CSDL quốc gia đóng vai trò quan trọng cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, DN

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 08:30, 14/10/2024

Cơ sở dữ liệu quốc gia được xem là nền tảng cốt lõi, cung cấp dữ liệu cho mọi hoạt động và dịch vụ của chính phủ điện tử. Sự phát triển của cơ sở dữ liệu quốc gia càng mạnh mẽ và hoàn thiện, việc xây dựng và triển khai chính phủ điện tử sẽ càng hiệu quả và thành công
Chuyển đổi số

CSDL quốc gia đóng vai trò quan trọng cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, DN

Anh Minh {Ngày xuất bản}

Cơ sở dữ liệu quốc gia được xem là nền tảng cốt lõi, cung cấp dữ liệu cho mọi hoạt động và dịch vụ của chính phủ điện tử. Sự phát triển của cơ sở dữ liệu quốc gia càng mạnh mẽ và hoàn thiện, việc xây dựng và triển khai chính phủ điện tử sẽ càng hiệu quả và thành công

Cơ sở dữ liệu quốc gia tích hợp thông tin nhiều bộ, ngành, địa phương, giảm thiểu sự phân mảnh và trùng lặp

Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia là một tập hợp các thông tin, dữ liệu được quản lý và lưu trữ một cách có hệ thống, liên quan đến mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Đây là nguồn dữ liệu quan trọng, cung cấp thông tin chính xác, minh bạch và nhanh chóng cho quá trình ra quyết định của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp (DN) và người dân.

Trong đó, CSDL quốc gia là nền tảng cốt lõi, cung cấp dữ liệu cho mọi hoạt động và dịch vụ của chính phủ điện tử (CPĐT). Sự phát triển của CSDL quốc gia càng mạnh mẽ và hoàn thiện, việc xây dựng và triển khai CPĐT sẽ càng hiệu quả và thành công.

danh-sach-co-so-du-lieu-quan-tro.jpg
CSDL quốc gia là nền tảng cốt lõi, cung cấp dữ liệu cho mọi hoạt động và dịch vụ của CPĐT. (Ảnh minh họa)

Mối liên hệ này thể hiện rõ ở việc các CSDL quốc gia giúp tích hợp thông tin từ nhiều bộ, ngành, địa phương, giảm thiểu sự phân mảnh và trùng lặp dữ liệu. Điều này giúp tăng tính kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan chính phủ, từ đó hỗ trợ quá trình ra quyết định nhanh chóng, chính xác hơn. CSDL quốc gia cũng là công cụ quan trọng để phát hiện và ngăn chặn những sai sót trong quản lý, giúp giảm thiểu tệ nạn tham nhũng và nâng cao tính minh bạch của chính phủ.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã nhấn mạnh tầm quan trọng của CSDL quốc gia đối với CPĐT như một phương tiện để tăng cường cung cấp dịch vụ công (DVC), tính minh bạch và sự tham gia của công dân. Theo WEF, một CSDL quốc gia có cấu trúc tốt có thể đóng vai trò là kho lưu trữ tập trung cho dữ liệu của chính phủ, đảm bảo tính nhất quán và cải thiện chất lượng dữ liệu giữa các cơ quan khác nhau.

Tại Việt Nam, theo Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt nam (VCCI), xây dựng và phát triển CSDL quốc gia tổng hợp là trụ cột dữ liệu chính để tạo nền tảng xây dựng chính quyền số, thúc đẩy kinh tế số, hình thành xã hội số tại Việt Nam. Việc xây dựng CSDL quốc gia còn đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) cho người dân và DN.

Thông qua các hệ thống thông tin đồng bộ và hiện đại, các thủ tục hành chính (TTHC) trở nên đơn giản hơn, giảm bớt phiền hà, thời gian và chi phí cho người dân và DN khi tiếp cận các DVC. Điều này không chỉ giúp tăng cường niềm tin của người dân vào chính phủ, mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội thông qua việc tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh và đầu tư.

Mặc dù vậy, để mối liên hệ giữa CSDL quốc gia và CPĐT thực sự phát huy hiệu quả, cần có những chính sách đồng bộ và hợp lý. Chính phủ cần đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ thông tin, đào tạo nhân lực có kỹ năng cao, đồng thời xây dựng các quy định pháp lý rõ ràng để bảo vệ thông tin cá nhân, đảm bảo an toàn, bảo mật cho hệ thống dữ liệu quốc gia.

Việt Nam đang tập trung hoàn thiện cơ sở pháp lý vững chắc cho dữ liệu mở

Tham gia đối thoại tại buổi gặp mặt Asia Open Data Partnership (AODP) 2024 diễn ra vào ngày 08/10 ở Tokyo, Nhật Bản, bà Trần Hà Chi, Cán bộ Nghiên cứu, Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) đã đưa ra ví dụ cụ thể về việc ứng dụng hiệu quả công tác chia sẻ dữ liệu ở Việt Nam trong thời gian qua.

Cụ thể, bà Trần Hà Chi đã đề cập đến việc mở tài khoản ngân hàng trực tuyến thông qua định danh khách hàng điện tử (eKYC) cho phép các ngân hàng xác minh danh tính khách hàng nhanh chóng bằng cách truy cập vào CSDL dân cư quốc gia bằng căn cước công dân (CCCD) có gắn chip. Nhờ vào việc kết nối với CSDL quốc gia, quy trình mở tài khoản trở nên dễ dàng và bảo mật hơn, đồng thời thúc đẩy việc phát triển dịch vụ tài chính số tại Việt Nam.

Cuộc họp đối thoại 2024 Asia Open Data Partnership Dialogue meeting nằm trong khuôn khổ chương trình Hội nghị Thượng đỉnh Asia Open Data Partnership lần thứ 10 (AODP) năm 2024. Đây là năm thứ ba IPS tham gia sự kiện này. Là một phần trong các hoạt động, sự kiện đối thoại nhằm mục đích thúc đẩy phổ biến dữ liệu mở thông qua việc chia sẻ thông tin, thảo luận về tiến độ và thách thức của các hoạt động liên quan đến việc phổ biến và sử dụng dữ liệu mở ở nhiều quốc gia và khu vực, đặc biệt là ở Châu Á.

462721835_852985683653669_413329.jpg
Việt Nam đã tập trung mạnh mẽ vào hoàn thiện các hoạt động pháp lý liên quan đến dữ liệu mở trong những năm gần đây. (Ảnh: IPS)

Bà Trần Hà Chi đã cung cấp một bức tranh tổng thể về chiến lược dữ liệu quốc gia của Việt Nam cũng như những chính sách đã được ban hành nhằm thúc đẩy việc xây dựng và phát triển CSDL. Theo đó, Việt Nam đã tập trung mạnh mẽ vào hoàn thiện các hoạt động pháp lý liên quan đến dữ liệu mở trong những năm gần đây.

Năm 2019, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Năm 2020, Nghị định 47/2020/NĐ-CP về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước được ban hành đã đặt nền móng cho việc mở dữ liệu của chính phủ. Năm 2021, Chiến lược Quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 đã được phê duyệt.

Đặc biệt, năm 2023, Nghị định 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân đã được ban hành, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc bảo vệ quyền riêng tư và đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc chia sẻ dữ liệu. Đến năm 2024, dự thảo Nghị định quy định về CSDL dùng chung được đưa ra, cho thấy Việt Nam đang tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để thúc đẩy nền kinh tế dữ liệu.

Những cột mốc trên cho thấy nỗ lực không ngừng của Việt Nam trong việc xây dựng một cơ sở pháp lý vững chắc cho dữ liệu mở, nhằm thúc đẩy sự phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Hiện nay, Bộ Công an cũng đang soạn thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, nhằm mục đích thiết lập một khuôn khổ pháp lý toàn diện để bảo vệ dữ liệu cá nhân, đảm bảo quyền riêng tư của cá nhân được bảo vệ đồng thời thúc đẩy việc sử dụng dữ liệu hiệu quả trong quản lý nhà nước và phát triển kinh tế.

Dự thảo luật bao gồm các quy định về thu thập, xử lý, lưu trữ và chia sẻ dữ liệu, cũng như trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân xử lý dữ liệu cá nhân. Dự thảo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ để tăng cường bảo mật và quyền riêng tư của dữ liệu.

Theo cán bộ nghiên cứu của IPS, để thực hiện được chiến lược về dữ liệu mở cũng như xây dựng CSDL quốc gia còn là một chặng đường dài bởi những vướng mắc trong việc trao đổi, chia sẻ và sử dụng dữ liệu giữa khu vực công và khu vực tư vẫn chưa được tháo gỡ. Bên cạnh đó việc liên thông, kết nối dữ liệu giữa các bộ ngành, địa phương vẫn còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến tiềm năng khai thác tối đa nguồn dữ liệu.

“Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ cần nỗ lực hơn nữa để giải quyết những khó khăn hiện tại đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc xây dựng và phát triển CSDL quốc gia. CSDL này không chỉ giúp tăng cường khả năng quản lý, điều hành của nhà nước mà còn cải thiện hiệu quả trong việc cung cấp DVC cho người dân và doanh nghiệp”, bà Trần Hà Chi nói./.

Anh Minh