Để Việt Nam thắng trên "chiến trường" công nghiệp bán dẫn

Diễn đàn - Ngày đăng : 08:07, 10/10/2024

Ngày nay rất khó để tìm ra thiết bị nào không chứa linh kiện bán dẫn. Các tiến bộ khoa học công nghệ sẽ không thể hiện thực hóa được nếu thiếu những con chip. Chip đang đóng vai trò là một nguồn “tài nguyên” đảm bảo cho công nghiệp điện tử, nền kinh tế số phát triển.
Diễn đàn

Để Việt Nam thắng trên "chiến trường" công nghiệp bán dẫn

Hoàng Linh {Ngày xuất bản}

Ngày nay rất khó để tìm ra thiết bị nào không chứa linh kiện bán dẫn. Các tiến bộ khoa học công nghệ sẽ không thể hiện thực hóa được nếu thiếu những con chip. Chip đang đóng vai trò là một nguồn “tài nguyên” đảm bảo cho công nghiệp điện tử, nền kinh tế số phát triển.

Cơ sở quan trọng để huy động tối đa tất cả các nguồn lực quốc gia

Ngày 21/9/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1018/QĐ-TTg ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050. Chiến lược nêu rõ Việt Nam có lợi thế địa chính trị, nhân lực về công nghiệp bán dẫn. Đây là cơ hội cho Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.

Trao đổi với PV Tạp chí TT&TT, ông Nguyễn Thanh Yên, Cộng đồng vi mạch Việt Nam, cho biết việc Thủ tướng Chính phủ ký quyết định về Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 đã thể hiện quyết tâm chính trị ở mức cao nhất.

nguyen-thanh-yen.jpg
Ông Nguyễn Thanh Yên, Cộng đồng vi mạch Việt Nam.

“Quyết tâm chính trị cùng với một tầm nhìn đủ dài này sẽ là cơ sở tối quan trọng đảm bảo cho việc có thể huy động tối đa tất cả các nguồn lực quốc gia trong các chương trình hành động cụ thể tiếp sau đây, nhằm từng bước hiện thực hóa các mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu”.

Việc ban hành Chiến lược diễn ra trong bối cảnh ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đang trải qua những biến động rất lớn và cũng đang ở trước ngưỡng cửa của những “khúc cua” mang tính lịch sử. Đi kèm theo những sự thay đổi đó cũng đem đến những cơ hội rất lớn chưa từng có. Trở thành một phần trong chuỗi cung ứng bán dẫn gần như là lựa chọn bắt buộc cho bất cứ quốc gia, tổ chức nào muốn vươn lên phát triển bền vững thông qua phát triển kinh tế số.

Ông Nguyễn Thanh Yên cho biết điểm, nổi bật của Chiến lược là đã đề ra các mục tiêu rất cụ thể, hoàn toàn có thể đo được. Các nhiệm vụ, giải pháp cũng minh bạch ai là người làm, phối hợp với ai và thời hạn khi nào hoàn thành.

“Việc này chắc chắn sẽ giúp Việt Nam nhìn rõ và định lượng được tính hiệu quả của mỗi chương trình, nhằm kịp thời đưa ra các giải pháp cũng như điều chỉnh cần thiết để đạt được các mục tiêu đã đề ra”.

Những lợi thế và thách thức trong phát triển công nghiệp bán dẫn

Chiến lược nêu rõ Việt Nam nằm ở trung tâm của khu vực đang chiếm tới 70% sản lượng sản xuất của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu; là quốc gia có nền chính trị ổn định, nằm trong nhóm các nước có tốc độ phát triển nhanh nhất; là quốc gia có quan hệ đối tác chiến lược với nhiều cường quốc bán dẫn.

ban-dan-vn.jpg

Việt Nam có tiềm năng về trữ lượng đất hiếm, ước đạt khoảng 20 triệu tấn. Việt Nam là 1 trong 16 quốc gia đông dân nhất trên thế giới, có tỷ lệ dân số trẻ, có lợi thế nhân lực có năng lực về STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học), có khả năng đáp ứng nhanh chóng nhu cầu nhân lực để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Theo ông Nguyễn Thanh Yên, Việt Nam có vị trí địa lý rất đặc biệt, nếu lấy Việt Nam là tâm và bán kính quay compa bằng 4 giờ bay của máy bay thương mại thông thường thì diện tích vòng tròn đó đã bao quát một khu vực rất rộng lớn của châu Á. Và điều quan trọng là khu vực này chính là khu vực chiếm tỷ trọng lớn của thị trường bán dẫn toàn cầu, đây cũng như được xem là nơi sẽ định hình sự phát triển trong tương lai của lĩnh vực này. Chính trị ổn định, vị trí tối ưu về chi phí logistics,… mang lại lợi thế về vị trí địa lý cho Việt Nam.

Cũng trong hơn 20 năm qua, Việt Nam đã có được cho mình nguồn nhân lực hơn 5.000 kỹ sư thiết kế chip. Các kỹ sư Việt Nam đã dần chứng minh được năng lực trong công việc, từ đó, chiếm được lòng tin của các cấp quản lý ở nước ngoài. Hiện nay, các kỹ sư Việt Nam được giao những công việc đòi hỏi chuyên môn cao và nhiều thách thức trong các dự án thiết kế chip.

Ngày càng có nhiều các dự án quan trọng có sự tham gia của các kỹ sư làm việc tại các văn phòng Việt Nam và ngày càng có thêm những công ty lớn quyết định đặt văn phòng hoặc mở rộng quy mô kỹ sư thiết kế chip ở Việt Nam, có thể kể đến như như RVC, Marvell, Ampere, Synopsys...

Đặc biệt những năm gần đây, ông Nguyễn Thanh Yên cho biết thêm, số lượng kỹ sư từ Việt Nam ra nước ngoài làm việc cho các công ty nằm trong top 15 các công ty vi mạch bán dẫn lớn nhất toàn cầu, gia tăng đáng kể. Hơn 10 năm trước, điều này là hiếm hoi vì hồ sơ xin việc của kỹ sư chỉ làm việc ở Việt Nam thường không được đánh giá cao.

Ngoài ra, hàng năm Việt Nam có hơn nửa triệu học sinh đăng ký xét tuyển đại học là con số rất ấn tượng vì sẽ đảm bảo yếu tố nguồn nhân lực cho bất kỳ kế hoạch đầu tư phát triển lĩnh vực bán dẫn nào ở Việt Nam, nếu có, trong tương lai.

Sở hữu trữ lượng đất hiếm đứng thứ hai trên thế giới chưa khai thác ồ ạt cũng có thể là một lợi thế vì đất hiếm là nguyên liệu đầu vào quan trọng dùng trong các nhà máy sản xuất chip.

Với những phân tích này, ông Nguyễn Thanh Yên khẳng định: “Việt Nam đang có rất nhiều thuận lợi trong việc thu hút kêu gọi đầu tư hợp tác trong lĩnh vực bán dẫn”.

Doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam có vai trò lớn đảm bảo sự tự cường

Chiến lược của Việt Nam bao gồm Giai đoạn 1 (2024 - 2030) kêu gọi FDI, giai đoạn 2 (2030 - 2040) và giai đoạn 3 (2040 - 2050) đặt trọng tâm vào khởi nghiệp, tự chủ. Theo đó, để thực hiện thành công Chiến lược, doanh nghiệp (DN) công nghệ và cộng đồng vi mạch có vai trò là rất lớn.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Yên cho biết xung quanh Việt Nam có một số “case study” đáng chú ý là Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Malaysia, Philippines. Hàn Quốc, Đài Loan khi tham gia lĩnh vực điện tử, tuy khởi đầu có thể nói là "gia công" nhưng là các DN của Hàn Quốc, Đài Loan ký hợp đồng gia công cho các đối tác nước ngoài và có DN làm chủ việc gia công. Malaysia và Philippines tuy cũng có thể nói là gia công nhưng là các DN FDI vào và thuê nhân lực. Đến bây giờ thì Đài Loan, Hàn Quốc có các DN mạnh trong khi Malaysia và Philippines vẫn phụ thuộc vào các DN FDI.

Việt Nam đặt mục tiêu phát triển 50.000 nhân lực bán dẫn tới năm 2030 chính là 50.000 việc làm, hay nói cách khác là có 100 DN thiết kế và hơn 10 nhà máy. Nếu chỉ dựa vào kêu gọi DN nước ngoài là chưa đủ, cần có thêm các mô hình hợp tác, mua bán sáp nhập,... mà một chủ thể cần có của các hình thức hợp tác, liên doanh đó là các DN công nghệ nội địa. Trong đó mức độ tự tin của các DN nội địa khi quyết định tham gia sân chơi này lại ở chính mức độ trưởng thành, trình độ kỹ thuật và sự đông đảo của cộng đồng.

Ấn Độ và Malaysia đã có nền tảng cơ sở vật chất và quá trình tích lũy kỹ thuật công nghệ, nguồn nhân lực từ rất lâu, cũng đang ban hành những chính sách ưu đãi đặc biệt để phát triển lĩnh vực bán dẫn, theo đó, Việt Nam cần một sự đầu tư lớn, có thể nói là vượt xa năng lực hiện tại nếu muốn chiến “thắng” theo cách thông thường.

“Tuy nhiên, theo tôi thì lợi thế của Việt Nam chính là ở yếu tố con người Việt Nam, cái đó là duy nhất và chỉ Việt Nam có. Tôi tin con người Việt Nam sẽ tìm ra được một hướng đi riêng, phù hợp với điều kiện hiện có. Chiến lược cũng như đề án phát triển nguồn nhân không đề cập tới việc bỏ ra bao nhiêu tiền. Nhìn điều đó một cách tích cực thì đây có lẽ chính là lợi thế của Việt Nam”, ông Nguyễn Thanh Yên tin tưởng.

Để phát huy lợi thế, ông Nguyễn Thanh Yên cho rằng cơ quan hữu quan cần ban hành những chính sách khuyến khích đặc biệt để tạo động lực cho các công ty tích cực tăng số lượng tuyển dụng sinh viên mới ra trường ở Việt Nam.

“Chúng ta cũng tranh thủ tối đa cơ hội, phát huy ngoại giao nhà nước, ngoại giao nhân dân, tiếp tục khai thác các thế mạnh hiện có, kiên trì đàm phán thuyết phục hình thành các liên doanh với các tập đoàn đa quốc gia thiết lập nhà máy ở Việt Nam với lộ trình chuyển giao công nghệ rõ ràng”.

Trong ngắn hạn, Việt Nam hoàn toàn có thể xác định là nơi cung cấp nhân lực kỹ sư bán dẫn không chỉ cho nhu cầu trong nước mà là cả khu vực và thế giới. Điều này tạo tiền đề cho sự chuẩn bị nguồn nhân lực phù hợp, từng bước nâng cao năng lực thiết kế, sản xuất chip của Việt Nam. “Đây chính là cơ sở đảm bảo những điều kiện cần thiết có thể hình thành một số thương hiệu nội địa mạnh, giúp Việt Nam từng bước tự cường trong các giai đoạn tiếp theo”./.

Hoàng Linh