Triển khai mạng 5G tạo điều kiện chính phủ điện tử phát triển mạnh mẽ
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 15:03, 12/10/2024
Triển khai mạng 5G tạo điều kiện chính phủ điện tử phát triển mạnh mẽ
Công nghệ 5G có tiềm năng cải thiện đáng kể các dịch vụ chính phủ điện tử bằng cách cung cấp kết nối nhanh hơn, tin cậy hơn và hiệu quả hơn.
Công nghệ 5G có tiềm năng cách mạng hóa các dịch vụ chính phủ điện tử
Theo nghiên cứu của Deloitte, công nghệ 5G có tiềm năng cách mạng hóa các dịch vụ chính phủ điện tử (CPĐT) (e-government) trên nhiều lĩnh vực. Chẳng hạn, trong các thành phố thông minh, 5G có thể cung cấp dữ liệu thời gian thực về giao thông, an ninh công cộng và điều kiện môi trường, giúp các nhà lãnh đạo thành phố đưa ra quyết định chính xác hơn và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
5G có thể hỗ trợ một số lượng lớn các thiết bị Internet vạn vật (IoT), có thể được sử dụng cho nhiều ứng dụng của chính phủ như các sáng kiến thành phố thông minh, giám sát môi trường và an toàn công cộng.
Trong khi đó, dịch vụ y tế từ xa (telemedicine) cũng sẽ được hưởng lợi lớn nhờ tốc độ cao và độ trễ thấp của 5G, cho phép bệnh nhân ở vùng xa có thể tiếp cận với các buổi tư vấn và điều trị mà không cần phải di chuyển xa.
An ninh công cộng cũng được cải thiện khi 5G cho phép chia sẻ dữ liệu và liên lạc thời gian thực giữa các lực lượng ứng phó khẩn cấp, dẫn đến việc phản ứng nhanh hơn và phối hợp tốt hơn trong các tình huống khẩn cấp.
Hệ thống giao thông cũng có thể được cải thiện nhờ khả năng hỗ trợ phương tiện tự động và hệ thống giao thông thông minh của 5G, giảm ùn tắc giao thông và tăng cường an toàn đường bộ. Bên cạnh đó, việc giám sát môi trường cũng sẽ được nâng cao nhờ các thiết bị IoT hỗ trợ bởi 5G, giúp các cơ quan chính phủ thu thập dữ liệu về chất lượng không khí, mực nước và điều kiện thời tiết để đưa ra các chính sách và phản ứng đối phó với thiên tai hiệu quả hơn.
Trong lĩnh vực giáo dục, 5G có thể tăng cường khả năng tiếp cận các nền tảng học tập trực tuyến, đặc biệt ở các vùng nông thôn và khu vực chưa được phục vụ đầy đủ, giúp thu hẹp khoảng cách số và đảm bảo cơ hội học tập bình đẳng cho mọi học sinh.
Cuối cùng, 5G có thể giúp tối ưu hóa các dịch vụ công bằng cách cho phép các giao dịch trực tuyến nhanh hơn và tin cậy hơn, giảm thời gian chờ đợi và nâng cao hiệu quả tổng thể. Những ứng dụng này cho thấy 5G có thể thay đổi CPĐT bằng cách làm cho các dịch vụ trở nên dễ tiếp cận hơn, hiệu quả hơn và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân.
Rõ ràng, 5G cung cấp tốc độ truyền dữ liệu cao hơn nhiều so với các thế hệ trước, điều đó có nghĩa là các dịch vụ của chính phủ có thể được cung cấp nhanh hơn và hiệu quả hơn, cải thiện trải nghiệm người dùng cho công dân khi truy cập các dịch vụ trực tuyến.
Với 5G, các dịch vụ CPĐT có thể được truy cập ở những vùng xa xôi và nông thôn hơn, nơi kết nối theo truyền thống kém. Điều này có thể giúp thu hẹp khoảng cách số và đảm bảo rằng tất cả công dân đều có quyền truy cập vào các dịch vụ thiết yếu.
Bằng cách cải thiện hiệu quả hoạt động của chính phủ và giảm nhu cầu về cơ sở hạ tầng vật lý, 5G có thể giúp giảm chi phí hoạt động và giải phóng nguồn lực cho các sáng kiến quan trọng khác.
Các nghiên cứu đều cho thấy công nghệ 5G có thể chuyển đổi CPĐT bằng cách giúp các dịch vụ dễ tiếp cận hơn, an toàn hơn và hiệu quả hơn, cuối cùng dẫn đến việc cung cấp dịch vụ công tốt hơn và tăng sự hài lòng của người dân.
5G sẽ là chất xúc tác mạnh mẽ để Việt Nam đẩy nhanh và số hóa toàn diện các dịch vụ công
Tại Việt Nam, mạng 5G đang được các công ty viễn thông tích cực triển khai. Theo đó, thị trường viễn thông Việt Nam đang chứng kiến một bước tiến lớn với việc triển khai mạng 5G trên diện rộng.
Theo thông tin cung cấp cho báo chí, nhà mạng Viettel đang có kế hoạch phủ sóng 5G tới 63 tỉnh thành trong tháng 10. Các hoạt động chuẩn bị cuối cùng đang được gấp rút hoàn tất, và buổi lễ ra mắt thương mại dịch vụ 5G dự kiến sẽ diễn ra trong những ngày đầu tuần tới.
Trong khi đó, VNPT cũng đang tích cực lắp đặt trạm BTS và triển khai sóng 5G để sớm đưa dịch vụ này ra thị trường. VinaPhone cũng đã công bố tất cả các thông tin liên quan đến 5G trên một website dành riêng, trong đó có đầy đủ về khu vực phát sóng, khu vực trải nghiệm, các thiết bị hỗ trợ 5G cũng như những câu hỏi mà nhiều người dùng sẽ thắc mắc về 5G, từ cách thức đăng ký đến các yêu cầu cần có để sử dụng mạng 5G, hay cách tính cước dịch vụ…
Ericsson và VNPT, một trong những nhà cung cấp dịch vụ viễn thông hàng đầu tại Việt Nam, đã chính thức công bố hợp tác để triển khai công nghệ 5G
Những diễn biến trên cho thấy mạng 5G đã rất gần với các doanh nghiệp và người dùng di động của Việt Nam. Được biết, nhà mạng MobiFone cũng dự kiến sẽ chính thức thương mại hóa 5G vào đầu năm 2025, với mục tiêu phủ sóng toàn quốc.
Theo Chiến lược hạ tầng số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, mạng 5G sẽ đạt tới tất cả các thành phố, tỉnh, khu công nghệ cao, trung tâm nghiên cứu và phát triển, khu công nghiệp, các sân bay quốc tế và các cảng biển vào năm 2025, và dự kiến sẽ có 99% dân số được phủ sóng mạng 5G vào năm 2030.
Việt Nam đang phát triển các dự án cơ sở hạ tầng số để nâng cao hiệu quả quản lý và cung cấp dịch vụ công cho người dân. Theo ông Scott Minehane, Giám đốc điều hành Windsor Place Consulting, chuyên gia Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), với tốc độ kết nối siêu nhanh và ổn định, 5G sẽ là chất xúc tác mạnh mẽ để Việt Nam đẩy nhanh và số hóa toàn diện các dịch vụ công như lương hưu, y tế, giáo dục….
Ông Scott Minehane đã có nhiều kinh nghiệm với thị trường viễn thông ở châu Á và Việt Nam. Từ năm 2007 - 2009, ông đã làm việc với tư cách là thành viên của ITU, đóng góp vào việc xây dựng luật viễn thông và tần số vô tuyến điện mới.
Chuyên gia viễn thông Scott Minehane cho biết người dân sẽ được trải nghiệm dịch vụ công một cách nhanh chóng, tiện lợi và hiện đại hơn bao giờ hết. “Việc triển khai 5G không chỉ giúp các cơ quan nhà nước hoạt động hiệu quả mà còn mang đến một cuộc sống số tiện nghi, đáp ứng mọi nhu cầu của người dân”, ông Scott Minehane nói.
Quyết định số 942/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chiến lược phát triển CPĐT hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 đã đặt mục tiêu người dân, doanh nghiệp có thể sử dụng các dịch vụ số theo nhu cầu cá thể hóa, thuận tiện, dễ dàng, không giấy tờ và không cần sự hiện diện nếu pháp luật không yêu cầu.
Phát triển CPĐT, Chính phủ số tại Việt Nam được xác định phải gắn liền với việc giải quyết các vấn đề lớn để từ đó, phục vụ người dân và doanh nghiệp được tốt hơn. Phát triển CPĐT, Chính phủ số cũng chính là hướng tới phát triển kinh tế số, xã hội số làm cho người dân giàu hơn, hạnh phúc hơn./.