Nâng tầm giá trị nông sản vùng cao

Truyền thông - Ngày đăng : 07:55, 08/10/2024

Hướng đến nền nông nghiệp bền vững, đa giá trị, cùng với việc tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp lợi thế của từng vùng, nhiều địa phương vùng cao đã bước đầu thành công đưa nông sản bay cao, bay xa...
Truyền thông

Nâng tầm giá trị nông sản vùng cao

T.H 08/10/2024 07:55

Hướng đến nền nông nghiệp bền vững, đa giá trị, cùng với việc tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp lợi thế của từng vùng, nhiều địa phương vùng cao đã bước đầu thành công đưa nông sản bay cao, bay xa...

Với Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam chủ trương đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi từ “tư duy sản xuất” sang “tư duy kinh tế”, hướng tới những “giá trị xanh”. Trong xu hướng đó, sản xuất nông nghiệp ở vùng cao cũng đã từng bước chuyển mình, không chạy theo số lượng mà đi vào những loại cây trồng có giá trị cao.

Hiện nay, nền kinh tế toàn cầu mới đòi hỏi các sản phẩm nông nghiệp phải được sản xuất một cách có trách nhiệm, đặc biệt là trong việc bảo tồn đa dạng sinh học và giảm phát thải để giảm thiểu và thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu. Với sự hỗ trợ của Nhà nước và chính quyền địa phương, đồng bào các dân tộc miền núi đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bước đầu đem lại hiệu quả tích cực, nông nghiệp của địa phương vùng cao đang dần khởi sắc.

nong-san-1-.jpg
Giới thiệu sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương vùng cao. (Ảnh Internet)

Mỗi địa phương ghi dấu bằng sản phẩm OCOP đặc trưng

Phát triển nông nghiệp bền vững, gắn với thực hiện các mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia, đối với các tỉnh miền núi phía Bắc không thể đi vào sản lượng mà phải đi vào những loại cây trồng có giá trị cao, là loại cây trái vụ và khác biệt so với địa phương khác, quốc gia khác thì mới thắng lợi được. Như tỉnh Lai Châu, lựa chọn phát triển cây mắc ca, chè, chuối..., giảm một số loại cây khác; gắn các doanh nghiệp từ khâu sản xuất tới khâu chế biến.

Xu hướng hình thành các hợp tác xã tham gia liên kết sản xuất có sự chuyển biến rõ rệt. Phong trào xây dựng mỗi xã một sản phẩm (OCOP) có sự phát triển rõ nét về cả quy mô và chất lượng sản phẩm. Nhiều sản phẩm OCOP đặc hữu của Lai Châu đã được thị trường trong và ngoài tỉnh đón nhận, như gạo, mắc ca, chè, miến dong, thịt sấy các loại, mật ong, đông trùng hạ thảo, du lịch cộng đồng… Đến nay toàn tỉnh có 16 trang trại; 155 tổ hợp tác và 143 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; đã hướng dẫn cho 18 đơn vị xác lập quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có 10 đơn vị đã được cấp văn bằng bảo hộ; tư vấn hỗ trợ cho 46 đơn vị đăng ký mã số, mã vạch với 97 sản phẩm được công bố tiêu chuẩn cơ sở. Thực hiện chứng nhận cho 111 sản phẩm OCOP, nâng tổng số sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh lên 158 sản phẩm...

Tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2022 - 2030 tập trung phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, thích ứng biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Cùng với đó, tỉnh sẽ cơ cấu lại sản xuất, trồng trọt theo nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và nhóm sản phẩm chủ lực địa phương gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Theo đó, tỉnh Lào Cai sẽ tập trung quy hoạch, phát triển vùng sản xuất hàng hóa, với 6 ngành hàng chủ lực, gồm: Chè, dược liệu, chuối, dứa, quế, chăn nuôi lợn; 2 lĩnh vực là phát triển kinh tế đồi rừng và ngành hàng tiềm năng địa phương. Khuyến khích liên kết, tập trung đất đai, hình thành vùng nguyên liệu tập trung, cung cấp nguyên liệu bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng cho cơ sở chế biến.

Nông sản Lào Cai đang hướng tới thị trường xuất khẩu, đồng thời phát triển nông nghiệp hữu cơ nhằm tạo ra sản phẩm nông sản an toàn có giá trị dinh dưỡng cao góp phần cải tạo bảo vệ môi trường sinh thái… Đây là chủ trương lớn gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát huy lợi thế so sánh của địa phương trong tỉnh.

Hay như tỉnh Tuyên Quang, mô hình liên kết chuỗi sản xuất - tiêu thụ dưa chuột đã giúp cải thiện đáng kể thu nhập của nông dân, đồng thời đóng góp vào sự phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững của địa phương.

Thông qua chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dưa chuột, người nông dân từng bước làm quen với phương thức trồng thâm canh cây dưa chuột, để nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế tăng thu nhập, sản xuất hàng hoá theo chuỗi giá trị gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác, tạo được công ăn việc làm ổn định cho người dân địa phương, góp phần thiết thực phát triển kinh tế khu vực nông thôn.

Điện Biên cũng là tỉnh có nhiều tiềm năng, thế mạnh phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực như: lúa gạo, chè, cà phê, mắc ca, cây ăn quả. Hướng tới xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững, tỉnh Điện Biên đã tập trung phát triển nông sản chủ lực gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào các dự án liên kết sản xuất, chế biến và bao tiêu sản phẩm.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Nhiều sản phẩm sản xuất theo chuỗi, đem lại giá trị kinh tế cao cho người sản xuất và bảo đảm thực phẩm chất lượng đến tay người tiêu dùng. Tính đến nay toàn tỉnh đã có 54 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, được sản xuất với gần 30 chủ thể sản xuất. Các sản phẩm OCOP đã đóng góp tích cực vào xóa đói giảm nghèo và kết quả tăng trưởng kinh tế chung toàn tỉnh…

Nâng tầm giá trị nông sản vùng cao

Hướng đến nền nông nghiệp bền vững, đa giá trị, cùng với việc tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp lợi thế của từng vùng, các địa phương đang chú trọng xây dựng và phát triển các nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận trong đó có sử dụng tên địa danh trên địa bàn - đây được xem là “chìa khóa” để “định danh” và nâng tầm giá trị nông sản.

Hiện nay chính quyền các cấp luôn chú trọng hỗ trợ nông dân đầu tư hạt giống, cây trồng, vật nuôi; thay đổi phương thức sản xuất hướng đến nền nông nghiệp xanh bền vững; tích cực chủ động xây dựng chuỗi liên kết vùng và mô hình liên kết hợp tác xã; đẩy mạnh chuỗi phân phối sản phẩm trong các siêu thị và trung tâm thương mại ở các thành phố lớn…

Đồng thời, nắm bắt xu thế về công nghệ số, những năm gần đây, nhiều hộ nông dân vùng cao đã từng bước tiếp cận, nắm bắt cơ hội trong việc quảng bá giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, giúp nhà nông thay đổi nhận thức, cách làm truyền thống, phát huy lợi thế, tạo đột phá để đưa sản phẩm nông nghiệp vươn xa tới các thị trường lớn.

Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực nông nghiệp đã giúp cho địa bàn vùng cao tận dụng được những cơ hội tiếp cận khách hàng, vừa hướng tới sự phát triển một cách bền vững; giúp cho những sản vật đặc sản vùng cao đến được với những thị trường lớn giúp các xã vùng cao phát triển kinh tế.

Để tạo lực đẩy cho nông sản, hàng hóa của địa phương vươn xa hơn trên thị trường, những năm gần đây các địa phương đã đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất - kinh doanh tham gia nhiều hội chợ, triển lãm kết nối cung - cầu, giới thiệu sản phẩm. Với các sản phẩm OCOP, các địa phương phối hợp với Sở Công thương hỗ trợ các chủ thể duy trì hoạt động mua bán trên sàn thương mại điện tử; tạo gian hàng và đăng bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử uy tín như: Lazada, Tiki, Shopee, Voso, PostMart…

Bên cạnh đó, nhiều trường hợp người dân trước kia chưa có khái niệm về bán hàng, kinh doanh online nhưng đến nay đã có doanh thu lên đến hàng trăm triệu đồng từ việc đưa đặc sản của quê hương lên nền tảng số. Việc phát triển kinh tế số đã thay đổi hoàn toàn nhận thức, cách làm truyền thống của người dân, hộ gia đình về tiêu thụ sản phẩm trên không gian số, mở rộng không gian tiêu thụ sản phẩm ra toàn quốc và các nước trên thế giới./.

T.H