Xây dựng, khai thác và quản lý cơ sở dữ liệu: Kinh nghiệm từ ngành VHTT&DL

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 07:31, 10/10/2024

Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã bước đầu hình thành số hóa, chuẩn hóa dữ liệu hiện có của một số lĩnh vực nhằm từng bước hình thành cơ sở dữ liệu dùng chung của Ngành.
Chuyển đổi số

Xây dựng, khai thác và quản lý cơ sở dữ liệu: Kinh nghiệm từ ngành VHTT&DL

Trường Thanh 10/10/2024 07:31

Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã bước đầu hình thành số hóa, chuẩn hóa dữ liệu hiện có của một số lĩnh vực nhằm từng bước hình thành cơ sở dữ liệu dùng chung của Ngành.

Xây dựng hệ thống thông tin (HTTT), cơ sở dữ liệu (CSDL), phát triển dữ liệu và quy hoạch dữ liệu ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) không chỉ là một phần của chuyển đổi số (CĐS) mà còn là một yếu tố then chốt trong việc xây dựng xã hội số, công dân số và phát triển kinh tế số bền vững.

Việc xây dựng và phát triển CSDL hiện đại, đồng bộ và hiệu quả không chỉ giúp ngành VHTT&DL quản lý tốt hơn mà còn mở ra những cơ hội mới để khai thác, phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa của đất nước. Đồng thời, góp phần hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ thể thao thông minh, tiện ích; phát triển các dịch vụ du lịch thông minh, nâng cao trải nghiệm cho du khách, quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới...

Dữ liệu là nền tảng quan trọng để phát triển du lịch thông minh

Tại Hội thảo "Định hướng phát triển cơ sở dữ liệu ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Gia đình" do Bộ VHTT&DL tổ chức mới đây, chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng, triển khai các HTTT và CSDL ngành Du lịch, ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết: Đối với ngành Du lịch, dữ liệu là một trong những nền tảng quan trọng để thực hiện CĐS thành công, phát triển du lịch thông minh.

ong-nguyen-le-phuc.jpg
Ông Nguyễn Lê Phúc: Dữ liệu là một trong những nền tảng quan trọng để thực hiện CĐS thành công, phát triển du lịch thông minh.

Việc xây dựng kho dữ liệu số ngành Du lịch, đặc biệt phát triển các CSDL du lịch là một nhiệm vụ cần thiết giúp cho công tác quản lý ngành thực chất, hiệu quả, hỗ trợ công tác xúc tiến quảng bá, thúc đẩy sự phát triển chung của ngành Du lịch.

Nhận thức được tầm quan trọng của dữ liệu trong việc phát triển CSDL, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã xây dựng Đề án Hệ thống CSDL ngành Du lịch nhằm phát triển và khai thác hiệu quả CSDL đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất dựa trên công nghệ hiện đại. Từ đó, nâng cao năng lực quản lý nhà nước, nghiên cứu chuyên môn, xúc tiến, quảng bá du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch số trong công cuộc xây dựng chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Bên cạnh việc phát triển hệ thống CSDL đồng bộ, thống nhất để đáp ứng nhu cầu quản lý Ngành, với vai trò là cơ quan quản lý du lịch quốc gia, thời gian qua, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã xây dựng nền móng cho hệ sinh thái du lịch thông minh theo hướng đồng bộ, thống nhất trong toàn ngành Du lịch, gồm có các nền tảng dùng chung như: Thẻ Việt - Thẻ du lịch thông minh; Ứng dụng du lịch quốc gia “Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel”; Nền tảng quản trị và kinh doanh du lịch; và nghiên cứu, phát triển một số sản phẩm hỗ trợ nâng cao trải nghiệm khách du lịch như: Hệ thống vé điện tử “Trực tuyến - Liên thông đa phương thức”; Hệ thống thuyết minh đa phương tiện (Multi-media Guide)…

Ngoài ra, với vai trò là cơ quan quản lý du lịch quốc gia, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã triển khai hỗ trợ các địa phương, điểm đến, doanh nghiệp (DN) du lịch, khách du lịch tham gia vào hệ sinh thái du lịch thông minh, khai thác các giá trị tăng thêm từ môi trường kinh tế số như: Xây dựng CSDL Du lịch Việt Nam; Xây dựng kết nối HTTT giữa cơ quan quản lý ở Trung ương, địa phương và DN; Ứng dụng công nghệ số hỗ trợ khách du lịch, phát triển điểm đến du lịch thông minh…

Để hỗ trợ các địa phương CĐS cũng như giải quyết tình trạng manh mún, thiếu đồng bộ, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã xây dựng và ban hành tài liệu Hướng dẫn CĐS trong ngành Du lịch với chủ đề “Chuyển đổi nhận thức và thống nhất hành động”, đồng thời phối hợp với nhiều tỉnh, thành phố tổ chức các chương trình tập huấn về CĐS tại địa phương như: Cần Thơ, Hà Giang, Hải Phòng, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Gia Lai, Kon Tum, Cần Thơ…

Bên cạnh đó, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã và đang đẩy mạnh hoạt động truyền thông trên các nền tảng số như kênh truyền thông chính sách (vietnamtourism.gov.vn) kênh quảng bá du lịch quốc tế (vietnam.travel) và các trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Viber, Youtube, Instagram… nhằm cung cấp thông tin, tuyên truyền về chủ trương, chính sách về phát triển du lịch cũng như truyền thông, quảng bá du lịch Việt Nam ra nước ngoài.

Theo ông Nguyễn Lê Phúc, để phát triển hệ thống CSDL ngành Du lịch đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, tối ưu nhất là có hệ thống CSDL dùng chung do Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam quản lý, vận hành để các Sở quản lý du lịch địa phương và DN du lịch cùng tham gia vào hệ thống.

Hơn thế nữa, để phát triển hệ thống CSDL ngành Du lịch đồng bộ, trong thời gian tới cần tiếp cận theo hướng: Phổ biến, hướng dẫn các Sở chưa có hệ thống CSDL tham gia và cho phép các hệ thống CSDL sẵn có của Sở liên thông, kết nối tới hệ thống CSDL dùng chung của Ngành.

“Có thể thấy việc phát triển CSDL trong ngành Du lịch không chỉ hỗ trợ cho việc tối ưu hóa hoạt động trong lĩnh vực Du lịch mà còn mở ra cơ hội phát triển các ngành kinh tế số khác như công nghệ thông tin (CNTT), marketing số, dịch vụ trực tuyến. Các DN có thể thu thập, phân tích, áp dụng dữ liệu để phát triển các sản phẩm và dịch vụ số như phát triển ứng dụng di động, hệ thống đặt phòng trực tuyến, trải nghiệm thực tế ảo, dịch vụ chăm sóc khách hàng qua chatbot, và nhiều sản phẩm và dịch vụ số khác, từ đó đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường và nâng cao trải nghiệm của khách hàng”, ông Nguyễn Lê Phúc nhấn mạnh.

Ứng dụng CNTT trong công tác quản lý huấn luyện, đào tạo vận động viên các đội tuyển

Chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng CSDL lĩnh vực Thể dục thể thao (TDTT), ông Lý Đức Thùy, Giám đốc Trung tâm Thông tin - Truyền thông TDTT, Cục TDTT cho biết: Xu hướng ứng dụng CNTT, CĐS là xu thế tất yếu, chính vì vậy, Cục TDTT cũng như Trung tâm Thông tin - Truyền thông TDTT đã có những bước đi cụ thể nhằm bám sát lộ trình phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số theo đúng định hướng, yêu cầu của Chính phủ.

Đến nay, Trung tâm Thông tin - Truyền thông TDTT đã có Trung tâm tích hợp dữ liệu, đồng thời phát triển các ứng dụng phần mềm dùng chung như: HTTT quản lý, hệ thống thông tin tác nghiệp, hệ thống thư điện tử, phần mềm quản lý CSDL vận động viên; phần mềm quản lý CSDL thành tích thi đấu…

ong-ly-duc-thuy.jpg
Ông Lý Đức Thùy: Cho tới thời điểm hiện nay Khung CSDL đã khẳng định được vai trò của mình và thực sự trở thành nền tảng cho toàn bộ HTTT chung của ngành TDTT.

Cùng với việc triển khai đề án, chương trình tin học hoá tổng thể các hoạt động quản lý hành chính nhà nước, cũng như hoạt động điều hành tác nghiệp của ngành TDTT theo định hướng của Chính phủ, trong thời gian qua, ngành Thể dục thể thao đã ưu tiên đầu tư triển khai xây dựng, phát triển và ứng dụng CNTT trong công tác quản lý huấn luyện, đào tạo vận động viên (VĐV) các đội tuyển.

Hệ thống này bao gồm các thành phần cơ bản: HTTT, CSDL chuyên ngành; HTTT điều hành tác nghiệp thi đấu thể thao; HTTT quản lý đào tạo VĐV; HTTT, CSDL hồ sơ VĐV các đội tuyển.

Ngoài ra, còn các HTTT, các ứng dụng phục vụ công tác quản lý hành chính nhà nước khác như: Hệ thống CSDL về TDTT quần chúng, HTTT, CSDL về quản lý hồ sơ nhân sự, CSDL về tài chính…

Các HTTT, CSDL trên được tích hợp tạo ra một HTTT, CSDL chung phục vụ cho việc hỗ trợ công tác tổ chức, quản lý đào tạo và huấn luyện VĐV các đội tuyển. Hệ thống này được xây dựng, triển khai trên phạm vi toàn quốc nhằm phục vụ cho công tác tra cứu, tổng hợp thống kê trên phạm vi rộng về tất cả các thông tin trong đó, gồm: CSDL VĐV trên toàn quốc, CSDL thành tích thi đấu thể thao, CSDL về phương pháp, chương trình, kế hoạch huấn luyện.

“Xác định được tầm quan trọng của việc triển khai hệ thống các phần mềm ứng dụng và CSDL trong hệ thống HTTT chung của toàn ngành, Trung tâm Thông tin truyền thông TDTT đã tiến hành xây dựng hệ thống Khung CSDL của ngành, cho tới thời điểm hiện nay Khung CSDL đã khẳng định được vai trò của mình và thực sự trở thành nền tảng cho toàn bộ HTTT chung của ngành TDTT”, ông Lý Đức Thùy cho hay.

Ứng dụng khoa học công nghệ để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc

Liên quan đến lĩnh vực di sản văn hóa, TS. Phạm Thị Khánh Ngân, Cục Di sản văn hóa cho biết: Theo thống kê của Cục Di sản văn hóa đến tháng 12/2023, trên cả nước hiện có khoảng 40.000 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, gần 65.900 di sản văn hóa phi vật thể của 63 tỉnh, thành phố; 130 di tích quốc gia đặc biệt, 3.620 di tích quốc gia, hơn 10.000 di tích cấp tỉnh, 562 di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 294 bảo vật quốc gia, 200 bảo tàng với hơn 4 triệu hiện vật.

ts.-ts.-pham-thi-khanh-ngan.jpg
TS. Phạm Thị Khánh Ngân: Ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng HTTT quản lý, CSDL lưu trữ dữ liệu số, có thể kết nối, chia sẻ trên phạm vi toàn quốc sẽ là một trong các biện pháp cần thiết để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trên không gian mạng.

Đặc biệt, Việt Nam có 8 di sản văn hóa và thiên nhiên tiêu biểu đã được UNESCO ghi vào Danh mục Di sản văn hóa thế giới theo Công ước UNESCO 1972 về Bảo vệ Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh (13 di sản trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và 2 di sản trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp), 9 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh (trong đó có 3 di sản tư liệu thế giới, 6 di sản khu vực Châu Á - Thái Bình Dương).

“Với kho tàng di sản văn hóa đồ sộ và quý giá đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng HTTT quản lý, CSDL lưu trữ dữ liệu số, có thể kết nối, chia sẻ trên phạm vi toàn quốc sẽ là một trong các biện pháp cần thiết để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trên không gian mạng, phù hợp với xu hướng thưởng thức các giá trị văn hóa của nhân dân và bạn bè quốc tế trong tình hình mới”, TS. Phạm Thị Khánh Ngân chia sẻ.

Theo TS. Phạm Thị Khánh Ngân, các HTTT quản lý, CSDL tại Cục Di sản văn hóa hiện nay đều là hệ thống nhằm thu thập, lưu trữ, quản lý, khai thác thông tin.

Đề xây dựng HTTT, CSDL, Cục Di sản văn hóa đã dựa trên các văn bản hướng dẫn, nghiệp vụ của từng lĩnh vực để đưa ra tiêu chí đầu vào, đầu ra cụ thể.

Quá trình xây dựng này gồm 5 giai đoạn: Khảo sát; Phân tích hệ thống; Thiết kế (thông qua thông tin được thu thập từ quá trình khảo sát và phân tích, xác định phần cứng, phần mềm cần sử dụng và thiết kế); Kiểm duyệt các module chức năng của HTTT, chạy thử bản demo; Triển khai và bảo trì.

“Như vậy, để xây dựng, vận hành HTTT, CSDL cần các yếu tố cơ bản như: chính sách, kinh phí, nhân lực, CSDL...”, TS. Phạm Thị Khánh Ngân nhấn mạnh./.

Trường Thanh