Cà Mau tập trung nâng cao nhận thức về cuộc sống số, trang bị kỹ năng số cho người dân

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 18:13, 04/10/2024

Cà Mau nhận thức sâu sắc rằng chuyển đổi số (CĐS) phải bắt đầu từ người dân, đặt người dân vào vị trí trung tâm và làm cho công nghệ trở nên dễ dàng, thiết thực trong cuộc sống hàng ngày.
Chuyển đổi số

Cà Mau tập trung nâng cao nhận thức về cuộc sống số, trang bị kỹ năng số cho người dân

Đỗ Thêu 04/10/2024 18:13

Cà Mau nhận thức sâu sắc rằng chuyển đổi số (CĐS) phải bắt đầu từ người dân, đặt người dân vào vị trí trung tâm và làm cho công nghệ trở nên dễ dàng, thiết thực trong cuộc sống hàng ngày.

camau-1.jpg
Thanh toán không tiền mặt bằng mã QR tại chợ Rạch Gốc, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.

Hỗ trợ người dân sử dụng công cụ số, dịch vụ công trực tuyến, thanh toán điện tử, mua sắm online

CĐS đang được đẩy mạnh tại Cà Mau với nhiều hoạt động thiết thực, nhằm hưởng ứng Ngày CĐS quốc gia năm 2024 với chủ đề “Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”. Theo đó, trong tháng cao điểm CĐS (10/9-10/10/2024), Cà Mau tập trung nâng cao nhận thức về cuộc sống số, trang bị kỹ năng số cho người dân, đồng thời thúc đẩy thương mại điện tử và dịch vụ công trực tuyến. Đây là những bước đi quan trọng để Cà Mau bắt kịp xu thế phát triển của thời đại và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Từ ngày 1 đến ngày 10/10/2024, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cà Mau phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức chiến dịch “Đi từng ngõ, gõ từng nhà” nhằm hướng dẫn người dân sử dụng các dịch vụ, ứng dụng số. Trong 10 ngày cao điểm này, các tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) sẽ trực tiếp đến từng hộ gia đình, khu dân cư để cung cấp kiến thức và hỗ trợ người dân làm quen với các công cụ số như dịch vụ công trực tuyến, thanh toán điện tử, mua sắm trực tuyến... Đồng thời, các doanh nghiệp viễn thông cũng sẽ đồng hành cùng chiến dịch bằng cách cung cấp các chính sách ưu đãi.

Về vấn đề này, Sở Thông tin và Truyền thông đã có công văn gửi UBND các huyện, TP Cà Mau, Bưu điện tỉnh Cà Mau, Viễn thông Cà Mau, VIETTEL Cà Mau, MobiFone tỉnh Cà Mau, Chi nhánh Cà Mau - Công ty Cổ phần Viễn thông FPT, Tỉnh Đoàn Cà Mau để phát động và triển khai chiến dịch.

Cà Mau nhận thức sâu sắc rằng CĐS phải bắt đầu từ người dân, đặt người dân vào vị trí trung tâm và làm cho công nghệ trở nên dễ dàng, thiết thực trong cuộc sống hàng ngày. Khi CĐS tạo ra giá trị thực tế và được người dân hưởng ứng, sử dụng, nó sẽ thực sự đi vào cuộc sống, hình thành nên cộng đồng số, thúc đẩy phát triển chính quyền số, kinh tế số, và xã hội số.

Ngoài ra, việc nâng cao nhận thức về vai trò và trách nhiệm của đoàn viên, thanh niên trong hoạt động CĐS, đặc biệt là ở cấp cộng đồng dân cư, là vô cùng quan trọng. Đoàn viên, thanh niên trong các tổ CNSCĐ cần được trang bị thêm kỹ năng và nâng cao năng lực để hỗ trợ, thúc đẩy quá trình CĐS tại địa phương một cách hiệu quả.

Vì thế, nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các tổ CNSCĐ, Sở Thông tin và Truyền thông Cà Mau đã ban hành kế hoạch tập huấn cho các tổ công nghệ số trên địa bàn tỉnh Cà Mau năm 2024. Kế hoạch này bao gồm các nội dung như đào tạo kỹ năng sử dụng các công cụ số, phương pháp hỗ trợ người dân tiếp cận với các dịch vụ trực tuyến, và cách thức giải quyết các vấn đề kỹ thuật thường gặp khi người dân sử dụng các nền tảng số. Chương trình tập huấn còn hướng đến việc trang bị cho các thành viên tổ công nghệ khả năng tư vấn, hỗ trợ người dân khai thác tối đa tiện ích của các dịch vụ công và thanh toán điện tử, góp phần thúc đẩy quá trình CĐS trên toàn tỉnh.

camau-2.jpg
Lực lượng đoàn viên, thanh niên đến tận nhà hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng các ứng dụng trên điện thoại thông minh.

Chương trình tập huấn yêu cầu tổ CNSCĐ phải triển khai hiệu quả các nền tảng số và công nghệ số đến từng ấp, khóm và hộ gia đình, kết nối chặt chẽ với đời sống hàng ngày của người dân. Các nội dung cần phù hợp với đặc thù của từng địa phương, giúp người dân tiếp cận công nghệ một cách đơn giản và tự nhiên, dựa trên nhu cầu thực tế, từ đó mang lại giá trị thiết thực.

Nhiều kết quả tích cực trong công tác CĐS

Theo báo cáo tình hình thực hiện CĐS năm 2024 của Cà Mau, ứng dụng CaMau-G đã tích hợp 50 ứng dụng, tiện ích hỗ trợ người dân dễ dàng tương tác, sử dụng dịch vụ số do chính quyền cung cấp. Kết quả, 6 tháng đầu năm 2024 đã có 3.641 lượt cài đặt ứng dụng CaMau-G, lũy kế đến nay có 27.554 lượt cài đặt. Ứng dụng phản ánh hiện trường đã tiếp nhận và xử lý trên 909 phản ánh của người dân.

Ngoài ra, hệ thống quản lý không dùng tiền mặt đã được triển khai trong trường học và các cơ sở giáo dục Cà Mau với 100% các đơn vị, trường học trong toàn ngành giáo dục được tập huấn. Có 18/18 cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh và huyện triển khai thanh toán không dùng tiền mặt thu viện phí.

Cà Mau cũng đã tiến hành cấp định danh điện tử bao gồm mức độ 1, mức độ 2 cho 784.615 tài khoản trên 1.118.560 công dân đủ điều kiện, đạt 70,15%. Có 883/883 số ấp/khóm có tổ CNSCĐ đạt tỷ lệ 100%, có 4.518 thành viên tham gia. Tổ đã thực hiện làm mẫu, hướng dẫn cho hơn 184.000 hộ gia đình cài đặt, sử dụng các nền tảng số, chiếm 61% số hộ gia đình trên toàn tỉnh.

Mô hình Tổ CNSCĐ được đánh giá đã phát huy vai trò tuyên truyền, hướng dẫn người dân tiếp cận sử dụng các nền tảng số phục vụ sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, Cà Mau cho biết kinh phí hỗ trợ cho Tổ CNSCĐ vẫn chưa được hỗ trợ, gây khó khăn cho việc duy trì hoạt động của Tổ trong thời gian tới.

Kết quả, trong thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác CĐS. Theo Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy Cà Mau về CĐS, đến hết tháng 6/2024, toàn tỉnh đã đạt và vượt 9/17 mục tiêu, với 4 mục tiêu có khả năng hoàn thành cao.

Cụ thể, một số kết quả nổi bật bao gồm hạ tầng mạng viễn thông đã được phủ rộng từ tỉnh đến cơ sở, đảm bảo kết nối thông suốt. Hệ thống quản lý văn bản và điều hành đã kết nối, liên thông 3 cấp và kết nối với trung ương. Ứng dụng CaMau-G được triển khai để phục vụ người dân và doanh nghiệp, giúp tăng trải nghiệm trên môi trường số.

Công tác đào tạo và nâng cao nhận thức về CĐS cũng được chú trọng, với nhiều khóa đào tạo, tập huấn được tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân về kỹ năng số và thương mại điện tử.

Những nỗ lực này đã giúp Cà Mau tiến gần hơn đến mục tiêu xây dựng chính quyền số và phát triển kinh tế số bền vững. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết của Đảng về CĐS tỉnh Cà Mau đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tạo động lực thúc đẩy nhanh tiến trình CĐS quốc gia trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Đỗ Thêu