Cần đẩy mạnh xây dựng hệ sinh thái ngư nghiệp bền vững
Truyền thông - Ngày đăng : 07:07, 09/10/2024
Cần đẩy mạnh xây dựng hệ sinh thái ngư nghiệp bền vững
Hiện nay, ngư nghiệp đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, nên việc xây dựng hệ sinh thái biển cần được đẩy mạnh hơn bao giờ hết bởi đây là yếu tố quan trọng cho sự phát triển bền vững.
Ngành ngư nghiệp hay còn gọi là ngành thủy hải sản. Tại Việt Nam hiện nay, ngành thủy hải sản đang phải đối mặt với rất nhiều những thách thức do điều kiện tự nhiên (đặc biệt là biến đổi khí hậu); ảnh hưởng của biến động thế giới về chính trị, kinh tế, xã hội; giá cả một số hàng hóa, vật tư đều ở mức cao, chi phí logistic cao gây áp lực đối với hoạt động sản xuất; việc ứng dụng tiến bộ công nghệ, kỹ thuật còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của ngành; tổ chức liên kết trong khai thác và nuôi trồng còn hạn chế …
Để thúc đẩy ngành thủy hải sản phát triển bền vững, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với quan điểm là phát triển thủy sản thành ngành kinh tế quan trọng của quốc gia, sản xuất hàng hóa lớn gắn với công nghiệp hóa - hiện đại hóa, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; có cơ cấu và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; có thương hiệu uy tín, khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế; đời sống vật chất tinh thần của người dân không ngừng nâng cao, bảo đảm an sinh xã hội; góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Vì vậy, chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng hệ sinh thái biển, bởi đây là yếu tố quan trọng cho sự phát triển bền vững. Trong đó cần tập trung vào các vấn đề: Bảo vệ môi trường biển; Hỗ trợ hoạt động nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ; Tạo thêm sinh kế nâng cao mức sống ngư dân…
Bảo vệ môi trường biển gắn với Tạo sinh kế cho người dân
Việt Nam đang đứng trước những thách thức gay gắt về bảo vệ, khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường biển; về tình trạng ô nhiễm môi trường biển… Vì vậy, việc bảo vệ an ninh biển, đảo, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ thường xuyên, trọng yếu của Đảng, Nhà nước và của toàn dân.
Trước tiên chúng ta cần kiểm soát hiệu quả bảo tồn các hệ sinh thái biển trước tác động của các nguồn gây ô nhiễm môi trường bằng biện pháp áp dụng các công cụ kinh tế và chính sách trong quản lý môi trường biển, như: lệ phí ô nhiễm, lệ phí xả thải, phí sử dụng biển, phí sản phẩm, lệ phí hành chính thuế, cấp phép và thu hồi Giấy phép khai thác, sử dụng biển, đảo, các quỹ môi trường biển và các khoản trợ cấp khác…
Cần đẩy mạnh hơn nữa sự liên kết phối hợp liên tỉnh, liên vùng và liên ngành chặt chẽ, hiệu quả trong việc kiểm soát các hoạt động khai thác và làm suy kiệt hệ sinh thái biển, kiểm soát các nguồn trực tiếp gây ô nhiễm, suy thoái môi trường vùng biển ven bờ, đặc biệt là nguồn thải từ các khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, cơ sở nuôi trồng, chế biến thủy sản, hoạt động thương mại, dịch vụ… dọc theo bờ biển, trên các đảo, cụm đảo; bảo đảm nước thải phải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra biển.
Bên cạnh đó, các địa phương cần tìm và lựa chọn các phương thức làm ăn đa dạng cho ngư dân, như chú trọng phát triển du lịch hoặc các dịch vụ thay thế khác, giúp các thế hệ tương lai của ngư dân có thêm các phương thức kiếm sống, thay vì chỉ khai thác hải sản như hiện nay. Nguồn sinh kế của các địa phương ven biển chủ yếu là canh tác, nuôi trồng và đánh bắt thủy, hải sản, do đó, các biện pháp thích ứng cũng được xác định và tiếp cận theo từng lĩnh vực.
Cụ thể, trong đánh bắt cá và nuôi trông thủy sản, cần chú ý các quy định xử lý nước thải nhằm tránh tình trạng phát sinh dịch bệnh gây thiệt hại lớn. Hướng dẫn các hộ dân cách tiếp cận tín dụng, bảo hiểm và các dịch vụ tài chính một cách hiệu quả, thiết lập mô hình liên kết giữa các xã, các vùng chịu tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu để trao đổi thông tin và các bài học kinh nghiệm.
Việc áp dụng mô hình, phương thức quản lý tổng hợp vùng bờ để giải quyết các vấn đề yếu kém, tồn tại trong quản lý; khai thác và sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường vùng bờ tại các địa phương, từ đó từng bước nâng cao khả năng thích ứng biến đổi khí hậu và nước biển dâng trong tương lai. Giải pháp này phải đặt ở vị trí ưu tiên cao bởi nó có hiệu quả ngay cả khi biến đổi khí hậu và nước biển dâng không xảy ra, góp phần vào việc sử dụng hiệu quả tài nguyên, dịch vụ của các hệ sinh thái biển, giúp từng bước tiếp cận nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường.
Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ lĩnh vực thủy sản
Theo Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sản lượng thủy sản Việt Nam đã duy trì tăng trưởng liên tục trong 20 năm qua với mức tăng bình quân 9,07%/năm. Hoạt động nuôi trồng thủy sản đã có những bước phát triển mạnh, sản lượng liên tục tăng cao trong các năm qua, bình quân đạt 12,77%/năm, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng tổng sản lượng thủy sản của cả nước. Kết quả này có sự đóng góp rất lớn của khoa học công nghệ (KHCN).
KHCN đã góp một phần không nhỏ, giúp duy trì năng lực nuôi trồng, chế biến, cung cấp đa dạng thủy sản cho thế giới và trong nước. Theo đó, hoạt động điều phối các chương trình nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ lĩnh vực thủy sản ở các cấp đã phát huy tốt. Nguồn lực KHCN của các cơ quan thuộc Chính phủ và doanh nghiệp cũng đã được huy động và sử dụng một cách có hiệu quả. Một số tiến bộ về kỹ thuật và công nghệ trong nuôi trồng thủy sản (NTTS), nổi bật như: Công nghệ sản xuất giống các đối tượng nuôi chủ lực đã được cải thiện, ổn định đáp ứng nhu cầu thị trường. Công nghệ nuôi tiên tiến thế giới như nuôi tuần hoàn, nuôi nước chảy, nuôi trong nhà, kỹ thuật biofloc… được ứng dụng rộng rãi. Đặc biệt, công nghệ biofloc được ứng dụng rộng rãi ở các địa phương ven biển để nuôi tôm nước lợ mang lại hiệu quả kinh tế cao và phòng chống được một số bệnh trên tôm nuôi, giảm ô nhiễm môi trường...
Bên cạnh đó, Công nghệ giám sát, quản lý môi trường vùng nuôi và phòng trị dịch bệnh trên thủy sản nuôi đã được cải thiện, thiệt hại do sự cố môi trường và dịch bệnh đã giảm đến 70% so với giai đoạn 2012-2014. Thông qua việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, chi phí sản xuất đã giảm đáng kể, đặc biệt là chi phí thức ăn và hóa chất, công nghệ nuôi sạch, không sử dụng kháng sinh, chất cấm đã được ứng dụng phổ biến tạo ra các sản phẩm sạch, an toàn cho người dùng.
Ngoài ra, việc đầu tư đổi mới trang thiết bị, ứng dụng công nghệ chế biến ở trình độ cao đã có bước phát triển vượt bậc. Theo đó, trình độ công nghệ chế biến sản phẩm thủy sản đông lạnh của Việt Nam được đánh giá là tiên tiến so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Việc nghiên cứu, tiếp nhận chuyển giao công nghệ và áp dụng thành công các công nghệ thu gom, xử lý, sản xuất, chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng từ phế phụ phẩm thủy sản cũng được đầu tư, nghiên cứu… Nhờ áp dụng ứng dụng KHCN trong NTTS, đến nay, nhiều mô hình nuôi tôm, cá công nghệ cao xuất hiện ngày một nhiều hơn ở các địa phương như: Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bạc Liêu, Bình Thuận… Điển hình như mô hình nuôi tôm trên cát công nghệ cao tại xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh cho thu nhập hàng tỷ đồng/năm.
Thời gian tới, để tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi trồng thủy sản ở nước ta, cần tăng cường hơn nữa hoạt động phổ biến thông tin khoa học công nghệ cũng như tập huấn, nâng cao năng lực cho người dân để đáp ứng yêu cầu tiếp nhận các thành quả nghiên cứu khoa học công nghệ vào lĩnh vực thủy sản; đồng thời, cần nâng cao trình độ, năng lực nghiên cứu, ứng dụng khoa học-công nghệ trong ngành thủy sản. Trong đó, vấn đề cần quan tâm đầu tiên là con giống, sau đó là công tác nghiên cứu về dịch bệnh thủy sản - yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả và sự phát triển bền vững của ngành thủy sản.
Đồng thời, ngành thủy hải sản cần tiếp tục chủ động, tích cực hợp tác, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có hoạt động nghiên cứu khoa học để nhận chuyển giao, áp dụng công nghệ sản xuất giống, phòng trị bệnh, dịch vụ thú y thủy sản, hỗ trợ nghiên cứu thị trường. Triển khai xây dựng công trình hạ tầng, giám sát môi trường nuôi nhằm tạo điều kiện đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào sản xuất để kiểm soát dịch bệnh, môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản. Tiếp tục khuyến khích phát triển các mô hình sản xuất trang trại cũng như hình thành các hợp tác xã chuyên ngành thủy sản để xây dựng thương hiệu, tạo mối liên kết tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị…/.