Mọi người dân đều có thể chủ động đưa giấy tờ đã số hoá lên kho dữ liệu điện tử

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 09:27, 13/10/2024

Thành phố Hà Nội sẽ xây dựng và phát triển kho dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân nhằm lưu giữ thông tin, dữ liệu điện tử liên quan đến giao dịch hành chính của tổ chức, cá nhân, đặc biệt là cho phép mỗi người dân có thể chủ động đưa các giấy tờ đã được số hoá của mình lên kho dữ liệu điện tử.
Chuyển đổi số

Mọi người dân đều có thể chủ động đưa giấy tờ đã số hoá lên kho dữ liệu điện tử

Anh Minh 13/10/2024 09:27

Thành phố Hà Nội sẽ xây dựng và phát triển kho dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân nhằm lưu giữ thông tin, dữ liệu điện tử liên quan đến giao dịch hành chính của tổ chức, cá nhân, đặc biệt là cho phép mỗi người dân có thể chủ động đưa các giấy tờ đã được số hoá của mình lên kho dữ liệu điện tử.

Xây dựng và phát triển kho dữ liệu điện tử dành cho tổ chức, cá nhân

Theo Kế hoạch Triển khai tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính (TTHC), Hoàn thiện Hệ thống thông (HTTT) giải quyết TTHC thành phố Hà Nội giai đoạn năm 2024 - 2025 được UBND TP. Hà Nội ban hành ngày 11/10, Thành phố sẽ tập trung tái cấu trúc 100% các TTHC thiết yếu được cung cấp trên HTTT giải quyết TTHC và tích hợp các dịch vụ công (DVC) này trên Cổng DVC quốc gia.

Việc tái cấu trúc hướng đến 3 mục tiêu chính: Thứ nhất, giảm thiểu việc đi lại và tiếp xúc trực tiếp của tổ chức, cá nhân khi thực hiện TTHC; Thứ hai, giảm số lượng hồ sơ và giấy tờ cần cung cấp; Thứ ba, giảm các bước xử lý trực tiếp hoặc thủ công của cơ quan, đơn vị trong quá trình tiếp nhận và giải quyết TTHC.

Cụ thể, tổ chức và cá nhân sẽ không cần phải khai báo hay nộp lại thông tin, giấy tờ nếu dữ liệu đã có sẵn trên kho dữ liệu điện tử tại Cổng DVC quốc gia, HTTT giải quyết TTHC của Thành phố hoặc các cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia và chuyên ngành đã được kết nối.

cai-cach-thu-tuc-hanh-chinh-ha-n.jpg
Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch Triển khai tái cấu trúc quy trình TTHC, Hoàn thiện HTTT giải quyết TTHC TP. Hà Nội giai đoạn năm 2024 - 2025.

Thành phố đặt mục tiêu số hóa 100% hồ sơ TTHC và cấp kết quả điện tử trong quá trình tiếp nhận, giải quyết. Việc số hóa các kết quả giải quyết TTHC cũ còn hiệu lực sẽ được đẩy mạnh để đến năm 2025, toàn bộ kết quả giải quyết TTHC đạt được 100% số hóa.

Đặc biệt, Thành phố sẽ xây dựng và phát triển kho dữ liệu điện tử dành cho tổ chức, cá nhân, nhằm lưu trữ thông tin và dữ liệu điện tử liên quan đến các giao dịch hành chính khi thực hiện dịch vụ công. Mỗi người dân sẽ có thể chủ động tải lên các giấy tờ đã được số hóa của mình vào kho dữ liệu điện tử này, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý và thực hiện các TTHC một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Ngoài ra, Thành phố sẽ nghiên cứu các giải pháp khai thác khả năng kết nối, chia sẻ và lưu trữ dữ liệu số hóa, nhằm tái sử dụng dữ liệu để phục vụ công tác giải quyết TTHC cho người dân và doanh nghiệp (DN).

Các ứng dụng số sẽ được triển khai để cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) trên thiết bị di động, đồng thời tích hợp các tính năng tiện ích khác. Những tiện ích này bao gồm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển tính năng tra cứu tiến độ giải quyết hồ sơ và gắn mã QR cho kết quả TTHC, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân và tổ chức trong việc thực hiện DVCTT.

Khoảng 150 TTHC sẽ thuộc danh mục ưu tiên tái cấu trúc quy trình

Theo Kế hoạch, lộ trình triển khai tái cấu trúc quy trình TTHC sẽ bắt đầu từ việc tiến hành rà soát toàn bộ danh mục các TTHC để xác định những TTHC đủ điều kiện cung cấp DVCTT, bao gồm cả toàn trình và một phần.

Các văn bản làm căn cứ thực hiện bao gồm: Nghị định 45/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 của Chính phủ; Nghị định 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ; Quyết định 31/2021/QĐ-TTg ngày 11/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư 01/2018/TT-VPCP ngày 23/11/2018 và Thông tư 01/2023/TT-VPCP ngày 5/4/2023 của Văn phòng Chính phủ; cùng với các Quyết định công bố danh mục TTHC đủ điều kiện thực hiện DVCTT toàn trình của các Bộ, ngành.

Mọi công việc hoàn thành việc rà soát các TTHC sẽ phải hoàn thành trước ngày 20/10/2024. Sau đó, Tổ công tác tái cấu trúc TTHC của UBND Thành phố sẽ tổng hợp, thẩm định và trình Chủ tịch phê duyệt danh mục các TTHC đủ điều kiện cung cấp DVCTT trước ngày 25/10/2024.

Sản phẩm cuối cùng của quá trình này là Quyết định phê duyệt danh mục các TTHC đủ điều kiện cung cấp DVCTT của Chủ tịch UBND Thành phố.

Dựa trên danh mục TTHC đã được Chủ tịch UBND Thành phố phê duyệt đủ điều kiện cung cấp DVCTT, Thành phố sẽ lựa chọn các TTHC ưu tiên tái cấu trúc dựa trên các yếu tố như: số lượng hồ sơ phát sinh lớn (từ 500 hồ sơ/năm trở lên), tần suất thực hiện cao của người dân và DN, hoặc các TTHC có nhiều phản ánh, kiến nghị, bức xúc. Ngoài ra, các TTHC cần tái cấu trúc để phục vụ việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cũng sẽ được xem xét ưu tiên.

Dự kiến sẽ có khoảng 150 TTHC thuộc danh mục ưu tiên tái cấu trúc quy trình. Từ ngày 25/10/2024 đến ngày 15/11/2024, các TTHC được phê duyệt ưu tiên sẽ được tập trung tái cấu trúc.

Từ ngày 16/11/2024, Tổ công tác tái cấu trúc TTHC của UBND Thành phố sẽ chủ trì làm việc với các Sở, Ban rà soát, thẩm định toàn bộ các TTHC được các Sở, Ban có phương án tái cấu trúc. Quá trình này sẽ phải hoàn thành trước ngày 20/12/2024.

Trước ngày 31/12/2024, các DVCTT phải được tối ưu quy trình, tích hợp lên Cổng DVC quốc gia.

Đối với các TTHC còn lại, các Sở thuộc Thành phố, Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, Ban Quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc, Ban Dân tộc sẽ chủ động nghiên cứu, thực hiện tái cấu trúc để cung cấp DVCTT, tích hợp trên Cổng DVC quốc gia. Lộ trình triển khai tái cấu trúc quy trình thực hiện theo Kế hoạch trong năm 2025 và các giai đoạn tiếp theo.

Hoàn thiện, nâng cấp HTTT giải quyết TTHC

Bên cạnh việc tái cấu trúc quy trình TTHC, Thành phố Hà Nội còn hoàn thiện, nâng cấp HTTT giải quyết TTHC của Thành phố. Các nhiệm vụ cụ thể bao gồm nâng cấp, hoàn thiện HTTT giải quyết TTHC cấp tỉnh đáp ứng yêu cầu kỹ thuật theo Thông tư số 21/2023/TT-BTTTT ngày 31/12/2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Thành phố đặc biệt chú trọng đến công tác chia sẻ và kết nối dữ liệu trong việc giải quyết TTHC. Vì vậy, kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân sẽ phải hoàn thiện và kết nối và chia sẻ dữ liệu với Cổng DVC quốc gia. Việc kết nối và chia sẻ dữ liệu với Hệ thống quản lý văn bản và điều hành sẽ được thực hiện nhằm hỗ trợ giải quyết TTHC, cũng như trích xuất dữ liệu kết quả giải quyết TTHC dưới dạng văn bản điện tử.

12.jpg
TP. Hà Nội sẽ xây dựng và phát triển kho dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân. (Ảnh: Internet)

Ngoài ra, Thành phố sẽ kết nối dữ liệu khoản thu với HTTT của Kho bạc Nhà nước và Cục Thuế, nhằm thực hiện thanh toán trực tuyến các khoản phí, lệ phí và nghĩa vụ tài chính trong quá trình thực hiện TTHC và cung cấp DVC. Việc kết nối giữa HTTT giải quyết TTHC của Thành phố và Hệ thống quản lý tài liệu điện tử cũng được đẩy mạnh để nộp lưu và chia sẻ hồ sơ TTHC điện tử, phục vụ giải quyết công việc cho địa phương theo quy định tại Thông tư số 13/2023/TT-BNV.

Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư và CSDL quốc gia về quản lý DN cũng sẽ được kết nối, chia sẻ để phục vụ việc giải quyết TTHC và cung cấp DVC. Các HTTT cung cấp DVC tập trung của các Bộ, ngành như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ được liên kết nhằm đồng bộ hóa quy trình.

Các ứng dụng số cung cấp DVCCTT trên thiết bị di động sẽ được triển khai, cùng với các tính năng khác như thanh toán trực tuyến và tra cứu tiến độ, nhằm mang lại sự tiện lợi tối đa cho công dân và tổ chức khi thực hiện các DVCTT.

Dự kiến, thời gian hoàn thành công tác hoàn thiện, nâng cấp HTTT giải quyết TTHC sẽ là trước ngày 31/12/2024./.

Anh Minh