Bộ TT&TT sẽ sớm ban hành Khung triển khai dịch vụ công trực tuyến

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 08:06, 09/10/2024

Phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số đang được chú trọng, đẩy mạnh, triển khai, bước đầu thu được những kết quả tích cực.
Chuyển đổi số

Bộ TT&TT sẽ sớm ban hành Khung triển khai dịch vụ công trực tuyến

Nhật Minh 09/10/2024 08:06

Phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số đang được chú trọng, đẩy mạnh, triển khai, bước đầu thu được những kết quả tích cực.

Theo báo cáo về tình hình chuyển đổi số (CĐS) quốc gia quý III năm 2024 của Bộ TT&TT, các nội dung đang được tập trung triển khai, gồm: hoàn thiện thể chế, chính sách; công tác lãnh đạo, điều hành; hạ tầng số; cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT); nền tảng số; kinh tế số; xã hội số; an toàn thông tin (ATTT)… thể hiện một phần bức tranh sáng màu đối với việc thực hiện nhiệm vụ quan trọng trên.

Các bộ, ngành, địa phương đã ban hành danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung

Theo đó, trong bức tranh tổng quan này, kết quả nổi bật chính là: Việc cung cấp DVCTT toàn trình, tính đến tháng 9/2024, đạt tỷ lệ 55,5%, (khối Bộ đạt tỷ lệ 59,7%, khối tỉnh đạt tỷ lệ 55,4%); 4 địa phương ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông (TT&TT) thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Bộ TT&TT đã ban hành Khung phát triển hạ tầng số…

Đặc biệt, việc sử dụng các nền tảng, hệ thống phục vụ công tác quản lý, điều hành, tác nghiệp trong cơ quan nhà nước (CQNN) giữa các Bộ, ngành, địa phương trên môi trường số đã được kết nối thông suốt qua Trục liên thông văn bản quốc gia (100%).

Cùng với đó, các Bộ, ngành, địa phương đã hoạch định rõ và ban hành danh mục cơ sở dữ liệu (CSDL) dùng chung của mình với tổng số gần 3.000 CSDL. Tính đến tháng 9/2024 đã có 10 địa phương ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược dữ liệu quốc gia đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh: Hải Dương, Sơn La, Hà Giang, Lạng Sơn, Nghệ An, Ninh Thuận, Thừa Thiên - Huế, Yên Bái, Hà Nam, Đắk Lắk.

Và trong 9 tháng đầu năm 2024, số lượng văn bản điện tử gửi, nhận trên Trục là trên 8 triệu văn bản.

Kết quả ấn tượng nữa là Cổng DVC quốc gia đã có hơn 85 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 23,1 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng; hơn 13,5 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 7.312 tỷ đồng; Cổng đã kết nối, tích hợp với 150 hệ thống thông tin (HTTT), CSDL của các cơ quan, đơn vị; công khai toàn bộ 6.287 TTHC, trong đó có 4.456 DVCTT; hơn 362 triệu hồ sơ đồng bộ (tăng 1,49 lần so với cùng kỳ); 60,8 triệu hồ sơ thực hiện trực tuyến từ Cổng (tăng 2,19 lần so với cùng kỳ)…

Cùng với đó, có 63/63 địa phương, 13/20 bộ, ngành hoàn thành việc kết nối Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên HTTT giải quyết TTHC cấp Bộ, cấp tỉnh với Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Cổng.

Chưa dừng lại, kết quả ghi nhận nữa được tạo ra nữa chính là: Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tại các Bộ, ngành đạt 45,14%, tại các địa phương đạt 65,38%; tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng tại các Bộ, ngành đạt 45,48%, tại các địa phương đạt 67,2%; tỷ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin dữ liệu số hóa tại các Bộ, ngành đạt 1,29%, tại các địa phương đạt 13,15%...

Ở lĩnh vực phát triển kinh tế số đạt kết quả: Doanh thu công nghiệp công nghệ số Việt Nam 9 tháng năm 2024 đạt 118 tỷ USD, tăng 17,78% so với 9 tháng đầu năm 2023; doanh thu từ hoạt động phần mềm và dịch vụ công nghiệp số là 6,64 tỷ USD, tăng 9,86% so với 9 tháng năm 2023.

Hơn nữa, kinh tế số ngành, lĩnh vực được đẩy mạnh như việc triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đối với nhiều lĩnh vực cuộc sống; việc chi trả an sinh xã hội qua tài khoản an sinh xã hội được nhiều ngân hàng triển khai; dịch vụ Mobile Money đã đạt được những mục tiêu tích cực…

dvctt.jpg
Trong thời gian tới, các đơn vị cần tập trung xây dựng đề án CĐS mang tính đột phá cho ngành, lĩnh vực, địa phương mình dúng theo yêu cầu, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 16/9/2024.

Đối với lĩnh vực phát triển xã hội số, tính đến tháng 9/2024, toàn quốc đã cấp 87,7 triệu thẻ Căn cước công dân gắn chip; thu nhận trên 78,3 triệu hồ sơ định danh điện tử; kích hoạt trên 57,1 triệu tài khoản.

Đặc biệt, việc phổ cập kỹ năng số cho cán bộ công chức và người dân (từ 01/01/2023 đến 15/9/2024) đã được Bộ TT&TT đẩy mạnh thông qua: Tổ chức 10 khóa bồi dưỡng về CĐS; Hỗ trợ 15 bộ, ngành, 49 địa phương sử dụng miễn phí Nền tảng MOOCS; tổ chức 2 khóa học miễn phí cho người dân về kỹ năng số cơ bản và kỹ năng an toàn thông tin trên môi trường số…

Ở lĩnh vực an toàn thông tin (ATTT), tính đến tháng 9/2024, tổng số HTTT của các CQNN là 7.881 hệ thống, trong đó số HTTT được phân loại và thực hiện bảo vệ theo cấp độ là 6.446 hệ thống, đạt tỷ lệ 81,8%, tăng 19,1% so với cùng kỳ tháng năm 2023…

Chất lượng cung cấp DVCTT chưa đồng đều

Tuy nhiên, trong bức tranh sáng màu tích cực trên, theo Bộ TT&TT, cũng có những hạn chế, tồn tại, đó là chất lượng cung cấp DVCTT giữa các cơ quan, đơn vị vẫn chưa đồng đều.

“Kết quả giải quyết TTHC được số hóa chưa cao, các bộ, ngành mới đạt 43,5%, các địa phương mới đạt 61%; tỷ lệ hồ sơ thực hiện DVCTT toàn trình của địa phương mới đạt khoảng 18%; việc tái sử dụng dữ liệu để người dân chỉ cung cấp thông tin 1 lần ở địa phương đạt 12,3%; ở Bộ, ngành đạt 1,3%...”.

Bên cạnh đó, HTTT giải quyết TTHC cấp bộ, tỉnh và Cổng DVC quốc gia khi hoạt động vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập. Trong đó, có 60 Cổng DVC chưa đạt ở tiêu chí về bảo vệ dữ liệu cá nhân, quyền riêng tư; 39 Cổng DVC chưa đạt ở tiêu chí về mức độ tiếp cận đối với người khuyết tật.

Chưa có nhiều cơ quan quản lý nhà nước triển khai cắt giảm và thực hiện TTHC nội bộ trên môi trường điện tử; còn 9/22 bộ, ngành chưa hoàn thành việc nâng cấp, hoàn thiện HTTT giải quyết TTHC đáp ứng yêu cầu số hóa và kết nối, chia sẻ dữ liệu dữ liệu với CSDL quốc gia về dân cư; còn 7 Bộ, ngành chưa hoàn thành việc kết nối Kho quản lý dữ liệu điện tử với Cổng DVC quốc gia; còn 27/63 địa phương chưa hoàn thành kết nối để triển khai 2 nhóm DVC liên thông điện tử về khai sinh, khai tử…

Cũng theo tổng hợp của Bộ TT&TT, vẫn còn nhiều vùng “lõm sóng” (toàn quốc còn 761 thôn lõm sóng); còn 3.551 thôn chưa có cáp quang đến thôn; vẫn nhiều bộ, ngành, địa phương chưa triển khai đầy đủ phương án bảo đảm an toàn HTTT theo cấp độ (43.5%), triển khai đầy đủ phương án bảo đảm ATTT (dưới 50%)…

Trước những tồn tại, hạn chế trên, Bộ TT&TT đã nêu một số đề xuất, khắc phục. Theo đó, để tăng tính hiệu quả của việc thực hiện nhiệm vụ, trong thời gian tới: Bộ TT&TT sớm hoàn thiện và ban hành Khung triển khai DVCTT; các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các chỉ đạo, kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị chuyên đề về “Nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng DVCTT” được Uỷ ban Quốc gia về CĐS tổ chức tháng 8/2024 tại Đà Nẵng...

Các bộ, ngành, địa phương tích cực tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng để các DN viễn thông phủ sóng các vùng lõm đưa cáp quang tới các thôn bản, đáp ứng nhu cầu của các hộ gia đình; các địa phương phối hợp với Bộ TT&TT xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai phát triển DN công nghệ số đến năm 2025 tại địa phương; các địa phương tập trung chỉ đạo thúc đẩy sử dụng chữ ký số để giảm bớt thời gian, thủ tục giấy tờ của người dân.

Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh triển khai thực hiện các kế hoạch, văn bản chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về ATTT mạng, đặc biệt là Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 23/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tuân thủ quy định pháp luật và tăng cường bảo đảm an toàn HTTT theo cấp độ và Công điện số 33/CĐ-TTg ngày 07/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường bảo đảm ATTT mạng.

Đồng thời, báo cáo nhấn mạnh đến việc các đơn vị cần tập trung xây dựng đề án CĐS mang tính đột phá cho ngành, lĩnh vực, địa phương mình dúng theo yêu cầu, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 16/9/2024./.

Nhật Minh