Chuyển đổi số góp phần phát triển kinh tế số tại Vĩnh Phúc

Kinh tế số - Ngày đăng : 13:56, 09/10/2024

Tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong chuyển đổi số, góp phần phát triển kinh tế số.
Kinh tế số

Chuyển đổi số góp phần phát triển kinh tế số tại Vĩnh Phúc

Bình Minh 09/10/2024 13:56

Tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong chuyển đổi số, góp phần phát triển kinh tế số.

Nhiều kết quả nổi bật trong chuyển đổi số

Việc chú trọng đầu tư, phát triển hạ tầng số và nền tảng số cùng nhiều giải pháp đồng bộ khác trong nhiều năm qua đem lại những kết quả nổi bật trong chuyển đổi số (CĐS) tại Vĩnh Phúc. Kết quả CĐS 6 tháng đầu năm 2024 của nhiều sở, ngành tại Vĩnh Phúc đã minh chứng rõ nét.

Cụ thể, Công an tỉnh đã chỉ đạo triển khai Tổ công tác Đề án 06+ CĐS các cấp. Trong đó, cấp thôn là nòng cốt trong hướng dẫn người dân cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử cũng như hướng dẫn sử dụng ứng dụng VneID.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 713.860 tài khoản định danh điện tử được kích hoạt (mức 1 là: 56.254 tài khoản, mức 2 là: 657.606 tài khoản), trên tổng số 977.829 công dân trên 14 tuổi, đạt 73% người dân đủ điều kiện, là một trong những tỉnh có tỷ lệ kích hoạt tài khoản định danh điện tử cao cả nước.

Nền tảng quản lý lưu trú được triển khai tại các khách sạn, căn hộ, biệt thự, nhà nghỉ, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê, nhà trọ, nhà khách, nhà công vụ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc theo mô hình của Đề án 06.

anh-bo-sung-bai-vinh-phuc.jpg
Cổng dữ liệu mở tỉnh Vĩnh Phúc được truy cập dễ dàng từ các thiết bị cầm tay thông minh. (Ảnh: BM)

Trong lĩnh vực giáo dục, 100% các cơ sở giáo dục sẵn sàng triển khai nền tảng dạy học trực tuyến trong công tác dạy và học khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra; 100% các cơ sở giáo dục khai thác, sử dụng các kho học liệu trực tuyến dùng chung trên các nền tảng số (vinhphuc.violet.vn); 100% các cơ sở giáo dục sử dụng nền tảng số để thông tin, liên lạc với phụ huynh về tình hình học tập của học sinh, bao gồm cả ứng dụng mạng xã hội; 100% các cơ sở giáo dục khai thác, sử dụng các kho học liệu trực tuyến dùng chung trên các nền tảng số (igiaoduc.vn; https://itrithuc.vn; vinhphuc.violet.vn).

Trong khi đó, trong lĩnh vực y tế, Sở Y tế Vĩnh Phúc thường xuyên tạo lập và cập nhật dữ liệu trên Hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân trên địa bàn tỉnh. Tính đến ngày 12/6/2024, đã tạo lập được 1.210.986 hồ sơ sức khỏe cá nhân chiếm trên 96% tổng dân số trên địa bàn tỉnh. Triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp và ứng dụng VneID, 100% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã thực hiện nâng cấp phần mềm khám chữa bệnh HIS và đầu tư thiết bị để phục vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp hoặc ứng dụng VneID.

Theo báo cáo của các đơn vị khám, chữa bệnh, tổng số lượt khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh là 559.828 lượt. Trong đó có 259.399 khám chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chíp, 1.213 lượt khám chữa bệnh bằng VneID.

Các ngành khác như Ngân hàng Nhà nước tỉnh Vĩnh Phúc, Cục thuế tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh... đều có những kết quả tích cực khác về CĐS trong 6 tháng đầu năm 2024.

Đề xuất ba giải pháp để tiếp tục đẩy nhanh chuyển đổi số

Thực tiễn triển khai CĐS tại Vĩnh Phúc đã thu hút sự quan tâm, tìm hiểu, nghiên cứu về mô hình triển khai. Tại Hội thảo Quốc gia về CĐS - cơ hội, thách thức và giải pháp phát triển kinh tế số, do Trường Đại học Kinh tế quốc dân và Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp tổ chức cuối năm 2023, bà Trần Thị Bích Hạnh (Viện Công nghệ thông tin và Kinh tế số, Đại học Kinh tế Quốc dân) đã có những phân tích và đề xuất về địa phương này.

Theo phân tích về 5 trụ cột chính về CĐS tại Vĩnh Phúc, trong đó từ những thông số cụ thể về tình hình CĐS tại địa phương này, ThS Trần Thị Bích Hạnh nêu ba giải pháp đẩy nhanh CĐS.

2982024cdpttcds01.jpg
Cán bộ Bộ phận một cửa UBND thị trấn Tam Sơn, huyện Sông Lô hướng dẫn người dân nộp hồ sơ thủ tục hành chính trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. (Ảnh: Vinhphuc.gov.vn)

Thứ nhất, đưa chương trình phổ biến kiến thức về CĐS vào các cơ sở đào tạo. Đây là giải pháp kết hợp cơ hội và thách thức (OT), trên cơ sở tỉnh đã có chính sách thu hút nhân sự ngành CNTT mà sinh viên CNTT tốt nghiệp không muốn trở về quê hương làm việc nên cần đưa chương trình phổ biến kiến thức về CĐS vào các trường đào tạo chuyên nghiệp, dạy nghề trên địa bàn tỉnh nhầm thực hiện mục tiêu lan tỏa tiến trình CĐS.

Thứ hai, tăng cường hệ thống truyền thanh cơ sở. Đây là giải pháp tận dụng điểm mạnh thành cơ hội (SO), phát triển hệ thống truyền thanh cơ sở, nâng cấp đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, triển khai hệ thống truyền thanh cơ sở ứng dụng CNTT, truyền thông, CĐS hệ thống truyền thanh cơ sở; Triển khai các kênh tương tác trực tuyến, tăng cường sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, giám sát hoạt động xây dựng, thực thi chính sách pháp luật, ra quyết định của cơ quan nhà nước.

Thứ ba, nâng cấp hạ tầng CĐS. Đây là giải pháp cải thiện điểm yếu thành cơ hội (WO), đẩy mạnh phát triển hạ tầng kết nối số cho người dân, đẩy mạnh tốc độ phủ mạng cáp quang, mạng di động băng thông rộng đến tất cả các thôn, tổ dân phố, tăng tỷ lệ người dùng internet, nâng cao dung lượng kết nối và chất lượng dịch vụ mạng băng thông rộng; Thúc đẩy phát triển không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh, xây dựng các chương trình khuyến khích ứng dụng trong xã hội, đưa dịch vụ tài chính ngân hàng đến gần hơn những đối tượng chưa có khả năng tiếp cận hoặc chưa được ngân hàng gần hơn những đối tượng chứng đạo của công nghệ như thanh toán di động, cho vay tiêu dùng.

Tại Hội nghị khai trương Cổng dữ liệu mở tỉnh Vĩnh Phúc và giới thiệu một số giải pháp CĐS diễn ra ngày 4/10, do Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Vĩnh Phúc tổ chức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Việt Văn đề nghị các cấp, các ngành, đặc biệt là doanh nghiệp và người dân cần chia sẻ kinh nghiệm, cách làm sáng tạo và học hỏi lẫn nhau. Từ đó, tạo ra môi trường đổi mới, sáng tạo và thúc đẩy hợp tác giữa các bên, dám làm, dám thử nghiệm và không ngừng cải thiện để hoàn thiện và phát triển.

Chia sẻ một số kinh nghiệm hay, cách làm mới trong triển khai CĐS tại một số bộ, ngành, địa phương, quyền Cục trưởng Cục CĐS quốc gia - Bộ TT&TT Hồ Đức Thắng nêu các ví dụ như xây dựng cơ sở dữ liệu ngành Nông nghiệp và ứng dụng số vào ngành nông nghiệp; ứng dụng công dân số, giải pháp và kinh nghiệm triển khai; thực tế ảo - Mobifone VR360; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; camera Al phục vụ giám sát an ninh, quản lý, xử lý vi phạm giao thông...

Sở TT&TT Vĩnh Phúc và Công ty cổ phần CNTT Toàn Cầu Xanh đã ra mắt cổng dữ liệu tại địa chỉ http://opendata.vinhphuc.gov.vn. Theo Sở TT&TT Vĩnh Phúc, đây là đầu mối duy nhất của tỉnh trên Internet để các cơ quan Nhà nước của tỉnh công bố, công khai, chia sẻ dữ liệu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; cung cấp các dịch vụ dữ liệu đến cộng đồng nhằm thúc đẩy phát triển dịch vụ số dựa trên dữ liệu; kết nối liên thông với các hệ thống dùng chung của tỉnh, liên thông với Cổng dữ liệu quốc gia./.

Bình Minh