Tăng trưởng xanh trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam

Truyền thông - Ngày đăng : 05:48, 05/10/2024

Tăng trưởng xanh, phục hồi xanh - phương thức quan trọng và là hướng đi đúng đắn cho phát triển nhanh và bền vững tại Việt Nam hiện nay.
Truyền thông

Tăng trưởng xanh trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam

T.H {Ngày xuất bản}

Tăng trưởng xanh, phục hồi xanh - phương thức quan trọng và là hướng đi đúng đắn cho phát triển nhanh và bền vững tại Việt Nam hiện nay.

Tăng cường chính sách thúc đẩy tăng trưởng xanh

Ngày 25/9/2012 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg, Quyết định phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược có 3 nhiệm vụ quan trọng là: giảm khí nhà kính, xanh hóa sản xuất và xanh hóa tiêu dùng.

Nhằm từng bước cụ thể hóa Chiến lược tăng trưởng xanh (TTX) quốc gia, ngày 20/3/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 403/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020, với 66 hoạt động được phân công cho các ngành và địa phương. Trên cơ sở Quyết định số 403/QĐ-TTg, đã có 8 Bộ và cơ quan ngang Bộ ban hành Kế hoạch hành động chiến lược TTX: Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

Mặt khác, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, thuộc Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đã khẳng định vai trò quan trọng của đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Ngày 1 tháng 10 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 (gọi tắt là “Chiến lược tăng trưởng xanh"). Chiến lược tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường, công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon, đóng góp vào hạn chế gia tăng nhiệt độ toàn cầu theo 04 mục tiêu chính: (1) Giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; (2) Xanh hóa các ngành kinh tế; (3) Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; (4) Xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu.

Định hướng mạnh mẽ cho mục tiêu thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, giảm cường độ phát thải khí nhà kính (KNK), Chiến lược tăng trưởng xanh tập trung vào khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng xanh, bền vững, xây dựng lối sống xanh, đảm bảo quá trình chuyển đổi xanh theo nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu trong phạm vi toàn bộ nền kinh tế, song song với việc đề ra những định hướng phát triển theo ngành, lĩnh vực chủ yếu.

Để cụ thể hóa các mục tiêu, định hướng và nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược tăng trưởng xanh, làm cơ sở để các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện, Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tập trung xác định các hoạt động cụ thể, thời gian thực hiện, phân công trách nhiệm và nguồn lực huy động tương ứng.

Đặc biệt, để cụ thể hóa Chiến lược tăng trưởng xanh, Thủ tưởng chính phủ đã ban hành Quyết định 882/QĐ-TTg, ngày 22/7/2022 về Phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030. Theo đó, Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh gồm 18 chủ đề, 57 nhóm nhiệm vụ, hoạt động và 134 nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ: Xây dựng, hướng dẫn, triển khai hệ thống chỉ tiêu thống kê về tăng trưởng xanh, Bộ chỉ tiêu phát triển bền vững của các doanh nghiệp, đề xuất lộ trình doanh nghiệp công bố thông tin tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Xây dựng, tích hợp “Chỉ số tăng trưởng xanh tổng hợp" vào các văn bản định hướng, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia.

Thông qua rà soát hệ thống chính sách hiện có thì các hành động cụ thể để hoàn thiện đồng bộ khung cơ chế, chính sách thúc đẩy tăng trưởng xanh, tập trung vào các chính sách mới ở các cấp, các ngành như chính sách phát triên các công cụ kinh tế, tài chính và đầu tư xanh, mua sắm công xanh, cơ chế trao đổi quyền phát thải theo cơ chế thị trường... cũng như khung thử nghiệm một số chính sách đặc thù về tăng trưởng xanh, đặc biệt trong bối cảnh hướng tới Lộ trình Phát thải ròng bằng 0 đòi hỏi nhiều chính sách đột phá.

phat-trien-ben-vung2_942b6.jpg
Ảnh minh họa

Lộ trình thực hiện cam kết phát thải ròng bằng “0” của Việt Nam

Tại Hội nghị COP26, cùng với các cam kết khác, Việt Nam đã cam kết mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và đã được hiện thực hóa trong một số chính sách về biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và năng lượng.

Quyết định số 896/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050” ngày 26 tháng 7 năm 2022, đưa ra lộ trình hướng tới mức phát thải ròng bằng 0. Mục tiêu tổng thể của Chiến lược bao gồm: “… giảm phát thải khí nhà kính theo mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đóng góp tích cực và trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất; tận dụng cơ hội từ ứng phó biến đổi khí hậu để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, nâng cao khả năng chống chịu và cạnh tranh của nền kinh tế”.

Giảm tổng lượng phát thải khí nhà kính quốc gia vào năm 2030 khoảng 43,5% so với kịch bản phát triển thông thường.

Giảm 32,6% lượng phát thải của lĩnh vực năng lượng vào năm 2030, với lượng phát thải không vượt quá 457 triệu tấn CO2tđ.

Giảm tổng lượng phát thải khí nhà kính quốc gia xuống mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Dự kiến lượng phát thải đạt đỉnh vào năm 2035, sau đó giảm nhanh.

Đến năm 2050, phát thải của lĩnh vực năng lượng sẽ không vượt quá 101 triệu tấn CO2tđ; lượng phát thải lĩnh vực nông nghiệp không vượt quá 56 triệu tấn CO2tđ; lĩnh vực lâm nghiệp và sử dụng đất sẽ làm tăng khả năng hấp thụ cacbon thêm 185 triệu tấn CO2tđ; lượng phát thải của lĩnh vực chất thải không vượt quá 8 triệu tấn CO2tđ; lượng phát thải của quá trình công nghiệp sẽ không vượt quá 20 triệu tấn CO2tđ.

Đặc biệt đối với lĩnh vực năng lượng giai đoạn đến năm 2030 và đến năm 2050:

Phát triển năng lượng tái tạo (RE), đồng thời duy trì an ninh năng lượng quốc gia: phát triển các nhà máy thủy điện nhỏ, vừa và lớn tại các khu vực có khả năng, năng lượng gió trên bờ và ngoài khơi, năng lượng mặt trời (mái nhà), điện sinh khối, hydro xanh và amoniac, và năng lượng thủy triều. Đến năm 2030, RE sẽ đạt ít nhất 33% và đến năm 2050 ít nhất 55% của tổng sản lượng điện phát.

Không phát triển các nhà máy nhiệt điện than mới sau năm 2030, giảm dần quy mô công suất điện than sau năm 2035, chuyển đổi sang sử dụng nhiên liệu sạch, không phát thải; xem xét phát triển điện hạt nhân. Phát triển các công nghệ lưu trữ năng lượng.

Xây dựng mạng lưới truyền tải và phân phối điện thông minh và hiệu quả để đảm bảo ổn định nguồn điện và cho phép tích hợp tỷ lệ cao đối với nguồn năng lượng tái tạo.

Nghiên cứu phát triển công nghệ lưu trữ và thu giữ các-bon dành cho các nhà máy điện và cơ sở sản xuất công nghiệp.

Tăng cường thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong công nghiệp, nông nghiệp, giao thông, xây dựng, dịch vụ, thương mại và tiêu dùng, với các thiết bị sử dụng năng lượng hiệu quả như đèn chiếu sáng, động cơ điện, nồi hơi công nghiệp, hệ thống sưởi và chuỗi làm mát/làm lạnh…

Khó khăn, thách thức và cơ hội cho phát triển kinh tế - xã hội

Việc theo đuổi mục tiêu phát thải ròng bằng 0 phù hợp với xu thế quốc tế chung, sẽ giúp Việt Nam hội nhập quốc tế tốt hơn, tạo thêm điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, các chuyên gia nhấn mạnh rằng Việt Nam cần xác định những khó khăn, thách thức của mục tiêu phát thải ròng bằng 0 để xây dựng những định hướng chính sách, chuẩn bị phương án chuyển đổi kèm theo các giải pháp, nhiệm vụ, hoạt động phù hợp:

Thứ nhất, công nghệ cho giảm và tái chế các-bon đã có, song song với công nghệ cho tái sử dụng và loại bỏ các-bon còn thiếu. Các công nghệ thu và giữ các-bon hiện nay tiêu tốn nhiều năng lượng (gây phát thải các-bon vào không khí), tiêu tốn nước. Việc nghiên cứu và thương mại hóa các công nghệ này đòi hỏi phải có các quỹ cho nghiên cứu và phát triển, trợ cấp tài chính để bù đắp cho rủi ro của những công nghệ chưa chứng minh, các ưu đãi bằng thuế, trợ cấp đầu tư bằng vốn trực tiếp, các hỗ trợ tài chính căn cứ vào kết quả.

Thứ hai, những vị trí địa lý phù hợp cho các dự án năng lượng sạch có thể thiếu hạ tầng lưới điện hoặc xung đột với các nhu cầu phát triển khác như nông nghiệp, thủy sản, bảo vệ rừng, giao thông vận tải (GTVT).

Thứ ba, việc chuyển đổi xanh và phát triển các năng lượng sạch đòi hỏi phải được tiến hành không chỉ ở một doanh nghiệp hay một khâu sản xuất, mà trong toàn chuỗi cung ứng. Điều này đặc biệt rõ ở một số ngành chế biến chế tạo như sản xuất thép và xi măng, công nghiệp thông tin và truyền thông. Trong ngành xây dựng cũng thấy rõ thách thức này.

Thứ tư, hành vi sản xuất xanh, tiêu dùng xanh đòi hỏi phải có sự thay đổi hành vi cá nhân như thay đổi cách thức vận chuyển và tiêu dùng năng lượng. Điều này đặc biệt đúng trong các ngành NN&PTNT, cung cấp nước sạch và xử lý nước thải, bán buôn và bán lẻ... Đối với ngành GTVT, các biện pháp thay đổi hành vi của người tham gia giao thông phải không gây thua thiệt cho những người yếu thế về thu nhập do phải chuyển đổi phương tiện giao thông cá nhân.

Thứ năm, có những thách thức mang tính đặc thù theo ngành. Với ngành khai thác khoáng sản: phải đầu tư lớn cho chuyển đổi sang dạng năng lượng xanh hơn trong ngành khai thác khoáng sản và thiết kế, tổ chức lại quy trình khai thác, vận chuyển. Với ngành sản xuất điện và khí đốt: rủi ro tài chính cho cả nhà đầu tư lẫn người tiêu dùng. Với ngành bán buôn và bán lẻ: phải tính toán được lượng các-bon nhúng vào hàng hóa và đàm phán với nhà sản xuất để giảm lượng các-bon tương ứng. Với ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống cũng như các hoạt động nghệ thuật, giải trí: phải giảm được tiêu dùng năng lượng và nước sạch tại chỗ. Đối với ngành tài chính: phải định hướng lại nguồn đầu tư sang các dự án phát thải các-bon thấp và giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực về mặt xã hội có thể xảy ra đối với người dân trong quá trình chuyển sang nền kinh tế phát thải ròng bằng 0.

Với ngành xây dựng và bất động sản: phải xây dựng được các công trình có hiệu quả năng lượng cao, thông minh, phát thải ròng bằng 0 . Với ngành lao động - thương binh và xã hội: phải đảm bảo người dân chuyển đổi được từ các nghề phát thải nhiều sang các nghề phát thải ít các-bon. Với lĩnh vực hành chính công và quốc phòng - an ninh: phải tăng tốc và giám sát được các hoạt động mua sắm công xanh. Với ngành giáo dục - đào tạo, y tế: phải tăng được hiệu quả sử dụng năng lượng ở các giảng đường, bệnh viện và trong hoạt động đi lại của giảng viên, học sinh, phụ huynh học sinh, nhân viên y tế và người bệnh...

Tuy có nhiều khó khăn, thách thức, song việc theo đuổi mục tiêu phát thải ròng bằng 0 sẽ tạo áp lực phải chuyển đổi (chuyển đổi xanh) cho các ngành, các doanh nghiệp theo hướng tăng cường áp dụng khoa học, công nghệ mới và sạch; đổi mới sáng tạo trong sản phẩm, quy trình, tổ chức - mô hình quản lý, sản xuất (bao gồm chuyển đổi số); mở ra thị trường mới, cấu trúc lại thị trường trong một ngành, triển khai các hoạt động marketing mới. Theo đó, tạo ra động lực mới cho tăng trưởng kinh tế, đồng thời góp phần cơ cấu lại kinh tế - đây là hướng phát triển phù hợp với Việt Nam hiện nay và trong thời gian tới./.

T.H