Hơn 90% DN vừa và nhỏ, siêu nhỏ không thể xuất khẩu nếu không có TMĐT

Kinh tế số - Ngày đăng : 16:21, 09/10/2024

Giá trị xuất khẩu thương mại điện tử B2C Việt Nam năm 2023 đạt 86 nghìn tỷ đồng, trong đó các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ đóng góp 26%. Đáng chú ý, 93% các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ được khảo sát cho rằng họ không thể xuất khẩu nếu không có thương mại điện tử.
Kinh tế số

Hơn 90% DN vừa và nhỏ, siêu nhỏ không thể xuất khẩu nếu không có TMĐT

Anh Minh {Ngày xuất bản}

Giá trị xuất khẩu thương mại điện tử B2C Việt Nam năm 2023 đạt 86 nghìn tỷ đồng, trong đó các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ đóng góp 26%. Đáng chú ý, 93% các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ được khảo sát cho rằng họ không thể xuất khẩu nếu không có thương mại điện tử.

Ngày 9/10, Amazon Global Selling Việt Nam đã tổ chức Hội nghị TMĐT Xuyên biên giới 2024 tại Hà Nội, với chủ đề “Tăng tốc. Vươn tầm. Bứt phá thành công”. Hội nghị nhấn mạnh các xu hướng phát triển của thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới tại Việt Nam, cập nhật các kết quả mới nhất từ các đối tác bán hàng Việt Nam trên Amazon và công bố trọng tâm chiến lược 2025 của Amazon Global Selling Việt Nam.

hinh-1.jpeg
Giá trị xuất khẩu TMĐT B2C Việt Nam năm 2023 đạt 86 nghìn tỷ đồng, trong đó các DN vừa và nhỏ, siêu nhỏ đóng góp 26%.

Ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam, cho biết với sự phát triển liên tục của TMĐT toàn cầu cùng các chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với TMĐT, bao gồm TMĐT xuyên biên giới, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang đứng trước những cơ hội mới để mở rộng dấu ấn quốc tế.

93% doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ cho biết họ không thể xuất khẩu nếu không có TMĐT

Năm 2023, doanh số TMĐT bán lẻ toàn cầu ước tính đạt 5,8 nghìn tỷ USD, và dự báo sẽ tăng trưởng 39% trong những năm tới, kỳ vọng vượt mức 8 nghìn tỷ USD vào năm 2027. Sự sôi động của TMĐT toàn cầu mở ra cơ hội lớn cho các DN Việt Nam đang tìm kiếm cơ hội thương mại quốc tế.

Xuất khẩu qua TMĐT đã trở thành một phần quan trọng của nền kinh tế số Việt Nam và huy động sự tham gia của các DN vừa và nhỏ trong nước. Những tín hiệu tích cực này cho thấy DN Việt Nam đang ở vị thế tốt để nắm bắt cơ hội xuất khẩu qua TMĐT, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế số quốc gia.

Tại Việt Nam, theo báo cáo mới nhất của Access Partnership, giá trị xuất khẩu TMĐT B2C Việt Nam năm 2023 đạt 86 nghìn tỷ đồng, trong đó các DN vừa và nhỏ, siêu nhỏ đóng góp 26%. Đáng chú ý, 93% các DN vừa và nhỏ, siêu nhỏ được khảo sát cho rằng họ không thể xuất khẩu nếu không có TMĐT.

Hiện nay, mạng lưới của Amazon trên toàn thế giới, bao gồm cả Việt Nam, đang giúp các đối tác bán hàng tiếp cận khách hàng toàn cầu từ hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hơn 60% tổng lượng sản phẩm được bán trên Amazon đến từ các đối tác bán hàng bên thứ ba, trong đó có các đối tác bán hàng Việt Nam.

“Trong 5 năm qua, hàng nghìn DN Việt Nam đã bắt đầu và mở rộng hoạt động kinh doanh toàn cầu với Amazon. Các DN không chỉ bán sản phẩm, mà còn tập trung xây dựng thương hiệu và củng cố sự hiện diện của mình trên trường quốc tế”, ông Gijae Seong cho biết số lượng sản phẩm bán ra trên Amazon từ các đối tác bán hàng Việt Nam đã tăng hơn 300%.

Những con số này chứng minh tiềm năng dồi dào của các DN Việt Nam để bứt tốc mạnh mẽ với TMĐT toàn cầu.

2 thách thức lớn của các DN khi kinh doanh trên các nền tảng TMĐT xuyên biên giới

Trao đổi với phóng viên bên lề sự kiện, ông Gijae Seong cho biết có rất nhiều thách thức đối mặt với các nhà bán hàng TMĐT, trong đó có hai thách thức lớn nhất, quan trọng nhất.

“Đầu tiên là thách thức về câu hỏi “Tôi cần bán sản phẩm nào?” Để trả lời được câu hỏi này, DN phải hiểu được nhu cầu thị trường, quy định thị trường, các quy tắc tuân thủ trong sản xuất sản phẩm. Bên cạnh đó, khi cố gắng phát triển sản phẩm mới, DN cũng cần phải rất linh hoạt, nhanh nhẹn, để đưa nhu cầu của khách hàng vào quá trình phát triển sản phẩm của mình, sau đó quay lại thị trường và phục vụ khách hàng một cách nhanh chóng”, ông Gijae Seong nói.

Đó là một phần thực sự quan trọng và thách thức đối với nhiều người bán hàng không quen với tốc độ TMĐT xuyên biên giới và TMĐT toàn cầu nói chung.

Thách thức thứ hai là chi phí, đặc biệt là chi phí logistics. “Hãy tưởng tượng việc bán sản phẩm từ Việt Nam sang Hoa Kỳ. Đó là một chặng đường dài và sẽ phát sinh rất nhiều chi phí trong hậu cần, đầu vào và quản lý hàng tồn kho ….”

hinh-3.jpg
Ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam, cho biết “rất cần sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ” để TMĐT xuyên biên giới phát triển.

Hiện nay, Amazon đang cung cấp nhiều công cụ và dịch vụ để các DN có thể sử dụng, tối đa hóa lợi ích khi họ sản xuất và thương mại hóa sản phẩm của mình.

Cũng trong sự kiện sáng nay, nhằm tiếp tục các cam kết hỗ trợ nhà sản xuất, thương hiệu, DN Việt Nam nắm bắt cơ hội, Amazon Global Selling Việt Nam đã công bố trọng tâm chiến lược 2025.

Theo chia sẻ của lãnh đạo công ty, một trong những mục tiêu của chiến lược 2025 là tập trung khai thác và thúc đẩy tiềm năng lớn của các sản phẩm Made in Viet Nam, bằng cách chia sẻ các kiến thức hỗ trợ các đối tác bán hàng phát triển danh mục sản phẩm mới, đa dạng hóa cách thức tìm kiếm và thu hút nhà bán hàng, tạo cơ hội cho các nhà sản xuất từ đa lĩnh vực và các thương hiệu nội địa.

Ngoài ra, trong năm 2025, Amazon Global Selling Việt Nam cũng sẽ thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực TMĐT xuyên biên giới, bằng cách cải thiện hệ thống hỗ trợ và mạng lưới nhà cung cấp dịch vụ, tăng nhận biết về các chương trình, dịch vụ logistics như Amazon SEND, quản lý tồn kho của Amazon, từ đó hỗ trợ toàn diện và nâng cao hiệu quả vận hành cho các DN trong nước./.

Nền tảng cũng sẽ tăng cường các chương trình và nội dung đào tạo nhà bán hàng, củng cố quan hệ hợp tác cùng chính phủ và các hiệp hội ngành nghề, đầu tư vào các sáng kiến phát triển nhà bán hàng và hợp tác trong cộng đồng nhà bán hàng.

Đại diện Amazon Global Selling Việt Nam nhấn mạnh “rất cần sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ”. Ông Gijae Seong cho biết công ty đang hợp tác chặt chẽ để các cơ quan chính phủ hiểu rõ hơn về các chi phí mô hình kinh doanh TMĐT.

“Chúng tôi cũng đang cố gắng kết nối để cơ quan quản lý có thể hiểu được những điểm khó khăn thực sự của các đối tác bán hàng, từ đó có thể thiết kế và định hình chính sách hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang hợp tác với các cơ quan chính phủ để cung cấp nhiều cơ hội giáo dục cho các DN vừa và nhỏ địa phương, để cùng nhau thúc đẩy cơ hội xuất khẩu cho các DN Việt Nam”, ông Gijae Seong chia sẻ bên lề sự kiện.

Anh Minh