Phát triển kinh tế số: Động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững
Kinh tế số - Ngày đăng : 15:37, 02/10/2024
Phát triển kinh tế số: Động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững
Kinh tế số Việt Nam đã và đang đạt được những bước tiến mạnh mẽ. Tỷ trọng kinh tế số trong GDP Việt Nam vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực. Việt Nam đặt mục tiêu tỷ trọng giá trị gia tăng của kinh tế số/GDP đến năm 2025 đạt 20%, đến năm 2030 đạt 30%.
Chuyển đổi số đang trở thành xu thế tất yếu và là nền tảng quan trọng để Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số. Điều này không chỉ mở ra cơ hội phát triển mới mà còn giúp cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trên trường quốc tế. Chuyển đổi số không chỉ đơn thuần là việc áp dụng các công nghệ kỹ thuật số vào quy trình hoạt động của doanh nghiệp, mà còn là sự thay đổi toàn diện về tư duy, chiến lược và mô hình kinh doanh. Từ chính phủ đến doanh nghiệp, mọi tổ chức đều phải thích ứng và sáng tạo để nắm bắt các cơ hội mà chuyển đổi số mang lại. Đây chính là chìa khóa để Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu trở thành quốc gia phát triển với nền kinh tế số tầm cỡ khu vực ASEAN vào năm 2030.
Để phát triển kinh tế số ở Việt Nam thời gian tới, Chính phủ đã đưa ra một số giải pháp và hành động nhằm phát triển kinh tế số ở tầm chiến lược như: phát triển hạ tầng số; hoàn thiện thể chế phát triển kinh tế số; hoàn thiện chính phủ điện tử, tiến tới chính phủ số; nâng cao kỹ năng số và nguồn nhân lực công nghệ thông tin; phát triển doanh nghiệp số; phát triển đột phá kinh tế số ngành, lĩnh vực thông qua các nền tảng số. Chính phủ định hướng chuyển đổi số năm 2024 là phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số, tạo ra động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
Năm 2024 là năm Việt Nam thương mại hóa, phát triển 5G trên phạm vi toàn quốc để tạo ra hạ tầng cho các ứng dụng số công nghiệp, tạo ra không gian phát triển mới cho các ngành kinh tế. Với tiềm năng ứng dụng và tạo giá trị mới đột phá cho nhiều ngành kinh tế, 5G là 1 hạ tầng số quan trọng với các nền kinh tế, thành tố quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế số, nâng cao sức cạnh tranh của Việt Nam để thu hút nhiều hơn nữa các nhà đầu tư công nghệ cao...
Tại Hội thảo “Chuyển đổi số 2024 - Động lực phát triển kinh tế số Việt Nam” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 30/9/2024 , các chuyên gia khẳng định 5G sẽ mở ra những cơ hội phát triển mạnh mẽ cho các doanh nghiệp và nền kinh tế số của Việt Nam trong thời gian tới. Bà Rita Mokbel, Chủ tịch Ericsson Việt Nam đánh giá so với các quốc gia khác trong khu vực, Việt Nam đang đạt được những bước tiến vượt bậc, đặc biệt là thông qua việc đấu giá tần số 5G. Với việc kí kết các hợp đồng về 5G, Việt Nam sẽ sớm chứng kiến sự triển khai 5G nhanh chóng trên toàn quốc. Sự sẵn có của phổ tần cho phép Việt Nam triển khai 5G nhanh chóng, mang lại lợi ích tức thời cho người tiêu dùng và doanh nghiệp trong nước. 5G là nền tảng cho hiệu quả và tính linh hoạt, giúp nâng cao năng suất, trau dồi kiến thức và tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. Hiện Ericsson đang hợp tác chặt chẽ với các nhà mạng và doanh nghiệp trong nước để phát triển các trường hợp ứng dụng phù hợp với nhu cầu đặc thù của Việt Nam. Đồng thời, hợp tác với các trường đại học PTIT và RMIT để thành lập các phòng thí nghiệm AI, giúp sinh viên có thể trải nghiệm thực tế với 5G và các công nghệ mới nổi. Mục tiêu là ngày càng thu hút nhiều sinh viên hơn, tập trung vào các lĩnh vực như AI, blockchain và điện toán đám mây.
Còn theo ông ông Eric Yeo, Tổng Giám đốc AWS Việt Nam thì năm 2024, các công ty Việt Nam sẽ chi khoảng 803 triệu USD cho điện toán đám mây. Các kỹ năng cần thiết cũng đang được giảng dạy. AWS Việt Nam đã hỗ trợ đào tạo hơn 50.000 nhân viên phát triển kỹ năng đám mây kể từ năm 2017 - điều rất quan trọng cho tương lai kinh tế của Việt Nam. Ngân hàng Quốc tế Việt Nam gần đây đã sử dụng chương trình AWS Skill Builder để đào tạo cho tất cả nhân viên, đảm bảo họ sẵn sàng cho nền kinh tế số mới và được trang bị các kỹ năng về đám mây. TymeX, một công ty FinTech ở Việt Nam phục vụ thị trường ASEAN, đã sử dụng Amazon Q Developer để giúp các nhà phát triển ứng dụng tăng năng suất lên 40% và cải thiện hiệu quả kiểm thử lên 90%, giảm thời gian kiểm thử từ 5 giờ xuống còn 30 phút. Điện toán đám mây mang lại cơ hội vô hạn ở Việt Nam, giúp các công ty chuyển đổi….
Ông Nguyễn Tuấn Huy - Trưởng Ban Chuyển đổi số, Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Thường vụ Ban chấp hành Vinasa khẳng định vai trò quan trọng của chuyển đổi số trong việc hình thành nền kinh tế số ở Việt Nam. Mục tiêu của chuyển đổi số là tăng cường hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, tăng cường năng suất lao động, hiệu suất làm việc và nâng cao chất lượng dịch vụ cho khách hàng; là tối ưu hoá các quy trình nghiệp vụ của doanh nghiệp trong tất cả các bộ phận hoạt động loại bỏ các công việc không đem lại giá trị cho doanh nghiệp.
Ông Hoàng Viết Tiến, Phó Tổng Thư ký, Hội Truyền thông số Việt Nam nhận định, Internet Việt Nam đã trải qua rất nhiều giai đoạn phát triển, chuyển đổi số, kinh tế số, thị trường số, đặc biệt là sự phát triển của AI trong vài năm tới sẽ như vũ bão. Đồng hành với sự phát triển đó, cần có nền tảng, đặc biệt là các giải pháp hỗ trợ phát triển hạ tầng số. Trong giai đoạn tới, để triển khai chuyển đổi số và hạ tầng số thành công, cần 3 nhà: nhà quản lý, nhà mạng, đơn vị cung cấp giải pháp và người dùng cuối. Chính sách phát triển hạ tầng số là một bài toán lớn, chiến lược của đất nước. Vì vậy bài toán đó không thể giải quyết ngay được mà phải thực hiện từng bước, sao cho phù hợp với thị trường, phù hợp với từng bên liên quan.