Chính phủ Mỹ xem xét chia tách Google

Doanh nghiệp số - Ngày đăng : 09:21, 10/10/2024

Kể từ khi AT&T bị chia tách thành Baby Bells 4 thập kỷ trước, chính phủ Mỹ đang cân nhắc việc chia tách Google, một trong những công ty độc quyền lớn nhất thế giới.
Doanh nghiệp số

Chính phủ Mỹ xem xét chia tách Google

QA {Ngày xuất bản}

Kể từ khi AT&T bị chia tách thành Baby Bells 4 thập kỷ trước, chính phủ Mỹ đang cân nhắc việc chia tách Google, một trong những công ty độc quyền lớn nhất thế giới.

google.png
Ảnh: Getty Images

Trong một hồ sơ nộp lên tòa án vào ngày 8/10, Bộ Tư pháp Mỹ muốn chia nhỏ các doanh nghiệp cốt lõi của Google như tách mảng kinh doanh tìm kiếm của Google khỏi Android, Chrome và cửa hàng ứng dụng Google Play.

"Điều đó sẽ ngăn Google sử dụng các sản phẩm như Chrome, Play và Android để ưu ái Google Search và các sản phẩm cũng như tính năng liên quan đến tìm kiếm của Google, bao gồm các tính năng tìm kiếm mới như trí tuệ nhân tạo (AI) so với các đối thủ cạnh tranh hoặc những công ty mới tham gia", Bộ Tư pháp Mỹ cho biết trong hồ sơ nộp lên tòa án.

Đề xuất của Bộ Tư pháp được đưa ra sau khi một thẩm phán liên bang ra phán quyết hồi tháng 8 rằng Google đã vi phạm luật chống độc quyền của Mỹ với hoạt động kinh doanh tìm kiếm của mình. Phán quyết nêu rõ Google là "công ty độc quyền", tạo tiền đề cho những thay đổi đối với hoạt động kinh doanh lâu đời nhất và quan trọng nhất của Google và cách hàng triệu người Mỹ tìm kiếm thông tin trực tuyến.

Trong một bài đăng trên blog, Google gọi kế hoạch của chính phủ là "cực đoan" khi lập luận rằng có thể khiến trải nghiệm của khách hàng trở nên tồi tệ hơn. Kế hoạch cũng có thể "phá vỡ" Android và Chrome, cản trở sự đổi mới của AI và buộc công ty phải chia sẻ thông tin cá nhân với các đối thủ cạnh tranh, làm ảnh hưởng đến quyền riêng tư của mọi người.

Trong bài đăng trên blog công ty, Google cho biết: “Vụ việc này liên quan đến một loạt hợp đồng phân phối dịch vụ tìm kiếm. Thay vì tập trung vào điều đó, chính phủ dường như đang theo đuổi một chương trình nghị sự toàn diện, sẽ tác động đến nhiều ngành công nghiệp và sản phẩm, với những hậu quả không lường trước với người tiêu dùng, doanh nghiệp và khả năng cạnh tranh của Mỹ”.

Trong vụ việc này, chính phủ Mỹ cho rằng Google đã sử dụng nhiều chiến thuật và sản phẩm liên kết với nhau dưới sự kiểm soát của công ty để loại trừ các đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực tìm kiếm, khiến người tiêu dùng có ít lựa chọn và thị trường công cụ tìm kiếm kém sáng tạo hơn.

Tòa án đã xác định Google vi phạm pháp luật, giai đoạn tiếp theo liên quan đến việc đưa ra hình phạt cho công ty. Giai đoạn đó đang diễn ra ngay cả khi Google tuyên bố sẽ kháng cáo.

Một số hình phạt cụ thể mà Bộ Tư pháp có thể đưa ra là lệnh cấm đối với các thỏa thuận độc quyền của Google. Điều đó có thể dẫn đến những thay đổi lớn đối với người dùng điện thoại thông minh, chẳng hạn như chấm dứt thỏa thuận kéo dài nhiều năm với Apple.

Bộ Tư pháp cho biết có thể đề nghị thẩm phán yêu cầu một "màn hình lựa chọn" trên các thiết bị điện tử cho phép người tiêu dùng chọn công cụ tìm kiếm ưa thích của họ ngay từ đầu, thay vì để Apple hoặc Google đặt công cụ tìm kiếm mặc định. Các màn hình lựa chọn như vậy là chuẩn mực ở các thị trường khác như Liên minh Châu Âu (EU).

Chính phủ Mỹ cũng có thể ngăn chặn Google quảng bá công cụ tìm kiếm của mình trong các sản phẩm khác. Ví dụ, đưa ra một quy tắc cấm Chrome định tuyến tìm kiếm thông qua Google theo mặc định. Loại hành vi này, được gọi là tự ưu tiên, ngày càng bị các nhà hoạch định chính sách và cơ quan thực thi cạnh tranh của Mỹ giám sát chặt chẽ.

Chính phủ cho biết đang cân nhắc một hình phạt được đề xuất cho Google, theo đó các trang web có thể từ chối thu thập nội dung của họ cho mục đích đào tạo AI của Google hoặc xuất hiện trong các bản tóm tắt kết quả tìm kiếm do AI tạo ra. Các công tố viên cho biết thậm chí có thể tìm cách buộc Google cung cấp cho các đối thủ các mô hình phần mềm được sử dụng trong các tính năng tìm kiếm hỗ trợ AI của Google.

"Khả năng tận dụng sức mạnh độc quyền của Google để cung cấp các tính năng AI là một rào cản mới nổi đối với cạnh tranh và có nguy cơ củng cố thêm sự thống trị của Google", hồ sơ cho biết.

Vụ việc này được mô tả là vụ kiện chống độc quyền công nghệ lớn nhất kể từ cuộc đối đầu chống độc quyền của chính phủ Mỹ với Microsoft vào đầu thiên niên kỷ.

Hồi tháng 8, Google tuyên bố có kế hoạch kháng cáo quyết định của thẩm phán Mehta, Google đã lặp lại lập luận mà công ty đã đưa ra trước tòa rằng công cụ tìm kiếm của Google là phổ biến nhất đối với người tiêu dùng vì bởi nó tốt nhất.

Bất kể điều gì xảy ra với Google cuối cùng cũng có thể tạo tiền đề cho các biện pháp khắc phục tiềm năng trong các vụ kiện chống độc quyền đang diễn ra khác chống lại các gã khổng lồ công nghệ. Google phải đối mặt với một vụ kiện riêng do các luật sư của Bộ Tư pháp đưa ra, cùng với 17 tiểu bang, những tiểu bang cáo buộc hoạt động kinh doanh quảng cáo của công ty này là chống cạnh tranh. Amazon, Apple, Meta và Ticketmaster cũng đang tham gia vào các cuộc chiến pháp lý chống độc quyền./.

QA