đề xuất về những thay đổi trong luật pháp hoặc xã hội.

Ngoài ra, chiến lược số quốc gia của Đan Mạch (2022-2025) nhấn mạnh vào sự hợp tác liên ngành và kết hợp các nỗ lực công, tư và xã hội dân sự.

Theo báo EDGI 2024: "Quốc gia này đưa tính bền vững vào hoạt động mua sắm công và triển khai AI, robot và cơ sở hạ tầng 5G để cải thiện các dịch vụ công và thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh. Những nỗ lực này cho thấy cam kết của Đan Mạch đối với một tương lai kỹ thuật số an toàn, toàn diện và bền vững.”

Chính phủ Đan Mạch cho rằng thành công của mình là nhờ các sáng kiến ​​như chương trình ID kỹ thuật số, MitID, cho phép người dân tiếp cận các dịch vụ của cả khu vực công và tư nhân. Tuy nhiên, cơ bản, chính phủ Đan Mạch cho rằng “chìa khóa dẫn tới thành công kỹ thuật số là niềm tin”.

Các khu vực khác

Mặc dù tất cả các khu vực trên thế giới đều đạt được tiến bộ đáng kể về phát triển chính phủ số, nhưng tốc độ phát triển không đồng đều và có sự chênh lệch kéo dài giữa các khu vực.

Châu Âu đang dẫn đầu về phát triển chính phủ điện tử nhưng châu Á đang có tốc độ phát triển nhanh hơn bốn khu vực còn lại. Một số quốc gia ở châu Mỹ cũng đạt được sự gia tăng đáng kể về điểm EDGI của họ. Tại châu Phi, Mauritius và Nam Phi là những quốc gia có điểm EDGI rất cao. Còn lại hầu hết các quốc gia châu Phi khác đều có điểm EGDI thấp hơn mức trung bình toàn cầu.

Li Junhua, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề kinh tế và xã hội cho biết: “Khảo sát cho thấy rõ những bước tiến trong chính phủ số, giải quyết tình trạng khoảng cách số kéo dài, đặc biệt là ở các khu vực như châu Phi và châu Đại Dương. Mặc dù khoảng cách số này có thể không được thu hẹp hoàn toàn vào năm 2030, nhưng những tiến bộ mới nhất mang đến một cơ hội đáng kể. Bằng cách nỗ lực áp dụng các giải pháp toàn diện, sáng tạo, chúng ta có thể đảm bảo rằng tất cả các quốc gia đều được hưởng lợi từ sức mạnh chuyển đổi của chính phủ số, giúp nền hành chính công hiệu quả và công bằng hơn”./.

Hạnh Tâm