Lời giải cho tình trạng quá tải bệnh viện và nâng cao chất lượng y tế từ một bộ sách
Truyền thông - Ngày đăng : 14:35, 07/10/2024
Lời giải cho tình trạng quá tải bệnh viện và nâng cao chất lượng y tế từ một bộ sách
Bộ sách “Bộ công cụ tinh gọn trong y tế” là một lời giải giúp cho hệ thống chăm sóc y tế giảm được lãng phí và hoạt động một cách tinh gọn hơn.
Trước thực trạng ngành y tế luôn phải đối mặt với nhiều thách thức từ tình trạng quá tải bệnh viện, sự chờ đợi của người bệnh, các sai sót y khoa luôn rình rập tới sự thiếu hụt về nhân lực và trang thiết bị y tế , việc tìm kiếm giải pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng y tế, giảm thiểu chi phí và tăng cường sự hài lòng của bệnh nhân là một yêu cầu cấp thiết.
Lễ ra mắt và tọa đàm về bộ sách “Bộ công cụ tinh gọn trong y tế” được tổ chức mới đây tại Hà Nội có sự tham gia của Cục trưởng Cục Cơ sở hạ tầng và Thiết bị y tế Nguyễn Minh Lợi; Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh Nguyễn Trọng Khoa và các diễn giả Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang Nguyễn Văn Thường; Phó Giám đốc Bệnh viện Chuyên khoa Sản Nhi tỉnh Sóc Trăng Lý Quốc Trung; Phó Chủ tịch Hội Điều dưỡng Nguyễn Bích Lưu.
Theo các chuyên gia, tại Việt Nam, bên cạnh công cụ đơn giản nhất là “5S” (Sàng lọc - Sắp xếp - Sạch sẽ - Săn Sóc - Sẵn sàng) đã được áp dụng rộng rãi trong gần như toàn bộ các cơ sở khám chữa bệnh, với nhiều đơn vị điển hình và trở thành điểm sáng cho các đơn vị khác tham quan học tập, giúp cho môi trường làm việc trong lĩnh vực y tế trở nên ngăn nắp, gọn gàng, công việc trôi chảy hơn… nhiều công cụ khác mới chỉ được áp dụng ở một mức độ giới hạn, thậm chí còn khá xa lạ với nhiều cơ sở khám chữa bệnh.
Do đó, để mô hình Bệnh viện Tinh gọn phát huy hiệu quả tốt hơn, việc giới thiệu, cập nhật những công cụ hữu ích khác đến các đơn vị y tế là công việc thực sự cần thiết của các nhà quản lý y tế.
Về các loại lãng phí trong cơ sở y tế, TS. BS Nguyễn Văn Thường - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết hầu hết các bệnh viện tại Việt Nam hiện nay, số lượng bệnh nhân đến khám buổi sáng chiếm từ 75 - 80% tổng số bệnh nhân nhưng buổi chiều thì rất ít, chỉ khoảng 20 - 30%. Tuy nhiên, các bệnh viện vẫn phải bố trí giờ khám cả ngày, dẫn đến tổng số lượng bệnh nhân một ngày là không lớn, buổi sáng các bệnh viện rất đông, bác sĩ rất vất vả nhưng chiều thì “ngồi chơi”.
BS. Nguyễn Văn Thường cũng cho rằng lãng phí nhất cho xã hội chính là việc bệnh nhân phải chờ đợi mọi vị trí trong bệnh viện do quy trình khám bệnh nhiều thủ tục, phức tạp. Ở khâu nào người bệnh cũng phải chờ đợi, ít thì 5 - 7 phút, nhiều thì 20 phút, dẫn đến lãng phí.
Ngoài ra, quy trình giám sát tại bệnh viện cũng chưa được triển khai triệt để. Hiện nay, ở các bệnh viện sản xuất rất nhiều quy trình nhưng chưa nhiều mô hình được đi vào cuộc sống vì nhiều lý do. Điều này cũng dẫn đến lãng phí vì phải thuê nhiều công ty tư vấn để sản xuất và duyệt nhưng nhân viên không được phổ biến để thực hiện, thêm vào đó là không ai kiểm tra, giám sát.
Theo ThS. Nguyễn Bích Lưu, việc dư thừa trong vật tư y tế tiêu hao cũng là vấn đề cần quan tâm. Các bệnh viện đầu tư vào việc mua nhiều mặt hàng vì sự thiếu thuốc, thiếu vật tư nhưng chưa quản lý chặt chẽ. Lãnh đạo bệnh viện cần phải có phần mềm quản lý trang thiết bị y tế, vật tư y tế tiêu hao để có thể kiểm soát trạng thái thừa, thiếu của từng khoa, tránh lãng phí.
Về quy trình chuẩn trong dịch vụ khám chữa bệnh, TS. BS. Lý Quốc Trung nhấn mạnh: Khi xảy ra sai sót y khoa, chúng ta cần xem xét lại liệu quy trình đã được hướng dẫn cho nhân viên chưa, quy trình đã được chuẩn hóa chưa. Khi quy trình đã đến với các phòng ban, cần đảm rằng quy trình đã được nhân viên tiếp thu và liệu có đáp ứng được yêu cầu của các phòng, các khoa không. Đồng thời, các bệnh viện cũng cần đẩy mạnh tập huấn cho các phòng ban về quy trình đã được chuẩn hóa, tinh gọn cũng như quan tâm sát sao đến việc triển khai thực hiện quy trình.
Trong quy trình khám chữa bệnh và chăm sóc bệnh nhân, không thể tránh khỏi những sai sót đến từ quy trình, máy móc mà nhân viên y tế khó có thể nhận ra. Trong bộ sách này, các tác giả đề cập: Trong y tế, trước khi xảy ra lỗi thường xảy ra sai sót, vậy nếu muốn phòng ngừa lỗi thì cần phòng ngừa sai sót.
Theo ThS. Nguyễn Bích Lưu, nguyên nhân sai sót thường đến từ giao tiếp, như vậy cần phải giao tiếp như thế nào để hiệu quả, để tránh lỗi.
Tất cả các hoạt động sẽ được chuẩn hóa với Quy trình chuẩn giúp chất lượng dịch vụ y tế trở nên ổn định và đồng đều hơn. Các hoạt động cải tiến chất lượng sẽ liên tục được nâng cao với Kaizen. Các quy trình sẽ trở nên súc tích, hiệu quả hơn và giảm thiểu các sai sót y khoa với Lập sơ đồ chuỗi giá trị lâm sàng. Các lỗi xuất hiện trong quá trình cung cấp dịch vụ y tế sẽ được ngăn ngừa với Phòng tránh lỗi. Và cuốn sách “Phương pháp vừa đúng lúc” sẽ giúp cho hệ thống chăm sóc y tế giảm được lãng phí và hoạt động một cách tinh gọn hơn.
Với việc bổ sung gần như đầy đủ các mảnh ghép thiết yếu cho các hoạt động quản lý và cải tiến chất lượng trong y tế theo hướng Tinh gọn, bộ sách Bộ Công cụ Tinh gọn trong Y tế sẽ là một trong những bộ tài liệu thiết yếu giúp nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe một cách bền vững và phù hợp với điều kiện nguồn lực còn hạn chế tại các cơ sở y tế Việt Nam./.